Ủy ban châu Âu bổ nhiệm một loạt chức danh lạ

Thứ Tư, 25/09/2019, 09:46
Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp EU đã bổ nhiệm một loạt chức danh lạ để bảo vệ lối sống châu Âu, môi trường xanh và vị thế của châu lục này trên thế giới.


Mỗi nước trong EU có một cao ủy

Với nhiệm kỳ mới bắt đầu từ ngày 1-11-2019 và do bà Ursula von der Leyen, người Đức làm tân Chủ tịch, Ủy ban châu Âu đã có 27 cao ủy. Bà von der Leyen cho biết, 27 tân cao ủy (tương đương bộ trưởng của "chính phủ EU") phản ánh sự đa dạng về giới tính và các quốc gia trong EU. Trong 27 người này có 13 là nữ, 14 là nam, và cộng thêm bà von der Leyen đứng đầu, thì Ủy ban châu Âu là sự cân bằng trọn vẹn về nam nữ.

Các tân cao ủy và lĩnh vực phụ trách gồm: Johannes Hahn (Áo), Ngân sách và Hành chính; Didier Reynders (Bỉ), Tư pháp; Mariya Gabriel (Bulgaria), Sáng tạo và Thanh niên; Dubravka Suica (Croatia), Dân chủ và Dân số; Stella Kyriakides (đảo Síp), Y tế - Sức khoẻ; Vera Jourova (CH Czech ), Giá trị và Minh bạch; Kadri Simson (Estonia), Năng lượng; Sylvie Goulard (Pháp), Thị trường nội bộ EU, kiêm giám đốc Cục Công nghệ Quốc phòng và Không gian; Paolo Gentiloni (Ý), Kinh tế; Nicolas Schmit (Luxemburg), Việc làm; Helena Dalli (Malta), Bình đẳng; Janusz Wojciechowski (Ba Lan), Nông nghiệp; Elisa Ferreira (Bồ Đào Nha), Liên kết và Cải cách; Rovana Plumb (Romania), Giao thông; Janez Lenarcic (Slovenia), Quản trị Khủng hoảng: Ylva Johansson (Thụy Điển), Nội vụ.

Hiện nay, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhận lương 27.903 euro/tháng. Lương tháng của một Cao ủy châu Âu là 20.666 euro, hơn cả lương Thủ tướng Đức Angela Merkel (18.000 euro) và gấp hơn 5 lần Thủ tướng Lithuania (4.000 euro).

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen sẽ nhậm chức từ ngày 1-11-2019, nhiệm kỳ 5 năm với mức lương 27.903 euro/tháng (Ảnh: Getty Images).

Những chức vụ lạ lùng lần đầu xuất hiện

Nhưng ngoài các chức vụ trên, đã có thêm những chức vụ mới tạo ra, có tên khá lạ, bị chê là cho thấy một châu Âu lo sợ người nhập cư, và sống trong tâm lý “pháo đài”.

Ví dụ chức danh “Cao ủy Bảo vệ lối sống châu Âu của chúng ta” (Protecting Our European Way of Life) trao cho ông Margaritis Schinas là gây ra nhiều tranh cãi nhất.

Có nghị sĩ Nghị viện EU yêu cầu bà von der Leyen đổi chức danh này, vì nó chỉ phản ánh tâm lý bài ngoại, coi "một lối sống châu Âu của chúng ta" là duy nhất tốt đẹp, cần bảo vệ. Điều gây ngạc nhiên hơn là chức vụ này có phần lo về "di dân, bảo vệ biên giới", phản ánh tâm lý lo ngại người nhập cư mà phe cực hữu ở châu Âu thổi lên. Như thế, thực chất đây không phải là chức vụ giúp người đến từ các nền văn hóa khác hội nhập vào xã hội EU, mà là ngăn chặn họ ngay từ cửa khẩu.

Bà Sophie in 't Veld, nghị sĩ người Hà Lan ở Nghị viện EU, nói đây là một “chức vụ giả tạo” vì lối sống châu Âu chính là sự tự do để cá nhân định đoạt họ sống ra sao. Còn ông Margaritis Schinas cũng là Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho thấy việc bảo vệ lối sống riêng của người châu Âu là mục đích rất quan trọng với bà von der Leyen.

Chức Cao ủy Điều hành kiêm Phó chủ tịch Ủy ban “Vì một thỏa thuận Xanh cho châu Âu” (European Green Deal) được trao cho ông Frans Timmermans (Hà Lan), thể hiện sự quan tâm đến nghị trình môi trường trong năm năm tới của EU. Cùng lúc, lại có một chức cao ủy chuyên về “Môi trường và Các Đại dương” (Environment and Oceans), thuộc về ông Virginijus Sinkevicius (Lithuania).

Chức Cao ủy kiêm Phó chủ tịch ủy ban vì “Châu Âu phù hợp với kỷ nguyên số” (Europe Fit for the Digital Age) về tay bà Margrethe Vestager (Đan Mạch). Một số tờ báo bình luận rằng chức này là cần thiết nhưng cái tên cũng là chỉ dấu châu Âu đang tụt hậu về công nghệ số so với Hoa Kỳ và Đông Á. 

Nhu cầu cần một chức rất cao để thúc đẩy làm sao cho EU trở nên không lạc hậu trong công nghệ số đến từ một thực tế là EU liên tục đánh thuế, phạt các "đại gia công nghệ" của Hoa Kỳ như Google, Apple trong khi các nước EU không tạo ra được sản phẩm gì cạnh tranh.

Chức Cao ủy của ông Jose Borrell (Tây Ban Nha) có tên là “Một châu Âu mạnh hơn trên thế giới” (A Stronger Europe in the World'). Không rõ chức này có trách nhiệm gì lẫn với chức “Cao ủy về Các đối tác quốc tế” (International Partnerships) của bà Jutta Urpilainen (Phần Lan) hay không?

Một chức danh lạ tai nữa với ai chưa quen với cơ chế của EU là “Cao ủy vì Quan hệ và Tầm nhìn” (Relations and Foresight). EU giải thích đây là chức lo về quan hệ nội bộ giữa các cơ quan của EU với nhau, chứ không phải quan hệ đối ngoại.

Ngoài ra, ông Valdis Dombrovskis (Latvia) sẽ lo về “Một nền kinh tế tốt cho nhân dân” (An Economy that Works for People), ông Laszlo Trocsanyi (Hungary), nắm mảng “Láng giềng và Mở rộng EU” (Neighbourhood and Enlargement).

Một chức danh nghe bình thường nhưng lại rất quan trọng cho EU giai đoạn tới là “Cao ủy Thương mại” (Trade Commissioner) được trao cho ông Phil Hogan, người Cộng hòa Ireland, quốc gia có dính líu trực tiếp nhất tới quá trình Brexit của Anh, vì chung đường biên với Bắc Ireland thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh. Về thực chất Hogan sẽ trở thành nhà điều phối viên hàng đầu cho việc soạn thảo ra các thỏa thuận thương mại Anh với EU hậu Brexit. 

Đức Quý (theo BBC)
.
.
.