Ước mơ của cô bé "mai rùa" đã thành hiện thực

Thứ Hai, 05/09/2016, 13:28
"Ước mơ lớn nhất của con là cái mai rùa biến mất hoàn toàn, nhưng đó chỉ là ước mơ vì con không biết làm cách nào cả", cô bé Thắm mà nhiều người quen gọi với cái tên "cô bé mai rùa" bày tỏ mơ ước của mình.

Thắm là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện với khối bướu to kỳ dị trên lưng cực hiếm gặp (chỉ là trường hợp thứ hai trên thế giới). Ca bệnh cũng được xếp vào 1 trong 8 ca dị nhất thế giới.

Ngày 29-8, ước mơ của bé đã thành hiện thực khi các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 phẫu thuật thành công cắt bỏ hoàn toàn chiếc "mai rùa" kỳ dị này.

Phẫu thuật cắt bỏ chiếc "mai rùa" kỳ dị

Sáng 29-8, sau hơn 4 giờ phẫu thuật, cô bé "mai rùa" Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi, quê huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh phẫu thuật thành công cắt bỏ hoàn toàn chiếc "mai rùa" có kích thước hơn 20cm trên lưng.

Khối bướu to kỳ dị trên lưng cháu Thắm được đánh giá là cực hiếm gặp và chỉ là trường hợp thứ hai trên thế giới.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, bệnh nhi được đưa vào phòng mổ lúc 9 giờ. Thực hiện ca phẫu thuật có hai ê-kíp phối hợp với nhau tiến hành.

Kíp mổ đầu tiên thực hiện trong khoảng 1h15 để bóc toàn bộ khối bướu "hắc tố bẩm sinh", nặng 1,05kg. Các bác sĩ đã lọc, bóc tách toàn bộ khối bướu đã ăn hết lớp da và chạm vào lớp cơ lưng ra khỏi lớp cơ lưng; may mắn là khối bướu này chưa ăn đến cột sống.

Êkíp thứ hai tiến hành lấy và ghép da cho bệnh nhi. Do khối bướu quá lớn, cần rất nhiều da để che phủ bề mặt diện tích bướu sau khi bóc tách, các bác sĩ đã lấy phần da mặt trước của đùi, bên hông bệnh nhi để ghép lên phần da cần che phủ.

Có thể nói, ca mổ đã diễn ra suôn sẻ, không xảy ra những tình huống bất ngờ ngoài dự kiến. Để không phải lấy quá nhiều da từ đùi bé, các kỹ thuật mới cũng được áp dụng để tiết kiệm diện tích da ghép.

Theo đó, các bác sĩ đã sử dụng máy cán da để cán phần da được lấy rộng ra gấp 2 lần so với diện tích lúc ban đầu. Chỗ da hai bên đùi được lấy vẫn còn một lớp da mỏng nên da sẽ tự mọc.

Trong quá trình mổ, các bác sĩ chỉ phải truyền một đơn vị máu cho bệnh nhi. Các bác sĩ cũng đã đốt điện các u vệ tinh xung quanh "mai rùa". Theo bác sĩ Hiếu, những u như nốt ruồi này có thể sẽ lớn lên nhưng không thể phát triển thành khối bướu lớn như trước được.

Khối bướu nặng 1,05kg đã được tách bỏ thành công.

Đến khoảng 13h chiều cùng ngày, ca phẫu thuật đã hoàn tất. Hiện tình trạng bệnh nhi tốt và vẫn được chăm sóc đặc biệt; trong đó quan trọng nhất là chống nhiễm trùng do mảng da bị mất quá lớn. Bé phải nằm nghiêng để đảm bảo sự phục hồi của lớp da ghép sau lưng.

Dự kiến, bé sẽ nằm viện 10-14 ngày để theo dõi. Khối bướu cũng được làm xét nghiệm tế bào, sau 3 ngày sẽ có kết quả là bướu lành hay bướu ác tính, lúc đó BV sẽ có hướng điều trị tiếp theo.

Do điều kiện kinh tế gia đình bệnh nhi khó khăn nên chi phí của ca phẫu thuật sẽ được Phòng Công tác xã hội của BV Nhi đồng 1 hỗ trợ.

Trước đó, ngày 26-8, bé Thắm được đưa đến BV Nhi đồng 1 với khối bướu chiếm trọn vùng lưng trông như chiếc mai rùa. Chị Thạch Thị Đa Ni - mẹ của bé cho biết khi mới sinh ra, bé đã có khối bướu nhỏ gần bằng quả quýt trên lưng. Nhưng sau đó, khối bướu lớn lên từng ngày theo sự trưởng thành của bé.

Theo bác sĩ Hiếu, nếu không được phẫu thuật, đến khi khối bướu phát triển quá lớn thì sẽ không thể bóc tách được nữa. Như vậy bé phải mang khối bướu trên lưng suốt đời.

Chưa kể khối bướu có thể bị ung thư hóa. "Mặc dù ban đầu bướu có tính chất lành tính và nếu để bướu phát triển lớn thêm, việc mổ bóc tách sẽ khó khăn và nguy hiểm hơn, thậm chí không làm được vì có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhi.

Hơn nữa, khả năng khối bướu có thể bị ung thư hóa về sau rất cao, nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Hiếu nhận định.

May mắn sau thành công của ca mổ, bé Thắm. sẽ thoát khỏi cảnh mang chiếc mai rùa gồ ghề, xấu xí trên lưng, thoát khỏi cảnh bứt rứt, ngứa ngáy khó chịu hàng đêm vì khối bướu hành hạ.

Hơn nữa bé sẽ tự tin hơn để hòa nhập lại cuộc sống bình thường, tiếp tục được tới trường học tập như bạn bè cùng trang lứa khác.

