Tuần lễ quyết định cho người dân Mỹ

Thứ Hai, 02/11/2020, 09:46

Tính đến cuối ngày 28-10, đã có 70 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm. Ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ được cho là đang thắng thế. Song, với khoảng thời gian một tuần còn lại, điều gì cũng vẫn có thể xảy ra.



"Chiến trường" sôi sục

Bốn năm sau sự thờ ơ và lạnh nhạt đến tận cùng của kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, các cử tri Mỹ thể hiện một sự nhiệt thành đáng ngạc nhiên đối với cuộc đua lần này.

Tính tới chiều 27-10, đã có 69,5 triệu phiếu bầu sớm được gửi, chiếm 50,4% tổng số cử tri đi bỏ phiếu trong năm 2016. Trong đó, có 46,3 triệu phiếu được bỏ qua bưu điện và 23,1 triệu phiếu bầu trực tiếp. Năm 2016, tổng số phiếu bầu sớm chỉ đạt 47,2 triệu phiếu. Ước tính số lượng phiếu bầu qua bưu điện sẽ đạt mức kỷ lục cho ngày bầu cử 3-11 sau khi một số tiểu bang tuyên bố kéo dài việc bỏ phiếu bằng hình thức này nhằm ứng phó đại dịch COVID-19, cũng như tổ chức nhiều địa điểm bỏ phiếu sớm, giúp các cử tri không phải xếp hàng hoặc gặp khó khăn trong ngày bầu cử.

Cuộc đua giữa ông Trump và ông Biden vào giai đoạn nước rút.

Ở một khía cạnh khác, theo các số liệu thống kê, trên phạm vi toàn nước Mỹ, hiện không chỉ ghi nhận số lượng phiếu bầu qua bưu điện cao chưa từng có mà thời gian mà cử tri gửi lại phiếu bầu sau khi nhận được cũng sớm hơn so với tất cả các kỳ bầu cử trước.

Tuy vậy, trong số hơn 33 triệu lá phiếu đã được bỏ sớm tính đến ngày 27-10, số phiếu của cử tri đảng Dân chủ chiếm 48%. Số phiếu của các cử tri đảng Cộng hòa chỉ đạt 29%, các đảng khác dưới 1% và những người không theo đảng phái nào là 22%. Điều này, được một số cuộc thăm dò lý giải, xuất phát từ việc đa số cử tri đảng Cộng hòa muốn đi bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử, sau những tuyên bố của đương kim Tổng thống Donald Trump, về khả năng gian lận khi bỏ phiếu qua bưu điện.

Các cuộc thăm dò cử tri trong những ngày "áp chót" này vẫn cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang tạm dẫn trước ứng viên đảng Cộng hòa - Tổng thống Donald Trump - với cách biệt lên tới 10% trên phạm vi toàn quốc.

Tờ Le Figaro của Pháp nhận định trong chặng cuối này, hai đối thủ vẫn tiếp tục bám đuổi nhau. Và không khác biệt gì nhiều so với kỳ bầu cử năm 2016, chiến trường phân định thắng - thua vẫn chỉ tập trung ở một vài bang chủ chốt.

Theo thống kê của Real Clear Politics về tỷ lệ ủng hộ trung bình của cử tri, ông Biden tạm dẫn trước Tổng thống Trump ở Michigan với cách biệt 9% (bang mà ông Trump đã giành được khi nhiều hơn đối thủ Hillary Clinton 11.000 phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2016) và cao hơn 5% ở cả hai bang Nevada và Wisconsin (bang mà ông Trump đã giành được với khoảng 23.000 phiếu bầu, nhiều hơn đối thủ vào năm 2016).

Cựu Tổng thống Obama vận động cử tri ủng hộ ứng cử viên Biden.

Thống kê trung bình các cuộc thăm dò của Five Thirty Eigh cho thấy Tổng thống Donald Trump tạm có ưu thế hơn ông Biden tại bang Nebraska. Ông Trump cũng hơn ông Biden với khoảng cách sít sao tại bang Georgia - theo thống kê của Real Clear Politics.

Le Figaro đánh giá, ở ít nhất ba bang chủ chốt như Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, Tổng thống Trump đang thu hẹp khoảng cách và cựu Phó Tổng thống Joe Biden chỉ còn vượt lên với 3%. Đây cũng là 3 bang mà ông Trump đã giành chiến thắng cách đây 4 năm. Trong khi đó, ứng viên Dân chủ cũng đang mất dần ưu thế ở 3 bang miền Nam là Florida, Georgia và Bắc Carolina.

Tình hình ở các bang "chiến địa" khác cũng đang biến động lên xuống khó lường. Chính vì thế mà cả hai ứng viên trong những tuần cuối đã dồn tổng lực vận động ở các bang này. Thậm chí, có ngày, Tổng thống Donald Trump tổ chức tới 2-3 cuộc mít tinh tranh cử.

