Người dân tại nhiều địa phương của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh:

U mê trong "lốc" đa cấp

Chủ Nhật, 26/10/2014, 09:30
Không còn là "bão", loại hình kinh doanh đa cấp tràn về nhiều địa phương nông thôn tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như một cơn "lốc" kéo theo hàng nghìn giấc mơ đổi đời và cả những câu chuyện cười ra nước mắt của không biết bao nhiêu thân phận người, bao nhiêu nóc nhà. Vì là "lốc" nên nó đến và cuốn tất cả đi theo cũng rất nhanh. Còn lại sau cuối đó một sự bẽ bàng của không ít mái đầu bạc trắng u mê trong vòng xoáy đa cấp.

Không còn là "bão", loại hình kinh doanh đa cấp tràn về nhiều địa phương nông thôn tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như một cơn "lốc" kéo theo hàng nghìn giấc mơ đổi đời và cả những câu chuyện cười ra nước mắt của không biết bao nhiêu thân phận người, bao nhiêu nóc nhà. Vì là "lốc" nên nó đến và cuốn tất cả đi theo cũng rất nhanh. Còn lại sau cuối đó một sự bẽ bàng của không ít mái đầu bạc trắng u mê trong vòng xoáy đa cấp.

Bỏ ra hơn 600 triệu để lấy chức trưởng phòng kinh doanh đa cấp

Văn phòng Hoàng Giang Phúc, chi nhánh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đặt tại thị trấn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An lúc hơn 10 giờ sáng ngày 18/9 có hàng trăm người tụ tập đến để tìm hiểu và tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp tại công ty này. Họ là những người của công ty và cả những người sắp thành người của công ty.

Tất cả họ vừa ở Đại hội thù lao tháng 9 của công ty (được tổ chức tại Khách sạn Thương mại huyện Diễn Châu) đổ về đây sau khi được nghe những lời có cánh và được "tai nghe mắt thấy" những con người thành đạt. Ai ai cũng dấy lên một niềm tin về một ngày mai sáng lạn, thành công. Họ đa phần là những người lớn tuổi, già cả, chủ yếu là nông dân. Có bà lưng đã còng, đeo kính lão cũng theo lời giới thiệu của bạn bè, người thân đến đây và muốn trở thành chuyên viên kinh doanh.

Các gói khuyến mại nhằm tăng doanh số bán hàng của Thiên Ngọc Minh Uy.

Giữa đám đông đang nhộn nhạo, tôi để ý hai người đàn ông ngồi trước mặt. Một còn trẻ, sơ mi, quần âu, giày đen, Iphone bóng lộn, tên Nguyễn Đăng Thiện, chuyên viên kinh doanh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đang rao giảng bài ca bán hàng đa cấp. Một đã già, tên là Nguyễn Đình Kham (52 tuổi, quê ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành) râu tóc bạc phơ, bàn chân đầy vết nẻ chân chim, đang chăm chú và say mê nghe gã trai trẻ kia không chớp mắt. Cả hai cuốn lại với nhau như một cơn thôi miên bất tận, không để ý mọi người xung quanh như thế nào. Gã chuyên viên trẻ hí hửng vì bắt được "gà", lại là "gà to sụ".

Ông Kham có mấy người con đi lao động tại Anh, hằng tháng vẫn gửi tiền tiết kiệm về, sổ tài khoản, bìa đất đều đứng tên ông; ông lại bất chấp lời khuyên của một số người con ở nhà và khăng khăng khẳng định trước câu hỏi của gã chuyên viên "bác có quyền quyết định phải không?". Rồi gã chuyên viên cười khoái trá, nháy mắt một ả đồng nghiệp của mình cạnh đó; cả hai giục ông về nhà ra cắm sổ ngân hàng để tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp với chức vụ vượt bậc: "phó trưởng phòng". Gã nhiệt tình đến nỗi nói rằng sẽ điều xe ô tô chở ông về tận nhà để lấy làm thủ tục cho kịp buổi chiều, vì để sang ngày, với số tiền có lớn hơn cũng không mua nổi chức vụ đó. Bị mê hoặc, ông Kham sung sướng dẫn gã về nhà.

