Vai trò các tài phiệt Hồng Kông trong khủng hoảng hiện nay?

Thứ Hai, 09/09/2019, 16:49
Theo dữ liệu của tạp chí tài chính Anh Financial Times (FT), tính đến ngày 16-8, sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán Hồng Kông đã làm bốc hơi khoảng 15 tỷ USD giá trị tài sản ròng của 10 ông trùm giàu có nhất, trong bối cảnh những cuộc biểu tình vẫn diễn ra.

Hãy "yêu Hồng Kông"

Tỷ phú Lý Gia Thành, người giàu nhất Hồng Kông, đã phải chịu khoản mất mát hơn 3 tỷ USD kể từ cuối tháng 7, theo tính toán của FT dựa trên dữ liệu của Bloomberg. Ông Lý Gia Thành, cũng như ông Lý Triệu Cơ, người đứng đầu Henderson Land, và Lý Văn Đạt, Chủ tịch của công ty mẹ của nhà sản xuất nước sốt Lee Kum Kee, đã chứng kiến tài sản của họ giảm gần 1/10 kể từ đầu tháng 8.

Lúc đầu, các cuộc biểu tình để phản đối dự luật dẫn độ của Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hầu như không khiến các cổ phiếu bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi các cuộc biểu tình leo thang thành chống đối chính quyền, đòi hỏi dân chủ, và khi cảnh sát đáp trả bằng bạo lực và hơi cay, chỉ số Hang Seng đã giảm khoảng 8% chỉ trong vòng 2 tuần.

Làn sóng bán tháo đã khiến chỉ số này nhuốm đỏ và trở thành chỉ số duy nhất trong số 25 thị trường phát triển được Bloomberg theo dõi bị rơi vào lãnh thổ tiêu cực. Tổng vốn hóa thị trường Hồng Kông đã giảm khoảng 2,67 ngàn tỷ đô la Hồng Kông (340 tỷ USD) cho đến ngày 16-8.

Khi Bắc Kinh chỉ trích cuộc biểu tình, những ông trùm địa ốc ở Hồng Kông cũng hùa theo để thể hiện lòng trung thành với chính quyền trung ương, họ đã đưa ra những tuyên bố ủng hộ bà Lâm và cảnh sát địa phương. Hôm 16-8, ông Lý Gia Thành đã đăng một quảng cáo trên trang nhất của nhiều tờ báo Hồng Kông, kêu gọi chấm dứt bạo lực và để mọi người yêu mến Trung Quốc và Hồng Kông.

Tương tự, ông trùm bất động sản Ngô Quang Chính (Peter Woo) đã lên tiếng chống lại những người biểu tình ở Hồng Kông trên Hong Kong Economic Journal vào ngày 12-8, sau khi hơn 1 tỷ USD của ông bị bốc hơi trên thị trường chứng khoán kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu. Các công ty của những nhà tài phiệt Hồng Kông khác như Merlin Swire và gia đình Kwok cũng đưa ra các tuyên bố lên án cuộc biểu tình.

Những ông trùm lên tiếng có lẽ vì họ sợ có chung số phận với Cathay Pacific Airlines. Đầu tháng này, Cathay đã chịu sức ép lớn đòi hỏi họ ngăn chặn phi công và nhân viên của mình tham gia biểu tình, thậm chí là sa thải họ. Nhưng thay vì sa thải nhân viên, CEO hãng bay là ông Rupert Hogg đã “sa thải” chính mình - xin nghỉ việc. 

Trước đó, vào ngày 13-8, Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã khuyến nghị "bán mạnh" đối với cổ phiếu Cathay, với lý do "quản lý khủng hoảng kém của ban quản lý". Điều này khiến cổ phiếu Cathay giảm xuống mức thấp nhất 10 năm.

Nhưng những động thái như vậy không giúp họ xoay chuyển tình thế. Cổ phiếu bất động sản giảm 8,5% trong tháng này, đã vượt xa mức giảm chung của thị trường. Những công ty liên quan đến chung cư, văn phòng và trung tâm mua sắm đang nhìn thấy cổ phiếu của họ nhuốm màu đỏ. 

Cổ phiếu của Swire Properties, công ty sở hữu cổ phần trong các văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại sang trọng, giảm gần 18% kể từ giữa tháng 6. Công ty đầu tư bất động sản Wharf, công ty sở hữu khu phức hợp mua sắm khổng lồ Harbor City, giảm 1/5 kể từ đỉnh điểm tháng 6.

Chênh lệch giữa cư dân và tài phiệt

Ông Lý Gia Thành là một trong số những ông trùm đã rời khỏi Hồng Kông và Trung Quốc trong những năm gần đây, để phát triển các doanh nghiệp ở các nước phương tây nhằm tạo ra dòng tiền ổn định. 

Chẳng hạn, mùa hè năm ngoái, Tập đoàn CK Hutchison của ông đã mua 50% Wind Tre còn lại với giá 2,45 tỷ Euro, trở thành chủ sở hữu duy nhất của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động của Italia. Vào tháng 3-2018, ông Lý đã chuyển giao quyền quản lý “đế chế” của mình cho con trai cả của ông là Victor.

