Ưu tiên tự phát

Thứ Sáu, 28/03/2014, 18:00

Đã lâu nay, chúng ta quen sống trong một môi trường không chấp nhận sự ưu tiên và coi nó như một thứ chống lại nguyên tắc bình đẳng của xã hội. Mỗi người, từ nhỏ đã được đọc câu chuyện "Lê nin trong hiệu cắt tóc" và coi việc một người có địa vị cao trong xã hội như Lê nin cũng phải xếp hàng như bao người dân khác là chuyện đáng khen. Đúng, nó vô cùng đáng khen nhưng đó là ở một giai đoạn hồn nhiên của xã hội, khi con người đều biết tự ý thức trách nhiệm, quyền lợi của mình một cách có văn hóa nhất.

Nhưng ở thời đại hôm nay, ưu tiên là điều dứt khoát phải được thực hiện bởi nó có thể sẽ giải quyết được những vấn đề lộn xộn phát sinh. Ví dụ, một người nổi tiếng cũng có quyền không phải xếp hàng ở một sự kiện nào đó bởi việc anh ta/chị ta đứng chờ đợi ở khu vực xếp hàng có thể dẫn tới ùn tắc khi những người hâm mộ sẵn sàng xúm lại quanh đối tượng thần tượng của mình để xin chụp ảnh chung, xin chữ ký…

Hoặc giả một cán bộ cao cấp của chính phủ cũng vậy. Họ cũng cần nhận được sự ưu tiên vì công việc tối quan trọng của họ rất cần thời gian giải quyết gấp gáp trong khi đó việc tự bắt mình xếp hàng bình đẳng như những người công dân bình thường có thể sẽ mang lại những thiệt hại không nhỏ bởi sự trì hoãn, chậm trễ mà nó mang lại. Và một đơn cử nhỏ thôi, đời thường thôi chính là việc xếp cho hành khách lên các chuyến bay. Người già, trẻ em, người tàn tật luôn được ưu tiên trước. Đó là một ưu tiên văn minh, một ưu tiên thể hiện một xã hội luôn biết dành cơ hội tốt hơn cho những người yếu thế hơn đám đông thông thường.

Ảnh minh họa.

Nhưng xác định được lúc nào cần ưu tiên, ai cần ưu tiên trong xã hội và thế nào mới là ưu tiên đích xác lại là một chuyện khác hẳn. Ưu tiên không có nghĩa là đánh đồng cả việc 'bỏ qua những sai phạm' vào trong nó. Trước pháp luật, bất kể anh là ai, anh có yếu thế nào đi chăng nữa, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Vụ việc nghệ sỹ Nguyễn Chánh Tín thiếu nợ dẫn tới bị ngân hàng xiết nợ căn nhà tiền tỷ xem ra đang được báo chí, các đồng nghiệp của ông thổi phồng lên thành một ưu tiên thái quá. Nhiều độc giả đã hiểu lầm như thể Nguyễn Chánh Tín là một nạn nhân trong khi thực chất của vấn đề thì không phải thế.

Ngân hàng Phương Nam đã khoanh nợ, không tính lãi cho ông Nguyễn Chánh Tín suốt 4 năm qua và khi buộc phải xiết nhà, họ cũng hiểu hoàn cảnh ông là một nghệ sỹ nổi danh nên đề nghị hỗ trợ 6 tháng tiền thuê nhà cho ông sau khi kê biên căn biệt thự để ông có thể ổn định cuộc sống mới. Đó chính là một ưu tiên tới mức ưu ái rồi. Chưa một con nợ nào của ngân hàng được đối xử tốt như thế. Nhưng có thể ông Nguyễn Chánh Tín không thoả mãn?. Ông bóng gió mình không thể ở một nơi chật chội được và đó chính là thái độ tự cho mình cái quyền ưu tiên hơn bất kỳ người thường nào. Một căn nhà nhỏ giữa Sài Gòn hay Hà Nội vẫn là mơ ước cả đời của biết bao nhiêu con người. Vậy mà ông không chấp nhận nó trong khi ngôi nhà đó, theo pháp luật, đã không còn của ông nữa.

Những đồng nghiệp của ông đang kêu gọi mọi người giúp đỡ ông thực chất cũng là những người tốt, có tình yêu thương và thiện tâm. Nhưng trong một xã hội mà ở đây đó vẫn còn có những người phải qua suốt trong túi nylon; vẫn có những nghệ sỹ hết thời phải ở tá túc trong các ngôi chùa từ thiện chỉ mong được hỗ trợ thứ tối giản nhất của đời sống là miếng ăn… thì chuyện kêu gọi cứu ông Nguyễn Chánh Tín giữ căn nhà hơn chục tỷ đồng bỗng trở thành hành động ưu tiên tự phát, chưa hẳn đã là hay.

Có lẽ, còn chưa nhiều người biết rằng ông Tín có bà con thân là một quan chức cấp cao. Nhưng bản thân quan chức cấp cao ấy cũng không dùng quyền hạn của mình để can thiệp vào câu chuyện xiết nhà này. Đơn giản, người đó hiểu đây không phải là một ưu tiên đúng nghĩa của một xã hội văn minh

H. Anh
.
.
.