Nhớ GS Ngô Mạnh Lân, mặn nồng một trái tim với Tổ quốc (Kỳ 1):

Tuổi trẻ sôi động, say mê

Thứ Năm, 20/12/2012, 14:54

Giáo sư Chính trị - Kinh tế Ngô Mạnh Lân (Việt kiều Pháp) sinh năm 1931, quê ở Hà Nội. Ông đã qua đời ở tuổi 82 vì căn bệnh tim tại Pháp trong sự thương tiếc của gia đình và những người yêu mến ông. Báo Cảnh sát toàn cầu xin gửi bài viết này từ sổ tư liệu của phóng viên theo lời ông tâm tình như một nén hương tưởng niệm hương hồn ông, một trái tim mặn nồng với đất nước.

Giáo sư Chính trị - Kinh tế Ngô Mạnh Lân (Việt kiều Pháp) sinh năm 1931, quê ở Hà Nội. (Cụ thân sinh là Ngô Văn Phi học ở Trường Cao đẳng Y dược Đông Dương năm 1929 cùng khóa với bác sĩ Phạm Hữu Chương, Hoàng Thụy Ba. Ra trường cụ được bổ làm việc tại Bệnh viện Calmette, một bệnh viện của Pháp ở Vân Nam, Trung Quốc).

GS bị bệnh tim dù được các thầy thuốc giỏi và gia đình hết lòng cứu chữa, ông đã từ trần tại Bệnh viện Européen G. Pompidou, 20 rue Leblanc, Paris 15 ngày 15/10/2012, thọ 82 tuổi. Lễ tang 10h30 ngày 20/10/2012 cùng ngày tại đài hỏa táng Nghĩa trang Père Lachaise, Avenue du Père Lachaise, Paris 20 (M° Gambetta). Báo Cảnh sát toàn cầu xin gửi bài viết này từ sổ tư liệu của phóng viên theo lời ông tâm tình như một nén hương tưởng niệm hương hồn ông, một trái tim mặn nồng với đất nước.

Nhớ lần đầu tiên tôi được TS Trần Thảo Nguyên đưa đến gặp ông cách đây gần chục năm trời, rồi cứ mỗi lần về nước, dù lịch làm việc dày đặc ông luôn dành cho tôi thời gian hẹn trò chuyện thân mật và kể chuyện về cuộc đời mình.

Nay giở lại những trang ghi chép những buổi trò chuyện đó, tôi  như thấy hiện trước mắt một người giản dị dáng thấp đậm với khuôn mặt tròn hiền hậu, mái tóc hơi quăn, điểm bạc, ánh mắt thông mình và nụ cười dịu dàng. Ở xa quê hương hơn nửa thế kỷ mà giọng nói của ông rất “thuần Việt” và chả mấy khi phải “dịch” từ tiếng nước ngoài ra tiếng mẹ đẻ.

‘‘Tôi là một cậu bé hiếu động, thích tò mò tìm hiểu”

“Gia đình tôi có 6 anh em, đều sinh ở Côn Minh: hai trai bốn gái, tôi là con cả. Hồi đó Vân Nam không có trường dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, lên 5 tuổi, tôi được bố gửi về Hà Nội học nội trú ở Trường cố đạo Puginier (Nhà chung), rồi học tiếp tiểu học ở Trường Albert Sarraut. Vào dịp nghỉ hè, tôi mới được về Côn Minh sum họp gia đình. Những ngày ấy tôi được bên cạnh mẹ cha và các em thật là hạnh phúc.

Năm 1944 chiến tranh Trung-Nhật khốc liệt lan đến Vân Nam, mẹ tôi đưa cả đàn con về ở nhà bà ngoại ở thị xã Sơn Tây vừa “chạy loạn” vừa tiện cho việc học hành của tôi vì Trường Albert Sarraut tản cư lên thị xã Sơn Tây.

Hồi đó tôi là đứa ham chơi hơn ham học, thích tò mò xem xét. Đi đâu tôi cũng nghe nói đến Việt Minh, đến cụ Hồ. Một hôm tôi hỏi thầy giáo Hoán là em rể bà ngoại tôi: “Cụ Hồ Chí Minh là ai?”. Ông giáo khẽ trả lời: “Tao nghe nói người ấy là Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ Việt Minh ở mãi tận Tuyên Quang”. Thế là tôi nung nấu kế hoạch “Lên chiến khu Tuyên Quang để gia nhập Việt Minh”.

