Tuổi trẻ công an và những giọt máu nghĩa tình

Thứ Sáu, 24/04/2020, 14:24
"Nơi nào cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên", câu nói ấy thật đúng với những gì chúng ta chứng kiến trong thời gian qua - khi tuổi trẻ nói chung và tuổi trẻ CAND nói riêng nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại. Những giọt máu nghĩa tình của tuổi trẻ CAND đã góp thêm cho"ngân hàng" máu hàng ngàn đơn vị máu, qua đó bớt đi được phần nào nỗi lo khan hiếm máu mùa dịch COVID-19.

Ngày 14/4, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen Thiếu úy Vàng Ly Công, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại - Công an tỉnh Sơn La và Thượng úy Nguyễn Thành Công - cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Đắk Lắk vì có hành động đẹp, cao cả và nhân văn, tích cực tham gia phong trào tình nguyện hiến máu cứu người. Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Công an tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Đắk Lắk có những chính sách khen thưởng, động viên kịp thời đối với hai đồng chí…

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk tích cực tham gia hiến máu nhân đạo.

1. 7h ngày 9/4, chấp hành nghiêm các quy định ngặt nghèo về phòng, chống dịch COVID-19, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Ninh Thuận có mặt tại Khoa Truyền máu huyết học, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận để tham  gia hiến những giọt máu nhân đạo cho "ngân hàng" máu Bệnh viện. Khuôn mặt các cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên Công an ai nấy đều mừng vui. 

Đây là lần thứ 20 tham gia hiến máu tình nguyện, song cảm giác bồi hồi lại dội về trong suy nghĩ Trung úy Trần Quốc Tuấn, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Ninh Thuận. 

Trung úy Tuấn tâm sự, anh luôn tâm niệm, đâu đó ngoài xã hội còn những mảnh đời éo le, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cần đến cơ số máu của bản thân và đồng nghiệp hiến tặng. Và cũng biết đâu rằng, chính cơ số máu ấy đã giúp ai đó giành lại sự sống từ… tử thần. Sau một vài thao tác xét nghiệm, kiểm tra thể trạng sức khỏe, cơ số máu của Trung úy Tuấn được các y, bác sĩ của Bệnh viện bổ sung cho "ngân hàng" máu. 

9h, trong khuôn viên của Bệnh viện, không khí rộn ràng của một ngày hội. Gần 100 cán bộ, đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Ninh Thuận, không ai bảo ai, xếp hàng giãn cách theo thứ tự đeo khẩu trang để vào hiến máu. 

Không chỉ có Trung úy Tuấn, trong chương trình hiến máu hôm nay còn có Thượng úy Hoàng Mạnh Quân - Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (với 12 lần tham gia hiến máu), Trung úy Nguyễn Thị Hải Yến - đoàn viên Chi đoàn Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (với 13 lần tham gia hiến máu), Thượng úy Nguyễn Tăng Thanh - Bí thư Chi đoàn Phòng Tham mưu (17 lần tham gia hiến máu)… Những gương sáng đoàn viên thanh niên trên một lần nữa khẳng định tinh thần xung kích, tình nguyện trong phong trào hiến máu, cứu người. 

Đại úy Trần Hoàng Nguyên Vũ, Bí thư Đoàn Công an tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 20 năm Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện và Thư kêu gọi của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ CAND tích cực tham gia hiến máu cứu người và chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng như Đoàn Thanh niên Bộ Công an, trong ngày 9/4, đã có gần 100 đoàn viên, thanh niên tình nguyện đăng ký và hiến hơn 94 đơn vị máu. 

Việc làm này thể hiện vai trò tiên phong, hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân; đồng thời giảm nguy cơ thiếu máu, phục vụ công tác điều trị trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành. 

2.Quy luật "sinh - lão - bệnh-tử" nào có chừa một ai. Chính trong thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, không ít trường hợp cần đến những giọt máu đượm nghĩa tình. Giọt máu nhân đạo tựa nhựa sống cứu vớt các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. 

Thiếu tá Bạch Quốc Tuyên, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Công an tâm sự, chúng ta hãy chung tay, trao tặng một phần tài sản của mình - nguồn máu nhân đạo, để tình nhân ái, tính cộng đồng không ngừng lan tỏa trong xã hội. 

