Tuổi trẻ và những nghĩa cử cao đẹp

Thứ Tư, 27/01/2016, 13:30
Nhiều năm qua, cả nước đã có những chương trình thiện nguyện với các chiến dịch lớn. Đặc biệt, với nhiệt huyết, sự hăng say, năng động và sáng tạo của thanh niên Việt Nam, nhiều bà con vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đã được giúp đỡ, chia sẻ, cuộc sống vơi đi phần nào nỗi nhọc nhằn.


Ấm lòng người nghèo

Nhóm thiện nguyện "Mùa đông ấm" đã triển khai nhiều chương trình thiết thực hướng tới các vùng dân cư khó khăn thuộc tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Bình... Vừa qua nhóm hoàn thành chuyến khảo sát tại Sơn La và Hà Giang, đã quyết định chọn Mèo Vạc (Hà Giang) là địa chỉ từ thiện trong mùa đông và dịp tết 2016.

Anh Ngô Anh Tuấn, trưởng nhóm, chia sẻ: "Chứng kiến cảnh những đứa trẻ chỉ tám, chín tuổi đã phải địu em, chân trần với những manh áo mỏng giữa mùa đông giá rét… chúng tôi không thể hình dung được trẻ em nhiều nơi vẫn còn khó khăn đến thế! Đến với họ vật chất thì bao nhiêu cũng vẫn thiếu, nhưng chúng tôi cố gắng mang những tấm lòng của mình để giúp bà con bớt phần nào khó khăn, đặc biệt là những đứa trẻ".

Khi còn là sinh viên, anh Tuấn từng năng nổ với các hoạt động tình nguyện và cống hiến. Việc quyết định đứng ra tổ chức một nhóm thiện nguyện vào năm 2006, để có cơ hội chủ động giúp đỡ những số phận nơi xứ đá Hà Giang xuất phát từ ý nghĩ tích cực như thế. Nhóm không ngừng phát triển thành viên, tiết kiệm chi tiêu lấy tiền đóng góp quỹ, thu nhận sự sẻ chia của các nhà hảo tâm và hướng đến một nghĩa cử đẹp.

Các bạn trẻ chuyển những suất quà cho trẻ em vùng cao.

Không lấy mục tiêu thiện nguyện ở những vùng xa xôi, nhóm "Ấm" do bạn Nguyễn Hoàng Thảo làm trưởng hướng đến những người vô gia cư ở thủ đô Hà Nội. Vào tối thứ bảy hàng tuần, các thành viên chuẩn bị nước uống, đồ ăn, bánh kẹo đi tìm những người vô gia cư và chia sẻ với họ.

Quy tắc của nhóm là phải lặng lẽ, trao quà bằng hai tay và ngồi xuống thấp, không đứng cao hơn người được tặng quà. Mới đây, Thảo xin được một suất học bổng nghiên cứu về chính sách đối với người vô gia cư tại Nhật Bản. Cô tạm gác lại việc kinh doanh, bàn giao nhóm "Ấm" cho người khác quản lý, còn mình theo đuổi mục tiêu sẽ làm được thêm nhiều điều ý nghĩa cho người vô gia cư.

Cũng như một số nhóm không chọn từ thiện tại những nơi xa xôi, đã và đang góp phần chia sẻ với những hoàn cảnh bệnh nhân nghèo ở một số bệnh viện tại Hà Nội bằng việc phát cháo từ thiện như các nhóm: "Từ Tế", CLB "Nồi cháo nghĩa tình", "Từ thiện Hỷ lạc"… . Bất cứ mùa nào, thời gian nào, và ở đâu các bạn thanh niên cũng có thể làm phúc.

Có một điều thật đáng mừng, là hiện tại cả nước có không dưới 1000 tổ chức, nhóm, hội đang sôi nổi thực hiện công tác xã hội nói chung và từ thiện nói riêng. Mục tiêu mà các nhóm hướng tới, không gì khác nhằm chia sẻ với các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, trẻ em nghèo, kêu gọi cộng đồng cùng nhập cuộc, giúp các tình nguyện viên trải nghiệm cuộc sống và học các kỹ năng làm việc.

Những việc làm thiết thực

Tôi đã từng tận mắt nhìn thấy những khuôn mặt hồ hởi của những đứa trẻ nhem nhuốc vùng cao Sìn Hồ (Lai Châu) khi được nhận những tập vở và cặp sách mới từ các tấm lòng hảo tâm. Tôi cũng nhận thấy trên khuôn mặt tím tái vì rét của những em bé xứ núi Quản Bạ (Hà Giang) lòng biết ơn, khi các em được nhận dép và áo ấm từ chương trình "Áo ấm biên cương".

Các bạn trẻ chung tay vì trẻ em nghèo.

Hay như ở mãi tận bản Tá Miếu, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), lớp học khang trang cho trẻ mẫu giáo đã được xây dựng bằng tiền đóng góp của những đoàn từ thiện, và có phụ huynh đã khóc vì cảm động trong ngày khánh thành lớp… Dẫu biết chính cuộc sống của những bạn trẻ còn nhiều khó khăn, không ít bạn còn chưa có việc làm ổn định, còn là sinh viên các trường cao đẳng, đại học, nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vượt qua nghịch cảnh để nghĩ cho người khác, lấy nghị lực của mình để nhân lên, sống đẹp, có ích và giúp đỡ người khác.

Đơn cử như anh Lê Huy, bị bệnh ung thư máu, nhưng đã đứng lên thành lập nhóm "Từ Tế", phát cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo. Chị Hồ Thu Thủy, phóng viên báo Giao thông Vận tải, thành viên tích cực của nhóm cho rằng: "Từ thiện có nhiều cách, có thể làm ở bất cứ nơi đâu và không cần phải ồn ào. Với bà con nghèo, họ không chỉ cần một chút vật chất, mà họ cần tấm lòng của những người chung quanh. Điều đó thể hiện bằng những việc làm cụ thể".

Chung tâm sự ấy, bác sĩ Chu Văn Mười (Bệnh viện  Hữu Nghị), thành viên câu lạc bộ "Tấm lòng nhân ái Hà Nội" cho biết, các thành viên đã làm từ thiện được 10 năm, hướng đến những vùng sâu vùng xa, những nơi người dân còn nghèo và lạc hậu và nhận thấy người dân nông thôn còn quá nghèo, chênh lệch rất lớn so với người dân thành thị.

"Bởi thế, chúng tôi đã tích cực giúp họ bằng vật chất, được quyên góp hằng năm. Do kinh phí còn hạn chế, nên có những việc chúng tôi rất muốn làm cho bà con mà lực bất tòng tâm". Còn bạn Nguyễn Thủy, cho rằng: "Nhiều bạn trẻ mười tám đôi mươi chẳng ngại khó, ngại khổ đã sẵn sàng sống khác, nghĩ khác để biết trân trọng giá trị của cuộc sống. Họ đang tiếp nối và kéo dài những "hành trình yêu thương". Trong quá trình tham gia công tác thiện nguyện, tôi nhận thấy nhiều người đã tích cực làm việc tốt".

Nhờ các bạn trẻ, nhiều người đã vuốt từng đồng tiền cho phẳng phiu gửi tới trẻ vùng cao; nhiều chị, người mẹ gom từng chiếc áo ấm cho những chuyến thiện nguyện của con. Hay bỏ lại bộn bề công việc, các bác sĩ trẻ gói ghém thật cẩn thận trang thiết bị cồng kềnh vượt hàng trăm cây số, đến những bản làng xa xôi khám, tầm soát bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đó thật sự là những hành động thiết thực, mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Ngô Miên
.
.
.