Vàng lệch khủng, ai trục lợi?

Thứ Sáu, 03/05/2013, 10:17

Vàng SJC chênh phần còn lại vài triệu đồng mỗi lượng, còn mức chênh với thế giới đã vượt 6 triệu.

Trong khi nhiều doanh nghiệp ám chỉ lợi khủng thuộc  SJC thì Công ty SJC thẳng thừng tuyên bố, họ không có lợi gì ngoài tiền phí gia công 50.000 đồng mỗi lượng. 

Vậy là quả bóng lợi khủng thấy rõ, nhưng ai cũng đá đi và bảo "không phải của tôi"!

400 nghìn và 6 triệu

Hồi mới đảm nhận chức Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình từng nói, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới khoảng 400 nghìn đồng/lượng là hợp lý.

Nhưng cũng từ đó tới nay, con số 400 nghìn vẫn chỉ là điều gì đó xa vời. Sau quãng thời gian chênh lệch ở mức 3 - 4 triệu đồng/lượng thì tuần này, khoảng cách đã bứt phá tới hơn 6 triệu đồng/lượng, gấp 15 lần con số Thống đốc Bình đưa ra.

Kể từ khi SJC được xác định là thương hiệu vàng miếng quốc gia, sự chênh lệch giữa SJC với phần còn lại không những không thể thu hẹp mà ngày càng giãn rộng khoảng cách. Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC và làm phương hại đến lợi ích các thương hiệu vàng miếng khác. Tuy nhiên, trả lời công luận, đích thị SJC đã "phản pháo", nói rằng sau Nghị định 24, Công ty SJC đã bàn giao tất cả khuôn dập (cũ và mới) cho NHNN quản lý.

Mỗi khi sản xuất phải có giấy phép của NHNN, khi đó NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh bàn giao khuôn và SJC sản xuất gia công dưới sự giám sát của tổ giám sát NHNN. SJC than: Công ty SJC không hưởng lợi được gì ngoài tiền công là 50.000 đồng/lượng và viện dẫn sau Nghị định 24, doanh thu, sản lượng, lợi nhuận của Công ty SJC sụt giảm 65% so với năm 2011…

SJC không hưởng lợi, vậy thì món lợi kếch xù là khoản chênh khủng giữa SJC với phần còn lại và chênh giữa giá vàng trong nước với thế giới rơi vào túi ai? Tổng Giám đốc SJC, ông Đỗ Công Chính tiết lộ: "Khi giá vàng SJC và thế giới chênh nhau 3-5 triệu đồng/lượng, thì chính những đơn vị đặt Công ty SJC gia công hưởng lợi chứ không phải bản thân SJC".

Xem ra đang tồn tại mâu thuẫn khi không ai tự nhận mình được hưởng lợi. Công ty phi SJC thì quả quyết SJC hưởng lợi, còn đích thị SJC lại nói không có lợi gì ngoài 50 nghìn tiền gia công, mà lợi nhuận ấy lại thuộc về… công ty đặt SJC gia công! Vậy là, quả bóng lợi nhuận kếch xù dù rõ ràng, thế mà nằm trong chân ai lại không biết, ai cũng tự đá nó đi, bảo không phải của mình.

Chỉ điều ấy thôi đã thấy sự rối rắm và không minh bạch của thị trường vàng nội địa. Để được đúc vàng mang nhãn SJC, các công ty phải có trong tay "quota" từ NHNN và thực hiện dưới sự giám sát của tổ chuyên gia.

Về lý thuyết, việc quản lý, cấp quota là cần thiết để tăng cường vai trò quản lý nhà nước với thị trường vàng, đặt doanh nghiệp vào vòng quản chặt từ nguồn cung, tránh việc mạnh ai người làm. Thế nhưng, quota bản chất là cơ chế xin - cho và rất khó để nói rằng, không có gì mập mờ trong việc này.

Trong khi đó, ngoài việc thuê gia công 50.000 đồng/lượng cho Công ty SJC, các doanh nghiệp còn mất thêm tiền vận chuyển vàng từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh để dập, sau đó, doanh nghiệp lại vận chuyển vàng từ Nam ra Hà Nội. Theo tính toán, tổng các chi phí để gia công một lượng vàng miếng sang SJC với lộ trình vòng vèo như vậy mất khoảng 100.000 đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước đang tạo nhiều dấu hỏi lớn.

