Ván cờ nghiệt ngã

Chủ Nhật, 19/07/2020, 18:21
Đó không chỉ là một nước "chiếu bí" mà Washington dành cho Bắc Kinh, trong ván cờ địa chính trị toàn cầu hiện đại. Việc ngày 13-7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: "Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, do Bắc Kinh đang thực thi chiến dịch hăm dọa nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này" còn là diễn biến tiếp nối của cả một chiến lược kiềm chế Trung Quốc đã được vạch ra từ cuối thế kỷ trước, vì lợi ích cốt lõi cũng như vị trí độc tôn của nước Mỹ.


Sự cân bằng mong manh

Người Việt chúng ta cần phải thực sự tỉnh táo. Ngay cả khi mọi diễn biến đều có vẻ phù hợp với quyền lợi của Việt Nam, thì Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vẫn không nói một câu nào tới chủ quyền, cũng như quyền chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông. Ông chỉ nhắm đến một mục tiêu là "các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu như khắp toàn bộ Biển Đông"-trong bối cảnh "Bắc Kinh đang thực thi chiến dịch hăm dọa, nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ấy".

"Tại Biển Đông, chúng tôi nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định, đảm bảo sự tự do của các vùng biển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế; duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi âm mưu sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu sắc và kiên định với các đối tác và đồng minh của Mỹ, những người lâu nay ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp", ông Mike Pompeo nói.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và tuyên bố làm Biển Đông dậy sóng.

Điều đó có nghĩa là khi lên án những hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở quanh các khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei hay đảo Natura Lớn ngoài khơi Indonesia, nước Mỹ gián tiếp không thừa nhận sự áp đặt chủ quyền của bất cứ quốc gia nào, với những hành động có thể thay đổi hiện trạng kiểm soát trên thực tế.

Quần đảo Trường Sa không chỉ chứng kiến tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Còn không ít quốc gia ASEAN có những tham vọng lãnh hải ở đó và Việt Nam vẫn luôn khẳng định chủ quyền "không thể tranh chấp" của mình.

Tuy nhiên, hiện tại, mối đe dọa từ sự tham lam của Bắc Kinh đang choán hết mọi khía cạnh, trong tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế. Và hiện tại, khi Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ bắt đầu tiến vào Biển Đông, bề mặt phẳng lặng "không thể tranh chấp" đã bị phá vỡ. Biển Đông đã chính thức trở thành khu vực có tranh chấp. Những xung đột đã bị đẩy lên vượt tầm khu vực, khi trung tâm quyền lực lớn nhất thế giới thực sự bày tỏ ý định can thiệp, để thách thức một trung tâm quyền lực khác, đưới lá cờ "bảo vệ quyền tự do hàng hải cũng như luật pháp quốc tế".

Bản đồ Biển Đông với các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Bảo đảm cân bằng chiến lược, đối với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, vì vậy, lại càng trở nên khó khăn. Luôn là mạo hiểm, khi những nước nhỏ ở sát một nước lớn lại phải chọn đứng về phía một cường quốc khác. Nước xa bao giờ cũng khó cứu lửa gần. Khi căng thẳng bùng nổ, những nước nhỏ ấy sẽ chịu tổn hại đầu tiên và lớn nhất. Và thực tế, quyền lợi của các nước nhỏ luôn dễ dàng bị hy sinh, nhằm phục vụ cho lợi ích của các đại cường.

Thí dụ điển hình: Năm 1974, cũng chính Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ làm ngơ để Trung Quốc thôn tính quần đảo Hoàng Sa đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn đồng minh. Lúc đó, Washington đang muốn đào sâu thêm hố ngăn cách giữa Trung Quốc và Liên Xô.

Biển Đông - nhìn từ Biển Nhật Bản

Một ngày sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định tuyên bố trên cho thấy "cam kết vững chắc" của Washington đối với hòa bình và ổn định trong khu vực này.

Bên cạnh đó, ông Suga cũng bày tỏ quan ngại về các động thái của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Nhật Bản phản đối bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Ông Suga khẳng định Nhật Bản "trước sau như một ủng hộ tầm quan trọng của nguyên tắc thượng tôn pháp luật và sử dụng các biện pháp hòa bình thay cho vũ lực và cưỡng ép", đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ vì mục đích này.

Động thái ấy lập tức gợi cho giới quan sát quốc tế nhớ lại một khái niệm đã bị chìm lấp trong dòng sự kiện những năm gần đây: "Chuỗi đảo thứ nhất". Ba chuỗi đảo, như cách Trung Quốc vạch ra, là một vòng cung lớn mà Hải quân Trung Quốc sẽ phải nỗ lực khống chế trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc, nhằm bành trướng sức mạnh cũng như áp chế các nước láng giềng. Chuỗi đảo thứ nhất đã có hạt nhân là Đài Loan; chuỗi đảo thứ hai mở rộng từ Nhật Bản tới Indonesia; chuỗi đảo thứ ba tràn xuống Ấn Độ Dương, đặc biệt là các vùng biển xung quanh quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.

