Tường biên giới: Trọng yếu an ninh quốc gia

Thứ Hai, 25/02/2019, 10:02
Ngày 15-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây tranh cãi khi đơn phương tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với an ninh biên giới phía nam, một hành động có thể giúp ông tái phân bổ ngân sách để xây dựng tường/rào chắn biên giới.


Đại diện phía đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sĩ Chuck Schumer ngay lập tức gọi hành động của ông Trump là vi hiến, và đe dọa kiện ra tòa án.

Truyền thống lâu đời

Tuy nhiên, theo nhà sử học David Frye, tác giả của cuốn sách “Bức tường: Lịch sử văn minh trong máu và gạch”, các bức tường biên giới, hàng rào và chướng ngại vật có truyền thống lâu đời trên thế giới với tiền lệ ở hàng chục quốc gia. Ông Frye liệt kê rất nhiều quốc gia trong lịch sử đã xây dựng tường hoặc rào chắn biên giới: “Iraq, Syria, Ai Cập, Iran, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga, Anh, Algeria, Libya, Azerbaijan, Uzbekistan, Afghanistan, Peru, Trung Quốc và Hàn Quốc”. Đó chỉ là một phần danh sách.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Rubin viết trên tờ Washington Examiner rằng những bức tường hoặc hàng rào hiện đại đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể việc nhập cư bất hợp pháp, chiến đấu xuyên biên giới và tội phạm. Ông Rubin trích dẫn những nơi như Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Pakistan, Morocco nơi Tây Ban Nha có các vùng đất Ceuta và Melilla lọt vào giữa. Tất cả đã sử dụng hàng rào biên giới hiệu quả.

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc được xây dựng trong các thời đại khác nhau, với các vật liệu khác nhau, từ đất nung được gia cố bằng lau sậy khô, cho đến gạch và vữa. 

Vạn Lý Trường Thành cao khoảng 6m-9m, và các cung đường gần đây đủ rộng để 5 con ngựa hoặc 10 người đi bộ cạnh nhau. Bức tường biên giới, hàng rào và rào chắn có truyền thống lâu đời trên thế giới. Không phải vì chúng có được lợi thế chính trị, mà bởi vì chúng bảo vệ các quốc gia. Ngày nay, chúng ta có thể bổ sung và tăng cường ảnh hưởng của một bức tường bằng công nghệ mới, nhưng thiết bị bay không người lái, camera hồng ngoại,… không thể thay thế một hàng rào vật lý.

Hợp hiến và cần thiết

Trong bài bình luận trên trang Fox News, bà Kayleigh McEnany, phát ngôn viên quốc gia của Ủy ban Quốc gia Cộng hòa nhận định: Với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống Trump đã thực hiện bước đi không chỉ hợp pháp, hợp hiến mà còn rất cần thiết. 

Theo bà Kayleigh McEnany, tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoàn toàn nằm trong quyền hành pháp của tổng thống. Cùng với những hành động hành pháp khác và một dự luật chi tiêu mới được Quốc hội thông qua, Tổng thống Trump sẽ có thể tái phân bổ và tập trung 8,1 tỷ USD tiền xây rào chắn dọc biên giới phía nam.

Trong bài phát biểu tuyên bố hành động của mình ngày 15-2, Tổng thống Trump nói: “Chúng ta tham gia những cuộc chiến cách xa cả 10.000km, những cuộc chiến mà nhiều trường hợp lẽ ra chúng ta không nên tham gia, nhưng chúng ta lại không kiểm soát biên giới của chính mình. Chúng ta sẽ giải quyết khủng hoảng an ninh quốc gia ở biên giới phía Nam”. 

Từ Vườn Hồng trong Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố cần cấp thiết phản ứng với tình trạng xâm nhập của ma túy, băng đảng và người di cư ở biên giới.

Bà Kayleigh McEnany cho rằng bất kỳ học giả hay nhà bình luận pháp lý công tâm nào cũng sẽ đồng ý với Tổng thống Trump, Tổng thống có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường. Dẫn lời bà Elizabeth Goitein, đồng Giám đốc Trung tâm Brennan vì Chương trình Tự do Công lý và An ninh Quốc gia, một bài bình luận trên trang web NPR lưu ý: “Quốc hội chọn không gây cản trở đáng kể nào với khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống”.

