Tuyên chiến với cướp, đối đầu với lửa

Thứ Tư, 19/08/2015, 10:00
Lý Nhơn Thành bây giờ không chỉ là thương hiệu bắt cướp nữa mà còn là thương hiệu "chữa cháy" đáng tin cậy của người dân. Dồn hết của cải, công sức cho cái chức Trưởng ban bảo vệ khu phố 2 (thuộc phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh), có những thời điểm gia sản khánh kiệt, nợ nần chồng chất, vợ oán than, trách móc nhưng một khi sự đam mê đã ngấm vào máu rồi, vợ con là cái duyên, công việc chung là cái nợ, anh không thể bỏ được.
"Thằng nhỏ thiệt nhanh"

Năm 1976, khi ấy Lý Nhơn Thành mới 9 tuổi, một hôm đang ngồi bổ củi ngoài hiên nhà, chợt nghe tiếng la hét thất thanh ngoài đường nhưng không ai dám đuổi theo vì tên cướp tay lăm lăm khẩu súng. Lý Nhơn Thành nắm chắc chiếc rìu bổ củi, tên cướp chạy tạt qua mặt, anh phi rìu cắm phập vào bên tay cầm súng của tên cướp. Hắn ôm tay kêu la thảm thiết.

Lấy đà từ xa, Lý Nhơn Thành bay người đạp ngã hắn rồi túm cổ áo, vặn tay ra phía sau chờ lực lượng Công an đến áp giải. Mọi người trố mắt ngạc nhiên trước màn "phi rìu" ngoạn mục của cậu bé 9 tuổi. Báo Thiếu niên tiên phong hôm sau lên trang nhất bài báo với tựa đề: "Thằng nhỏ thiệt nhanh". Người ta hỏi, tại sao không sợ tên cướp? Lúc đó hắn bắn thì sao? Lý Nhơn Thành hồn nhiên trả lời: "Lúc đó chỉ nghĩ đến việc hạ gục hắn thôi".

Dường như, điều đó là bản năng của Lý Nhơn Thành. Năm 1977, cũng tại cung đường đó, chiếc xe bus lao trên đường với đụn khói mịt mù phía sau. Lý Nhơn Thành phóng theo bằng đôi chân trần, miệng la hét inh trời nhưng tài xế hững hờ bỏ qua, thản nhiên chạy tiếp. Chiếc xe bus ngày càng bốc khói nghi ngút, phía trước mặt là cây xăng, không ngăn chặn thì toàn bộ hành khách trên xe sẽ gặp nguy hiểm.

Nhiều khi vợ oán than vì anh lấy tiền của nhà đi mua đồ chữa cháy.

Lý Nhơn Thành chạy tới đồn Công an gần đó, yêu cầu truy đuổi xe bus. Đồng chí Công an bắn hai phát súng chỉ thiên, chiếc xe bus mới chịu dừng, hành khách tá hỏa vì khói đã tràn vào trong xe. Nơi đỗ xe chỉ cách trạm xăng hơn một mét, nhanh như sóc, Lý Nhơn Thành lao vào cây xăng cầm bình chữa cháy dập lửa trên xe bus. Ngọn lửa được khống chế, mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Từ đó, hễ khu phố có vấn đề về an ninh trật tự hoặc hỏa hoạn là người ta chạy tới kêu cậu bé Lý Nhơn Thành.

Có tố chất và bản lĩnh, Lý Nhơn Thành thường xuyên giúp đỡ lực lượng Công an giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố. Anh không nhớ nổi mình đã tham gia bắt trộm, bắt cướp bao nhiêu lần. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, của UBND TP Hồ Chí Minh và một số đơn vị tặng Lý Nhơn Thành ước đếm trên hai trăm cái. Anh nói rằng, mình làm điều đó vì mê thôi, chứ thật ra không ham mấy cái giấy khen.

Năm 2009, đang là Tổ phó an ninh của Ban chỉ huy Quân sự quận 1, nghe tin UBND phường Nguyễn Thái Bình thành lập lực lượng bảo vệ dân phố, Lý Nhơn Thành xin nghỉ việc để ra làm Trưởng ban bảo vệ khu phố 2. Tất cả đều ngạc nhiên trước thái độ dứt khoát, quyết tâm của Lý Nhơn Thành. Anh chia sẻ: "Bảo vệ nhân dân là ước mơ của tôi từ nhỏ. Ở vị trí này, tôi được thoải mái bắt cướp, bắt trộm".

