"Vấn nạn lương hưu" tại Anh

Chủ Nhật, 05/11/2017, 11:38
"Lương hưu tại Anh hiện ở mức kém nhất trong số các nước phát triển", đây là kết quả nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng đầu tư UBS.

Theo đó, một phụ nữ sống ở London có thể hưởng mức thu nhập tương đương 41% thu nhập hiện tại của bà khi về hưu, ngang với Hongkong (Trung Quốc) và chỉ cao hơn một chút so với thành phố Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc), hiện xếp ở cuối bảng so sánh về triển vọng lương hưu tại các thành phố lớn trên thế giới.

Trong khi đó, các thành phố như Sydney (Australia), Paris (Pháp) và Milan (Italia) đứng ở đầu bảng. Theo chương trình đăng ký lương hưu tự động của Anh, các công ty ở "xứ sở sương mù" chỉ phải trả khoảng 1% lương và mức này sẽ tăng lên ngưỡng 3% vào năm 2019.

Tính toán của Ngân hàng đầu tư UBS dựa trên số tiền mà một quỹ lương hưu nhà nước cơ bản và các quỹ lương hưu được ủy thác (như chương trình trợ cấp hưu trí tự động của Anh hay chương trình hưu trí của Australia - không tính quỹ lương hưu tư nhân) có thể trả như một phần thu nhập của một phụ nữ trung bình 50 tuổi sống ở thành phố.

Người dân Anh ngẩn ngơ trước thông báo biến mất vĩnh viễn của thương hiệu bán lẻ BHS.

Theo tính toán của Ngân hàng đầu tư UBS, một phụ nữ ở London sẽ phải để tiết kiệm khoảng 47% thu nhập hằng tháng của mình nếu muốn tiếp tục duy trì lối sống cơ bản ở thành thị. Điều này cho thấy hệ thống lương hưu của Anh hiện phụ thuộc quá nhiều vào lương hưu tư nhân - tích lũy chậm đồng nghĩa với việc hy sinh không ít lợi ích sau này.

Nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng đầu tư UBS khiến người dân Anh nhớ tới vụ trả 363 triệu bảng Anh của tỷ phú Philip Green (tạp chí Forbes đánh giá sở hữu khoảng 4,8 tỷ bảng Anh) để giải quyết vụ vỡ quỹ lương hưu BHS.

Theo giới truyền thông, sau nhiều tranh cãi và kiện tụng kéo dài, ngày 27-2-2017, tỷ phú Philip Green mới chấp nhận trả 363 triệu bảng Anh để giải quyết vụ thâm hụt quỹ lương hưu do sự sụp đổ của chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng của Anh British Home Stores (BHS) gây ra.

Được biết, năm 2015 (sau 15 năm sở hữu BHS), ông Philip Green đã bán công ty này cho Dominic Chappell, doanh nhân bị phá sản tới 3 lần và không có kinh nghiệm trong ngành bán lẻ. Do đó đến đầu năm 2016, chuỗi cửa hàng bán lẻ kể trên đã sụp đổ kéo theo 22.000 người bị ảnh hưởng, trong đó 11.000 nhân viên mất việc làm và quỹ lương hưu của BHS bị thâm hụt tới 571 triệu bảng Anh.

Sau khi BHS sụp đổ, Quốc hội Anh phải mở một cuộc điều trần, trong đó nhiều nghị sĩ đã gọi ông Philip Green là "tỷ phú chợ đen", là "kẻ bòn rút tài sản". Đồng thời bỏ phiếu bãi bỏ tước hiệu hiệp sỹ mà ông Philip Green được trao do những đóng góp đối với ngành bán lẻ.

Theo người đứng đầu cơ quan quản lý lương hưu Lesley Titcomb, việc đạt được thỏa thuận với ông Philip Green là kết quả tốt đẹp đối với các thành viên của quỹ lương hưu BHS. Bởi theo thỏa thuận bồi thường, tất cả những người hưởng lương hưu được nhận lương hưu đúng mức ban đầu BHS đã cam kết.

Theo giới truyền thông, ngày 28-8-2016, chuỗi cửa hàng bán lẻ nổi tiếng BHS đã đóng nốt 22 cửa hàng cuối cùng tại London, chấm dứt 88 năm hoạt động. BHS là chuỗi cửa hàng bán lẻ giá bình dân mà mọi gia đình ở Anh đều đến mua sắm và việc đóng cửa chuỗi cửa hàng này đã khiến 11.000 việc làm bị mất.

Khi đó các thương hiệu bán lẻ tại Anh như John Lewis, Primark và Sports Direct được cho sẽ lấy lại một số địa điểm của BHS tại các khu phố mua sắm sầm uất ở London. Còn các thương hiệu như Zara, Poundworld, Wilko và H&M cũng muốn đàm phán để sở hữu một số địa điểm bán hàng của BHS.

Khi chuỗi cửa hàng bán lẻ BHS sụp đổ, người dân Anh đã quy trách nhiệm cho ông Philip Green, một trong những tỷ phú giàu nhất "xứ sở sương mù". Được biết từ năm 2010, ông Philip Green bắt đầu đi lệch hướng và trong 5 năm đã để mất hơn 800.000 khách hàng mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ của BHS. Đầu năm 2015, ông Philip Green bán lại BHS với giá 1 bảng Anh cho Dominic Chappell và hậu quả đã xảy ra.

Theo đánh giá của Ngân hàng đầu tư UBS, hệ thống lương hưu của Australia hiện là một trong những hệ thống lương hưu hợp lý nhất, trong đó các công ty phải chi một khoản tương đương 9,5% lương của người lao động cho chương trình lương hưu.

Với hệ thống chi trả lương hưu ở Australia, một phụ nữ 50 tuổi sinh sống tại Sydney có thể về hưu ở tuổi 67 với thu nhập tương đương 72% lương hiện nay, so với mức 41% ở Thủ đô London. Singapore đứng ở vị trí đầu bảng, song theo Ngân hàng đầu tư UBS, người phụ nữ kể trên nếu ở Zurich (Thụy Sĩ) có lẽ sẽ giàu nhất, nếu xét thêm khoản tiền tiết kiệm có được khi về hưu.

Trịnh Huyền My
.
.
.