Trong khi đó, đảng Dân chủ huy động cả cựu Tổng thống Barack Obama vào cuộc. Đường đua càng ngắn lại thì càng thêm gay cấn và đến thời điểm này, không một dự báo nào có thể đáng tin cậy. Le Figaro nhận xét: "Nếu căn cứ vào sự phấn khích của những người ủng hộ vị Tổng thống tỷ phú đương nhiệm, không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ ông Trump đang yếu thế hơn đối thủ".

Những "bất ngờ muộn tháng 10"

"Bất ngờ tháng Mười" (October Surprise) là một thuật ngữ quen thuộc đối với giới quan sát quốc tế, dùng để chỉ những sự kiện bất ngờ xảy đến và có thể có tác động trực tiếp đến kết quả cuối cùng, trong các cuộc bầu cử Mỹ. Thực chất, "Bất ngờ tháng Mười" có thể là những quyết sách, những hành động "lấy điểm" với cử tri, cũng có thể là những vụ bê bối được phanh phui và khuếch đại nhờ giới truyền thông nắm trong tay của một phe, nhằm công kích và triệt hạ uy tín của phe kia trong mắt những người có quyền bỏ phiếu nhưng vẫn còn chưa quyết định chọn ai. Nói như vậy, bởi hầu hết các cử tri trung kiên của đảng Dân chủ cũng như đảng Cộng hòa đều đã xác định được người mà mình muốn ủng hộ để trở thành tổng thống mới của nước Mỹ từ rất sớm.

Năm nay, người ta đã chờ đợi sự xuất hiện của October Surprise ngay từ cuối tháng Chín. Song, có lẽ, đến lúc này, những "bất ngờ muộn tháng Mười" đích thực mới bắt đầu xuất hiện.

Đã có 70 triệu cử tri Mỹ đi bầu cử sớm.

Ngày 26-10, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu xác nhận đề cử của Tổng thống Donald Trump đối với bà Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao, thay cho cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Như vậy, bà Barrett cùng với hai thẩm phán bảo thủ khác đã được ông Trump đề cử trước đây là ông Neil Gorsuch (53 tuổi) và ông Brett Kavanaugh (55 tuổi) sẽ đại diện cho 1/3 số thẩm phán của Tòa án Tối cao.

Đây được xem là một "món quà" dành cho ông Trump. Nó thể hiện rằng các đại cử tri - những người thực sự có quyền quyết định thành bại trong cuộc đua đến Nhà Trắng, chứ không phải chủ nhân của các lá phiếu cử tri phổ thông - thuộc phe Cộng hòa hoàn toàn đứng về phía ông. Ngược lại, việc bổ nhiệm này đã từng bị phe Dân chủ phản đối mạnh mẽ, do lo ngại cán cân quyền lực tại Tòa án Tối cao nghiêng sang phe bảo thủ nhiều hơn (với 6 thẩm phán bảo thủ và 3 thẩm phán tự do).

Cùng ngày 26-10, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết từ chối đề nghị của đảng Dân chủ, về việc gia hạn thời gian tính phiếu đối với các phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện tại bang Wisconsin - điều được xem như một ưu thế đáng kể cho cơ hội của ông Biden đối với cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Trường hợp tại Wisconsin được theo dõi sát sao do bang này có ý nghĩa quan trọng đối với cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump. Chiến thắng sít sao tại Wisconsin đã giúp ông Trump đắc cử năm 2016.

Cùng ngày, phe Cộng hòa tại bang Pennsylvania cũng đã lần thứ hai yêu cầu Tòa án Tối cao bác đề nghị gia hạn thời gian kiểm phiếu đối với phiếu bầu cử qua đường bưu điện tại bang Pennsylvania, một trong những bang chiến địa quyết định đến cuộc đua vào Nhà Trắng. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây tại bang này cho thấy, ông Biden duy trì ưu thế so với Tổng thống Trump.

Chưa hết, phát biểu với báo giới ngày 27-10 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố: "Sau cuộc bầu cử, chúng tôi sẽ đạt được một gói kích thích kinh tế hiệu quả nhất mà bạn từng thấy ".

 Hiện các nghị sỹ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang xem xét một gói các biện pháp kích thích kinh tế có tổng trị giá khoảng 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên, hai bên mâu thuẫn về viện trợ cho các bang và địa phương, kế hoạch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 toàn quốc hay mở cửa trở lại các trường học. Các số liệu thống kê cho thấy, có thêm khoảng 8 triệu người Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới vật lộn với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19, khiến hàng chục triệu lao động bị mất việc và kinh tế sụt giảm mạnh. Chính vì thế, lời cam kết hành động này của ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn có thể tác động mạnh đến kết quả cuối cùng của những lá phiếu.

Thiên Thư
.
.
.