Ươm mầm xanh trên đất Thành Cổ

Thứ Năm, 15/11/2018, 11:13
Hơn 43 năm sau ngày quê hương im tiếng súng, nhiều thế hệ học sinh trên miền quê nghèo Quảng Trị đã viết tiếp những ước mơ bên ngôi trường cạnh chân tường Thành Cổ như một sự tri ân!


Nhắc đến thị xã Quảng Trị, nhiều người nhớ đến một miền Thành Cổ bên dòng Thạch Hãn êm trôi như khắc nhớ một thời chiến tranh khốc liệt, hàng ngàn sinh viên nguyện gác bút nghiên vào chiến trường. Hơn 43 năm sau ngày quê hương im tiếng súng, nhiều thế hệ học sinh trên miền quê nghèo Quảng Trị đã viết tiếp những ước mơ bên ngôi trường cạnh chân tường Thành Cổ như một sự tri ân!

Tháng mười một, bên chân tường Thành Cổ, những bông lau trắng muốt bung nở, thấp thoáng những tà áo trắng đến trường như bức tranh điểm tô cho tháp bút cổ thành. Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị bảo rằng, không phải ngẫu nhiên sau đôi ba lần chọn lựa, di dời, trường lại về đóng chân bên Thành Cổ. Nơi đây không chỉ là trung tâm giáo dục phía Nam của tỉnh mà còn có ý nghĩa khi các thế hệ học trò học tập, nỗ lực tri ân những anh hùng ngã xuống trên chiến trường Thành Cổ để đem lại hòa bình cho dân tộc.

Kí ức về ngôi trường bên chân Thành Cổ như cuốn phim quay ngược về những tháng năm gian khó. "Năm 1975, nhà trường chỉ có vỏn vẹn 7 cán bộ, giáo viên. Thiếu thốn đủ bề, nhưng với phương châm "Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt", các thầy cô giáo nhà trường đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để gieo chữ", thầy Dũng bộc bạch. 

Ngày đó, để có đủ cơ sở vật chất dạy học, các thầy cô giáo vừa xoay xở tìm kiếm sách giáo khoa vừa mượn nhà dân và nhà đội của Hợp tác xã Nại Cửu để tổ chức giảng dạy, vừa phải tìm cách dựng phòng học. 

Từ trong hoang tàn đổ nát, không ngại gian khổ, cam go, với niềm tin cháy bỏng về sự hồi sinh và phát triển, những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục của trường ngoài giờ dạy đã tranh thủ cắt tranh, chặt tre, kiếm gỗ dựng trường, mở lớp. Một ngôi trường 3 gian che bằng phên đất làm lớp học được dựng lên bằng những giọt mồ hồi đổ xuống của giáo viên và sự chung tay của nhân dân.

Văn Viết Đức đăng quang Quán quân Olympia.

Ban đầu, trường chỉ có 3 lớp học với 115 học sinh. Khóa học đầu tiên có 100%  học sinh đỗ tốt nghiệp; 60 % đỗ vào Đại học. Kết quả đó đánh dấu  sự khởi đầu về chất lượng và thành tích giáo dục của nhà trường, là nền tảng để xây dựng truyền thống "dạy tốt, học tốt", tạo dựng niềm tin của phụ huynh và sự quan tâm của xã hội đối với nhà trường. Giai đoạn 1975-1979, từ vị trí ban đầu ở vùng đất Bèng, nơi tiếp giáp giữa làng Nại Cửu và làng Cổ Thành, trường tiếp tục dời địa điểm về khu vực có một phần thuộc trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và cuối cùng tọa lạc tại địa điểm khang trang bề thế hôm nay, 146 Hai Bà Trưng, phường 3, thị xã Quảng Trị.

Là người có mặt, gắn bó với ngôi trường từ khá sớm, thầy Dũng nhớ lại: "Giai đoạn 1980- 1995,  trong điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhà trường đã vận dụng triệt để nguyên lý giáo dục: "Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội". Từ mạch nguồn của truyền thống hiếu học, tinh thần lao động cần cù, thông minh, sáng tạo của quê hương Quảng Trị các thế hệ học sinh của trường luôn chăm ngoan, học giỏi, lao động giỏi. Thực hiện sáng tạo nguyên lý giáo dục trong từng thời kỳ, thầy và trò nhiều lần xuất quân lên rừng khai thác chổi đót; trồng cây gây rừng, đắp đê sau bão lũ, xuống đồng trồng lúa, lên đồi trồng sắn khoai, xây lò đúc gạch, nạo vét kênh mương khơi dòng thủy lợi Nam Thạch Hãn… Mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh không nề hà gian khổ, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì có thể để góp phần xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường".

Qua mỗi giai đoạn, nhà trường đều có những bước đổi thay nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục, đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Từ con số học sinh ít ỏi ngày đầu thành lập, nay trường có hơn 1.500 học sinh. Kể từ năm 2006 đến nay, trường luôn nằm trong top 100 trường chất lượng cao trên toàn quốc do Bộ GD&ĐT xếp hạng. Các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh của trường đều đạt giải cao, nhiều năm được xếp nhất, nhì toàn đoàn. 

