Vấn đề tranh cãi ở Hội nghị thượng đỉnh G20

Thứ Sáu, 28/06/2019, 12:01
Sự hợp tác, gắn kết giữa các thành viên của G20 đang bị lu mờ và có nguy cơ bị phá vỡ bởi những bất đồng xung quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng quan hệ Mỹ-Iran và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Câu hỏi được đưa ra là liệu G20 có kịp đảo ngược thế cờ bí tại Hội nghị thượng đỉnh ở Osaka (Nhật Bản) vào cuối tuần này?


Tranh cãi về cụm từ chủ nghĩa bảo hộ

Tờ Asahi của Nhật Bản số ra ngày 26-6 đưa tin, tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn có thể sẽ kêu gọi thúc đẩy tự do thương mại, bởi đây là phương cách hợp lý và an toàn nhất để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế trên toàn cầu.

"Dự thảo về tự do thương mại đã được các Bộ trưởng G20 thông qua và trình lên lãnh đạo cấp cao còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một chu kỳ tích cực, trong đó lợi ích của tăng trưởng vững chắc phải được phân phối rộng khắp cho các nền kinh tế", tờ Asahi viết. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung đã làm tổn thương tâm lý kinh doanh, làm xáo trộn thị trường tài chính và có thể sẽ phá hỏng cả kế hoạch này của G20. Vài ngày trước khi Hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, dưới áp lực từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, G20 đã phải loại bỏ cụm từ kêu gọi sự cần thiết chống lại chủ nghĩa bảo hộ kinh doanh.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang được coi là "chiếm sóng" nhiều nhất trước và trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản.

"Một thông cáo được ký bởi các Bộ trưởng Tài chính G20 tại cuộc họp hồi đầu tháng cũng không bao gồm ngôn ngữ tố cáo chủ nghĩa bảo hộ. Nhưng một số nước châu Âu đang yêu cầu hội nghị thượng đỉnh G20 phải bao gồm cảnh báo ngôn ngữ chống lại sự lây lan của các chính sách bảo hộ. Nhật Bản, quốc gia chủ trì các cuộc họp của G20 năm nay, đang tìm cách thỏa hiệp và dự thảo thông cáo hiện tại có một cụm từ tán thành việc thúc đẩy thương mại tự do", tờ Asahi cho biết thêm.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế thì nhận định, sự tăng trưởng của thị trường thế giới đang phụ thuộc vào cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Hôm 24-6, Nhà Trắng đã xác nhận, Tổng thống Donald Trump sẽ tới Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản và có nhiều cuộc gặp các lãnh đạo quốc gia khác trong các hoạt động bên lề, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

"Mục đích của cuộc thảo luận là nhằm tái cân bằng các mối quan hệ kinh tế theo hướng có thể bảo vệ thịnh vượng kinh tế và người lao động Mỹ. Dĩ nhiên điều đó có nghĩa là những sự thay đổi mang tính cấu trúc phải được thực hiện để bảo vệ tài sản trí tuệ" - một quan chức Nhà Trắng nói với hãng RT của Nga. Cũng theo vị quan chức này, đây là lần gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung trong suốt 7 tháng qua, sau cuộc gặp tại Buenos Aires (Argentina).

Và những cuộc gặp chớp nhoáng

Theo tin từ giới truyền thông Pháp, cuộc gặp lần này giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình dự kiến được tổ chức vào thứ bảy (29-6), tức ngày làm việc thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh G20 và là sự kiện chiếm sóng nhiều nhất tại hội nghị. Nhiều người hy vọng, cuộc gặp sẽ là mấu chốt để đưa các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trở lại đúng hướng.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin khác lại cho rằng, đây có thể chỉ là một cuộc gặp mặt đơn thuần không chính thức với sự trung gian của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nhằm thể hiện mối quan hệ cá nhân của nhà lãnh đạo Nhật Bản với các hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc.

Hãng BBC bình luận: "Vấn đề thương chiến sẽ không ngưng cho đến khi có bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Tổng thống Donald Trump cần "gây sự" với các nước, đặc biệt là Trung Quốc để lấy phiếu của người Mỹ và sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa. Bài phát biểu về Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 đã cho thấy toàn bộ ý đồ của Mỹ. Với việc coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ, bài phát biểu đã bao gồm hàng loạt cáo buộc lên án một Trung Quốc thù địch và đang phá vỡ các quy tắc".

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến cũng sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20.

Chưa hết, hãng BBC còn đưa ra một số nhận định của các nhà phân tích, trong đó chỉ rõ, chướng ngại lớn nhất cho sự đồng thuận của Mỹ-Trung là giải quyết vấn đề Tập đoàn Huawei. Chuyên gia kinh tế phụ trách Trung Quốc tại Economist Intelligence Unit thuộc Tập đoàn Economist, ông Tom Rafferty nói: "Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ có những bước nhượng bộ cần thiết.

Bởi lẽ, dù nền tảng kinh tế nước này vẫn ổn định với sự duy trì đà tăng trưởng trên 6% một năm thì chiến tranh thương mại vẫn có tác động trực tiếp khiến thương mại và kinh tế ở nước này trở nên khó kiểm soát hơn. Nhìn vào tỷ trọng giảm dần của thặng dư thương mại trong GDP, Trung Quốc cũng không còn có thể dựa nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng nữa".

