Thu phí bản quyền kinh doanh karaoke: Vẫn đang loay hoay

Chủ Nhật, 13/11/2016, 15:04
Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay đã hơn 10 năm nhưng những tranh chấp liên quan đến quyền tác giả nhìn chung vẫn chưa có hồi kết. Đến nỗi, một vị cán bộ công tác trong ngành từng chua chát thừa nhận “Câu chuyện bản quyền nước mình nó thế”.


Lâu nay, nhắc đến việc thu phí bản quyền tại các trung tâm kinh doanh karaoke sẽ có nhiều người xua tay hoặc miễn bàn vì khó hơn cả lên… giời. Bởi thói quen “xài chùa” của dân Việt là một nhẽ.

Nhưng một nhẽ lớn là do tính chất phức tạp, chưa thống nhất trong việc kiểm soát, quản lý, xử lý các vi phạm mặc dù những quy định về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng đã được cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ từ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung liên tục sau đó.

Thỏa thuận "Share Our Cake" nhằm hướng đến môi trường kinh doanh karaoke "sạch".

Câu chuyện thu phí bài hát, bản nhạc tại các tụ điểm kinh doanh karaoke được đưa ra bàn luận tại kỳ họp Quốc hội vào năm 2005 và gần 10 năm sau đó, được Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tiến hành thí điểm ở một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Hà Nội…

Tuy nhiên, phương pháp mà trung tâm này thực hiện gây ra nhiều tranh luận. Và cho đến nay, nhiều chủ trung tâm kinh doanh karaoke vẫn không biết gì về câu chuyện tác quyền này.

Họ vẫn cứ vô tư nghĩ, nhạc cung cấp cho khách hát là nhạc “chùa”, hoặc đưa ra luận điểm của mình khi cho rằng quán đã dùng sản phẩm có tem (không vi phạm in sao đĩa lậu, bao gồm tiền bản quyền – PV), tại sao tôi phải bỏ tiền tác quyền ca khúc?

Mô hình kinh doanh karaoke ở nước ta lại đa dạng từ Bắc vào Nam. Có kiểu kinh doanh karaoke phòng riêng, hộ gia đình, khách sạn karaoke, karaoke phòng chung… Số lượng các ca khúc được sử dụng khó kiểm soát. Vấn đề thu phí bản quyền vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu, việc thu phí bản quyền ca khúc được sử dụng tại các tụ điểm kinh doanh karaoke đã được triển khai từ lâu nhưng… chẳng đi đến đâu. Mức phí 2,000 đồng/ ca khúc/năm không nhiều nhưng với hàng ngàn ca khúc được sử dụng, trung bình mỗi phòng – máy sẽ phải trả đến 20 triệu đồng/ năm.

Các địa điểm kinh doanh karaoke ở vùng sâu vùng xa không nói, ở hầu hết các thành phố lớn, nhiều trung tâm kinh doanh karaoke có hơn 20 phòng, vậy thì số tiền bản quyền ước chừng vào khoảng 400 triệu đồng/năm.

Đó là con số không hề nhỏ. Vì con số này mà một số chủ hộ kinh doanh “biết luật nhưng vẫn bơ luật mà làm ăn”. 

Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Công nghệ Ghi âm Việt Nam (RIAV) và Công ty điện tử HANET Việt Nam (HANET) vừa ký kết văn kiện đối tác chiến lược trong việc khai thác bản quyền tại các trung tâm karaoke có tên gọi là “SHARE OUR CAKE”, tiến tới xác lập môi trường kinh doanh karaoke “sạch”.

Theo đó, các trung tâm kinh doanh karaoke có sử dụng các thiết bị của HANET sẽ được kết nối Internet để cập nhật bài hát tự động và kèm theo đó là hiển thị các thông tin quảng cáo.

Số tiền thu được từ kênh quảng cáo này sẽ được dùng để thanh toán tiền phí bản quyền sử dụng ca khúc, chia cho trung tâm karaoke và thực hiện các hoạt động truyền thông.

Nghĩa là, các trung tâm kinh doanh karaoke không hề mất gì. Khi tham dự vào “Share Our Cake”, các trung tâm sẽ được đóng tiền bản quyền thay, đồng thời, cũng được nhận thêm % từ doanh thu quảng cáo.

Dự án bảo vệ quyền lợi hợp pháp bản quyền bản ghi thuộc quyền quản lý, quyền sở hữu do RIAV quản lý đang bị sử dụng và khai thác trái phép tại các trung tâm karaoke, các điểm dịch vụ ca hát có sử dụng thiết bị karaoke.

Cụ thể, tỷ lệ doanh thu quảng cáo được chia tương ứng như sau: Chủ sở hữu bản quyền (ca sỹ) 25%, Trung tâm kinh doanh karaoke 10%, các đại lí khai thác quảng cáo 30%, HANET 15%, 20% còn lại dùng để đầu tư và tái xây dựng hệ thống. “Share Our Cake” không nhắc đến quyền lợi của nhạc sỹ vì tác quyền liên quan đến nhạc sỹ đã có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc quản lý.