Bằng cách tâm sự rằng mình cũng có mong muốn tham gia vào mạng lưới nên xin ông Kham số điện thoại liên lạc để tìm hiểu. Khi tôi gọi điện thoại liên lạc hỏi về câu chuyện ngày hôm đó, ông Kham kể lại rằng để có cái chức phó trưởng phòng, ông đã bỏ ra tổng cộng 631 triệu đồng. Ông còn hào hứng kể tiếp, sắp tới sẽ bỏ tiền tham gia nữa, để được ra dự đại hội và đồng thời thăm trụ sở công ty ở thủ đô luôn.

Thực chất là trò lừa đảo của những kẻ "rút máu"

Theo tìm hiểu của PV, trụ sở chính của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đặt tại Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; tại Nghệ An có 5 chi nhánh, nằm rải ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Yên Thành, TP Vinh. Dân từ Hà Tĩnh đổ về đây tham gia cũng nhiều. Tổng lượt người tham gia bán hàng đa cấp vào năm 2013 là 1088 người (theo báo cáo của Phòng Phòng Cảnh sát điều tra PC46, Công an tỉnh Nghệ An).

Lượt người tham gia gia tăng không ngừng trong năm 2014, lôi kéo rất nhiều người dân tại các địa bàn nông thôn tham gia. Đa số đều là người nộp tiền mua hàng để tham gia các chương trình dự thưởng. Một tháng sẽ có đại hội chia thưởng 1 lần. Công ty này vừa động thổ xây dựng một trụ sở mới tại TP Vinh - mà những người làm ở đây tự hào gọi là "trụ sở của mình".

Phòng PC46 cho biết qua tìm hiểu và nhận thấy, công ty này có rất nhiều sai phạm trong lĩnh vực bán hàng. Nó đặc biệt gây ảnh hưởng tới kinh tế và tài sản của người dân. Đa số người dân bị cuốn theo cơn bão bán hàng đa cấp đều là những người ít hiểu biết.  Có những người đi làm thuê nước ngoài tích cóp được vài ba trăm triệu, nghe dụ dỗ thì coi như trắng tay. Bọn bán hàng đa cấp lại rất biết cách lợi dụng pháp luật mình cho phép được kinh doanh hàng đa cấp. Mặc dù việc chúng có hàng bán ra là thật; tuy nhiên, lôi kéo, dụ dỗ người dân đi theo mình là sai và vi phạm pháp luật.

Hàng bán ra chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc. Giá trị cao gấp 3 - 10 lần giá thị trường. Để tăng doanh số bán hàng, Công ty có rất nhiều chương trình khuyến mại như Kim Mã tỏa sáng, Linh Long hồi xuân... Điều kiện tham gia là phải mua 1 gói sản phẩm (ký hiệu MS).

Mô hình kinh doanh đa cấp lôi kéo rất nhiều thời gian người tham gia.

Gói sản phẩm thấp nhất là 8,7 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đó sẽ được nhận thành nhiều lần. Mỗi lần nhận phụ thuộc vào doanh số bán hàng của toàn hệ thống công ty. Nếu doanh số bán hàng chưa đạt định mức Công ty đặt ra, khách hàng (hay còn gọi là người công ty) chưa được nhận tiền khuyến mãi.

Ngoài ra, chúng cũng kêu gọi các chuyên viên kinh doanh đẩy mạnh việc tiếp thị bán hàng (chủ yếu là người thân, bạn bè…) hoặc tự bỏ tiền ra mua các gói sản phẩm tiếp theo để góp phần tăng doanh số bán hàng của công ty và nâng cấp bậc của mình. Với chiêu này, Thiên Ngọc Minh Uy đã và đang thu hút rất lớn người tham gia và số lượng này không ngừng tăng lên.