Cũng bởi thông điệp "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại" luôn chảy trong tuổi trẻ CAND, nên chỉ chưa đầy một tuần (từ 8/4 đến hết 13/4) sau khi Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên Bộ Công an phát động, tuổi trẻ CAND các đơn vị đã tổ chức 21 hoạt động hiến máu tình nguyện, với 6.247 đoàn viên thanh niên Công an tham gia. Kết quả, số đơn vị máu bổ sung cho "ngân hàng" máu là 5.126 đơn vị máu. 

Lượng máu của đoàn viên thanh niên CAND góp phần làm vơi đi nỗi lo thiếu máu dự trữ trong mùa dịch COVID-19.

Cũng theo Thiếu tá Bạch Quốc Tuyên, để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, các cơ sở Đoàn trong CAND đã quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ sở Đoàn thay vì tập trung đông đoàn viên tham gia hiến máu đã triển khai chương trình thành nhiều đợt, nhiều ngày. Như tại Công an tỉnh Đắk Lắk. Theo kế hoạch, Công an tỉnh triển khai chương trình hiến máu trong 3 đợt (ngày 8,17 và 28/4) và số đơn vị máu dự kiến thu về là hơn 1.000. 

Thượng úy Đinh Xuân Hoàng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hành động hiến máu nhân đạo thể hiện nghĩa cử nhân ái, tính nhân văn và sức mạnh xung kích đi đầu của tuổi trẻ CAND; đồng thời ý thức được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người, phong trào "hiến máu cứu người" do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phát động trong thời gian qua thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên tham gia. Việc hiến máu không chỉ cứu người mà còn góp phần rèn luyện sức khỏe cho đoàn viên thanh niên, đảm bảo các yêu cầu về công tác, thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, vì bình yên cuộc sống. 

Chỉ tính riêng trong ngày 8/4, tại khuôn viên Phòng Cảnh sát Cơ động - Công an tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 350 cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu, kết quả thu được 120 đơn vị máu. 

3. Có thể thấy rằng, dẫu khoa học công nghệ kỹ thuật có phát triển đến đâu, phục vụ thế nào cho hoạt động khám, chữa bệnh đi chăng nữa, thì máu trong cơ thể con người không có khoa học kỹ thuật tiên tiến nào có thể thay thế được. Nguồn máu mất đi phải được bù đắp bởi một lượng máu cùng nhóm nhất định từ người khác. Bởi thế, hoạt động hiến máu tình nguyện đã và đang hội tụ các giá trị: Chân - Thiện - Mỹ, nhất là khi hiện nay, đại dịch COVID-19 đã và đang hoành hành, gây đảo lộn cuộc sống người dân.

Thực tiễn cho thấy, đã có nhiều trường hợp mang nhóm máu hiếm không may mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn thương tâm, tưởng chừng như vô phương cứu chữa đã kịp thời được chữa trị… nhờ nguồn máu nhân đạo. 

Nhắc đến sự việc của chị Thào Thị Dy (SN 1994) ở xã Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, nhiều người biết chuyện chưa hết cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của Thiếu úy Vàng Ly Công, đoàn viên, cán bộ Phòng An ninh đối ngoại - Công an tỉnh Sơn La. 

Ngày 25/3, chị Dy được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La trong tình trạng mất máu nhiều do vỡ cổ tử cung, cần truyền khoảng 4 đơn vị máu - thuộc nhóm máu hiếm. Trong khi đó, người thân không có ai trùng nhóm máu với chị. Mọi người trong gia đình tuyệt vọng, những tưởng chị Dy không qua khỏi. Lúc này, đồng chí Công biết tin, liền tới bệnh viện, đăng ký hiến máu cho chị Dy. Nhờ cơ số máu của đồng chí Công, chị Dy đã qua cơn nguy kịch. 

Hay như đồng chí Thượng úy Nguyễn Thành Công, đoàn viên, cán bộ Phòng Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh Đắk Lắk đã hơn 30 lần hiến máu tình nguyện, trong đó nhiều lần đến bệnh viện hiến máu để kịp thời cứu sống người bệnh đang cấp cứu cần truyền máu hiếm.

Có thể thấy rằng, với nghĩa cử đẹp gắn với thông điệp "Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", tuổi trẻ CAND đã và đang góp thêm những giọt máu quý giá cho "ngân hàng" máu, phục vụ kịp thời cho việc điều trị, cấp cứu người bệnh; đồng thời thể hiện nét đẹp văn hóa của đoàn viên, thành niên CAND, khơi dậy tinh thần "tương thân, tương ái" trong cộng đồng.

Trần Huy
.
.
.