Nếu nhiều tỷ phú Hồng Kông làm theo, nó có thể dẫn đến hậu quả bất lợi cho nền kinh tế Hồng Kông. Điều đó sẽ gây thêm rắc rối cho bà Lâm, người đã đặt cược tương lai chính quyền của mình trong việc thúc đẩy sự phục hồi kinh tế cho Hồng Kông, thay vì đáp ứng yêu cầu rút toàn bộ dự luật dẫn độ, mở một cuộc điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát và lời kêu gọi bà từ chức của người biểu tình.

Theo nhà kinh tế học Andy Xie, cựu chuyên gia cấp cao của Morgan Stanley, các ông trùm chính "là vấn đề" căn nguyên dẫn đến những căng thẳng đang xé tan Hồng Kông. "Chính quyền Hồng Kông không thực sự chịu trách nhiệm. Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ chỉ làm theo lệnh của Bắc Kinh, nhưng có lẽ quan trọng hơn, họ thực sự bị ảnh hưởng bởi các ông trùm bất động sản lớn", ông Xie nói với CNBC vào ngày 14-8.

Giống như tất cả các nhà lãnh đạo Hồng Kông, Đặc khu trưởng Carrie Lam hoàn toàn có thể sẽ được thay thế bởi một người thân Bắc Kinh khác. Nhưng các ông trùm kiếm lợi từ các giá trị tài sản cao ngất trời vẫn sẽ hành động theo cách làm gia tăng sự bất bình đẳng. 

So sánh với tình hình đất đai Singapore, ông Xie nói: “Chính quyền không phụ trách. Nó rất khác với Singapore. Ở Singapore, chính quyền chịu trách nhiệm và đất đai nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ. Ở Hồng Kông thì không”. 

Ông cho biết chỉ 4 nhà phát triển bất động sản hàng đầu của Hồng Kông cũng có đủ đất để xây dựng khoảng 400.000 căn hộ và có khả năng giải quyết tình trạng thiếu nhà ở tại Hồng Kông. 

“Nhưng các ông trùm đã không làm điều đó vì họ muốn vắt sữa từ bất động sản, vì vậy giá vẫn cao trong một thời gian dài và họ kiếm được lợi nhuận từ đó” - ông Xie nói.

Giá thuê bất động sản ở Hồng Kông đã tăng vọt so với tiền lương trong nhiều năm nay. Kể từ năm 2003, giá bất động sản nhà ở đã tăng hơn 300%, theo Chỉ số Centa-City Leading. Công ty bất động sản CBRE xếp Hồng Kông là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà Oxfam năm ngoái cảnh báo Hồng Kông có sự phân chia giàu nghèo "đặc biệt nghiêm trọng".

Đi tìm giải pháp

Hồng Kông có thể phá vỡ độc quyền tài sản và dân chủ hóa các quy trình đấu thầu như những bước đi đầu tiên để cân bằng. Các nhà lập pháp nên đưa ra luật chống độc quyền rõ ràng và vững chắc để giảm sự tập trung tài sản. Luật cạnh tranh toàn diện cũng sẽ mang lại cơ hội cho những người tham gia nhỏ hơn. 

Hồng Kông có thể giới hạn khả năng sở hữu căn hộ của người đại lục - hoặc ít nhất là tăng thuế để giảm mua đầu cơ. Điểm dừng đầu tiên cho hầu hết những người đại lục giàu có muốn trú ẩn hàng triệu hoặc hàng tỷ USD của họ là bất động sản ở Hồng Kông. Chi phí nhà ở hiện nay nằm ngoài tầm tay của người Hồng Kông thuộc tầng lớp trung lưu, đặc biệt là thế hệ trẻ. 

Andrew Fennell, nhà phân tích của Fitch Ratings, cho rằng đó là "nhiên liệu" thúc đẩy hàng chục ngàn sinh viên xuống đường vào năm 2014 và đó là một yếu tố góp phần ngày hôm nay.

Chính phủ nên gia tăng các tham vọng cải tạo đất để tạo ra nhà ở giá rẻ và văn phòng giá phải chăng. Hiện nay, giá thuê quá cao cho các công ty khởi nghiệp. Hồng Kông cũng cần một cú hích ý chí chính trị. Những điều này không hề dễ dàng, nhưng nếu các nhà lãnh đạo Hồng Kông không giải quyết được những căn nguyên của sự bất mãn, chúng sẽ tăng cường. 

Cuối cùng, Hồng Kông cũng có thể nghe lời khuyên của Lý Gia Thành, nhưng không phải là những biểu hiện của “tình yêu và hòa bình” mà ông nói trong quảng cáo trên các trang báo, mà là về thuế.

Năm 2014, lần biểu tình lớn trước đây, người giàu nhất thành phố bắt đầu ủng hộ chủ trương khác của Quỹ Di sản: thuế cao hơn. Năm 2016, ông nói với Bloomberg rằng Hồng Kông “nên tăng thuế các công ty thêm 1 hoặc 2%, sau đó rất nhiều người nghèo sẽ được hưởng lợi. Điều quan trọng nhất mà chính phủ cần nghĩ đến là các lựa chọn dành cho giới trẻ".

Bàng Cương
.
.
.