Ông Võ Đức Thọ, Giám đốc HANET cho biết, mô hình dùng quảng cáo hỗ trợ kinh doanh không phải mới lạ ở Việt Nam mà tiêu biểu nhất đã được dùng nhiều ở các rạp chiếu phim.

Hình thức quảng cái này được đánh giá có hiệu quả cao, chi phí thấp trong tình hình thực tế vấn đề bản quyền hiện còn nhiều khó khăn trong việc thực thi ở nước ta.

Hiện, các trung tâm kinh doanh karaoke vẫn “vô tư” xài “chùa” kho ca khúc mà không bận tâm tới chủ sở hữu bản quyền ghi âm bài hát là ai.

Hiện nay, hệ thống quảng cáo này đang được triển khai thử nghiệm tại một số trung tâm karaoke trên cả nước và sẽ đi vào hoạt động chính thức từ đầu năm 2017.

Chưa rõ, cái bắt tay giữa RIAV và HANET có tạo ra một cú hích để thúc đẩy câu chuyện bản quyền hay không. Đến đầu năm sau, dự án này mới đi vào hoạt động chính thức.

Thử nghiệm vẫn mới chỉ là thử nghiệm, vẫn phải chờ. Trong lúc chờ, kho ca khúc của nghệ sỹ hiện tại vẫn được người khác vô tư xài “chùa”.

Ông Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa  - Thể thao & Du lịch, Chủ tịch RIAV: Ý thức chiếm 50%, 50% còn lại phải tạo ra cái “bánh” để chia

 - Chiến lược này hướng tới một môi trường karaoke “sạch” trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, mới chỉ nhắc đến các trung tâm kinh doanh karaoke cố định. Theo tôi được biết, có nhiều điểm kinh doanh karaoke “di động” thì sao?

+ Chúng tôi chỉ xử lý những đơn vị hợp tác với mình, tức là tham gia chương trình của mình. Những đối tượng còn lại không nằm trong phạm vi giải quyết của Hiệp hội Công nghệ ghi âm Việt Nam. 

- Nghĩa là “SHARE OUR CAKE” chỉ mang tính chất gợi mở, còn thực chất, câu chuyện thu phí bản quyền tại các trung tâm kinh doanh karaoke có khả thi hay không thì dựa vào ý thức chấp hành pháp luật của người dân là chủ yếu? 

+ Thực ra ý thức chiếm 50%. 50% còn lại chính là tạo nên “cái bánh” để chia. Một khi, các trung tâm kinh doanh karaoke nhận ra họ thu được nhiều quyền lợi thì họ sẽ tham gia thôi. Tôi nhấn mạnh, các trung tâm karaoke không mất gì cả khi tham gia vào “SHARE OUR CAKE”. Điều này hoàn toàn khác biệt so với trước đây, chúng ta cứ chăm chăm đi “đòi” bản quyền. Căng thẳng, lại chẳng đi đến đâu.

- Nhưng việc triển khai quảng cáo không thành công thì không có tiền trả phí bản quyền cho nghệ sỹ. Điều này làm tôi nghi ngại về tính chuyên nghiệp cũng như sự dài hơi để đi hết lộ trình này?

+ Đương nhiên phải đặt vấn đề như vậy. Đó là phương án xấu nhất có thể xảy ra.  Chúng ta có quyền mơ nhưng chúng ta phải thực tế. Tuy nhiên, cho đến nay các bước thử nghiệm của dự án này thành công, tức là có “bánh” để chia.

- Cuối tháng 10 vừa qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc bị thanh tra để giải tỏa các thắc mắc về vấn đề thu chi. Cái bánh mà ông nói, RIAV làm thế nào để “chia” một cách minh bạch, tránh sự nhập nhèm thưa ông? 

+ Đây cũng là trăn trở của RIAV trong hơn 10 năm nay. Thu chi ra làm sao để minh bạch. Trước đây, chúng tôi cũng định thực hiện giống kiểu của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc là thu một cục rồi chi. Đây là bài toán vô cùng nhức đầu. Chúng ta thiếu thốn máy móc thiết bị kỹ thuật hiện đại nên việc kiểm soát có bao nhiêu ca khúc được sử dụng trong một ngày hoặc một tháng cực khó. Một số nhà mạng như Viettel, Mobifone… gửi đến chúng tôi danh sách thống kê đã sử dụng bao nhiêu ca khúc và trả một lần. Nhưng một ca khúc đó có 3 phiên bản do 3 nhà sản xuất khác nhau thực hiện và được sử dụng bao nhiêu lần thì không biết. Nguyên tắc của bản quyền tác giả, dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít. Nếu không có hệ thống để minh bạch chuyện này thì rất là khó. Giải pháp mà HANET đưa ra là khả thi. Tất cả các thông tin về số lượng lựa chọn, quảng cáo đều được RIAV và các trung tâm kinh doanh karaoke giám sát để bảo đảm tính minh bạch.

Đậu Dung
.
.
.