Từng thành công, vẫn phải dè chừng COVID-19

Thứ Tư, 05/08/2020, 17:38
Với những diễn biến nóng bỏng từ TP Đà Nẵng liên tục được cập nhật trong 2 tuần cuối tháng 7 cho thấy đại dịch COVID-19 đã quay lại với nước ta.


Còn nhớ liên tục trong gần 100 ngày qua, kể từ dạo lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ, khi cả nước đã qua nhiều ngày liên tục không phát hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, tất cả các ca nhiễm mới đều trong số người nhập cảnh đã được cách ly, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn rất nhiều lần nhắc nhở các địa phương, các cấp ngành và toàn dân không được chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh này quay trở lại.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 tổ chức ngày 7-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lưu ý rằng “diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp; số người nhiễm, số người tử vong do dịch bệnh tại nhiều nước vẫn ở mức cao, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại”.

Các nội dung mà những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước lưu ý đã cho thấy ngay ở thời điểm đó, khi mà Việt Nam nhận được rất nhiều sự khen ngợi của bạn bè thế giới, thì Việt Nam vẫn không hề xem “cuộc chiến chống COVID-19” ở Việt Nam đã kết thúc. Nhưng vấn đề là: Với dịch bệnh thì không chỉ quyết tâm cao của những vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ… là đủ, mà còn đòi hỏi ở quyết tâm như thế nào của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và người dân.

Lực lượng Công an luôn đi đầu, chấp hành nghiêm nhiệm vụ phòng chống dịch COVID – 19.

Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới phải nói rõ là “các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan” thì mới hy vọng dịch bệnh nguy hiểm này sẽ không quay trở lại. Nói thế để thấy là tất cả mọi người, mọi cơ quan, đoàn thể, tổ chức… đều phải nghiêm túc xem xét ngay rằng bản thân hay cơ quan, đơn vị, địa phương mình có thực sự đã “đề cao cảnh giác” chưa hay vẫn lơ là, chủ quan?

Mà gì chứ cái chuyện “lơ là, chủ quan”, và cả buông lỏng chỉ đạo nữa, thì ở đâu chứ ở nước ta xin cứ nói thật với nhau là cũng đã thành những thứ “bệnh nan y” lâu nay chứ không chỉ để nói cho vui.

Thì cứ xem trong cao điểm của “cuộc chiến lần thứ nhất” mà cả nước đã ra quân cách đây mấy tháng với chính đại dịch COVID-19 này, sẽ rõ. Ai đời giữa khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội mà vẫn có chuyện một loạt quan chức của Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, toàn mấy vị học hàm học vị rất cao, nhưng vẫn tổ chức ăn nhậu. Một loạt vụ nhà hàng karaoke tổ chức đại tiệc sinh nhật, tụ tập đông người để hát hò ăn nhậu với nhau, cứ như chuyện chống dịch là của ai chứ không liên quan gì mình.

Rồi thì những việc tưởng chừng là rất nhỏ, như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người như bến xe, nhà ga, siêu thị hay sát trùng tay, đo thân nhiệt… vừa được triển khai khá thành công trong mấy tháng chống dịch, thì đã bị nhiều người quên ngay lập tức sau lệnh dỡ bỏ giãn cách xã hội. Rất nhiều cơ quan, đơn vị đã chấp nhận đầu tư để huấn luyện và áp dụng rất thành công với việc họp trực tuyến, làm việc qua mạng, nhưng việc hiệu quả và tiện dụng như thế cũng mau chóng bị xóa bỏ.

Lớn hơn những chuyện đó nữa thì còn có việc hàng chục người từ Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa, với sự hậu thuẫn của một số đối tượng, chỉ khi đến tận TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thì mới bị phát hiện, mới được áp dụng các biện pháp y tế. Mà chắc chắn rằng số người nhập cảnh trái phép không dừng lại ở con số vài chục người này.

Rồi thì mới đây, người dân lo lắng trước những bất cập trong việc đối phó với dịch bạch hầu, đặc biệt ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. 

Bây giờ thì “cuộc chiến” với COVID-19 ở Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới. Tại cuộc họp ngày 27-7 của Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức, chuyên gia quốc tế về công tác phòng, chống dịch bệnh, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá việc xuất hiện lại các ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường, vì thực tế nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

Đúng là bình thường nhưng vẫn không thể lơ là, chủ quan, dù cả khi chúng ta đã có kinh nghiệm từ những thành công của giai đoạn đầu để những ngày qua chủ động trong việc kích hoạt các giải pháp phù hợp tình hình.

Nói như thế là bởi thông tin tại cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng với Thủ tướng Chính phủ vào trưa 27-7 cho biết, trong những ca mới phát hiện mắc COVID -19 tại địa phương này thì ca 416, 418 và 420 là đều chưa truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, vấn đề lo lắng hiện nay là có thể có nhiều nguồn lây trong cộng đồng và hiện còn nhiều người nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh mà chưa phát hiện được.

Đấy là chưa nói đến việc tại Đà Nẵng, việc rà soát, cách ly các trường hợp F1, F2 cũng gặp khó khăn vì số lượng người thuộc diện này rất lớn. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng đã là 8.000 trường hợp và dự kiến có khoảng 10.000 đối tượng F1, F2 trên toàn TP. Những khu vực có nguy cơ cao, khu vực có người nước ngoài, người Trung Quốc và các hoạt động mà những bệnh nhân đã đến cũng rất nhiều...

“Chủ động, bình tĩnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát”. Đây là mệnh lệnh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 27-7 về phòng, chống dịch COVID-19.

Lương Duy Cường
.
.
.