Từ những hiện tượng mạng triệu view cần tăng cường kiểm soát nội dung độc hại

Thứ Năm, 01/08/2019, 09:31
Youtube giờ đây đã trở thành một nền tảng mạng thu hút hàng triệu người ở Việt Nam tham gia làm nội dung. Hiện tượng nhà nhà, người người lập kênh youtube riêng là có thật, thậm chí có nhiều bạn trẻ coi việc phát triển nội dung trên kênh youtube là công việc khởi nghiệp của mình.


Bởi đây là một nền tảng số mà nếu nhắm trúng nhu cầu nghe-xem của công chúng để sản xuất các nội dung phù hợp, các chủ nhân của kênh có thể kiếm được rất nhiều tiền từ nhà cung cấp. 

Nhưng cũng chính vì lợi nhuận, cả nhà cung cấp nền tảng và không ít cá nhân sử dụng youtube đang vi phạm nghiêm trọng vào các quy tắc đạo đức, pháp luật trong khâu sản xuất cũng như khâu xét duyệt các clip, làm nhiễu loạn không gian mạng, khiến cho người xem có cảm giác nhiều giá trị đang bị đảo lộn.

Cơn sốt Bà Tân Vlog và những chiêu làm nội dung nhảm

Hiện tượng mới nhất gây kinh ngạc trên mạng xã hội gần đây là kênh youtube mang tên Bà Tân Vlog chỉ sau 20 ngày xuất hiện đã đạt tới con số khổng lồ 1,7 triệu người theo dõi. Không chỉ vậy, Bà Tân Vlog còn lọt vào top 3 kênh phát triển người đăng ký theo dõi nhanh nhất thế giới trong 24h. 

Chỉ với khoảng 20 clip được làm và phát trên kênh youtube riêng, bà Nguyễn Thị Tân, một phụ nữ đến từ huyện Lạng Giang, Bắc Giang, 58 tuổi với dòng tự giới thiệu “nông dân, cao 1,1m, nặng 32kg” đã dễ dàng chinh phục người xem khi clip nào phát trên nền tảng youtube cũng nhanh chóng đạt tới triệu view trong một khoảng thời gian ngắn. 

Bà Tân làm gì trên các clip mà hấp dẫn người xem đến vậy? Bà đơn giản là làm các món ăn dân dã với mức độ siêu khủng như chậu hoa quả dầm khổng lồ, nướng một lúc 200 cái xúc xích, xào một đĩa thịt trâu rau muống khổng lồ, trộn một nia xoài dầm khô gà lá chanh siêu cay khổng lồ, nướng 100 đùi gà cay, pha bình trà sữa 60 lít hay làm nồi lẩu siêu cay khổng lồ... 

Việc một người phụ nữ nhỏ bé, nói ngọng, làm clip nấu ăn với các dụng cụ thô sơ, thậm chí không được vệ sinh lắm giành nút vàng youtube sau 3 tuần hoạt động đã gây choáng váng với rất nhiều người đã và đang tham gia sáng tạo nội dung trên youtube. Trong khi nhiều người nổi tiếng thậm chí rất nghiêm túc trong việc đầu tư làm clip, từ chi phí tiền bạc đến người có nghề hỗ trợ cũng đang phải chật vật tăng lượng theo dõi trên các kênh youtube. 
Bà Nguyễn Thị Tân và kênh youtube triệu view thu hút công chúng bởi các clip thực hiện những món ăn siêu khủng.

Lý giải về hiện tượng này một số chuyên gia cho rằng, ê kíp thực hiện kênh Bà Tân Vlog đã biết nhắm vào thị hiếu của đa số công chúng Việt. Tâm lý chung của người xem là thấy cái gì lạ thì theo dõi. Ngoài ra yếu tố tuổi tác, cân nặng, hay việc bà Tân nói ngọng cũng khiến người xem tò mò. Món ăn siêu to, siêu khổng lồ do một người cao tuổi làm cũng là một cái lạ thu hút người xem. 

