Từ vụ cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh: Thổn thức sau bão lửa

Thứ Ba, 09/07/2019, 11:15
Người dân bên dòng sông Lam, sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu vẫn thường tự hào về núi Hồng Lĩnh, họ xem đó như biểu tượng của đất Lam Hồng. Nhưng rồi, một phút bất cẩn của người dân, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt, những cánh rừng nhiều năm tuổi đã biến thành biển lửa.


Hơn 3 tháng trôi qua, dải đất Bắc miền Trung không có mưa. Hạn hán lịch sử làm đảo lộn cuộc sống người dân. Những cánh rừng xanh tươi ở dải đất gió Lào cát bỏng dần chuyển màu trong khô cằn. 

Cán bộ chiến sỹ Công an, Bộ đội cùng người dân trắng đêm dập lửa cứu rừng ở núi Hồng Lĩnh.

Người dân bên dòng sông Lam, sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu vẫn thường tự hào về núi Hồng Lĩnh, họ xem đó như biểu tượng của đất Lam Hồng. Nhưng rồi, một phút bất cẩn của người dân, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt, những cánh rừng nhiều năm tuổi đã biến thành biển lửa. 

Hàng ngàn người đã phải mất ăn, quên ngủ để chống chọi với hỏa hoạn. Những chiếc áo ướt đẫm mồ hôi; những bàn chân rỉ máu bỏng rát; những khuôn mặt bơ phờ vì mệt mỏi… mỗi bàn tay đã nắm chặt cùng nhau tạo thành những hành lang chống lửa.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát tại hiện trường điểm cháy và thăm hỏi, động viên lực lượng tham gia chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh.
Ông Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thăm hỏi, động viên lực lượng tham gia chữa cháy.

Câu ca dao “Ai biết nước sông Lam cũng có khi khô cạn/ Ai biết núi Hồng Lĩnh cũng có khi hết cây” đưa chúng tôi đến chân núi Hồng (Hà Tĩnh) với nhiều tâm trạng. Ba ngày cháy rừng liên tiếp kéo dài cả kilômét “Núi Hồng bốn mùa thông reo” nhiều nơi giờ chỉ còn là ký ức qua vần nhạc, bởi nhiều cánh rừng thông đã bị cháy rụi do hỏa hoạn. Nhìn hàng trăm ha rừng nhiều năm tuổi bị thiêu rụi chỉ trong vài ngày mới thấy hết sự tàn khốc của “nhất thủy nhì hỏa”. 

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi tại bìa rừng để uống nước của cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Tĩnh trong vụ dập lửa cứu rừng.
Nhiều lực lượng được điều động hỗ trợ dập lửa.

Dẫn chúng tôi men theo đám tro tàn, anh Trần Đình Nam, một người dân ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh sinh sống gần cạnh đám cháy thở dài tâm sự: “Ai đi qua về lại vào Nam ra Bắc theo Quốc lộ 1A qua địa bàn Hà Tĩnh đều thấy núi Hồng Lĩnh, ngọn núi này không chỉ là núi đơn thuần mà nó còn biểu tượng của cả một vùng quê. Vì vậy người ta mới gọi đất Núi Hồng, Sông Lam. Ít có ngọn núi, con sông nào đi vào thơ ca, nhạc họa như dãy núi này. Nó như bức bình phong án ngữ phía đông của tỉnh Hà Tĩnh. Vì vậy mỗi lần đi xa, trong niềm vui, nỗi nhớ người dân nơi đây thường hát những ca khúc về quê hương và trong ca từ lại nhắc đến Núi Hồng, Sông Lam là vì vậy”. 

Khi xảy ra cháy rừng ở núi Hồng Lĩnh, các lực lượng Công an, Bộ đội, Kiểm lâm cho đến mỗi người dân tham gia chống cháy đều hành động bằng trái tim mình. Ai cũng khẩn trương, ai cũng muốn gắng sức để đám cháy sớm được dập tắt để bảo vệ rừng, bảo vệ biểu tượng linh thiêng trong lòng mỗi người…

Ngọn núi hàng ngàn năm tuổi, cánh rừng cây xanh hàng chục năm theo dấu chân người, biểu tượng niềm tự hào của nhiều người bỗng chốc trở thành biển lửa. Vì thiên nhiên khắc nghiệt hay vì còn có những con người vô tâm với rừng. Thiết nghĩ cả hai. 

Tại Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh chúng tôi gặp Phan Đình Thành, người đã gây ra vụ cháy rừng khủng khiếp ở núi Hồng. Sinh năm 1970, năm nay Thành đã bước gần đến tuổi 50, tuổi mà người đời vẫn thường gọi “ngũ thập tri thiên mệnh” (tuổi 50 biết cả mệnh trời), nhưng Thành chủ quan đến mức khó lý giải cho việc làm của mình khi gây ra cháy rừng. 

Đành rằng Thành sơ suất, đành rằng Thành không cố ý nhưng việc Thành gây ra thật đáng trách, đáng giận. Một mồi lửa từ bàn tay của Thành đã làm hàng ngàn con người phải trắng đêm liều mình trong biển lửa để cứu rừng, cứu nhà dân. Và hậu quả hàng trăm ha rừng đã bị thiêu trụi. 