Xe chữa cháy di động do Lý Nhơn Thành tự chế.

Hàng trăm tên cướp đã bị Lý Nhơn Thành hạ gục, chúng cay cú, thù hận quyết tâm trả thù. Nhiều lần, chúng chạy xe ép Lý Nhơn Thành trên đường, dùng khúc gỗ chi chít đinh mười phang vào chân anh, để anh không còn chân chạy bắt cướp nữa. Bị tấn công bất ngờ, Lý Nhơn Thành không kịp trở tay, anh chỉ kịp ôm chân máu me đầm đìa chạy vào bệnh viện. Lần khác, chúng chém anh từ phía sau bằng dao. Vết chém xuyên rách áo, thấu vào xương lưng.

Nhưng rồi anh cũng bình phục, vì cái số của anh quá lớn. Giải quyết bằng đao búa không được, chúng gài thuốc nổ vào cửa nhà anh, may lần đó thuốc không nổ. Chúng tiếp tục cài vào ống bô xe máy, chỉ cần nhấn ga xe sẽ phát nổ, nhẹ thì nát hai bên đùi, nặng có thể tan xác. "Làm cái việc này nhiều nó cho mình sự nhạy cảm và cảnh giác cao lắm. Được cái người dân thương yêu, nhiều vụ họ phát giác được âm mưu hèn hạ của bọn xấu, báo cho mình đề phòng trước", Lý Nhơn Thành cho biết.

Trong những lần đi "dẹp loạn" đường phố về đêm, Lý Nhơn Thành đã cảm hóa và thu phục nhiều thanh, thiếu niên hư hỏng, tập đòi ăn chơi quay về nẻo thiện. Trong số đó, có những đứa xin theo về làm bảo vệ dân phố. Anh đưa về, cho ăn, cho mặc, uốn nắn, rèn giũa, đến nay nhiều người trở thành dân phòng hăng hái, nhiệt huyết, luôn lăn xả giúp đỡ nhân dân.

Với vai trò là Trưởng ban bảo vệ khu phố, Lý Nhơn Thành thành lập đội an ninh khu phố gồm những thanh niên dân phòng đều có khả năng bắt cướp, bắt trộm. Anh bỏ tiền túi sắm hai chiếc xe máy phân khối lớn, sắm máy ghi âm, ghi hình phục vụ việc bắt cướp. Bắt vụ nào là anh em ghi lại hình ảnh hiện trường, khi bàn giao cho Công an có đầy đủ bằng chứng xử lý.

Anh hùng dập lửa

Năm 2002, vụ cháy tòa nhà Trung tâm thương mại Quốc tế ITC tại TP Hồ Chí Minh trở thành nỗi kinh hoàng với mỗi người dân. Buổi trưa hôm ấy, có người hộc tốc chạy đến Lý Nhơn Thành báo tin, anh từ trong nhà phóng ra "cướp" được chiếc xe môtô của một thanh tra giao thông, leo lên vỉa hè chạy bạt mạng về đám cháy. Lúc này, những cuộn khói ngùn ngụt bốc lên mù mịt, đen ngòm, lửa đỏ nhanh chóng bao trùm tòa nhà.

Một trong hàng trăm bằng khen các cấp tặng Lý Nhơn Thành.

Lý Nhơn Thành túm áo anh bảo vệ tát một cái thật mạnh vào mặt rồi hét: "Vòi nước đâu?". Anh bảo vệ run cầm cập chỉ tay vào phía hầm cầu thang. Tầng trệt tòa nhà hiện còn hàng chục gian hàng trang sức có nguy cơ bị thiêu rụi. Lý Nhơn Thành kéo anh ta vào đám khói, yêu cầu mở vòi nước. Chưa kịp nhìn mặt, anh ta đã ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài thoát thân.

