Tỷ phú tái chế cao su đất thành Nam

Thứ Hai, 29/05/2017, 11:09
Từ hai bàn tay trắng, ông Thông đã gây dựng một cơ nghiệp tái chế cao su với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.


Từng đi bộ đội, chinh chiến khắp các mặt trận phía Nam, khi xuất ngũ, ông Nguyễn Lương Thông (thôn Văn, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) gặp không ít khó khăn. Để duy trì cuộc sống, ông phải lang thang khắp nơi làm thuê, thậm chí bán kem dạo. Thế rồi cơ duyên đã đưa ông đến với cao su.

Từ hai bàn tay trắng, ông Thông đã gây dựng một cơ nghiệp tái chế cao su với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Trên tất cả, ông đã thực hiện được tâm niệm của mình là tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương, vực dậy được làng nghề truyền thống đã bị mai một.

Tạo công ăn việc làm cho bà con là trăn trở lớn nhất của ông Thông.

Nhìn ông Thông say sưa làm việc, chẳng ai nghĩ đó là một người sắp bước sang tuổi 70, cũng không ai nghĩ ông là một tỷ phú nức tiếng thành Nam. Thay vì sống hưởng thụ, điền viên cùng con cháu, ông lại luôn chân tay với thùng nọ, giỏ kia, nào khâu, nào cắt, quét sơn, rồi bắn đinh lên từng sản phẩm.Ai hỏi ông chỉ cười nói: “Mình vốn là nông dân, làm quen rồi, giờ mà ngơi tay là không chịu được. Không lao động có khi còn ốm lăn ra ấy”.

Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân ở huyện Ý Yên, Nam Định, tuổi thơ của ông gắn liền với cái đói, cái nghèo, rồi cả những mất mát của chiến tranh.Năm 1968, ông tình nguyện xin nhập ngũ, lên đường vào Nam chiến đấu. Tám năm quân ngũ, đôi chân ông trải khắp các chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ, đánh hàng trăm trận, vết thương trên người đếm không hết.

Dù bị thương, mang trong mình di chứng của chất độc da cam nhưng ông luôn tâm niệm mình là người may mắn. Ông nguyện phải sống cho thật tốt, xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống.

Cuộc sống thời hậu chiến vốn khó khăn, ông còn khó khăn hơn gấp bội khi mà sức khỏe ngày một giảm sút. Để mưu sinh, để có tiền nuôi con, ông lao vào làm bất cứ công việc gì, từ chăn nuôi gà, vịt đến làm thợ trang trí nội thất, thợ sơn mài, thậm chí còn đạp xe lang thang mỗi ngày vài chục cây số để bán kem.

Những sản phẩm thô được tái chế từ cao su tại cơ sở của ông Thông.

Không nghề nghiệp ổn định, cuộc sống khó khăn khiến ông Thông không ít lần chán nản, muốn buông xuôi. Năm 1994, ông quyết định theo một người quen lên Hà Nội học nghề đóng giày.

Ông bảo: “Mình càng ngày sức khỏe càng đi xuống, không thể mãi lang thang kiếm sống được. Thế là quyết định học một nghề gì đó ngồi một chỗ cho nhàn. Không ngờ đó lại là chuyến đi định mệnh của cuộc đời tôi”.

Công việc của ông không có gì đặc biệt, đơn giản là cắt, dán, phun sơn cho những lớp cao su để gắn vào đế giày. Chính từ công việc tưởng chừng như đơn giản ấy, cao su đã gắn vào cuộc đời ông như một định mệnh.

Ông Thông vốn là người khéo tay, lại chịu khó học hỏi, sau ba năm ông trở thành một thợ đóng giày tài hoa. Có nghề trong tay, ông Thông quyết định về quê mở một cơ sở đóng giày.

Tại đây, một sự tình cờ đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời ông. Một vị khách lạ đi ngang qua cửa hàng giày, vô tình thấy những đôi giày do ông làm ra mà không thể rời mắt. Nể phục sự khéo tay của ông, vị khách này quyết định đưa một số mẫu giỏ đựng rác, gương treo tường, xô chậu… đặt ông làm thử, nếu đạt yêu cầu sẽ có kế hoạch làm ăn lâu dài.

Cơ sở của ông Thông đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

“Ban đầu tôi cũng bất ngờ, vì thấy vị khách đó cứ say sưa ngắm những đôi giày tôi làm ra. Họ đặt vấn đề muốn tôi làm thử những sản phẩm của họ, nếu đạt sẽ đặt quan hệ làm ăn lâu dài. Hỏi ra mới biết vị khách ấy thuộc Công ty Cánh Đồng Xanh (có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh)”- ông Thông nhớ lại.

Nhận thấy đây là cơ hội nghìn năm có một, ông Thông đã cho gọi hai con trai đến bàn chuyện gấp. Sau khi đã thống nhất được phương án, cách làm, ba bố con ông quyết tâm thực hiện cho bằng được.

Trong suốt 1 tháng ròng rã, ba bố con ông quên cả ăn, cả ngủ, vùi đầu vào việc chế tạo hàng. Công việc khó khăn nhất lúc ấy là việc bóc tách cao su. Lốp cao su được ông mua lại từ các cơ sở sửa chữa ôtô, rồi dùng dụng cụ chuyên biệt thục thành các mành mỏng, các lớp khác nhau.

