Chuyện thật như đùa tại quận 4, TP Hồ Chí Minh:

Tưởng có công viên, ai ngờ sống giữa kênh nước đen ô nhiễm

Thứ Tư, 10/12/2014, 09:06
Để thành lập một khu vui chơi giải trí, đồng thời xây dựng một hồ cảnh quan và điều tiết nước thủy triều giúp cho hàng ngàn hộ dân trong khu vực thoát khỏi cảnh "sống chung với dòng nước đen đầy ô nhiễm", năm 2007, Ủy ban nhân dân (UBND) quận 4, TP Hồ Chí Minh đã có tờ trình kèm theo bản quy hoạch và thiết kế chi tiết về việc giải tỏa khu vực "ổ chuột" nằm trên địa bàn các phường 2,3,5, để xây dựng khu Công viên hồ Khánh Hội. Tuy nhiên, 7 năm qua, việc đền bù mới được phân nửa (190/313 hộ dân được nhận tiền đền bù). Số hộ dân còn lại đang phải mòn mỏi trông chờ không biết đến bao giờ mới được… an cư.
Oằn mình sống chung với ô nhiễm

Bà Phạm Thị Tuyết, 62 tuổi, ngụ tại hẻm 219/149/86/17H đường Tôn Thất Thuyết, phường 2, quận 4 cho biết: Trước kia khu vực ổ chuột này là một bãi sình lầy, ao tù nước đọng với chỉ một số ít hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi heo, gà. Khoảng từ năm 1990 trở lại đây, do nhu cầu về nhà ở tăng cao nên người dân tại chỗ và một số từ nơi khác đến xin đất dựng nhà khiến môi trường vốn ô nhiễm nặng càng trở nên ngột ngạt với rất nhiều căn nhà nhỏ san sát đua nhau mọc lên, thậm chí họ còn tận dụng đất đến mức chỉ chừa lại vài mét làm đường đi lối lại.

Cũng do xây nhà tự phát nên hầu hết không có hệ thống cấp thoát nước khiến cho điều kiện sinh hoạt của bà con có thể nói là rất tồi tệ và đặc biệt do nền đất quá thấp nên hầu hết các hộ gia đình không xây dựng được nhà vệ sinh mà tận dụng những kênh rạch nội bộ hoặc những ao nước đọng dựng chòi làm nơi tiêu, tiểu dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Gia đình bà Tuyết với 10 nhân khẩu thuộc 3 thế hệ cùng sinh hoạt chung trong một căn nhà với diện tích chưa đầy 25m², đến nay đã xuống cấp trầm trọng. Tường đổ phải thưng tạm bợ bằng ván ép, mái tôn lâu ngày đã dột nát nên cứ sau mỗi trận mưa thì trong nhà cũng biến thành ao.

Bà Phạm Thị Tuyết đang dọn dẹp đống rác thải trước cửa nhà mình.

Chính vì vậy mà gia đình bà cùng với hầu hết những hộ gia đình khác đều mong mỏi sẽ có ngày Nhà nước quan tâm mở rộng đường xá, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, cải tạo môi trường để bà con có được đường đi lối lại cho đàng hoàng, có nước sạch dùng trong sinh hoạt và nhất là không còn bị dòng nước bẩn hôi thối tràn vào trong nhà mỗi khi triều cường. Đến năm 2007, khi chính quyền quận 4 công bố quy hoạch dự án xây dựng khu Công viên hồ Khánh Hội và tiến hành đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư ở một nơi khác thì bà con mừng lắm. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm chờ đợi, nhiều hộ gia đình đã cho tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng nhưng mãi vẫn chưa được bố trí nơi ở mới khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh có nhà cũng như không, tường bị bong tróc, nền bị sụt lún, mái nhà dột tứ tung nhưng không dám bỏ tiền ra sửa chữa. Đặc biệt có những hộ gia đình đã đập nhà rồi nhưng chưa có chỗ ở mới nên đành phải dựng tạm những túp lều dã chiến để che mưa, che nắng.