Trong câu chuyện gây họa của mình, Thành biết lỗi nên lời anh ta cũng lí nhí sợ sệt. Sáng 28-6-2019, Thành đi mua đồ ăn sáng và mua một chiếc bật lửa ga để hút thuốc. Gần trưa cùng ngày, Thành ra vườn, gom rác lại khu vực cuối vườn rồi dùng bật lửa để đốt rác. Gió thổi mạnh ngọn lửa nơi Thành đốt cháy lan ra khắp vườn, Thành múc nước dập lửa nhưng không được. 

Công an Hà Tĩnh giúp dân sơ tán, di dời trang thiết bị, hiện vật khỏi khu vực nguy hiểm do cháy rừng.
Công an Hà Tĩnh giúp dân sơ tán, di dời trang thiết bị, hiện vật khỏi khu vực nguy hiểm do cháy rừng

Thành gọi người làng đến giúp sức, nhưng gió lào thổi mạnh, trời nắng như rang, gió như phang vào ngọn lửa. Đám cháy không những không khống chế được mà tiếp tục bùng phát đến vườn thông rừng trồng sau nhà Thành rồi trở thành điểm cháy gây kinh hoàng cho người dân.

Anh Nguyễn Đình Hoàng, trú ở xã Xuân Hồng chỉ vào đám cháy nói với chúng tôi với giọng đầy xúc động: “Không có Công an, Bộ đội thì mấy ngày qua không những cháy rừng mà nhà dân xung quanh đây sợ cũng bị ngọn lửa thiêu rụi. Không kể dưới nắng như đỏ lửa, hay đêm khuya khi người dân phải rời khu vực cháy để đảm bảo an toàn thì các anh lại đi vào để dập lửa, chữa cháy”.

Thượng tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đăm chiêu khi nói về vụ cháy: “Ngay sau khi nhận được tin báo cháy rừng, Ban chỉ huy Công an huyện Nghi Xuân phối hợp phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy linh hoạt trong công tác chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra”. 

Đến hiện trường, nhận thấy đám cháy ở quá gần nhà dân, Thượng tá Thành đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh phân bổ quân số, vừa dập lửa cứu rừng, vừa di dời dân đến nơi an toàn. Đã 4 ngày qua, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Nghi Xuân đều được huy động 100% quân số để phối hợp Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy - Công an tỉnh, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, cấp ủy chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân tích cực chữa cháy. 

Thượng tá Thành cho biết thêm: “Ngày 28-6, Ngày Gia đình Việt Nam, trước đó anh em trong đơn vị cũng định tổ chức cho các gia đình cán bộ, chiến sỹ gặp nhau, hoặc tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sỹ sum họp gia đình. Nhưng trưa 28-6, xảy ra vụ hỏa hoạn cháy rừng ở xã Xuân Hồng rồi lan đến núi Hồng Lĩnh ở thị trấn Nghi Xuân, nên tất cả đều gác lại, không ai về nhà mà nhận lệnh đến điểm cháy để cứu rừng”.

Cả ngày 28-6, chiến đấu với giặc lửa, khi đêm xuống ngọn lửa đã được khống chế, anh em mệt nhoài, nhiều người nằm ngay cạnh bìa rừng để ngủ. Giấc ngủ chập chờn không giường, chiếu cạnh bìa rừng của các anh nào đâu có yên, đến 3 giờ sáng ngày 29-6, đám cháy bùng phát trở lại tại núi Hồng Lĩnh. Ngay trong đêm hơn 1.000 người lại được huy động để dập lửa cứu rừng. 

Tất cả lực lượng đang ứng trực tại hiện trường lại lao vào điểm lửa để giành giật từng khoảnh rừng, từng gốc cây với ngọn lửa hung tàn trong nắng hạn. Giáp mặt, gồng mình với ngọn lửa rừng rực, bỏng rát, anh em như quên đi khói, bụi, gió lào bỏng rát, vết bỏng hay trầy xước... việc dập lửa cứu rừng với các anh lúc này không còn là mệnh lệnh mà đó là tình cảm với cây rừng, với núi Hồng Lĩnh biểu tượng của đất Hồng Lam.

Ba ngày liền đối mặt cùng ngọn lửa dữ dội ở Hồng Lĩnh, Thượng úy Lê Anh Hùng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an Hà Tĩnh cho biết: “Đã có lúc anh em gần như kiệt sức vì nắng, lửa bỏng rát nhưng chúng tôi vẫn căng mình ra khống chế và ngăn chặn đám cháy lan xuống khu dân cư. Gần 3 ngày trôi qua, anh em gần như không còn thời gian nghỉ ngơi, nhưng ai nấy cũng đều dốc sức, dốc lực, dốc tâm, dốc trí để chữa cháy. Có thời điểm, khi đám cháy lan rộng và nắng nóng cao điểm nhất, hầu hết chiến sỹ bị bỏng, song không ai kêu ca, mà tiếp tục với nhiệm vụ để khống chế đám cháy”…

Dương Sông Lam
.
.
.