Mặc dù đang gây xôn xao bởi lượng người theo dõi khủng, Bà Tân Vlog vẫn được đánh giá là một kênh youtube sẽ không có tuổi thọ dài lâu. Bởi lẽ những cái lạ của Bà Tân Vlog mang đến không hàm chứa những giá trị bền vững cho cộng đồng. Giống như các trường hợp Khá Bảnh hay Lệ Rơi trước đó, người xem theo dõi kênh Bà Tân Vlog chủ yếu vì tò mò, thỏa mãn tính hiếu kỳ là chính.

Hiện tượng Bà Tân Vlog, cũng như một số hiện tượng mạng gây áp đảo về số lượng người xem trong một thời điểm đã hé lộ cho thấy việc sáng tạo nội dung trên youtube ngày càng tạm bợ, chủ yếu đuổi theo thị hiếu tò mò của công chúng thay vì tạo ra những nội dung có giá trị, đóng góp vào đời sống giải trí lành mạnh của người xem. 

Tất nhiên có một chút khập khiễng khi so sánh các hiện tượng như Bà Tân Vlog với Khá Bảnh và Lệ Rơi trước đó, nhưng có một mẫu số chung là các êkip nội dung này đều khéo léo tận dụng các cảnh quay, từ khóa giật gân, chiêu trò để câu kéo người xem. Khi quá đà hay cứ lặp đi lặp lại thì cũng sẽ gây ra sự chán ngán trong công chúng. Khi cái tò mò qua đi, người ta sẽ dễ dàng nhận ra, những cái họ xem hoàn toàn vô bổ, không có giá trị đáng kể.

Sự dễ dãi của người xem và trách nhiệm của nhà cung cấp nền tảng

Nhìn một cách toàn diện có thể thấy, hai yếu tố cơ bản nuôi dưỡng cho các kênh youtube nội dung hời hợt, thậm chí phản cảm có đất sống và thậm chí được nhận nút vàng danh giá là sự dễ dãi của người xem cùng với sự dễ dãi của nhà cung cấp nền tảng trong việc kiểm duyệt nội dung các clip. 

Từ hiện tượng Bà Tân Vlog, đã có bạn trẻ dũng cảm lên tiếng trên mạng xã hội, cho rằng giới trẻ Việt Nam hiện nay đang hùa theo trào lưu xem các nội dung nhảm trên youtube, trong khi những trang có nội dung cao đẹp công phu thì lại dễ dàng bỏ qua. 

Thú vị với cái nhảm, cái xấu, cái độc hại, cái vô bổ… cho thấy nếu không có một sự định hướng kịp thời, nhiều người trẻ sẽ phí phạm phần lớn thời gian của mình cho việc xem, nghe những clip thiếu tính lành mạnh, không có giá trị nuôi dưỡng, bồi đắp tình cảm, tâm hồn cho sự trưởng thành của mình.

Giang hồ Khá bảnh bị bắt vì tội đánh bạc, sau đó kênh youtube triệu view của người này đã bị xóa.

Về phía nhà cung cấp nền tảng, có thể nhận định, Youtube phần nào phải chịu trách nhiệm về việc để thoải mái cho các nội dung vô bổ, thậm chí nguy hại lọt lưới kiểm duyệt. Nền tảng này cho thấy không thể kiểm soát hoàn toàn các nội dung phát trên nền tảng của mình, bằng chứng là rất nhiều clip có nội dung xấu vẫn vô tư được phát, chủ nhân của nó vẫn vô tư nhận nút vàng, nút bạc của nhà cung cấp. 

Theo rà soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có tới 55.000 video có nội dung xấu tồn tại trên các kênh youtube Việt Nam. Nhiều bất cập của youtube được chỉ ra, như thuật toán kiểm duyệt nội dung còn bỏ lọt các nội dung vi phạm núp dưới các tiêu đề hay chuyên mục không vi phạm. 