Một cuộc phẫu thuật chu đáo và thành công

Theo tìm hiểu, hoàn cảnh gia đình bệnh nhi này khá khó khăn. Cha bé làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh. Còn chị Đa Ni cũng trong tình trạng ai kêu gì làm đó, khi thì cắt cỏ thuê, lúc đi dặm lúa cho người ta nhưng công việc cũng lúc có lúc không.

Bé Thắm là con thứ hai (trước bé có anh trai hơn bé 4 tuổi). Dù vợ chồng chị Đa Ni có suy nghĩ và mong muốn cho hai con được đi học đến nơi đến chốn nhưng "lực bất tòng tâm".

Đứa con trai đầu chỉ học hết lớp 4 là nghỉ, trong khi bé Thắm cũng chỉ học hết lớp 3. Riêng Thắm, ngoài phần do gia đình nghèo khó thì do khối bướu ngày càng lớn một cách kỳ dị nên bé thường xuyên bị các bạn trêu chọc đã khiến bé mặc cảm mới xin nghỉ học luôn.

"Với khối bướu trên lưng, con bé rất mặc cảm, tự ti nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhà tôi chưa thể đưa con đi khám, chữa được. Mỗi lần nghe con kể bị bạn bè xa lánh, chọc ghẹo vì khối bướu như chiếc mai rùa, tôi chỉ biết ôm con vào lòng rồi khóc", người mẹ buồn bã nhớ lại.

Dù thương con gái phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng gia cảnh nghèo túng nên cả nhà phải đợi đến khi được cấp sổ hộ nghèo mới dám đưa con tới BV thăm khám, chữa trị, bởi lo lắng chi phí điều trị, phẫu thuật sẽ rất cao, vượt quá khả năng lo liệu của gia đình.

Chị Đa Ni chia sẻ: "Những khi thấy con khóc và đau ngứa, tôi chỉ cầu mong sao trúng được vé số để có tiền chạy chữa cho con bớt mặc cảm. Nhưng chờ đợi biết đến khi nào, sẵn gia đình được cấp sổ hộ nghèo hỗ trợ viện phí, tôi mới dám đánh liều dẫn con đi chạy chữa".

Vì thế, vài tuần trước đó, chị có dẫn con đi khám ở BV huyện rồi chuyển qua BV Cần Thơ nhưng vẫn chưa được chẩn đoán rõ ràng về bệnh tình, dù khối bướu ngày càng to và có dấu hiện bị ngứa ngáy, rỉ máu.

Thương con, chị liều mình đưa con lên BV Nhi đồng 1với dự tính là chỉ khám thôi rồi về bởi trong túi chỉ có 600 ngàn đồng gom góp từ mọi nguồn (trong khi đã phải bỏ ra 300 ngàn đồng tiền đi xe). Nhưng không ngờ, sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh tình lạ nên giữ lại điều trị.

Từ lúc nhập viện cho đến trước khi được phẫu thuật, mẹ con bé Thắm sống nương nhờ vào những suất cơm từ thiện tại BV và sự đùm bọc từ mọi người xung quanh.

Nhưng họa vô đơn chí, khó khăn chồng chất khó khăn, ngay trong những ngày mẹ con bé Thắm đang ở BV Nhi đồng 1 thì cũng là lúc ở quê, đứa con trai lớn phải đi cấp cứu và mổ khẩn cấp vì viêm ruột thừa.

Vì thế, vợ chồng chị phải chia nhau chăm nom hai con, trong khi chị ở với bé Thắm tại BV Nhi đồng 1 thì chồng chị phải nghỉ việc chăm sóc con trai ở BV tỉnh. "Nghe tin về con trai chồng báo, tôi chỉ biết khóc.

Bởi mẹ con ở trên này chẳng có tiền chi tiêu, may mắn trong BV còn có cơm từ thiện. Đặc biệt là sau khi báo chí đưa tin về bé, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến giúp đỡ.

Tôi rất vui mừng và không biết nói gì ngoài lòng biết ơn, bởi tôi có nằm mơ cũng không dám tin con mình được phẫu thuật chu đáo và thành công trong khi tôi không còn chút tiền nào cả", chị Đa Ni bày tỏ.

Cậu bé Didier Montalvo với khối bướu nặng 4,9kg đã được các bác sĩ BV Nhi Great Ormond Street (London, Anh) phẫu thuật thành công trước đó.

Theo bác sĩ Hiếu thì đây là bướu hắc tố bẩm sinh (có tên khoa học là Congentinal Melano Citye Nevi) có kích thước "khổng lồ", là trường hợp cực kỳ hiếm gặp, trước giờ chưa từng được phát hiện ở Việt Nam.

Không chỉ thế, khắp người em còn xuất hiện hơn 200 bướu vệ tinh, có hình dáng như nốt ruồi lớn.

Cho đến nay, y văn thế giới chỉ ghi nhận một trường hợp mắc phải là cậu bé Didier Montalvo 6 tuổi, người Colombia, đã được các bác sĩ BV Nhi Great Ormond Street (London, Anh) phẫu thuật thành công cắt bỏ khối bướu nặng đến 4,9kg.

Trước đó, sau khi nghe thông tin về chiếc "mai rùa" của cậu bé này, bác sĩ Bulstrode của BV Nhi Great Ormond Street đã đích thân bay đến Colombia và đưa cậu bé về Anh điều trị.

Khi chiếc mai rùa 8 năm được cắt bỏ, cuộc sống của cậu bé Didier đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Bởi trước đó, vì mang chứng bệnh lạ, cậu bé luôn mặc cảm vì bị bạn bè, người dân trong làng xa lánh, trêu trọc như một điềm gở.

Ánh Xuân
.
.
.