Tương lai nào cho Bắc Phi - Trung Đông?

Thứ Sáu, 18/11/2011, 11:15

Không thể bỏ qua thực tế là tiếp sau những quyết định chính trị sai lầm, những cuộc bạo loạn hay lật đổ tương tự như ở Libya vẫn hoàn toàn có thể xảy ra ở những quốc gia khác trong khu vực. Không nghi ngờ gì nữa, "ngôi nhà cháy Libya" đã đặt Yemen, Syria, Tuynidia trong tình trạng báo động cao. Có ai dám chắc các chế độ này không gặp phải kết cục tương tự?

Tripoli có bình yên trở lại?

Cứ như vậy, sau bom rơi đạn nổ là cảnh chết chóc, ly tan. Theo thống kê của tờ Huffington Post, hơn 30.000 người đã chết, 50.000 người bị thương và 4.000 người mất tích kể từ khi NATO bắt đầu chiến dịch ném bom hỗ trợ cho phe nổi dậy tại Libya. Con số đó bản thân nó đã là ghê rợn song vẫn chưa đủ để thể hiện hết sự nguy hại của chiến tranh. Những hậu quả khó lường còn gồm cả dư chấn tâm lý, lòng thù hận và nỗi đau tinh thần kéo dài. Saif Al-Islam Gadhafi, người con được cho là có triển vọng thay thế Gaddafi ngày 23/10 vừa qua đã tuyên bố trên truyền hình Syria "thề sẽ trả thù lũ chuột bọ".

Ba ngày trước đó, hình ảnh và những đoạn video đầy ám ảnh về họng súng chĩa vào đầu Gaddafi, khuôn mặt máu me và cơ thể nhiều vết thủng thâm đen của ông ta sẽ lưu lại trong những trang lịch sử buồn của Trung Đông. Ngày 23/9/2009, nhà lãnh đạo có phần lập dị này còn đứng trên đài cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc để nói về viễn cảnh chính trị Libya, khu vực Bắc Phi-Trung Đông cũng như thế giới. Bài phát biểu dài hơn 100 phút hôm đó đã thể hiện thái độ phản kháng quyết liệt của ông đối với những đề nghị của cộng đồng quốc tế.

Nhưng rốt cuộc bài phát biểu đó không cứu được chế độ kéo dài 42 năm của ông, không cứu được mạng sống của chính ông. Nền chính trị mang tên Gaddafi chấm dứt. NATO sẽ duy trì quân đội trong vòng khoảng nửa tháng nữa để bảo đảm không có thêm tình huống đột biến nào xảy ra. Tương tự như vậy, Lầu Năm Góc tiếp tục quân đội trong tình trạng theo dõi cao đối với Tripoli thêm 10 ngày nữa.

Trong một thế giới hướng tới những giá trị nhân văn, hình ảnh gây sốc lấy từ máy quay điện thoại di động về những giây phút cuối đời của Gaddafi đã nhận được những phản ứng đa chiều của thế giới. Các tổ chức nhân quyền phản đối việc giết hại tù binh theo quy định của Công ước Geneva năm 1949. Phe nổi dậy do Thủ tướng lâm thời Libya Mahmoud Jibril đứng đầu bác bỏ điều đó, cho rằng ông Gaddafi đã chết trong giao tranh và đó là kết cục xứng đáng dành cho "kẻ độc tài chuyên chế".

Các quốc gia phương Tây không bình luận trực tiếp về cái chết, song thể hiện thái độ ủng hộ đối với thắng lợi có tính bước ngoặt của lực lượng nổi dậy. Nam Phi và một số quốc gia khác không chấp nhận các lực lượng bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ một quốc gia có chủ quyền.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez gọi hành động của Gaddafi là "tử vì đạo". Nhiều quốc gia khác lại chưa bày tỏ chính kiến. Phản ứng về cái chết của Gaddafi là hình ảnh thu nhỏ về thế giới đương đại, chiến tranh và bạo lực chưa bao giờ chấm dứt xen lẫn những nỗ lực cứu vãn hòa bình hoặc giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Bài học lớn cho khu vực

Vở bi kịch của Gaddafi tương đối giống với Saddam Hussein ở phần hạ màn. Trong khi đó nếu nhìn vào Ai Cập, dường như chế độ của Mubarak đã tránh được cảnh máu chảy đầu rơi kéo dài. Việc ông Mubarak chấp nhận buông bỏ quyền lực vào phút thứ 89 phải chăng là cứu cánh? Trước khi Tripoli thất thủ, Zimbabwe và một vài quốc gia khác tuyên bố sẵn sàng cung cấp một địa chỉ an toàn cho nhà lãnh đạo Libya nếu ông chấp nhận từ chức.