Quy trình thẩm định và gỡ bỏ các clip độc hại của youtube còn tốn nhiều thời gian, vì thế có thể gây ra những tổn hại khó lường cho người xem. Với các clip độc hại bị youtube xóa rồi nhưng vẫn có thể dễ dàng được người dùng youtube đăng tải lại vì nền tảng này chưa có các chính sách khắt khe, quyết liệt trong các điều khoản dịch vụ của mình. 

Là một nhà cung cấp dịch vụ, kiếm tiền dựa trên việc bán quảng cáo vào các clip nhiều người theo dõi của các cá nhân chuyên sản xuất nội dung, youtube từng bị chỉ trích rất nhiều về việc chỉ tập trung hướng tới số lượt xem mà xem nhẹ việc quản lý nội dung trên nền tảng của mình. 

Trường hợp Khá Bảnh là một ví dụ. Nhà cung cấp nền tảng đã không đoái hoài việc kiểm duyệt các nội dung xấu do nhân vật này xây dựng trong các clip. Phải đến khi Khá Bảnh bị bắt vì tội đánh bạc và các cơ quan truyền thông, văn hóa của Việt Nam lên tiếng thì nhà cung cấp này mới xử lý tắt chức năng kiếm tiền cũng như xóa bỏ kênh cá nhân của nhân vật này. 

Ngay như trường hợp Bà Tân Vlog hay một số chủ nhân kênh youtube đang miệt mài làm các clip tương tự, kiểu món ăn siêu to, siêu cay, siêu khổng lồ... rất nhiều người cho rằng, việc dàn dựng các món ăn như vậy vừa mất vệ sinh vừa đổ đi vì thừa mứa là lãng phí và tạo ra những ấn tượng, cảm xúc mặc dù lạ nhưng rõ ràng là không tốt cho người xem, nhất là những người trẻ. 

Theo thống kê, phần đông người dùng youtube ở Việt Nam độ tuổi còn khá trẻ, và tất nhiên những nội dung độc hại từ nền tảng mạng này đang âm thầm ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ, khả năng nhận thức cũng như lối sống của họ.

Dĩ nhiên, theo quy luật đào thải, những gì vô bổ, tạm bợ, không có giá trị dù rất bắt mắt lúc xuất hiện cũng sẽ nhanh chóng bị khán giả bỏ quên. Các hiện tượng giang hồ mạng vừa qua, hay hiện tượng Lệ Rơi trước đó là ví dụ cụ thể minh chứng cho điều này. Hiện tượng Bà Tân Vlog cũng được đánh giá là sẽ “sớm nở tối tàn”. Mặc dù như vậy, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng ngay từ đầu sẽ vẫn là cần thiết, để giữ gìn một môi trường mạng lành mạnh, sạch sẽ cho người xem. 

Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã có nhiều động thái cần thiết đối với các sai phạm của youtube trong việc yêu cầu xóa bỏ các video, clip độc hại trên nền tảng này. 

Nhưng bấy nhiêu có lẽ vẫn là chưa đủ, vẫn cần hơn nữa một cơ chế quản lý gắt gao, sao sát, kịp thời của các cơ quan chức năng, buộc YouTube sớm hoàn thiện hệ thống rà soát và quản lý nội dung của mình, nhanh chóng loại bỏ kịp thời các video phản cảm, độc hại, trước khi chúng lan truyền trong cộng đồng. 

Bởi vì xét cho cùng, youtube là một đơn vị số làm ăn, kiếm tiền trên lãnh thổ Việt Nam thì phải góp phần vào việc tạo ra các giá trị tốt đẹp cho đời sống văn hóa, giải trí của Việt Nam, không thể cứ bỏ lọt những nội dung xấu, “xả rác” lên môi trường mạng. 

Việc yêu cầu youtube chặt chẽ kiểm soát nội dung trên các kênh youtube Việt cũng chính là cách để động viên các nhà làm nội dung chân chính yên tâm, lạc quan với công việc của mình, phát triển ý tưởng lành mạnh phục vụ cho công chúng, làm sạch hóa môi trường mạng đang còn nhiều bất cập như hiện nay.

Bùi Xuân
.
.
.