Nói cách khác, Hải quân Trung Quốc trong tương lai phải có khả năng tiếp cận, khống chế một Đại vòng cung bắt đầu từ khu vực cực Đông của Nga (mũi Kamchatka) qua quần đảo Kuriles (hiện đang có tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản), qua Nhật Bản, quần đảo Ryukyus của Nhật Bản, Đài Loan; vòng ra sau "lưng" Philippines, ôm lấy các đảo, quần đảo Guam, Marianas mà Mỹ đang quản lý; bao trùm cả quần đảo Palawen ở Tây Nam Philippines, tràn qua những vùng biển trước mặt Malaysia và Indonesia; cuối cùng vòng xuống eo biển Malacca đến vịnh Bengal, kiểm soát hành lang thông thủy từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương…

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tiến vào Biển Đông.

Song, ngược lại, các chuỗi đảo được Trung Quốc vẽ trên bản đồ đó, theo cách nhìn của Mỹ và những đồng minh thân thiết như Nhật Bản, lại cũng chính là ranh giới tiền tiêu mà họ không bao giờ cho phép vượt qua. Cho dù trên danh nghĩa không có quân đội chính thức, những năm qua, năng lực phòng thủ các cụm đảo phía Nam của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng đã liên tục được nâng cao, với những sự hỗ trợ của Washington. "Chuỗi đảo thứ nhất" đang trở thành bức "Vạn lý trường thành trên biển" chặn đứng và giam hãm những tham vọng bành trướng của Bắc Kinh, khi Trung Quốc không có đủ thời cơ, điều kiện cũng như năng lực để tạo ra điểm đột phá ở Biển Nhật Bản.

Họ chuyển trọng tâm xuống Biển Đông. Và lúc này, khi công nhiên thách thức Trung Quốc, Mỹ đang "gia cố" cho "chuỗi đảo thứ hai", nhằm bao vây Trung Quốc một cách trọn vẹn. Những động thái làm sống lại cả chiến lược "Xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương" thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton mới tiếp nhiệm. Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng chỉ trích chiến lược ấy, đã từng bỏ lơ nó, đã từng tuyên bố muốn nước Mỹ dưới tay ông không dính dáng đến quá nhiều "chuyện của người khác". Nhưng bây giờ, quan điểm của Nhà Trắng đang thay đổi.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hay nói đúng hơn là cuộc cạnh tranh và bảo vệ ngôi vị "siêu cường số 1 thế giới" đang cần những bước phát triển mới.  Washington, không nghi ngờ gì nữa, muốn Bắc Kinh cúi đầu. Ngược lại, Bắc Kinh cũng sẽ không từ bỏ con đường "Ngoại giao chiến lang" mà họ đã tốn bao công sức tiến hành, nhằm giành giật mọi vùng lãnh thổ - lãnh hải có thể chứ không chỉ là Tây Thái Bình Dương đầy cạm bẫy.

Vẫn còn quá sớm để nói đến chiến tranh, một cuộc chiến tranh tổng lực và toàn diện nào đó. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang có những vấn đề nội tại cần được ưu tiên hơn, sau bão tố COVID-19, so với việc đối đầu trực tiếp với nhau. Hơn thế, kể từ Chiến tranh Lạnh, cũng chẳng có siêu cường nào lựa chọn đối đầu trực tiếp với nhau. Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, ở tận cùng căng thẳng, cuối cùng cũng khép lại một cách êm thấm giữa Mỹ và Liên Xô, để trở thành bài học kinh điển cho quan hệ giữa các nước lớn.

Lần này cũng vậy. Căng thẳng sẽ được đẩy đến sát những giới hạn, nhưng nhiều khả năng sẽ dẫn tới đàm phán. Tạm thời, Trung Quốc vẫn sẽ phải "chịu thiệt thòi", khi chưa đủ năng lực tác chiến trên đại dương nhằm tranh hùng với Hải quân Mỹ. Hơn thế, kinh tế Trung Quốc còn đang thất thế dưới những đòn trừng phạt từ Mỹ.

Những cái "van xả" sẽ được mở. Có điều, việc tránh được "làn hơi nóng bỏng rát" tỏa ra phụ thuộc rất nhiều vào khả năng uyển chuyển và linh hoạt của cả ASEAN lẫn Việt Nam.

Đông Phong
.
.
.