Viết tiếp bài: "Bạc tỷ có cơ mất trắng, cảnh báo từ các sàn vàng "chui"

Vàng mắt vì vàng "ảo"

Thứ Tư, 22/10/2014, 12:30

Gần 1 năm trôi qua, những nguy cơ nêu trong bài viết "Bạc tỷ có cơ mất trắng, cảnh báo từ các sàn vàng chui" của Chuyên đề CSTC đã thành sự thật. Cơn khát tiền trong cuộc "đỏ đen" với giá vàng thế giới, cùng với sự buông lỏng quản lý, đã đẩy bao người đến bờ vực phá sản. Trong khi đó, với số đông thì câu chuyện vàng “ảo" vẫn là điều lạ lẫm, trừu tượng.

=> "Bạc tỷ có cơ mất trắng, cảnh báo từ các sàn vàng "chui"

Sàn vàng "chui" đã đến hồi cáo chung. Những ngày vừa qua, trong một nỗ lực dẹp bỏ tình trạng kinh doanh trái phép đang diễn ra ngang nhiên, công khai bất chấp "lệnh cấm" từ năm 2010, hàng loạt chủ sàn đã bị bắt. Vẻ hoảng loạn, thất thần đã hiện rõ trên mặt các nhà đầu tư. Bởi dòng tiền hàng trăm tỷ đồng đã đầu tư vào vàng "ảo", giờ biết đòi ai, khi mà kẻ giữ tiền của họ đã rơi vào vòng lao lý.

Gần 1 năm trôi qua, những nguy cơ nêu trong bài viết "Bạc tỷ có cơ mất trắng, cảnh báo từ các sàn vàng chui" của Chuyên đề CSTC đã thành sự thật. Cơn khát tiền trong cuộc "đỏ đen" với giá vàng thế giới, cùng với sự buông lỏng quản lý, đã đẩy bao người đến bờ vực phá sản. Trong khi đó, với số đông thì câu chuyện vàng “ảo" vẫn là điều lạ lẫm, trừu tượng.

Khai tử thị trường "chui"

Những ngày gần đây, liên tiếp các cuộc tập kích của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an nhằm vào các sàn vàng "chui", đã làm rung chuyển thị trường kinh doanh vàng tài khoản trái phép.

Nói là "chui", bởi theo Thông tư số 01/2010/TT- NHNN ngày 6/1/2010 của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua mạng Internet, phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh kể từ ngày 06/01/2010. Trước đó, những năm 2006 - 2009 là thời kỳ hoàng kim của loại hình kinh doanh này, và "bầu" Kiên được cho là người đầu tiên thúc đẩy việc công khai hoạt động kinh doanh vàng tài khoản tại Việt Nam.

Mặc dù "lệnh cấm" có hiệu lực từ năm 2010, nhưng hoạt động này vẫn tồn tại và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau để "lách luật". Các sàn vàng "chui" vẫn mọc lên như "nấm sau mưa", kéo theo bao nhiêu con người vào vòng xoáy của cuộc "đỏ đen" với giá vàng thế giới. Và hệ lụy đối với an ninh trật tự, đó là việc gây mất ổn định thị trường vàng, thị trường tiền tệ và trốn lậu thuế, nhất là nguy cơ "khuynh gia bại sản" với các nhà đầu tư… đã hiển hiện. Bởi vậy, động thái quyết liệt của Bộ Công an để dẹp bỏ thị trường "chui" là sự đáp ứng yêu cầu bức thiết đặt ra từ đời sống xã hội.

Nhà đầu tư của công ty Khải Thái tại cơ quan điều tra.

Trận đánh mở màn ngày 26/9/2014 đã nhằm vào sàn VGX của Công ty CP đầu tư VGX - (ở 170 La Thành, Đống Đa, Hà Nội). Đây là một sàn vàng "chui" có quy mô "khủng" với khoảng 700 nhà đầu tư tham gia mở tài khoản tại công ty, tổng số tiền giao dịch lên tới hơn 110 tỷ đồng. Vũ Đức Hiếu - (Tổng giám đốc) và kế toán trưởng công ty đã bị bắt về hành vi "kinh doanh trái phép".

