Tương lai của một nước Đức lãnh đạo Châu Âu

Chủ Nhật, 21/06/2020, 10:24
Ngày 1 tháng 6 vừa qua, nước Đức chính thức nhận chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu (EU). Vốn dĩ, đây chỉ là một trách nhiệm thông thường được trao đổi qua lại giữa các nước thành viên, nhưng trong bối cảnh vô cùng đặc biệt của châu Âu và thế giới lúc này, vai trò của nước Đức lại có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.


Người khổng lồ bước ra từ bóng tối

Không có gì khó hiểu khi nước Đức một ngày nào đó có thể vươn lên lãnh đạo châu Âu nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của đất nước này. Sau sự thống nhất trong hòa bình vào năm 1990, người Đức tập trung các nguồn lực vào phát triển kinh tế. 

Ngày nay, với 82 triệu dân, Đức là thị trường lớn và quan trọng nhất trong EU. Năm 2019, nước Đức đạt tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên đến 3.600 tỷ Euro với thu nhập bình quân đầu người là 42 000 Euro, đó chính là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, xếp thứ 4 trên thế giới và đặc biệt đang giữ vai trò dẫn dắt kinh tế của cả EU.

Trong lịch sử của mình, nước Đức có những giai đoạn bị phủ bóng đen. Đã có lúc, người Đức muốn lảng tránh thế giới, họ thậm chí còn muốn ném từ "chiến tranh" ra khỏi kho từ vựng của mình. Nhưng đó đã là quá khứ, bởi người Đức đã dần trở lại. Dấu ấn quốc tế lớn đầu tiên của nước Đức thống nhất bắt đầu từ năm 2003, chính quyền của Thủ tướng Gerhard Schroder khi đó đã phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Iraq. 

Trong bối cảnh thế giới đang nghiêng về phía Mỹ với chiêu bài "chống khủng bố", việc một nước đồng minh phương Tây vẫn còn đang sống dưới "cái ô hòa bình" của "đế chế Mỹ" dám lên tiếng chống lại một cuộc chiến tranh vì cho rằng nó "có thể tránh khỏi" là một điều vô cùng đặc biệt. Một nước Đức có trách nhiệm và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình với cộng đồng quốc tế đã quay trở lại.

Nước Đức đã nỗ lực kết nối EU với những đối tác lớn gần gũi.

Mười bảy năm đã trôi qua kể từ ngày ông Gerhard Schroder có bài phát biểu trước Quốc hội Đức, với nhan đề "Can đảm vì hòa bình và can đảm để thay đổi", nước Đức đang đi theo đúng con đường mà ông đã chọn. 

Trong mười bảy năm đó, từ vị trí một nền kinh tế lớn, nước Đức đã dần vươn tầm ảnh hưởng của mình sang các vấn đề chính trị, an ninh của khu vực và toàn cầu. 

Vai trò trung tâm của nước Đức trong việc dàn xếp những điểm nóng tại Trung Đông khi chấm dứt cuộc chiến giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Liban hay tìm ra giải pháp cho chương trình hạt nhân của Iran đã được quốc tế ghi nhận. 

Gần đây, thỏa thuận Minsk của bộ tứ Normandy mà Đức là bên trung gian dàn xếp đã giúp châu Âu bước qua nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh lạnh thứ hai sau khi Nga sáp nhập Crimea là một nỗ lực tuyệt vời trong bối cảnh nước Mỹ bận bịu với những điểm nóng khác. 

Những quyết định trong giải quyết vấn đề người tị nạn Syria và sự kiên định để kéo EU thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đồng Euro gần đây càng làm cho vai trò lãnh đạo của nước Đức trở nên nổi bật.

Ngày 1 tháng 6 vừa qua, nước Đức đã một lần nữa chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU. Đây không phải là lần đầu tiên hay lần cuối cùng nước Đức nhận lấy vai trò này, nhưng trong bối cảnh vô cùng đặc biệt của EU và thế giới hiện tại, rõ ràng, việc nước Đức nhận lấy trách nhiệm này càng có ý nghĩa to lớn hơn.

Khi cờ đến tay

EU với lịch sử gần 70 năm của mình đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất. Sự thống nhất của Châu Âu đang bị lung lay từ gốc rễ ở tất cả các mặt. Nước Anh, nền kinh tế lớn thứ hai của EU đã quyết định rời bỏ tổ chức này sau những tranh cãi kéo dài. Những nền kinh tế được coi là hùng mạnh như Ý, Tây Ban Nha hay kể cả Pháp đều rơi vào suy thoái trong nhiều năm qua. 

Một EU mở rộng đến 27 thành viên với các quốc gia ở phía Đông của đường biên chiến tranh lạnh năm xưa tạo ra những hố sâu ngăn cách mà không dễ để lấp đầy. 

