Khai thác cát trái phép tại TP Hồ Chí Minh:

Vẫn nóng với nhiều thủ đoạn tinh vi

Thứ Năm, 09/11/2017, 08:13
Từ khi lệnh cấm khai thác cát được ban hành thì nạn khai thác cát trái phép càng nóng bỏng hơn. Tình trạng này không những làm cạn kiệt tài nguyên quốc gia, mà còn làm thay đổi dòng chảy gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy...

1.  Sau nhiều ngày theo dõi, tối 20-6-2017, các trinh sát Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện trên tàu hút mang số hiệu NĐ-2816 thuộc sở hữu của Công ty cổ phần vận tải biển Đại Việt có trụ sở đóng tại 321, thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang vận chuyển 675m³ cát không rõ nguồn gốc. 

Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Nguyễn Văn Quí cùng 6 thuyền viên không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô cát cũng như giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

Làm việc với cơ quan Công an, ông Quí khai nhận, tàu hút cát trên được ông Nguyễn Văn Trường (Giám đốc Công ty Đại Việt) ký hợp đồng cho ông Dương Thanh Cẩn thuê lại với giá 100.000.000 đồng/tháng. 

Sau khi thuê, ông Cẩn cho tiến hành lắp đặt thiết bị định vị cùng nhiều loại máy bơm cao áp rồi giao lại cho ông Quí chạy về vùng biển Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh hút cát trộm đem đổ vào công trình đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây. Cũng theo lời ông Quí, trong suốt thời gian từ cuối tháng 4-2017 đến lúc bị bắt, con tàu này đã thực hiện trót lọt hàng chục chuyến bơm hút cát.

Việc khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Cũng tại thời điểm này, một tổ công tác thuộc Đội 3, Phòng PC49 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tuần tra kiểm soát trên khu vực cửa sông Soài Rạp, huyện Cần Giờ đã phát hiện tàu hút cát mang số hiệu BG-0568 thuộc sở hữu của Công ty TNHH TM&DV Thành Bắc có trụ sở tại 148 Lý Thái Tổ, phường Trần Phú, TP. Bắc Giang đang vận chuyển 1.080m³ cát nên đã ra hiệu lệnh cho tàu chạy chậm để tiến hành kiểm tra hành chính. Tuy nhiên thuyền trưởng Nguyễn Văn Thanh cùng 9 thuyền viên khác không xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thanh khai nhận, vào ngày 28-5-2017, ông Vũ Thành Bắc (Giám đốc Công ty Thành Bắc) đã ký hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Chội thường trú tại ấp Làng Cát, xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuê tàu BG-0586 với giá 200.000.000 đồng/tháng. 

Sau khi thuê, ông Chội cho tiến hành sửa chữa, lắp đặt máy bơm, máy định vị rồi giao cho Thanh cùng 9 thuyền viên khác chạy ra khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ tổ chức hút trộm cát đem bán cho các công trình làm đường. Khi nào hút được cát đẹp thì mang bán lại cho các vựa để các ông chủ, bà chủ đem rửa rồi trộn chung với cát nước ngọt bán lại cho các chủ thầu công trình xây dựng.

Lãnh đạo Phòng PC49 Công an TP. Hồ Chí Minh đã cử một tổ công tác đến ngay công trường đường cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây làm việc với một số công ty đang thi công đoạn đường này để làm rõ lời khai của các thuyền trưởng và xác định trong thời gian từ cuối tháng 4-2017 đến lúc bị bắt, các tàu này đã bán hàng trăm ngàn khối cát cho công trình, trong đó có hàng chục chuyến tự bơm hút, hàng chục chuyến khác mua trôi nổi của những tàu nhỏ hút cát ở khu vực Cồn Ngựa và cửa sông Soài Rạp. 

Công an TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Quí và ông Nguyễn Văn Chội, mỗi người 50 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Ngoài ra, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định tịch thu hai tàu hút cát BG0568 và NĐ2816.

Tại thời điểm UBND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định xử phạt, các ông Nguyễn Thành Bắc - Giám đốc Công ty Thành Bắc và ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Công ty Đại Việt đã cử luật sư đến Phòng PC49 làm việc, đồng thời gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan chức năng cho rằng họ chỉ là bên cho thuê tàu chứ không biết và không trực tiếp thực hiện việc bơm hút cát nên không thể tịch thu tàu của họ được. 

Tuy nhiên theo quy định của pháp luật, chỉ có những phương tiện bị chiếm đoạt dưới nhiều hình thức để sử dụng trái phép để thực hiện các hành vi vi phạm hành chính thì mới không liên đới trách nhiệm. Trong các trường hợp này, chủ tàu đã có hợp đồng cho thuê đối với người vi phạm nên việc ra quyết định tịch thu tàu của UBND TP Hồ Chí Minh là đúng pháp luật. Những vấn đề bồi thường hoặc phải đền tàu do bên cho thuê và bên thuê tự thương lượng.

Gần đây nhất là vụ một số tàu ào ạt hút cát ở khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh khiến cho dư luận hết sức bức xúc. Vụ việc này đã được các trinh sát phát hiện từ trước đó hai ngày và đã tổ chức thuê tàu cá của ngư dân đưa đoàn ra kiểm tra, xử lý, nhưng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, biển động, sóng lớn nên tàu mới chạy được nửa giờ thì gặp sóng lớn cao đến 2-3 mét nên buộc lòng phải quay lại bờ. 

Đến ngày 24-10, khi có sự hỗ trợ về tàu của Bộ đội Biên phòng, các trinh sát PC49 mới có thể tiếp cận Cồn Ngựa và đã lập biên bản đối với hàng chục tàu đang bơm hút cát đưa về điều tra xử lý.