Chiều 1/10/2014, đến lượt sàn vàng Khải Thái thuộc Công ty TNHH Tư vấn - đầu tư Khải Thái (ở 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội) bị đánh sập. Việc khám xét được Cơ quan CSĐT - Bộ Công an tiến hành đồng loạt tại tất cả các địa điểm công ty này mở chi nhánh. Kết quả đã thu giữ được 70 tỷ đồng tiền mặt, 2.000 tài khoản uỷ thác đầu tư, tương ứng với số tiền trên 200 tỉ đồng. Tất cả "bộ sậu" lãnh đạo công ty do Hsu Ming Jung (người Đài Loan, Tổng giám đốc) cầm đầu đã bị bắt giữ.  

Hiện nay trong cả nước còn tồn tại hơn 30 sàn vàng "chui" vẫn chưa bị "sờ gáy". Sau những động thái quyết liệt của cơ quan điều tra Bộ Công an, nhiều sàn đã tự gỡ trang web, tạm thời đóng cửa để "nghe ngóng" tình hình. Có tin nhiều chủ sàn đã "nhấp nhổm" cho phương án ôm tiền "té" ra nước ngoài "tránh bão". Những tin đồn đó đang gây hoang mang cực độ cho các nhà đầu tư, khi cả gia sản, cơ nghiệp của họ đã giao cho giới chủ sàn nắm giữ. Tình trạng nhà đầu tư ùn ùn đến các sàn để rút tiền, gây mất thanh khoản đã bắt đầu. Còn với những người "chơi" vàng tại các sàn VGX, Khải Thái thì đang trong cơn hoảng loạn, bởi hàng trăm tỷ đồng đã ký quỹ đang đứng trước nguy cơ mất trắng.

Vũ Đức Hiếu, Tổng giám đốc Công ty VGX lúc bị bắt.

Vàng "ảo" là gì?

Câu chuyện kinh doanh vàng tài khoản còn khá trừu tượng với không ít người. Bởi đây là loại hình thương mại điện tử, thực hiện trên nền tảng Internet kết nối toàn cầu. Tại Việt Nam, việc tham gia giao dịch vàng tài khoản chủ yếu là "đánh cược" vào biến động giá để kiếm lời, chứ không hướng đến một giao dịch thật sự là mua bán vàng vật chất. Bởi vậy vàng tài khoản thường được gọi với cái tên: vàng "ảo".

Để tham gia sàn giao dịch vàng, nhà đầu tư phải nộp vào trước một khoản tiền nhất định, gọi là ký quỹ. Tiền ký quỹ tối thiểu là 100 USD, không quy định mức tối đa. Khoản tiền này đảm bảo cho nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán số vàng (gold) gấp 100 lần số tiền ký quỹ, đồng thời bao gồm luôn phí môi giới phải trả cho chủ sàn ngay khi phát sinh giao dịch. Tổng số phí thấp nhất là 10.000 đồng/1 lượng vàng được giao dịch.

Anh Huyên - một nhà đầu tư vàng tài khoản tại Hà Nội cho biết: "Vàng (xauu; gold) là một loại hàng hóa (commodities). Khi giao dịch trên tài khoản, thì đó là một dạng nghiệp vụ mua-bán hàng hóa ghi sổ với nhau trước và giao hàng sau, chỉ cần ký quĩ một khoản tiền nhất định. Trong quá trình từ khi phát sinh giao dịch ghi sổ đến khi nhận được vàng hoặc tiền, giá trị hàng hóa sẽ biến động (tăng/ giảm hoặc giữ nguyên) được biểu thị qua sự biến động của giá cả trên thị trường. Khi đó, nhà đầu tư có quyền mua/ bán lại trạng thái giao dịch đó cho một người khác (mua "hơi", bán "khống" - mua bán khi chưa có hàng) để hưởng lợi, cắt lỗ hoặc thu hòa vốn trước khi nhận hàng".

Được biết, trước thời điểm có "lệnh  cấm" - (tháng 1/2010- PV), giao dịch sàn vàng ở Việt Nam theo quy trình nhà đầu tư  nộp tiền ký quỹ (deposit margin) cho chủ sàn, để được tham gia các giao dịch mua/bán vàng- (xauu; gold -trading), rồi tất toán trạng thái giao dịch (close) theo hình thức duy nhất là bán lại trạng thái giao dịch cho người khác, chứ không hề có nghiệp vụ giao nhận vàng hoặc tiền. Sau thời điểm bị cấm, các doanh nghiệp mở sàn đã "lách luật" bằng cách che giấu việc giao dịch vàng trên tài khoản ở nước ngoài, dưới hình thức hợp đồng giao dịch hàng hóa, tư vấn và đầu tư tài chính, hàng hóa tương lai. Nghiệp vụ giao dịch vàng không nằm trong danh mục tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam.