Sự thiếu lòng tin vào khả năng giảm sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai siêu cường này khiến cho sự phối hợp trong G20 trở nên mong manh hơn. Ông Louis Kuijs, cựu chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, quan hệ xấu đi giữa Bắc Kinh và Washington đưa họ vào lộ trình xung đột, và làm mất ý nghĩa của G20.

"G20 là về hợp tác và phối hợp quốc tế. Trong một thế giới dường như đang tiến đến cạnh tranh và đối đầu, ý nghĩa và tác động của G20 chắc chắn ở mức thấp. "Khi không có sự lãnh đạo toàn cầu, quản trị toàn cầu sẽ không thể tránh khỏi trì trệ. Vì thế thập kỷ tới có khả năng sẽ chứng kiến ít tiến triển hơn về hợp tác trong những vấn đề như biến đổi khí hậu, chống khủng bố, giải quyết di cư bất hợp pháp và buôn bán người", ông Louis Kuijs cảnh báo.

Một điểm đáng chú ý nữa là bất đồng thương mại không chỉ làm ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong nhóm, mà nó còn làm lu mờ cả các nỗ lực để giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách. Tổng thống Donald Trump đến Osaka chỉ một tuần sau khi hủy cuộc không kích trả đũa vào Iran với lý do nước này bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ. Mối đe dọa của xung đột Trung Đông đã thúc đẩy giá dầu toàn cầu tăng.

Ngoài cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc, ông Donald Trump cũng sẽ gặp ít nhất 7 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin, để giành được sự ủng hộ cho các lệnh trừng phạt đối với Iran.

"Không có chương trình nghị sự cố định cho cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, mặc dù họ thừa nhận các vấn đề liên quan đến Iran, Ukraine, Trung Đông và Venezuela gần như chắc chắn sẽ được thảo luận.

Bao trùm các thảo luận ở Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ là sự lo lắng về tình hình xấu đi giữa Washington và Tehran. Các nhà lãnh đạo đều nhắc lại rằng họ muốn tránh chiến tranh nhưng cũng nhiều lần tuyên bố họ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích của mình nếu bị khiêu khích.

Ông Donald Trump sẽ nhắc lại với những người đồng cấp của mình tại G20 rằng, Mỹ dự định sẽ tiếp tục tăng áp lực kinh tế đối với Iran, nước đang phải chịu các lệnh trừng phạt leo thang của Mỹ và loại bỏ toàn bộ xuất cảng xăng dầu của nước này", ông James Jay Carafano, Phó Chủ tịch Viện An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quỹ Di sản nói, đồng thời lưu ý: "Nhiều sự chú ý sẽ đổ dồn vào cuộc gặp Trump-Putin. Bất cứ khi nào Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin gặp nhau, sau đó sẽ có phản ứng dữ dội trong lòng nước Mỹ. Cuộc gặp của hai ông lần này được kỳ vọng sẽ tập trung vào vấn đề an ninh khu vực, kiểm soát vũ khí và cải thiện quan hệ giữa hai nước và về vấn đề Iran, Syria. Một chủ đề nữa sẽ được bàn tới trong cuộc gặp này là lời đe dọa mới đây của ông Donald Trump về áp lệnh trừng phạt liên quan đến dự án đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu".

Và mặc dù các vấn đề an ninh không phải là một trong những chủ đề chính thức của cuộc họp tại Osaka sắp tới, nhưng bán đảo Triều Tiên và vấn đề hạt nhân có thể sẽ xuất hiện trong các cuộc thảo luận về kinh tế, môi trường, năng lượng toàn cầu và phát triển.

An ninh được thắt chặt tại Osaka.

Theo lịch trình, từ Nhật Bản, ông Donald  Trump sẽ bay đến thủ đô Seoul, nơi ông được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đón tiếp để thảo luận về cách tiếp tục giảm bớt căng thẳng với CHDCND Triều Tiên. Về vấn đề này, một số tờ báo Mỹ đã viết như sau: Triều Tiên từng sử dụng các chương trình của lực lượng quân sự để giành lại sự chú ý toàn cầu trước các Hội nghị G20 như  bắn tên lửa chỉ vài ngày trước hội nghị G20 năm 2016 và 2017, lần lượt được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và Hamburg (Đức).

Nhưng nước này không tiến hành bất kỳ vụ phóng tên lửa nào trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vào tháng 11 năm ngoái, do đã tự tuyên bố ngưng hoạt động về các tên lửa tầm xa tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore tháng 6-2018. Tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành một cặp phóng tên lửa thử nghiệm và hành động này được hiểu là vi phạm lệnh cấm phóng tên lửa tự thiết lập của nước này.

Tuy nhiên, cả Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đều không công nhận rõ ràng những vũ khí này là tên lửa. Triều Tiên gọi hoạt động này là thử nghiệm vũ khí hướng dẫn chiến thuật, trong khi truyền thông Hàn Quốc khăng khăng rằng vũ khí đó là súng phóng tên lửa, không phải tên lửa. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đánh giá thấp tầm quan trọng của vụ phóng này... Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus thì nhấn mạnh: "Thảo luận về sự phối hợp trong vấn đề phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên có thể là cách để kiểm chứng Triều Tiên và sự hợp tác ba bên với Hàn Quốc".

Chi Anh (tổng hợp)
.
.
.