Đặc biệt, năm học 2017-2018, trường xếp đầu trong khối THPT không chuyên thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh; 1 giải khuyến khích quốc gia môn Toán; 72 giải học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh; 4 đề tài thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh đều đạt 4 giải… 

Trong thành quả chất lượng giáo dục mũi nhọn, hẳn nhiều người đều biết đến Văn Viết Đức, Quán quân Olympia 2015; Phạm Huy - giải Ba cuộc thi KHKT trên đất Mỹ. Mới đây nhất, Lê Thanh Tân Nhật đoạt ngôi vị Á quân Olympia 2018. Điều đáng ngưỡng mộ, cả ba học sinh ấy đều xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế không mấy khá giả.

Phạm Huy, cậu học trò trường THPT thị xã Quảng Trị mang kiến thức sang đất Mỹ thi đấu.

Câu chuyện giữa buổi chiều nắng nhuốm vàng trong ngôi trường bên chân tường Thành Cổ rực một màu trắng hoa cỏ lau của thầy Dũng hệt như đang mở từng trang tư liệu quý giá về quãng đường hơn 40 năm ươm mầm xanh bên miệng hố bom. Khi vết thương chiến tranh dần được hàn gắn, những người con miền quê Thành Cổ không ngừng cố gắng mở ra các giai đoạn phát triển mới bên dòng Thạch Hãn bằng điểm nhấn giáo dục. 

Mỗi năm, vào khai giảng năm học mới, điều đầu tiên nhà trường truyền đạt đến học sinh là giáo dục truyền thống, khích lệ và chỉnh sửa. Nghĩa rằng người thầy luôn biết cách khích lệ niềm tự hào trong mỗi phụ huynh có con em vào trường và trong bản thân mỗi học sinh của nhà trường. Nêu cao tinh thần hiếu học đồng thời điểm về truyền thống đáng tự hào của nhà trường để làm nền tảng nhắc nhở học trò mình phải học tập xứng đáng với truyền thống đó.

Thầy Dũng bảo, để có những mùa quả ngọt đó, một phần từ sự đồng hành của nhà trường, giáo viên nhưng phần lớn hơn cả là tinh thần tự học của mỗi học sinh. "Chất lượng đầu vào của trường so trên mặt bằng đào tạo chung thì không thể nói rằng ở đây hơn những nơi khác. Nhưng cái cốt yếu là mỗi giáo viên và học sinh đều có tinh thần vươn lên rất mãnh liệt", thầy Dũng bộc bạch. Nhìn về quá khứ hoang tàn đổ nát của mảnh đất Thành Cổ và mùa quả ngọt ngay trên chính mảnh đất này, chợt nhận ra rằng, gian khổ nào rồi cũng sẽ cho một kết quả khả dĩ nếu trong khó khăn con người biết cùng nhau chung sức để vượt qua.

Nằm ở vị trí trung tâm tỉnh lỵ khu vực phía Nam, thầy Dũng cho rằng trường có những ưu thế nhất định về truyền thống hiếu học của mảnh đất Quảng Trị. Bên cạnh đó, chính bản thân học trò và thầy cô cũng phải tự nỗ lực để xứng đáng với niềm tự hào về một ngôi trường đóng trên đất Thành Cổ anh hùng. 

Lãnh đạo và đội ngũ giáo viên nhà trường luôn phải biết bắt nhịp với chất lượng đầu vào, phát huy truyền thống, nắm bắt những yêu cầu đổi mới để đáp ứng được vai trò, vị thế của người giáo viên trong xu thế hướng đến nền giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó phải tạo ra được sự đoàn kết, đồng hành cùng lãnh đạo để phát huy truyền thống dạy tốt, học tốt. 

Người giáo viên cũng phải thâm nhập thực tế, ứng dụng kiến thức qua tập huấn phù hợp với đối tượng. Biết cách khai thác và phát huy năng lực của học sinh. Dưới sự dẫn dắt của thầy cô để nắm bắt kiến thức, tạo cho học sinh tinh thần tự học, tự tìm tòi là yếu tố quyết định phần lớn đến chất lượng.

Lê Thanh Tân Nhật, Á quân Olympia 2018 trưởng thành từ trường THPT thị xã Quảng Trị.

Lặng thầm những bước chân giữa chiều Thành Cổ, trên sân trường nơi gần 20 ngàn học sinh trưởng thành từ mái trường với nhiều GS, PGS, TS, Th.S thành đạt đã chứng minh được ý chí trui rèn qua khắc nghiệt nắng gió. Tháng Mười Một, Thành Cổ nơi khắc ghi 81 ngày đêm bi tráng và hào hùng đã thật sự hồi sinh. Trên mảnh đất ấy, mái trường THPT thị xã Quảng Trị đã ươm lên những mùa quả ngọt!

Phan Thanh Bình
.
.
.