Song phương án có tính "cải lương" này không được chính ông Gaddafi lựa chọn. Bởi vậy cho đến cuối tháng 8/2011, ông vẫn còn dự đoán một cách duy ý chí rằng quân đội của ông sẽ giành thắng lợi, NATO sẽ thất bại và ông sẽ tiếp tục lãnh đạo nền cách mạng Libya vĩ đại. Trong bản Di chúc vừa tìm thấy của ông, ông nói "bảo vệ tổ quốc là một niềm vinh dự còn bán nước là tội lỗi lớn nhất mà lịch sử sẽ mãi mãi không quên".

Tạm bỏ qua cá tính chính trị cá nhân, bài học đắt giá cho tương lai một đất nước luôn là hòa bình. Không thể bỏ qua thực tế là tiếp sau những quyết định chính trị sai lầm, những cuộc bạo loạn hay lật đổ tương tự như ở Libya vẫn hoàn toàn có thể xảy ra ở những quốc gia khác trong khu vực. Không nghi ngờ gì nữa, "ngôi nhà cháy Libya" đã đặt Yemen, Syria, Tuynidia trong tình trạng báo động cao. Có ai dám chắc các chế độ này không gặp phải kết cục tương tự?

Tripoli có bình yên trở lại?

Không kỳ vọng, Libya phải xây dựng từ đống vỡ vụn

Trước hết là tương lai của Libya thời kỳ hậu Gaddafi. Thông thường các nhà phân tích sẽ nêu một vài kịch bản, dao động từ thái cực bi quan đến lạc quan. Kịch bản bi quan dự đoán Libya sẽ rơi vào nội chiến kéo dài, các thế lực bên ngoài duy trì chủ nghĩa can thiệp và người dân Libya tiếp tục gánh chịu những hậu quả bi thảm của chiến tranh. Kịch bản lạc quan cho rằng các công ty dầu mỏ phương Tây sẽ đổ xô đến đất nước Libya thanh bình, phương Tây sẽ hào phóng giúp đỡ chính quyền lâm thời và người dân Libya trong quá trình tái thiết đất nước của họ.

Còn kịch bản trung dung hơn sẽ không quá tin vào sự giúp đỡ thần kỳ nào cả, chiến tranh có thể tạm thời chấm dứt nhưng người dân Libya phải tự mình hàn gắn, xây dựng lên tất cả từ đống vỡ vụn. Chúng ta chờ xem kịch bản nào có khả năng sẽ xảy ra nhiều hơn, nhưng có điều chắc chắn là vô vàn khó khăn, thách thức đang chờ đợi nhân dân Libya ở phía trước. Cái giá mà nhân dân Libya phải trả đã là quá cao.

Liệu Syria có là Libya thứ hai?

Trong khi đó, nhiều con mắt cũng đổ đồn về Syria, nơi được xem như có thể xảy ra Libya thứ hai. Về mặt pháp lý, nếu như đối với Libya trước đây Liên hợp quốc nhất trí thông qua nghị quyết cho phép sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ thường dân cũng như áp dụng "vùng cấm bay" thì đối với Syria, Hội đồng thậm chí còn chưa thỏa thuận được từ ngữ cho dự thảo nghị quyết.

Mặt khác, Nga - 1 trong 1 Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an - phản đối việc tấn công quân sự Syria với lập luận đất nước hơn 22 triệu dân này không phải là "mối đe dọa đối với hòa bình thế giới". Về mặt sức mạnh quân sự, Syria mạnh hơn Libya nhiều lần với quân số thường trực lên đến gần nửa triệu. Một số binh đoàn của Tổng thống Bashar al-Assad được trang bị hiện đại và khá tinh nhuệ. Đảng Baath chi phối chính trường Syria đoàn kết và được tổ chức tốt.

Khác với Libya, Syria có quan hệ chặt chẽ với những "ông lớn" ở khu vực như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên của NATO). Thậm chí chính quyền Damascus còn có mối liên hệ "ngầm" với những lực lượng "anh chị" trong chính trường Trung Đông như Hezbolah ở Libăng và Hamas ở dải Gaza. Nhìn bề ngoài dường như Syria khá "ổn", song bài học của Libya cho thấy mọi việc không hề đơn giản.