Và đừng quên, đại dịch lịch sử COVID -19 vẫn chưa kết thúc mà châu Âu cho đến thời điểm này là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất kéo theo những thay đổi nghiêm trọng về cấu trúc kinh tế - chính trị. Nhưng nếu lúc này EU muốn tìm cho mình một tia sáng để hy vọng thì không có sự lựa chọn nào hợp lý hơn chính là nước Đức. Người hùng của cả một Châu lục đang hỗn loạn.

Không phải người Đức muốn nhận lấy vai trò dẫn dắt vào thời điểm khó khăn này, nó như một quy luật tất yếu của lịch sử mà họ không thể tránh được. Khi mà trật tự thế giới đang thay đổi, sức mạnh đơn cực của nước Mỹ không còn duy trì được nữa thì các cường quốc khu vực sẽ phải đóng vai trò quan trọng hơn. 

Ngay tại châu Âu, một nước Anh "ích kỷ", một nước Pháp "yếu đuối" và những "gã khổng lồ giấy" như Tây Ban Nha, Ý không có đủ uy tín hay nguồn lực thì nước Đức gần như là sự lựa chọn duy nhất. Sự gần gũi đặc biệt với nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông, những mối quan hệ đầy tinh thần hợp tác với những thế lực mới nổi ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ hay cả Việt Nam đem đến cho nước Đức một lợi thế lớn trên chính trường quốc tế.

Một nước Đức lãnh đạo EU là tất yếu trong tương lai gần.

Từ sức mạnh kinh tế tương đối cùng cách tiếp cận thận trọng trong việc dùng vũ lực, nước Đức đã tạo uy tín như một cường quốc hòa bình đáng tin cậy. Họ bảo vệ sự thống nhất của EU bằng quyết tâm sắt đá của mình. 

Khi nước Anh tìm đến Brexit, người ta đã nghĩ tới viễn cảnh EU tan rã nếu nước Đức ra đi. Nhưng không, Dexit của người Đức đã không bao giờ được nhắc đến nữa. Ngay lúc này, trong cuộc khủng hoảng COVID- 19, ấn tượng về một chính phủ Đức bình tĩnh, lý chí đã đối phó rất hiệu quả trong đại dịch khiến cho không ít người ngưỡng mộ.

Hướng đến một Châu Âu thống nhất

Không khó để nhìn ra một châu Âu dưới bàn tay của người Đức. Mối quan hệ đặc biệt trong lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang giúp châu Âu dàn xếp được rất nhiều vấn đề. Bất chấp những nghi ngờ, phản đối của nhiều nước trong EU, nước Đức vẫn bảo lưu quan điểm không từ bỏ tiến trình đàm phán đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. 


Không một nước phương Tây nào dành cho chính quyền của ông Putin sự tôn trọng lớn như người Đức. Mối quan hệ hợp tác đó đảm bảo cho châu Âu một tiếng nói có trọng lượng trong nhiều vấn đề toàn cầu. Và hãy thử hình dung một tương lai EU có Thổ Nhĩ Kỳ còn Nga là đối tác hữu hảo thì châu Âu sẽ có được sức mạnh lớn như thế nào.

Nhưng châu Âu không bao giờ phụ thuộc. Thủ tướng Angela Merkel, người phụ nữ đã lãnh đạo nước Đức 15 năm qua có thể sắp lui vào hậu trường, nhưng phát biểu gần đây của bà về nước Mỹ và cơ chế G7 không làm người ta thất vọng về sự nhất quán trong chính sách của người Đức. 

Nếu một ai đó còn cảm thấy lo lắng cho con tàu EU sẽ chông chênh khi mất đi người lèo lái vĩ đại này thì đừng quên người phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Châu Âu chính là bà Ursula von der Leyen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của Đức, người đã luôn sát cánh bên cạnh bà Merkel trong hơn chục năm qua đang làm rất tốt công việc của mình.

Không từ bỏ người bạn Mỹ, nhưng nước Đức đã sẵn sàng cho ý tưởng về một quân đội riêng của châu Âu trong tương lai gần. Đó là cách để châu Âu bước ra khỏi cái bóng của người Mỹ bấy lâu nay. Nước Đức cũng đang đi đầu trong việc hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Nhiều quốc gia trong EU đã sẵn sàng hợp tác với Huawei để phát triển mạng 5G, bất chấp đe dọa từ phía Mỹ. 

Khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái, EU cần có những lựa chọn khôn ngoan của riêng mình. Sẽ không còn một EU theo đuôi nước Mỹ trong những vấn đề quốc tế, nhưng điều đó không có nghĩa là EU không sẵn sàng đưa ra những quan điểm của mình về những việc làm của Trung Quốc mà họ cho là không thỏa đáng.

Tìm kiếm một sự nhất quán giữa tất cả các thành viên trong EU chưa bao giờ là việc dễ, nhưng như cái cách mà những người Đức đang cố gắng làm, họ muốn một EU thống nhất nhưng độc lập với thế giới để bảo vệ những giá trị của mình.

Tử Uyên
.
.
.