Tôi bàn với Nguyễn Cao Kỳ - người em họ cùng tuổi, rủ thêm anh bạn lớn tuổi vì bố anh ta có khẩu súng săn. Nguyễn Cao Kỳ “kéo thêm” cậu em nuôi. Rồi một đêm không trăng, tôi “thủ” của mẹ ít tiền và trộm một khẩu súng lục của tên sĩ quan Nhật đến nhà tôi đánh bóng bàn, bốn chúng tôi trốn nhà ra đi. Đi đến gần bến sông cách thị xã Sơn Tây gần chục cây số, trọ đêm ở nhà một bác nông dân.

Hôm sau mua được một cái thuyền nhỏ không có mui che, chúng tôi chèo thuyền theo dọc sông Hồng lên chiến khu mà chúng tôi mơ tưởng. Cuộc hành trình vất vả: luôn sợ lính Nhật phát hiện từ bên bờ sông, lương thực, nước uống hạn chế chúng tôi phải ăn đói, mưa gió quần áo ướt đẫm. Em nuôi Kỳ nhớ nhà thỉnh thoảng lại khóc váng lên. Sợ bị lộ, tôi phải rút súng lục bắn chỉ thiên một phát, dọa còn khóc là … quẳng xuống sông, nên hắn nín bặt.

Thuyền đi đến bến Phan Lương thì hết lương thực. Cả bọn tôi kéo nhau lên nhà ông bác họ ở gần đó, xin bác cung cấp lương thực. Thấy 4 đứa trẻ tóc tai bù xù, người ngợm bẩn thỉu, lại súng ống kềnh càng, ông bác biết là có chuyện nên tỉ tê hỏi thăm. Chúng tôi tự cho mình là người hùng vì “dám bỏ nhà, xông pha mưa gió làm cách mệnh” nên hào hứng kể: “Lên chiến khu tìm Việt Minh”. Ông bác cuời nói: “Tưởng gì, tìm Việt Minh thì ngay ở làng này cũng có. Cứ nghỉ ngơi ăn uống thoải mái. Bọn bay sẽ gặp Việt Minh ngay!”.

Bốn tên khoái quá liền tắm rửa, ăn uống no nê, rồi lăn ra ngủ như chết. Ông bác cho ngay người báo về nhà. Mẹ tôi hỏa tốc cử ông anh họ cao to như hộ pháp lôi tôi về nhà. Thế là nhóm đi lên chiến khu làm cách mạng giải tán...

Ông nội tôi, cụ An Sơn Ngô Văn Cảnh – còn gọi là cụ hai Cảnh, gần tám chục tuổi nhưng còn tráng kiện, ôm lấy thằng cháu, cười sảng khoái, nói một câu mà tôi nhớ mãi: “Về nhà đi kẻo mẹ cháu mong. Không ngờ cháu ông “chim” bằng quả ớt chỉ thiên cũng có máu phiêu lưu”.

Tháng 5/1945 tình hình Hà Nội yên ổn hơn, bà mẹ vội kéo cả đàn con về Hà Nội cũng là để tách thằng con ngỗ nghịch khỏi nhóm bạn “lêu lổng” ở Sơn Tây.

Đó là những ngày Thủ đô sôi sục cách mạng. Tôi suốt ngày rong ruổi khắp thành phố chỉ khi nào đói quá mới tạt về nhà ăn miếng cơm, uống cốc nước rồi lại lao ra phố. Ký ức của thằng bé 14 tuổi không bao giờ quên những ngày tháng đó:

Ngày 17/8/1945, Tổng hội Viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn với hàng vạn người tham gia, để ủng hộ "Chính phủ lâm thời" Trần Trọng Kim. Khi cán bộ Việt Minh chiếm lấy diễn đàn, lá cờ đỏ sao vàng lớn thả từ ban công Nhà hát Lớn xuống.

Nghe cán bộ của ta báo tin cho đồng bào biết phát xít Nhật đã đầu hàng, trình bày tóm tắt chủ trương, đường lối cứu nước của Việt Minh, đả đảo chính quyền bù nhìn thân Nhật và chuẩn bị tham gia khởi nghĩa. Lòng tôi cực kỳ phẩn khích lại nhớ đến hồi “lên chiến khu tìm Việt Minh”.

Ngày 19/8: Đoàn đi chiếm Bắc Bộ Phủ có tôi len lỏi theo gót anh chị Việt Minh.