Năm 1976, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Tình trạng khẩn cấp quốc gia, trao cho tổng thống quyền lực to lớn trong tình huống quốc gia đối mặt với khẩn cấp. Từ đó tới tuyên bố mới nhất ngày 15-2 vừa qua, Tổng thống phe Dân chủ như Jimmy Carter, Bill Clinton và Barack Obama cùng với Tổng thống phe Cộng hòa như George W. Bush và Donald Trump đã tuyên bố 58 tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tổng cộng 31 sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trong số đó vẫn còn hiệu lực tới ngày nay.

Ngay cả Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Adam Smith có thời điểm cũng thừa nhận rằng Tổng thống có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Khủng hoảng an ninh và nhân đạo

Động thái của Tổng thống Trump là bước đi đối lập mạnh với quan điểm của phe Dân chủ vốn ủng hộ biên giới mở và xóa bỏ Cơ quan Thực thi Hải quan và Di trú (ICE) - một cơ quan thực thi pháp luật không thể thiếu trong bảo vệ an ninh quốc gia.

Chỉ tính riêng năm 2017, số người Mỹ chết vì quá liều ma túy đã chạm kỷ lục mới với hơn 70.000 người. Phần lớn ma túy gây ra những cái chết bi kịch này đều được tuồn vào qua biên giới phía nam. 

Gần đây, Cơ quan Bảo vệ Biên giới và Hải quan thông báo đã phá được vụ buôn bán chất fentanyl lớn nhất từ trước tới nay, tịch thu 115kg loại chất này - đủ để giết chết 57 triệu người Mỹ. 

Ngoài ra, ICE đã bắt giữ 266.000 người nhập cư bất hợp pháp mang tính chất tội phạm trong 2 năm qua. Những người bị bắt giữ đối mặt với 100.0000 cáo buộc tội tấn công, 30.000 cáo buộc tội phạm tình dục và 4.000 cáo buộc tội giết người.

Thông báo của Tổng thống Trump cũng công nhận tình trạng khủng hoảng nhân đạo trên biên giới phía nam khi người dân liều lĩnh vượt biên vào Mỹ. Trên hành trình đó, ước tính 1/3 số phụ nữ di cư bị tấn công tình dục và vô số trẻ em bị buôn bán và bóc lột. 

Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump đã thừa nhận rằng có cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh to lớn này trên biên giới và tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống đã nỗ lực phi thường đề tìm cách thương lượng với phe Dân chủ.

Trong quá trình tìm kiếm thỏa hiệp, Tổng thống Trump đã thay đổi đề nghị cấp tiền từ xây tường bê tông thành rào chắn hoặc thanh thép dọc biên giới. Ông đã bổ sung 800 triệu USD trợ cấp nhân đạo vào một thỏa thuận có thể đạt được với phe Dân chủ. 

Ông cũng đề nghị bảo vệ tạm thời và không trục xuất trong 3 năm gần 700.000 người trẻ thuộc chương trình dành cho những người theo bố mẹ tới Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ (DACA). Ông đã mở lại chính phủ tạm thời sau thời gian bị đóng cửa để cho phe Dân chủ thêm thời gian phản ứng với đề xuất thỏa hiệp trên.

Tuy nhiên, bà Kayleigh McEnany cho rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã từ chối thỏa hiệp, thậm chí cả khi Tổng thống đã trao cho bà những điều bà yêu cầu. 

Bà McEnany viết: Phe Dân chủ không bao giờ muốn thỏa hiệp và từ chối cấp đủ tiền cho hàng rào biên giới vì sợ Tổng thống Trump sẽ đạt chiến thắng chính trị quan trọng khi ông không chỉ đảm bảo an ninh cho biên giới phía nam mà còn bảo vệ người dân Mỹ. Đó là chính trị đơn thuần, khiến Tổng thống không có lựa chọn nào khác là phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để bảo vệ biên giới. Phe Dân chủ cản trở và coi nhẹ khủng hoảng biên giới phía nam. Bà Pelosi thậm chí còn tỏ ra mỉa mai khi cam kết chi 1USD cho bức tường và đề xuất “xén cỏ cũng sẽ giải quyết được vấn đề”.

Với hành động tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump, bà McEnany khẳng định “Tổng thống đã thay mặt người dân Mỹ làm điều đúng đắn mà chúng ta kỳ vọng ở bất kỳ tổng thống nào. Nhờ đó, ông chắc chắn sẽ được đền đáp khi tái đắc cử năm 2020”.

Vĩnh Đông
.
.
.