Điều đáng nói là khi chỉ ra cách của Thiên Ngọc Minh Uy "rút máu" như thế nào, phần đa người dân tôi gặp đều bênh công ty này chằm chằm. "Công ty người ta làm ăn đàng hoàng, có giấy phép kinh doanh, có trụ sở to vật vã ở Hà Nội. Và nếu lừa, vì răng mà lắm người làm như rứa.

Đó là chưa nói, mới đây nhất, vào hồi tháng 6, trong lễ kỷ niệm 14 năm thành lập, Công ty đã ủng hộ hơn 1 tỷ đồng thông qua Quỹ Trái tim vàng cho bà con nhân dân và các chiến sỹ đang ngày đêm bán biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước; trong đó có cả lãnh đạo Nhà nước mình bắt tay chúc mừng và cảm ơn đại diện của Công ty. Lừa mô mà lừa. Chiếu trên VTV1 hẳn hoi. Do cháu không hiểu nên mới nói lừa mà thôi", ông Hồ Bá Th (quê ở Diễn Thắng, Diễn Châu) chia sẻ.

Vậy thì rõ ràng, "lốc" đa cấp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh thành khác được tạo nên còn bởi niềm tin có phần ngây thơ về một giấc mơ giàu sang, thành đạt của bà con. Một giấc mơ đầy ảo tưởng và không hề có thực trong đời sống này, nếu không nói rằng, bỏ tiền chạy theo kinh doanh đa cấp, không những trắng tay mà có ngày còn vướng vòng lao lý như những trường hợp nhõn tiền trước đây.

Nhà nước không được hưởng lợi gì trong thuế nhập khẩu từ công ty đa cấp

Theo cán bộ điều tra của Phòng PC46, Công an tỉnh Nghệ An, với lý do đưa ra các giấy tờ hợp pháp, trong đó có cả chứng từ thuế, những người bán hàng đa cấp đã gieo một niềm tin cho những người nông dân chân lấm tay bùn. Chúng sẽ đưa ra luận điệu, đã bán hàng thì phải nộp thuế, nhà nước cũng hưởng lợi trong chuyện này.  

Tuy nhiên, tiền nộp thuế là một khoản rất nhỏ, không đáng kể; trong khi lợi nhuận thu về của bọn chúng cực kỳ khủng khiếp. Thường thì người ta mua hàng về để dùng; còn ở công ty này, mua hàng có thể không để dùng. Vì thế mới có hiện tượng, người dân bỏ tiền ra mua sản phẩm và ký gửi tại công ty.

Bởi mục đích bỏ tiền ra trong việc này là kinh doanh tiền. Thực chất, việc mua bán không có, chẳng qua kinh doanh đồng tiền, Nhà nước không được lợi gì trong thuế nhập khẩu dạng này. Nhiều người sau khi nhận ra mình bị lừa, không dám đến khai báo công an vì muốn níu kéo, cũng không muốn sự việc đổ bể ra bên ngoài vì sợ không lấy lại được tiền. 

Có nhiều người mua tới tiền tỷ, có thể được thưởng sau đó mấy trăm nhưng không biết biết bao giờ mới lấy lại được. Việc đó khác gì mình tự mua cho mình thưởng cho mình. Phòng PC46 cũng cho biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ phối hợp với truyền hình, báo đài xây dựng bài vở cảnh báo, thức tỉnh người dân.

Điều 7 của Nghị định số 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấpquy định cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây:

1. Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

2. Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu, để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

3. Yêu cầu người muốn tham gia phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khoá học, khoá đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác, để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, trừ tiền mua tài liệu theo quy định tại khoản 2, Điều 6 nghị định này.

4. Không cam kết cho người tham gia trả lại hàng hoá và nhận lại khoản tiền mà người tham gia đã chuyển cho doanh nghiệp, theo quy định tại Điều 11 nghị định này.

5. Cản trở người tham gia trả lại hàng hoá phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.

6. Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

7. Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác, mà người tham gia có quyền hưởng.

8. Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

9. Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá, để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Đậu Dung
.
.
.