Ngày 2/9 hàng vạn quần chúng nhân dân nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, tôi cũng được chứng kiến phút giây lịch sử đó. Tất nhiên là chả theo đoàn thể nào cứ như bị cuốn đi theo làn sóng những ngày sôi sục đó.

Mẹ tôi “hết chịu nổi thằng con lông bông suốt ngày” nên cuối tháng 10/1945, khi đường bay Hà Nội - Côn Minh nối lại, bà đưa ngay chúng tôi sang Côn Minh.

Bố mẹ tôi bàn việc học hành của con cái, mẹ tôi chợt nhớ đến anh trai cả là Đỗ Đình Thạch đang ở Pháp (Ông là một nhà trí thức uyên bác, vừa viết văn và làm thơ, đậu cử nhân sử học tại Pháp, chuyên nghiên cứu về văn hóa, triết học và tôn giáo, với bút danh Pierre Đỗ Đình).

Thế là tháng 9/1947, nhân dịp bố phải sang Pháp trình luận án y học và làm thủ tục để nhận bằng bác sĩ bản địa (hồi đó có hai loại bác sĩ: bác sĩ Đông Dương - médecin indochinois - chỉ hành nghề ở thuộc địa và phải đỗ bác sĩ bản địa mới được hành nghề ở Pháp). Bố tôi đưa hai anh em tôi sang Pháp du học.

Cô đơn nơi xứ người, tôi luôn là người may mắn

Kể về cuộc đời mình ông hay tủm tỉm cười nói: “Tôi luôn là người may mắn”,

“Sang Pháp em gái tôi được nhận vào ngay lớp 6 trường trung học nữ, tôi đã 16 tuổi, trình độ tương đương lớp 7 trung học, thi vào trường trung học ở Paris bị trượt. Bác Pierre Đỗ Đình nhờ người bạn thân ở Laon (là tỉnh lỵ của tỉnh Aisne, thuộc vùng hành chính Picardie của nước Pháp) xin cho tôi về đó học.

Ở vùng tỉnh lẻ đồng quê yên tĩnh, chỉ có duy nhất tôi là người Việt chả bấu víu vào được ai, tính hay tò mò, may mắn nhất là gặp thầy giáo André Prenant mới 21 tuổi vừa đỗ đầu thạc sĩ Sử Địa tới nhậm chức (chức danh “thạc sĩ” (agrégé) là bằng cấp cao nhất trong hệ thống sư phạm Pháp để trở thành giáo sư trường trung học hay đại học).

Thầy giáo A. Prenant là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, thấy tôi nhanh nhẹn hoạt bát, hiếu học nên thầy quý mến và rất nghiêm khắc với việc học hành của tôi... Sau 8 tháng tôi đã lọt vào top 5 học trò đầu lớp.

Đến khi về Paris học tiếp năm cuối trung học, tôi được thầy giới thiệu với gia đình gồm cha là Giáo sư Marcel Prenant, nguyên Tổng Tham mưu trưởng Các Lực lượng Du kích FTP (Francs-Tireurs et Partisans) trong thời gian Đức chiếm đóng nước Pháp, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp (GS là tác giả nhiều tác phẩm rất nổi tiếng như “Chủ nghĩa Marx và sinh học”); mẹ là bà Lucie Prenant, thạc sĩ triết học, nhà chuyên môn về triết học của thế kỷ XVII ở châu Âu.

Giáo sư Chính trị - Kinh tế Ngô Mạnh Lân và TS Trần Thảo Nguyên.

Bà là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm nữ (ENS Sèvres) đào tạo các giáo sư nữ ưu tú nhất của Pháp; chị thầy là Jeannette Colombel, thạc sĩ triết học, cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm nữ, là một trong ít nhà triết học gần gũi nhất tư tưởng nhà triết học danh tiếng Jean-Paul Sartre.

Tôi trở thành gần như một thành viên của gia đình GS M. Prenant, được bà Lucie Prenant yêu quý, che chở như con trai. Mỗi lần nhà bà tổ chức những buổi họp thân mật với các nhân sĩ trí thức, học giả, giáo sư lớn của các trường đại học, các viện nghiên cứu của Pháp và nước ngoài, bà luôn thông báo cho tôi đến để nghe “hóng” họ tranh luận với nhau. Thật là may mắn hiếm có của một thanh niên xứ Annam thân cô thế cô ở thủ đô ánh sáng được “tắm mình” trong môi trường này.