"Trắng tay" vì giấc mộng "vàng"

Sàn vàng "chui" có tính hấp dẫn bởi tính đầu cơ khá cao, không quan trọng nhiều hay ít về vốn. Tuy nhiên, khi đã tham gia vào trò chơi đầy tính may rủi, đánh cược với sự biến động của giá vàng trên thị trường thế giới, thì tâm lý chung của nhà đầu tư giống như những "con bạc", đó là "được muốn thêm, thua muốn gỡ". Số lượng tiền ký quỹ tham gia giao dịch vì thế mà tăng lên không kiểm soát. Chỉ khi thua trắng tay mới giật mình thì mọi sự đã muộn. Chưa kể những đến chiêu trò ăn chặn của chủ sàn với vai trò "nhà cái" trong cuộc chơi kim tiền này. 

Cơ quan điều tra khám xét trụ sở công ty Khải Thái.

Nhà đầu tư cũng biết hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đã bị cấm, các sàn vàng "chui" là bất hợp pháp, nhưng trước món lợi tưởng tượng, họ vẫn lao vào. Thành thử, họ vừa là nạn nhân, vừa có vai trò tiếp tay cho đám chủ sàn vi phạm pháp luật.

Kể về những rủi ro khi "chơi" vàng "ảo", anh Thành - một nhà đầu tư cho biết: "Dù công ty có ứng trước cho khách số tiền "ảo" gấp 100 lần tiền ký quỹ, nhưng nếu thấy khách thua gần chạm đến số tiền này, lập tức công ty sẽ thao tác hủy giao dịch, để khách chỉ thua trong số tiền "thịt" của mình. Chủ sàn có "ngàn lẻ một" chiêu ăn chặn tiền của người chơi. Thông thường trước hoặc sau khi giá vàng biến động mạnh, "tự nhiên" đường truyền đứt hoặc nhập lệnh không được. Đến khi mạng hoạt động trở lại thì giá vàng đã biến động theo chiều hướng khác, chủ sàn không đồng ý cho chốt giá tại thời điểm trước khi xảy ra sự cố, nên tài khoản nhà đầu tư "cháy" hết". Chưa kể nguy cơ chủ sàn ôm tiền của nhà đầu tư "bùng" ra nước ngoài khi "có vấn đề". Sau khi sàn VGX và Khải Thái bị đánh sập, bạn tôi "đang đứng ngồi không yên" vì khoản ký quỹ hàng chục tỷ đồng bây giờ chẳng biết đòi ai"

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét: "Những sàn vàng điện tử đang hoạt động bất hợp pháp đã lợi dụng lòng tham của người chơi, như khi người chơi nộp vào tài khoản nhỏ, nhưng họ cho người chơi mua bán với số tiền rất lớn, có thể lên tới vài trăm % số tiền mình đặt cọc. Ban đầu họ sẽ cho khách hàng thắng vài phiên để đánh vào tâm lý hiếu thắng và lòng tham của khách. Khi khách thắng lớn, họ sẽ can thiệp bằng thao tác công nghệ để xóa đi kết quả thắng".

Ông Trần Thanh Hải - Chuyên gia tư vấn vàng đánh giá: "Với quy trình mà các sàn vàng chui đang thực hiện, mọi rủi ro đều đổ lên nhà đầu tư, mà phổ biến nhất là khi người chơi thắng thì rất khó rút tiền, nhưng khi thua tiền trừ vào tài khoản rất dễ, mất trắng là chuyện thường. Chủ sàn có hàng chục lý do như mạng đứt, mất điện, trục trặc đường truyền... để giãn các lệnh chốt của người chơi khi thị trường có biến động. Khi muốn rút tiền phải tất toán lệnh chốt lời, nhưng để đặt được lệnh này cũng khó, vì chủ sàn có nhiều thủ thuật để trì hoãn động tác này của nhà đầu tư. Nên số người thắng rất là ít".

Đào Trung Hiếu
.
.
.