Cơ chế độc quyền

Rõ ràng, cơ chế độc quyền đã khiến các doanh nghiệp đi qua nhiều cửa, nhưng đồng thời cũng kiếm được lãi lớn khi chỉ cần thay cái chữ từ phi SJC sang SJC. Và trong bối cảnh chênh lệch giá quá lớn, gấp 15 lần cho phép càng làm lợi cho doanh nghiệp đúc vàng và kinh doanh vàng SJC quá nhiều.

Trong bối cảnh thị trường liên thông và rất nhạy bén hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc NHNN tăng cường quản lý thị trường vàng là cần nhưng nên tách bạch chức năng quản lý với chức năng kinh doanh, không nên ôm "hai trong một". Cần tổ chức và quản lý sàn giao dịch vàng tập trung, đồng thời chính sách thiết lập, quản lý và vận hành sàn vàng phải thực sự minh bạch, ổn định và liên thông với thế giới, không để giật cục, một mình một kiểu.

Hiện nay, các doanh nghiệp đều muốn quota có lợi cho mình, và để làm được điều đó thì họ hiểu phải thực hiện bằng chiêu thức gì. Chính bởi vậy, những tưởng con đường dài 1.700 km để đưa vàng từ Bắc vào Nam đúc chữ SJC đã là gian nan, nhưng xem ra cái đường vòng không có trên bản đồ lại khó lường hơn nhiều. Chính cơ chế đó tạo tâm lý bất ổn và là môi trường thuận lợi nuôi dưỡng hành vi trục lợi.

Để thị trường vận hành thực sự minh bạch, xóa bỏ lợi ích nhóm và những hình thức có tính riêng biệt, chúng tôi không bàn lại việc tại sao SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, cũng như không xét lại việc quản lý vàng miếng. Những lý lẽ, căn cứ đều đã được NHNN công bố và xét trên cơ sở lý luận, đó là sự cần. Vấn đề là NHNN cần công bố lộ trình các tiến trình quản lý và cách quản lý giá vàng sao cho minh bạch. Chúng tôi không tán đồng quan điểm một số ý kiến nói rằng, vàng trong nước và thế giới đều phải buông lỏng để đảm bảo đúng tính thị trường tự do.

Vấn đề là quản lý vàng nhưng không thể độc quyền. Giữa độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhiều khi không dễ rạch ròi. Xăng dầu, điện độc quyền, hệ lụy đã thấy rõ. Vàng phải đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh. Trên thế giới có ngân hàng nào độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường?

Nếu ở ta NHNN lại kiêm tất cả vai trò này thì sự lẫn lộn giữa vai trò quản lý và kinh doanh là khó tránh khỏi, mà một khi đã dính đến kinh doanh, tức là lợi nhuận, thì chức năng quản lý tất sẽ bị tác động do mâu thuẫn lợi ích chung và riêng, lợi ích toàn cục và cục bộ.

Chuyên gia Ngô Trí Long.

"Nguyên tắc cao nhất của NHNN khi tham gia thị trường vàng là phải bảo đảm dự trữ ngoại hối quốc gia, không được lỗ.

Do vậy, dù NHNN có tiếp tục đấu thầu vàng thì chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới khó có thể giảm xuống…

Để bình ổn thị trường vàng, NHNN nên trở về với các nhiệm vụ cố hữu của một ngân hàng trung ương trong việc điều tiết chính sách tiền tệ và cải thiện tình trạng vĩ mô, không tham gia sản xuất kinh doanh".

Chênh lệch so với mức cho phép tới 17 lần

Biên độ giá vàng trong nước với thế giới đã đạt kỷ lục vào sáng 18-4 với mức chênh tới 6,8 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á qua trang Kitco.com lao dốc với biên độ gần 30 USD/ounce, xuống mức 1.349,4 USD/ounce, tương đương khoảng 34 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng SJC bán ra ở mức 40,8 triệu/lượng. Như vậy, chênh lệch so với mức cho phép của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã lên tới 17 lần!

Cũng trong sáng qua, NHNN tiếp tục chào bán 40.000 lượng vàng miếng SJC (tương đương 1,5 tấn vàng). Tính từ cuối tháng 3/2013 đến 17/4/2013, NHNN đã tổ chức 8 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 223.600 lượng vàng, trên tổng số 262.000 lượng chào thầu.

Thế nhưng, cũng kể từ khi đấu thầu được NHNN tiến hành, trái với mục đích kìm giá vàng về sát với thế giới như quảng bá ban đầu, mức độ chênh lệch ngày càng rộng, tỷ lệ thuận với các phiên đấu thầu.  