Bà Trịnh Thị Chói bức xúc khi phải chờ đợi quá lâu vẫn chưa được nhận nhà.

Cũng theo bà Tuyết, từ khi có những căn nhà được dỡ bỏ để bàn giao mặt bằng, nơi đây trở thành bãi đổ rác khổng lồ của một số người dân thiếu ý thức mà phường cũng tổ chức cho dọn dẹp nhưng không xuể. Cứ mỗi khi mưa đổ xuống, nước bẩn hôi thối, tanh nồng tràn ra khắp các con đường, có chỗ còn tràn cả vào nhà nhưng vì các gia đình ở đây đều thuộc diện khó khăn nên đành phải cắn răng chịu đựng và chờ đợi. Đặc biệt hàng đêm, mặc dù có các anh Công an với dân phòng đi tuần tra nhưng một số đối tượng nghiện hút vẫn canh me ngồi giả bộ nói chuyện về đền bù, giải tỏa đợi lực lượng Công an đi khuất thì lẻn vào những căn nhà bỏ hoang tiêm chích ma túy và ném kim tiêm bừa bãi. Vấn đề này, người lớn còn có ý thức cao để đề phòng tránh né, nhưng trẻ em thì khó tránh khỏi giẫm đạp lên kim tiêm vì chúng cứ mải mê chơi đùa mà quên mất những lời dặn dò từ cha mẹ. "Có những cháu tinh nghịch nhưng còn quá nhỏ để nghe lời cha mẹ và tự ý thức được mình, khi nhìn thấy các thanh niên tự đâm kim vào mạch máu để chích ma túy đã chạy ra nhặt kim tiêm định đâm vào tay nhưng đã được tôi và một số bà con phát hiện ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên chúng tôi cũng như các anh Công an cũng không thể kiểm soát 24/24 giờ được nên chỉ cảnh báo các bậc cha mẹ phải tự bảo vệ con cái mình, song vì cuộc sống mưu sinh nên không chắc họ có làm tốt được việc bảo vệ con mình hay không" - bà Tuyết chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ như bà Tuyết, nhưng hộ gia đình bà Trịnh Thị Chói còn khó khăn hơn rất nhiều. Chỉ với gánh cà phê bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm trong khu vực để kiếm tiền nuôi thân và 3 đứa cháu nhỏ (do hai người con đi làm ăn xa để lại) nên cuộc sống của 4 bà cháu cũng lay lắt như gánh cà phê bán rong của bà. Nhà bà thuộc diện giải tỏa sớm và cũng đã được đăng ký một nơi tái định cư, nhưng đã nhiều năm nay gia đình bà vẫn phải ngóng cổ chờ đợi. Nhà rách nát nhìn thấu trời, nền nhà sụt lún và mỗi khi triều cường, nước bẩn tràn vào ngập sâu đến 20-30em khiến cho cuộc sống gia đình thường xuyên bị đảo lộn, các cháu bà thường xuyên lở loét chân tay bởi nước ô nhiễm nhưng cũng đành phải cắn răng chịu đựng không dám đổ đất nâng nền. Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự cũng hết sức phức tạp. Mặc dù Công an phường cùng bảo vệ dân phố thường xuyên tuần tra ngày đêm nhưng ở đây giống như một bãi hoang với nham nhở những căn nhà đã được đập bỏ nên bọn tội phạm các loại từ nơi khác thường xuyên mò đến ẩn náu. Tại tổ dân phố 20 nơi gia đình bà cư ngụ cũng đã vài lần phát hiện trộm cắp nhưng do bà con cảnh giác cao nên đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Bao giờ dân mới an cư?