Tôi lại may mắn được thầy Didier Anzieu dạy môn triết học, thầy truyền ngọn lửa  say mê các vấn đề triết học tưởng khô khan cho tôi. (Thầy Didier Anzieu sau này trở thành nhà triết học và phân tâm học nổi tiếng của châu Âu và thế giới). Được thầy rèn cặp nên tôi luôn đầu lớp và đạt điểm cao trong các bài tiểu luận triết học.

Thầy Didier Anzieu còn chọn tôi là đại diện nhà trường tham gia cuộc thi tuyển toàn quốc (concours general) dành cho những các học trò giỏi nhất các trường trung học về môn triết học. Tuy không đoạt giải thưởng, nhưng là người Việt duy nhất thi cùng học sinh xuất sắc của Pháp khiến tôi rất tự hào.

Thấy kết quả học tập của tôi, bà “mẹ nuôi” Lucie Prenant khuyên tôi chuyển sang học lớp cấp hai ở trường trung học nổi tiếng Henri-IV là trường có tỷ lệ cao trong số các học trò đỗ vào các “trường lớn” (grandes écoles) về các ngành văn học, toán học và khoa học tự nhiên.

Được nhận vào Trường Henri-IV tôi mừng quá. Mùa hè năm ấy (năm 1951), tôi không đi nghỉ, tự giam mình trong phòng để tập trung đọc một số các tác phẩm của Karl Marx, Lenin, Boukharine, Zinoviev, Rosa Luxembourg, Clara Zetkin… một số những văn kiện của Đệ tam Quốc tế Cộng sản mà tôi tìm kiếm được.

Đến nay tôi còn nhớ như in tập I cuốn “Tư bản” và Tựa của Karl Marx cho cuốn: “Mở đầu phê phán kinh tế chính trị” của ông làm tôi vui mừng khôn xiết như đã khám phá được phương pháp phân tích kinh tế xã hội .

Năm 1955, tôi được Giáo sư Jean-Toussaint Desanti, một nhà triết học kiêm toán học có tên tuổi về triết lý toán học, hướng dẫn tôi viết tiểu luận 150 trang (tương đương bằng thạc sĩ của Việt Nam ngày nay) về hai nhà triết học thế kỷ XVII Descartes và Spinoza. Tiểu luận của tôi và hai tiểu luận của hai sinh viên Pháp nữa trong số hơn 45 tiểu luận được các giáo sư được chấm số điểm cao nhất (18/20) ở cấp cao đẳng triết học của Trường Đại học Sorbonne.

Để lo cuộc sống sau này, tôi chuyển sang học môn kinh tế là môn thích hợp nhất với tôi. Năm năm sau, khi tôi theo học lớp cao đẳng về kinh tế và hoàn thành luận án Tiến sĩ kinh tế học.

Kỉ niệm nhỏ với những trí thức Việt Nam tại Pháp

Tôi không ở ký túc xá nhà trường như năm trước mà ở học xá gọi là “Nhà Đông Dương” dành một phần nhà cho sinh viên thuộc ba nước Đông Dương. Tuy ở xa đất nước tôi thấy bổn phận là phải làm một cái gì đó cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc mình. Tôi tìm đến Hội Ái hữu, nhóm lãnh đạo là các anh Phạm Huy Thông và Trần Thanh Xuân.

Anh Thông biết tôi đang học thi vào Trường Đại học Sư phạm, anh tiếp tôi nồng nhiệt, nhờ tôi viết cho Tạp chí “Văn hóa Liên hiệp” của Hội một số bài giới thiệu các nhà văn hào tiến bộ Pháp: Honoré de Balzac, Victor Hugo... Tôi viết tiếng Pháp, anh Phạm Huy Thông dịch ra tiếng Việt.

Đây là mấy bài viết đầu tiên của tôi in giấy in rô-nê-ô của một tạp chí duy nhất tiếng Việt trên đất Pháp. Từ đó, tôi tập trung hoạt động chống chiến tranh thực dân, tố cáo chính quyền bù nhìn do chính quyền Pháp dựng lên, tham gia các hoạt động ủng hộ chính phủ kháng chiến.

Trong thời gian hoạt động chính trị ở học xá “Nhà Đông Dương” và cả sau này, tôi có quan hệ thân thiết với anh Nguyễn Khắc Viện mà tôi rất quý mến. Có thời gian hàng ngày tôi đến băng bó vết thương cho anh Viện, vì anh Viện bị mổ cắt đi một bên phổi.

