Vào hè, "nóng" nỗi lo thiếu sân chơi cho trẻ

Thứ Hai, 04/06/2018, 07:14
Hiện đang vào thời điểm các em thiếu nhi nghỉ hè. Nhu cầu vui chơi, giải trí tại các sân chơi công cộng của trẻ không ngừng tăng.


Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại, tình trạng sân chơi bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích đang diễn ra khá phức tạp. Thực trạng trên cần sự nhập cuộc quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng. PV Báo CSTC đã tìm hiểu về vấn đề này.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ nhỏ và người dân sinh sống trên địa bàn, cùng với với sự hình thành các khu tập thể là những sân chơi công cộng. Thế nhưng, không những không phát huy hết công năng, thời gian qua, nhất là thời điểm vào hè, nhiều sân chơi công cộng dành cho trẻ đang bị biến tướng mục đích sử dụng. Người dân không khỏi bức xúc.

Nhiều nơi dù có biển báo cấm kinh doanh mua bán nhưng hàng quán vẫn bủa vây sân chơi.

Khu nhà B4, B6 - Tập thể Trung Tự, phường Trung Tự (quận Đống Đa - Hà Nội) vốn có một sân chơi chung dành cho trẻ, người dân sinh sống ở đây nhưng không hiểu vì lý do gì, thời gian trở lại đây, sân chơi này đã biến thành điểm kinh doanh hàng quán ăn, trông xe.

9h ngày 29-5, có mặt tại đây, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh người mua, người bán đồ ăn sáng tấp nập trong khuôn viên sân chơi khu tập thể này. Không những kinh doanh buôn bán hàng ăn, một số hộ gia đình còn tận dụng khoảng sân chơi này căng tấm biển quảng cáo "nhận trông xe".

Chứng kiến hình ảnh trên, chúng tôi giật mình và không nghĩ rằng đây lại là sân chơi công cộng của khu tập thể.

Nằm cách khu nhà B4, B6 chưa đầy 100m là một sân chơi khác của khu tập thể Trung Tự, nơi đây vào thời điểm chúng tôi ghi nhận có tới 6-7 cửa hàng kinh doanh hàng quán ngay trong khuôn viên sân chơi.

Từ cửa hàng bán nước mía, bún cá - cua, phở bò… cho đến bún hải sản, bánh cuốn nóng, tất cả đều có cả. Hàng chục chiếc bàn, ghế phục vụ thực khách được chủ các quán ăn thản nhiên bày biện la liệt, choán hết phần diện tích sân chơi dành cho trẻ.

Chúng tôi thấy lo ngại trước tình trạng sân chơi công cộng đang bị chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích nơi đây. Bác Hùng, một người dân sinh sống trên địa bàn cho biết, tình trạng một số chủ hàng quán lấn chiếm sân chơi để kinh doanh kiếm lời tồn tại đã lâu nhưng không hiểu vì sao, đến nay chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Việc lấn chiếm này khiến không gian chơi của trẻ và người dân bị thu hẹp. 

Sân chơi cho trẻ bị chiếm dụng không chỉ thu hẹp không gian chơi chung mà còn khiến nguy cơ gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị luôn tiềm ẩn xảy ra. Cùng với khu tập thể Trung Tự, hình ảnh lấn chiếm sân chơi để kinh doanh hàng quán cũng đã và đang xuất hiện tại khu tập thể Thành Công, phường Thành Công (quận Ba Đình - Hà Nội).

Trước khuôn viên khu nhà D8 - Tập thể Thành Công vào sáng cùng ngày cũng xuất hiện cảnh hàng quán ăn (cháo lòng, bún đậu mẹt…) bày bàn ghế choán hết cả sân chơi. Bên cạnh là hàng chục vỏ bình nước (loại 20 lít) vứt chỏng chơ. Nhiều người đi qua đây lắc đầu ngán ngẩm.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện trên địa bàn phường Thành Công có khoảng 30 sân chơi. Số sân chơi này chủ yếu thuộc các khu tập thể, nhà chung cư cũ từ những năm 70, 80 thế kỷ trước.

Nhếch nhác hàng quán kinh doanh trong khuôn viên sân chơi khu tập thể Trung Tự.

Do nhu cầu mua bán của người dân trên địa bàn gia tăng, trong khi hai khu chợ Thành Công A và Thành Công B được xây dựng từ 30 năm trước nên nhiều tiểu thương đã tràn ra một số khu vực sân chơi công cộng để kinh doanh, khiến người dân không khỏi bức xúc.

Các khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố hiện nay như: Thành Công, Trung Tự, Kim Liên, Ngọc Khánh… phần lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ thời bao cấp, diện tích sử dụng của các căn hộ nhỏ, hẹp không đủ không gian dành cho trẻ vui chơi.

Do vậy, nhu cầu sử dụng sân chơi công cộng tại những khu tập thể này là khá lớn. Vậy nhưng, khi khảo sát một lượt quanh các khu sân chơi cho thấy, ở nhiều địa bàn, trẻ em đang không có chỗ chơi.

Qua tìm hiểu, PV Chuyên đề CSTC thấy rằng, dường như chính quyền một số địa phương đang bất lực trước tình trạng hàng quán kinh doanh lấn chiếm sân chơi công cộng. Nói vậy cũng bởi, ở hầu hết các điểm sân chơi, chính quyền địa phương đều cho lắp đặt hệ thống biển nội quy, cấm bán hàng, lấn chiếm sân chơi, nhưng vi phạm vẫn hoàn vi phạm.