Bà Lê Thị Diễm Huỳnh, Chủ tịch UBND phường 2, quận 4 chia sẻ: Đa số các hộ gia đình trong khu vực giải tỏa thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên ngay từ khi dự án Công viên hồ Khánh Hội được phê duyệt, lãnh đạo quận đã chỉ đạo các phường nhanh chóng rà soát danh sách các hộ gia đình trong phần đất thuộc diện giải tỏa và đề nghị họ đăng ký mua nhà tái định cư với giá ưu đãi của thành phố nhằm tạo điều kiện cho những hộ gia đình này ổn định nơi ăn chốn ở để họ sớm ổn định tư tưởng và nhanh chóng tìm được kế mưu sinh mới chăm lo cho cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, cho đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn nhưng do kinh phí của thành phố cấp xuống chưa đủ nên mới chỉ tiến hành đền bù, giải tỏa và tái định cư được cho trên 190 hộ gia đình. Số còn lại trên 130 hộ cùng hàng trăm hộ ở các phường lân cận mặc dù đã được các cấp chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị lên thành phố nhưng cho đến nay vẫn chưa nhận được kinh phí khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, song họ buộc phải chịu đựng bởi không có khả năng để tự mình đi tìm kiếm một nơi ở mới.

Căn lều tạm bợ của gia đình bà Ngô Thị Diễm.

Trước tình trạng phát sinh về tệ nạn xã hội, phường đã đề nghị lực lượng Công an, dân phòng phối hợp chặt chẽ với các phường khác thường xuyên tuần tra kiểm soát kịp thời ngăn chặn một số vụ trộm cắp, xì ke ma túy bảo vệ an toàn cho người dân trong thời gian chờ đợi. Tuy nhiên vấn đề rác thải và vệ sinh công cộng vẫn thực sự nan giải bởi một số người dân thiếu ý thức, lợi dụng đêm khuya hoặc sáng sớm vẫn lén lút vứt rác thải sinh hoạt vào các khu nhà bỏ hoang làm cho cả khu vực mất vệ sinh nghiêm trọng. Mặc dù phường đã cố gắng hằng tuần thuê người, xe hốt rác chở đi tiêu hủy, dọn dẹp vệ sinh nhưng cứ dọn đằng trước thì người dân lại vứt rác ra đằng sau.

 Quá bức xúc với cuộc sống màn trời chiếu đất và dài cổ chờ đợi, bà Ngô Thị Diễm, ngụ phường 5, quận 4 than thở: Ngay từ khi được thông báo triển khai dự án, các gia đình trong khu vực này đều rất vui mừng, tất cả các hộ dân đã chủ động hợp tác với chính quyền địa phương tiến hành thỏa thuận đền bù và giải phóng mặt bằng để nhanh chóng xây dựng một khu công viên văn hóa phục vụ cộng đồng. Nhưng không hiểu vì sao mà nhà đã đập bỏ, nhiều người dân phải sống tạm bợ trong các túp lều trong 5 năm nay mà vẫn chưa được nhận nhà tái định cư. Việc phải ở trong những túp lều tạm bợ thường xuyên ngập nước bẩn khiến cho đời sống gia đình nhà bà trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết. Từ chỗ có nghề làm bánh tiêu, bánh bò, nay bà buộc phải bỏ nghề vì cứ làm bánh xong thì mùi hôi thối của rác thải, nước bẩn bám vào nên bị khách mua từ chỗ chê bai đến tẩy chay hàng của bà. 

Rác thải ngập tràn khu vực dự án.

Ngoài ra chuyện sinh hoại cũng hết sức khó khăn bởi hầu hết bà con đều thuộc dạng "chưa kịp ăn bữa trước đã phải lo bữa sau" nên không ai có khả năng thuê nhà hay tự mua nhà mới mà đành phải chịu đựng. Câu hỏi bao giờ dân mới có nhà ở hiện tại vẫn chưa có lời giải xong, nói như bà Diễm thì hiện tại gia đình bà cùng hàng trăm hộ gia đình khác đã khổ sở lắm rồi, chỉ mong UBND thành phố Hồ Chí Minh và các Sở, Ban, Ngành phải có cách giải quyết tích cực để bà con nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Đức Cương
.
.
.