Những buổi đó, tôi được anh Viện cung cấp nhiều thông tin về chiến tranh Việt Nam, anh còn nói chuyện về thơ văn Việt Nam mà tôi chỉ biết qua những bài thơ được nghe ông nội tôi ngâm hát hồi còn thơ ấu.

Anh giao cho tôi viết bài cho tạp chí in rô-nê-ô tiếng Việt do anh sáng lập lấy tên “Khoa học Kỹ thuật ứng dụng” để khỏi bị chính quyền Pháp cấm phát hành. Tôi viết bài tiếng Việt nhan đề: “Spinoza và sự trưởng thành của giai cấp tư sản dân tộc” khoảng 25 trang. Anh cho tôi biết bài được nhiều độc giả khen và yêu cầu tôi viết tiếp về loại đề tài này.

Biết anh Viện bị mật vụ Pháp theo dõi, tôi đưa anh Viện đến ẩn trú tại nhà bác học về hóa học hạt nhân: GS M.Haissinsky, người gốc Nga, hơn một tháng với sự đồng tình của con trai ông là bạn thân của tôi trong thời gian GS vắng nhà. (GS M.Haissinsky người thay thế bà Irène Joliot-Curie giải Nobel làm Giám đốc Viện Radium).

Tôi vào học Trường Henri IV được hai tháng, năm ấy giới triết học bình luận nhiều về cuốn sách của anh Trần Đức Thảo: “Hiện tượng học và duy vật biện chứng”.  Một lần mua được quyển sách này (do Nhà xuất bản Minh Tân ấn hành), tôi đọc ngấu nghiến lòng đầy hứng thú và tự hào người Việt Nam mình, tôi chạy đến nhà bà “mẹ nuôi” Lucie Prenant. Tôi thưa với bà đã đọc cuốn sách chưa và bà đánh giá thế nào. Bà trả lời ngắn gọn: “Đáng chú ý”, bà còn cho tôi biết, từ mấy năm nay bà thường mời anh Thảo đến giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm nữ và khuyên tôi đến gặp anh ấy.

Thế là sau vài lần gặp, tôi trở thành người bạn trẻ được anh Thảo hay hẹn gặp trò chuyện có lẽ bởi vì mười ba năm trước, anh cũng học lớp tôi đang học ở Trường Henri IV và tôi đang đi trên con đường học vấn anh Thảo. Tôi được biết anh Thảo sống chật vật vì không mang quốc tịch Pháp, lại có lập trường chống đế quốc Pháp nên anh chỉ hành nghề giảng dạy kiếm sống dựa vào sự giúp đỡ tận tình của các bạn đồng nghiệp cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm nam, nữ.

Họ đánh giá cao kiến thức, tài năng anh Thảo họ coi anh là những học giả trong số hai, ba chục nhà triết học xuất sắc nhất của nước Pháp hồi đó như Maurice Gandillac, Jean Hyppolite, Jean-Toussaint Desanti, Paul Ricoeur, Jules Vuillemin, và bà “mẹ nuôi” Lucie Prenant v.v...

Hai mươi tám năm sau, năm 1980, tôi mới lần đầu gặp lại anh Thảo ở Hà Nội trong căn hộ tối tăm bụi bặm, hầu như trống rỗng. Trong góc căn phòng tôi thấy các cuốn sách toàn tập của Lenin xếp đống. Anh bắt tay ôm tôi làm cho tôi cảm thấy điều gì đáng buồn đã xảy ra trong cuộc đời anh, nhưng anh ít nói, không tâm sự và không tìm gặp lại tôi dù đã hẹn hò nhau ở nhà anh Nguyễn Khắc Viện.

Mãi đến năm 1990, khi anh Thảo sang Paris tôi mới gặp lại anh và cố gắng giúp đỡ, chăm sóc anh như người ruột thịt của tôi. Đấy là thời gian anh trở lại môi trường trí thức quen thuộc của anh. Anh tìm lại được phần nào cuộc sống tinh thần thoải mái và niềm vui làm việc nghiên cứu.

Tuy nhiên, anh không còn sức khỏe và đã kiệt sức trong cuộc đời thăng trầm mà anh đã phải trải qua. Anh qua đời ở Paris, mà ở đó các giới trí thức vào loại ưu tú nhất của nước Pháp đã dành cho anh sự kính mến và khâm phục nhà đại trí thức Việt Nam. Sau này tôi được tin anh Trần Đức Thảo được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh tôi mừng quá

Nguyễn Phú Cương - Khả Kính
.
.
.