Tượng đài trong lòng người

Thứ Bảy, 08/08/2015, 08:00
Thiên tai bão lụt, nghèo đói luôn là vấn nạn rình rập con người. Trong những tình huống khó khăn hiểm nghèo, chỉ có tình người là còn lại. Chỉ có tình người mới thực sự là những tượng đài được tôn vinh, được nhớ đến lâu bền nhất.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã trả lời rõ rồi, không phải 1.400 tỷ đồng chỉ để xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc. Là con số ít hơn nhiều lần. Nhưng dù như vậy thì nỗi buồn lo nào đó vẫn canh cánh trong lòng người. Hết chuyện tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam đến chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội, đến chuyện tượng đài ở Sơn La. Chuyện nào cũng rầm rộ, cũng gây sự chú ý và tâm lý bức xúc trong nhân dân. Chỉ vì mức độ và quy mô "hoành tráng" của nó.

Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam.

Việc xây dựng một bức tượng đài có lẽ không phải chuyện gì đặc biệt, để đến nỗi nó trở thành một câu chuyện được bàn luận trên các diễn đàn mạnh mẽ đến vậy, nếu quy mô và độ tốn kém của nó không tạo ra một sự đối lập hài hước khi người dân so sánh với mức sống trung bình của mình, với số lượng người chưa no cơm ấm áo, với các vấn đề dân sinh quan trọng khác ở từng địa phương đang cần được giải quyết. 

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng: "Số tiền này (1.400 tỷ) đủ để xây toàn bộ các điểm trường, các ký túc xá cho Sơn La và các tỉnh miền núi". Nhiều chuyên gia cũng lên tiếng về câu chuyện này. Theo đó, mức độ cần thiết, mức độ ưu tiên cho công trình tượng đài không thể bằng những việc quan trọng khác, với một tỉnh còn nghèo, còn trông chờ vào tiền ngân sách nhà nước như Sơn La.

Giáo dục ở miền núi đang là một câu chuyện buồn với những người có trách nhiệm, có lương tâm. Hàng ngàn giáo viên cắm bản, đời sống khó khăn trăm bề, chưa được tháo gỡ. Những ngôi trường tạm bợ dột nát, thiếu sách vở và các đồ dùng tối thiểu. Hàng ngàn trẻ em đến trường chân đất, mùa đông không đủ áo mặc, không đủ cơm ăn.

Thiên tai, lũ quét hằng năm cướp đi bao nhiêu sinh mạng, bao nhiêu ngôi nhà, khiến bao nhiêu người phải sống cảnh màn trời chiếu đất... Tất cả những vấn đề ấy, các nhà hoạch định chính sách của từng địa phương nếu tập trung chia sẻ, giải quyết, thì phần nào sẽ nâng cao được chất lượng đời sống của nhân dân, bớt đi những cảnh đau lòng. Để không còn những em bé chết vì đói như em bé lớp 3 ở Hà Tĩnh trên đường đi học về.

Chỉ tiếc rằng, những vấn đề dân sinh cấp bách đôi khi lại được quan tâm qua loa, sơ sài, đãi bôi, không đầu không cuối. Trong khi những dự án ngàn tỷ khoe độ hoành tráng thì ráo riết thực hiện. Câu chuyện chặt cây xanh ở Hà Nội đã là bia miệng để đời trong nhân dân là một ví dụ. Chuyện xây dựng tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng bề thế ở Quảng Nam, trong khi nhiều bà mẹ anh hùng đang sống trong tuổi già cô đơn, trong điều kiện hết sức khó khăn thiếu thốn là một ví dụ.

Dành một khoản kinh phí lớn để xây dựng tượng đài Bác Hồ chắc chắn không phải là tâm nguyện của Bác lúc sinh thời. Tượng đài không phải là cách duy nhất thể hiện tình cảm của nhân dân với một bậc vĩ nhân, nhất là trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo. Những vĩ nhân, bằng những gì đã đóng góp cho cộng đồng, họ đã tự tạc tượng mình trong lòng nhân dân rồi. Cách để thể hiện tình cảm với vĩ nhân của các nhà làm công tác lãnh đạo, quản lý đương thời là hãy tiếp tục nối dài những công việc hữu ích của tiền nhân, chăm lo cho đời sống của người dân được tốt dần lên.

Không số phận một người dân nào là thấp bé, là không đáng được xem là vấn đề của một địa phương, một quốc gia. Với một nước nghèo như chúng ta, thực tế đang có hàng trăm hàng ngàn vấn đề phải đối mặt, phải ưu tiên giải quyết, hơn là việc xây dựng những tượng đài tốn kém.

Những bức tượng đài tốn hàng trăm hàng ngàn tỷ để xây dựng, và có thể bị hao mòn bởi năm tháng, thời tiết, bị sai hỏng bởi kỹ thuật, bởi sự cẩu thả tắc trách của những người có trách nhiệm. Nhưng những tượng đài trong lòng người, về tình yêu thương dân, sẻ chia đùm bọc và nâng cao chất lượng đời sống của dân, làm cho dân ấm no và hạnh phúc thì sẽ luôn còn mãi, không mưa nắng nào có thể phai nhòa. Rất mong các nhà lãnh đạo, những người mà mỗi quyết sách của họ đều có ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của từng người dân hãy thẩm thấu điều này. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ cũng chính là như vậy.

Hội Quân
.
.
.