Theo các mẫu được đặt sẵn, ông cắt từng mảnh, từng khối, lên mẫu thiết kế, khâu đóng thành sản phẩm. Khi đã có những sản phẩm thô ưng ý, lúc đó ông mới quét sơn, phơi khô, đóng ghim chế thêm các chi tiết như quai xách, sợi buộc.

Khi thành phẩm, ông chưa vội vàng gửi đi, mà gọi bạn bè, anh em đến ngắm trước, đóng góp ý kiến. Khi sản phẩm hoàn hảo ông mới chịu đóng thùng gửi cho khách hàng.

Chờ đợi phản hồi của khách hàng là quãng thời gian dài vô tận với ông. Sự lo lắng, hồi hộp khiến ông đứng ngồi không yên. Cuối cùng thì tin vui cũng đến với bố con ông, lô hàng đầu tiên ấy được Công ty Cánh Đồng Xanh chọn đem đi làm triển lãm tại Hội chợ thương mại quốc tế. Đặc biệt hơn nữa, sản phẩm kỳ công ấy được đối tác nước ngoài đánh giá cao.

Từ lần đó, cơ sở sản xuất của ông Thông liên tục nhận được các đơn hàng. Rất nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên hệ ký hợp đồng.“Hiện nay có hàng chục công ty khắp trong Nam, ngoài Bắc đã liên kết sản xuất với chúng tôi. Cho đến bây giờ tôi cũng không thể nghĩ mình lại thành công ở lĩnh vực này. Có lẽ phần vì nỗ lực của bản thân, phần cũng vì sự may mắn mà đưa tôi đến cao su phế liệu” – Ông tâm sự.

Nhìn vào sản phẩm này ít ai biết nó được làm từ cao su phế thải.

Sau 20 năm gắn bó với nghề, ông Thông giờ đây đã trở thành tấm gương để mọi người phải học theo. Ông đã phát triển từ một cơ sở nhỏ bé thành một xưởng chế tạo có quy mô hơn 1.300 m² với hàng trăm công nhân làm việc thường xuyên.

Không những vậy, ông còn tạo công ăn việc làm cho không ít những hộ gia đình lân cận bằng cách khoán sản phẩm cho hàng trăm hộ nhận nguyên liệu về làm. Hai cơ sở được ông chia đều cho hai người con trai cùng làm.

Mỗi tháng, hai cơ sở đều đặn chế tạo từ 1,5 đến 2 vạn sản phẩm, có những tháng lên tới hơn 3 vạn sản phẩm. Do đầu vào là những phế liệu nên sản phẩm của ông luôn đảm bảo được giá rẻ, mẫu mã đẹp.

Ông Thông cho hay: “Sản phẩm tái chế cao su sở dĩ được ưa chuộng vì được tái chế từ lốp ôtô đã qua sử dụng nên loại bỏ được nhiều độc tố, lại có tính bền vững cao, chịu được biến đổi của môi trường. Không những vậy, nó có công năng cao trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng. Sản phẩm của tôi được thị trường châu Âu như Đan Mạch, Pháp, Thụy Điển, đặc biệt là thị trường Mỹ rất ưa chuộng. Doanh thu mỗi năm của xưởng khoảng 12 tỷ đồng”.

Mặc dù thành công với nghiệp tái chế cao su nhưng chưa khi nào ông Thông thôi trăn trở về làng nghề mây tre đan truyền thống của địa phương đang bị mai một.

Ông bảo: “Tôi muốn dùng những gì mình có để vực dậy một ngành nghề truyền thống đã lụi tàn nhiều năm và tạo công ăn việc làm cho bà con. Chính vì thế tôi đã bàn với các con và bắt tay vào làm ngay”.

Hiện nay, ông Thông đã tạo dựng được một cơ sở sản xuất mây tre đan với năng suất hàng nghìn sản phẩm mỗi tháng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân trong địa phương, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.

Cho dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng khó khăn không phải không có. Khi mà cơ sở sản xuất ngày càng được mở rộng thì nguyên liệu đầu vào ngày càng khan hiếm.

Hiện, ông vẫn sử dụng phương pháp gom hàng truyền thống là thu mua nguyên liệu từ các xưởng sửa chữa ôtô trên địa bàn. Đây là nguồn cung nhỏ lẻ và không ổn định, đôi khi dẫn đến việc thiếu hụt nguyên liệu.

Để giải quyết vấn đề này ông đang có dự định tìm hiểu và thực hiện ký kết hợp đồng lâu dài với các cơ sở lớn hơn tại các tỉnh. Mỗi cân lốp người mua nhỏ lẻ chỉ lãi được hơn 10 nghìn đồng nhưng với ông, bằng bàn tay khéo léo của mình, ông biến chúng có giá trị hàng trăm nghìn đồng.

Nói về những dự định trong tương lai, ông cười: “Tôi vẫn duy trì và sẽ mở rộng cơ sở tái chế cao su để đưa sản phẩm tiếp cận thị trường châu Á. Mọi người vẫn gọi tôi là “ông vua tái chế cao su” nhưng tôi cũng không quan tâm lắm, bởi tôi chỉ biết làm hết sức mình, làm những điều giúp ích cho xã hội, tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng”.

Phong Anh
.
.
.