Cán bộ Phòng PC49 Công an TP. Hồ Chí Minh kiểm tra tàu.

2.  Để tìm hiểu về thực trạng này, trong hai ngày 28 và 29-10-2017, chúng tôi được một cán bộ Đội 3, Phòng PC49 Công an TP. Hồ Chí Minh cho tháp tùng đi trinh sát địa bàn. Tưởng rằng được ngồi trên ca nô lướt sóng dưới sông nước, nhưng đến giờ xuất phát, các trinh sát cầm sẵn máy ghi hình trên tay rồi leo lên phía sau chiếc xe gắn máy hiệu Future. 

Từ trung tâm thành phố, phải mất gần hai giờ vượt quãng đường gần 70km, hai chúng tôi đã đến được bờ sông Soài Rạp và men theo con đường đầy ổ voi dọc theo bờ phía tây con sông. 

Trên đường đi, thấy tôi thắc mắc, anh cán bộ này cười bảo: Mỗi lần đi trinh sát, bọn em buộc phải sử dụng xe gắn máy chạy trên bờ, khi nào phát hiện ghe, tàu có dấu hiệu khả nghi thì thuê thuyền của ngư dân kiểm tra. Thành công cũng nhiều, nhưng thất bại cũng không ít, bởi thuyền trưởng đều là những người từng trải. Chỉ cần nghi ngờ có Công an kiểm tra là họ cho mở miệng ống xả đổ hết cát xuống sông để phi tang. Nhiều trường hợp họ còn cho thuyền viên dùng sào đâm thẳng lực lượng kiểm tra khiến cho một số anh em bị thương...

Đang chạy ngon chớn bỗng anh cán bộ trinh sát phanh gấp. Chỉ về phía giữa dòng chảy, anh nói: "Anh có nghe tiếng máy rít khác thường không? Thuyền đang tận thu cát bẩn cho mấy công trình đấy. Để em tìm chỗ gửi xe rồi thuê thuyền của ngư dân đến kiểm tra nhé". 

Không tìm được chỗ gửi xe, anh cán bộ trinh sát đẩy luôn vào bụi cỏ rậm rạp gần đó rồi cả hai chúng tôi nhảy vội lên một chiếc thuyền cào hến và yêu cầu người lái thẳng hướng thuyền hút cát lao tới. Gần đến nơi, chiếc thuyền có tải trọng khoảng 50 tấn đang chở đầy hàng bỗng nổi lên nhanh chóng. 

Nét mặt buồn rầu đầy lo lắng, anh trinh sát quay sang tôi bảo: "Thất bại rồi, quay về đi anh. Họ xả cát xuống sông hết rồi". Rút một triệu tiền túi trả cho chủ ghe, tôi cùng anh trinh sát quay trở về bờ và bảo nhau ngày mai tiếp tục...

Một tàu hút cát bị lập biên bản xử lý trong thời gian qua.

Theo lời kể trinh sát, tình hình khai thác trộm cát trong thời gian gần đây hết sức phức tạp và công tác tuần tra, kiểm soát để tiến hành xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Trước đây mỗi khi thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo dõi đối với các điểm có cát tại các lòng sông, trinh sát chỉ có thể chạy xe gắn máy dọc theo hai bờ và đến khi phát hiện hoặc nghi vấn có trường hợp vi phạm thì thuê ghe, thuyền của bà con nhân dân tiếp cận các ghe, tàu hút cát. 

Tuy nhiên cách làm này thường không hiệu quả vì thường bị thuyền trưởng phát hiện từ rất sớm và họ thực hiện ngay kế hoạch mở ống xả đổ hết cát xuống lòng sông hoặc không kịp thì cho đánh đắm ghe tàu để phi tang.

Để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống khai thác các trái phép, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát và truy bắt kịp thời rất nhiều vụ. Tuy nhiên đấy chỉ là mảng đường sông, còn trên các vùng biển, cửa biển có sóng cao đến vài mét, thậm chí cao đến 3-4 mét nếu có biển động hoặc áp thấp nhiệt đới thì ca nô chưa kịp ra đến cửa biển đã bị sóng đánh lật úp. 

Đối với các tàu hút trộm cát trên biển, trước đây mỗi khi phát hiện họ đang vận chuyển trong vùng nước an toàn có thể dùng ca nô cặp mạn để kiểm tra thì các trinh sát có thể tháo hộp đen, máy định vị mang về giám định là có thể xác định được tọa độ mà họ hút cát, qua đó có đủ cơ sở để xử phạt. Thời gian gần đây, những thuyền trưởng tàu lớn, mỗi khi phát hiện có lực lượng chức năng kiểm tra, họ sẵn sàng tháo hộp đen, máy định vị giấu vào chỗ kín trong khoang máy hoặc ném xuống sông rồi khai là mua cát trôi nổi khiến cho công tác thu thập chứng cứ để xử lý gặp nhiều khó khăn. 

Để thực hiện việc kiểm tra đối với các tàu hút cát trên biển, đơn vị cũng đã thực hiện công tác phối hợp với Bộ đội Biên phòng, nhưng cũng chỉ có thể đi theo chuyên đề và vài tháng mới có thể thực hiện được một lần.

Ngoài ra, hình thức chế tài xử lý đối với khai thác cát trái phép cũng chưa đủ sức răn đe. Nên chăng xem việc khai thác cát là hành vi trộm cắp tài sản để xử lý hình sự. 

Đức Cương
.
.
.