Một mình Lý Nhơn Thành dùng hết sức lực lôi ống nước phun liên tiếp lên cầu thang, phun vào những gian hàng, không cho lửa tiếp cận. Khi anh đang tập trung dập lửa phía dưới thì phía trên, hàng trăm con người giơ tay kêu gào tên Lý Nhơn Thành. Nhìn những khuôn mặt đầm đìa nước mắt, khóc ngằn ngặt cầu cứu mà lòng anh thắt lại, nhưng đành bất lực.

Chỉ một mình Lý Nhơn Thành vật lộn với lửa, anh đã khống chế không cho lửa cháy xuống tầng trệt, bảo toàn được gần như hoàn toàn các gian hàng trang sức quý giá. Dù lực lượng cứu hộ tới hiện trường dập lửa, cứu người nhưng sức công phá của "hỏa thần" nhanh chóng cướp mất 60 sinh mạng và hơn 70 người bị thương chỉ trong vài phút.

Sau vụ ITC, Lý Nhơn Thành được phong là người hùng trong lửa, nhưng cảnh tượng tang thương trong đám cháy luôn ám ảnh anh. Trong đầu Lý Nhơn Thành lúc nào cũng nung nấu ý nghĩ phải làm sao có được dụng cụ chữa cháy để mỗi khi xảy ra sự cố là phải chủ động "tuyên chiến" với "giặc lửa". Anh bỏ tiền túi mua chiếc xe chữa cháy mini, hễ ở đâu có cháy là người dân chạy lại báo, anh kéo xe luồn lách qua các ngõ ngách đi chữa cháy.

Hàng trăm vụ cháy đã được xe chữa cháy dập lửa.

Đặc thù các khu dân cư ở Sài Gòn thường chật chội, đường hẻm nhỏ, xe chữa cháy không thể vào được hoặc có vào thì tới nơi cũng muộn. Có vụ đến nơi chỉ còn là đống tro tàn. Bây giờ phải làm sao có chiếc xe vừa nhỏ gọn lại nhanh chóng, tiện ích có khả năng luồn lách vào trong ngõ ngách? Câu hỏi ấy luôn thường trực trong đầu Lý Nhơn Thành.

Một lần, anh vào quán rửa xe máy, thấy ông chủ có chiếc bình phun nước rất mạnh, lại tiện ích, mắt anh sáng lên, ý tưởng chợt lóe trong đầu, anh hỏi ông chủ về chiếc bình. Ông chủ tưởng anh dò la để cạnh tranh nên thái độ rất lạnh lùng. Hiểu được ý, Lý Nhơn Thành nói ngay: "Tôi không có ý định làm nghề rửa xe, tôi muốn tìm hiểu cái bình của anh cho việc chữa cháy". Ông chủ nhìn anh thật lâu rồi ồ lên: "Anh là Lý Nhơn Thành trong vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại ITC phải không?".

Rồi chưa kịp để anh gật đầu, ông nắm chặt tay dắt vào xem máy bơm. Về nhà, Lý Nhơn Thành đi mua ngay một chiếc bình bơm 5 ngựa, một dây cu roa, một máy nổ chạy bằng xăng, tất cả để vào chiếc toa thùng, dùng xe máy kéo đi. Chữa cháy được mấy vụ, thấy việc kéo xe cồng kềnh, ảnh hưởng đến giao thông, Lý Nhơn Thành rầu rĩ, nghĩ nát óc tìm cách khác.

Anh tháo hết bình bơm, máy nổ, dây điện buộc xung quanh xe máy, dùng xăng xe máy chạy máy nổ. Phương án này tạo hiệu quả cao, xe máy chạy nhanh, gọn, có khả năng xông thẳng vào đám cháy cắm trực tiếp ống máy bơm vào vòi nước nhà dân, phun liên tục vài tiếng đồng hồ.

Người ta trả công anh bao nhiêu? Lý Nhơn Thành cười hồn nhiên: "Làm gì có công, tôi làm vì niềm đam mê. Bà con bị cháy đã cực lắm rồi, mình không giúp thêm thì thôi ai lại lấy tiền. Giờ tôi chỉ mong ước có vài chiếc xe máy để anh em trong tổ bảo vệ dân phố có phương tiện làm việc. Họ nhiệt tình, tâm huyết lắm nhưng đi bắt cướp, đi chữa cháy mà không có xe thì cũng chẳng làm được gì". 

Ngọc Thiện
.
.
.