Ngay sau khi nhận tin Đại tá Gaddafi bị giết, lực lượng biểu tình ở Syria lập tức tăng cường xuống đường. Kết quả của cuộc giao tranh cuối tuần qua giữa lực lượng này và cảnh sát đã khiến hàng chục người chết. Điều này chỉ có tác dụng làm tăng thêm "khí tiết" của lực lượng chống đối.

Bên ngoài, liệu Nga có thể bảo vệ được Syria ở Hội đồng Bảo an mãi hay không? Chắc chắn Nga sẽ chịu sức ép của một số thành viên khác trong Hội đồng. Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/9 vừa qua, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã đến Bắc Kinh "để thuyết phục" Trung Quốc gửi một thông điệp rõ ràng đến chế độ Bashar al-Assad, đó là yêu cầu chấm dứt các cuộc "đàn áp chính trị" trong nước. Các liên minh của Damacus từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ đều đang gặp vấn đề, bản thân những nước này cũng đang chịu nhiều sức ép quốc tế, nhất là Tehran.

Vụ việc Mỹ cáo buộc Iran đứng đằng sau âm mưu ám sát Đại sứ Arập Xê út tại Washington vừa qua đang làm quan hệ Mỹ-Iran căng thẳng trở lại sau thời gian tạm lắng. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn được cho là phải gây sức ép mạnh mẽ đối với Damascus yêu cầu bảo vệ người biểu tình. Còn về sức mạnh của quân đội Syria, dù có tinh nhuệ và đào tạo cơ bản đến bao nhiêu cũng khó so sánh được với quân đội Mỹ và NATO. Chế độ Saddam Hussein trước đây sở hữu quân đội mạnh gấp nhiều lần song cũng gặp thất bại chóng vánh trước lực lượng đồng minh do Mỹ chỉ huy.

Nhìn lại các cuộc giao tranh ở Libya vừa qua, quân đội NATO không hề gặp một tổn thất đáng kể nào, con số thương vong là không. Còn về sự hậu thuẫn chính trị trong nước, đảng Baath trước đây của Saddam Hussein cũng được cho là có sức mạnh cố kết song ngay sau khi quân đồng minh tiến vào Baghdad, nhiều thành viên trong đảng đã bỏ chạy khỏi hàng ngũ, quay lưng lại với chế độ.

Tương tự như Syria là Yemen. Sau các cuộc xô xát dữ dội giữa lực lượng nổi dậy và cảnh sát tại thủ đô Sanaa vừa qua, Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lên án chiến dịch đàn áp và yêu cầu Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. Cuộc nổi dậy của người dân từ tháng 1 năm nay không phải là nguyên nhân duy nhất khiến các nước lớn quan tâm. Yemen còn được cho là nơi ẩn náu của nhiều nhóm khủng bố Al Qaeda. Tổng thống Saleh, người nắm quyền từ năm 1978 chưa có biện pháp nhất quán nào đối với tình hình đất nước, có lúc ông hòa dịu, "câu giờ", nhưng phần lớn lại là các biện pháp bạo lực.

Các nhà lãnh đạo Syria và Yemen có thể tự tin vào khả năng, tính chính đáng và sự ủng hộ của dân chúng dành cho họ để từ đó lựa chọn phương án "giữ" của Gaddafi hoặc thỏa hiệp "buông bỏ" quyền lực như cựu Tổng thống Ai Cập Mubarak. Nhưng sự lựa chọn khôn ngoan nhất có lẽ là cho lợi ích đất nước và người dân vì điều đó về lâu dài sẽ bảo đảm sự an nguy cho chế độ. Phải chăng theo hướng đó, cả Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Ali Abdullah Saleh đều phải "thức thời" điều chỉnh thái độ ôn hòa hơn đối với cộng đồng quốc tế trong những ngày vừa qua.

Hơn bao giờ hết, từ Damascus đến Sanaa, số phận tương lai của hàng chục triệu người đang phụ thuộc vào những quyết định có tính chất sống còn của những nhà lãnh đạo này, trước mắt là thái độ của họ đối với những nghị quyết tuy không có giá trị ràng buộc nhưng cực kỳ có ý nghĩa của Hội đồng Bảo an LHQ. Bài học Gaddafi không chỉ dành riêng cho Libya

Lê Đình Tĩnh
.
.
.