Vàng "solo", biến chuyên gia thành những gã hề!

Nếu ví vàng như quả bóng thì dường như đang có một "Messi vô hình" solo ngoạn mục, biến hàng loạt cầu thủ - chuyên gia vàng bạc nổi tiếng thế giới thành những gã hề! Kịch bản giá vàng đang lặp lại lối đi của ba thập kỷ trước và của dầu thô cách đây 5 năm.

Chẳng hạn: CEO, công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới cho rằng, giá vàng có thể thiết lập mức cao kỷ lục mới trên 2000USD/oz vào năm 2013. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ lên đến 54 triệu đồng/lượng. Ngân hàng hàng đầu Thụy Sỹ UBS dự báo, giá vàng sẽ đạt mức trung bình 1.900 USD/oz trong năm 2013, trong khi Commerzbank dự báo giá vàng sẽ đạt khoảng 1.950USD/oz, thậm chí cơ quan này còn cho rằng, vàng sẽ vượt mốc 2.000USD/oz để thiết lập kỷ lục mọi thời đại. Ở thời điểm vàng tăng tốc, dự báo của công ty phát triển các mỏ vàng Ore Mining Ltd ở Mexico còn mạnh dạn đưa ra nhận định, giá vàng sẽ đạt kỷ lục 3.000 USD/ounce…

Đây là lần thứ hai trong hai năm, vàng làm chuyên gia bị hớ. Còn nhớ trước khi bước vào năm 2012, nhiều tổ chức quốc tế dự báo, giá vàng sẽ tăng mạnh trong năm 2012. Tuy nhiên, trên thực tế, trong năm 2012, giá vàng chỉ dao động trong khoảng 1.550 - 1.750 USD/oz.

Còn diễn biến trong tháng 4/2013 này cho thấy vàng rơi tự do, hiện đã đánh mất hơn 40% giá trị so thời đỉnh cao, trên 1.900 USD/oz.

Dường như đang có sự liên đới rất lớn giữa vàng với "vàng đen" (dầu thô). Cách đây 5 năm, dầu bật khủng khiếp, chạm đến đỉnh 147 USD/thùng vào tháng 7/2008. Tuy nhiên, ngay sau đó, dầu "đứt phanh" thảm hại, từ 147 USD xuống sát mức 40 USD/thùng, tức mất hơn 70% giá trị chỉ trong mấy tháng cuối năm 2008.

Liệu năm 2013 có đánh dấu chu kỳ suy thoái của giá vàng như từng diễn ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi vàng bất ngờ lập đỉnh rồi "bốc hơi" tới gần 80% giá trị?

Nói đi đừng sợ 

Giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục giảm mạnh. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phấn chấn đút túi 1.750 đồng/lít nhờ được hưởng chênh lệch lớn giữa giá bán lẻ và giá nhập khẩu đã bao gồm thuế và phí. Chiếc xe tay ga yêu quý của em từ ngày xăng tăng giá tốn hơn 100 nghìn cho một bình xăng đi được đúng 2 ngày trời.

Giá xăng tăng vù vù đến kẻ giàu có như em còn phải chóng mặt, thót tim, nói chi mấy gã xe ôm suốt ngày kêu ca thảng thốt chẳng biết sẽ lấy tiền đâu nuôi mấy mụ vợ với đàn con o oe chỉ biết khóc.

Sáng nay tỉnh dậy, đám xe ôm đầu ngõ lao nhao về tin tức từ thông tấn xã buôn chuyện rằng ông tổng giám đốc xăng dầu nào đó bảo rằng giá xăng "sắp" xuống. Em cũng chân nọ đá chân kia chạy ngay đến sạp báo vì mừng rỡ lắm.

Theo lời ông giám đốc phân tích: "Việc canh tranh giữa các doanh nghiệp xăng dầu hiện nay vẫn chỉ nằm ở chỗ chiết khấu chứ không phải trên giá bán lẻ để người tiêu dùng được hưởng" . Tất cả đang nằm trong hai chữ "cơ hội". Chờ đến lúc xăng xuống giá thì anh bạn hát rong hàng xóm của em cũng chế được vài bài hát đang ''hót'' trên mạng về chủ đề xăng tăng giá.

Sáng nay lúc em đi qua sạp báo, vẫn nghe anh ấy hát trên ban công theo điệu một bài hát quen thuộc "Ngồi chờ giá xăng, ngừng tăng. Chắc đến khi rụng hết, cả hàm răng"...

Đăng Trường
.
.
.