Trở lại khu sân chơi nhà B4, B6 - Tập thể Trung Tự, ngay lối vào khu sân chơi này, UBND phường Trung Tự đã cho dựng tấm biển "Quy định quản lý và sử dụng sân chơi".

Nội dung nêu rõ: "Sân chơi trên địa bàn phường là nơi phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa của nhân dân và cán bộ trong phường do cán bộ cơ sở trực tiếp quản lý. Nghiêm cấm các hoạt động sử dụng sân chơi sai mục đích, cụ thể: làm nơi ở, kinh doanh, buôn bán, trông giữ ôtô, xe máy, xe đạp; để vật dụng gia đình, chậu hoa cây cảnh, biển quảng cáo, rao vặt…".

Cũng theo nội quy này thì mọi người phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ môi trường, nghiêm túc thực hiện quy định quản lý và sử dụng sân chơi, trường hợp cố tình vi phạm tùy mức độ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Quy định cấm là thế, nhưng nhìn vào những gì đã và đang xuất hiện, có thể thấy rằng, chính quyền một số địa phương đang đưa ra nội quy sân chơi cho có lệ. Nhiều địa phương sau khi thấy cơ quan báo chí phản ánh liền mở đợt ra quân xử lý, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, đâu lại hoàn đấy.

Chính điều này đã khiến các vi phạm tỏ ra "nhờn" luật. Thiếu sân chơi, trong khi vào thời điểm hiện tại đang dịp nghỉ hè, nên nhiều gia đình đã dành cho trẻ những chuyến đi chơi dã ngoại, tắm biển, nghỉ dưỡng, về quê thăm thân v.v..

Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, sau những kỳ nghỉ này, trở về nhà, trẻ lại tìm đến máy vi tính, điện thoại, máy tính bảng, đọc truyện, xem tivi từ ngày này qua ngày khác.

Hoạt động giao lưu, vui chơi để tăng sự phát triển văn hóa, thể chất và tinh thần của trẻ chỉ bó hẹp trong một không gian ngôi nhà. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao thời gian qua, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về mắt - cận thị đang có chiều hướng gia tăng.

TS Tâm lý học Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tỏ ra lo lắng khi đề cập đến vấn đề liên quan đến sân chơi cho trẻ trong dịp nghỉ hè.

Theo TS Trần Thu Hương, sân chơi công cộng dành cho trẻ hiện dần thu hẹp do mục đích sử dụng đi kèm với nó đã và đang bị biến tướng. Không gian sân chơi bị thu hẹp nên những kỹ năng, khả năng giao tiếp của trẻ thông qua hoạt động vui chơi tập thể theo đó không được phát triển.

Cần có thêm sân chơi công cộng bổ ích cho trẻ.

Sân chơi không chỉ giúp trẻ có trải nghiệm thực tế với cuộc sống bên ngoài mà còn là phương pháp giáo dục hữu hiệu đối với trẻ. Những kỹ năng sống, sự tương tác với mối quan hệ xã hội, với các bạn cùng trang lứa theo đó được hình thành trong quá trình vui chơi tập thể.

Ở đây có sự khác biệt giữa trẻ có sân chơi và trẻ không có sân chơi. Trẻ có không gian vui chơi tập thể sẽ linh hoạt, có tính nhường nhịn, sống chan hòa… với mọi người xung quanh hơn trẻ thiếu sân chơi.

Nhờ có sân chơi tập thể, những căn bệnh như: tự kỷ, trầm cảm, vô cảm… vốn đang là mối lo của các gia đình có trẻ nhỏ sẽ được đẩy lùi, mặt trái của xã hội, của mạng xã hội, internet không còn sức hút đối với trẻ. Các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy yên tâm hơn đối với con em mình trong dịp nghỉ hè.

Trẻ em là mầm xanh tương lai của đất nước. Nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của trẻ, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bàn hành, thực thi hàng loạt các chính sách, quy định có liên quan.

Một trong những văn bản quy phạm pháp luật phải kể đến đó là Quyết định số 1555/QĐ-TTg ngày 17-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020.

Quyết định này nêu rõ, sẽ giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích xuống 550/100.000 trẻ em vào năm 2015 và xuống 450/100.000 trẻ em vào năm 2020. Tăng số xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em đạt chuẩn lên 50% vào năm 2015 và lên 55% vào năm 2020.

Cũng theo Quyết định trên, sẽ tăng tỷ lệ trẻ em tham gia diễn đàn trẻ em các cấp lên 20/100.000 trẻ em vào năm 2015 và lên 25/100.000 trẻ em vào năm 2020…

Rõ ràng chương trình hành động, giải pháp đẩy mạnh công tác đầu tư, quản lý sân chơi cho trẻ đã được quy định khá cụ thể. Chiểu theo Quyết định trên, sân chơi của trẻ sẽ không ngừng gia tăng đáp ứng nhu cầu sử dụng, vui chơi giải trí của trẻ.

Thế nhưng, khi nhìn vào những gì tồn tại liên quan đến những điểm, sân vui chơi dành cho trẻ đang bị xuống cấp, biến tướng mục đích sử dụng như hiện nay, dư luận đặt câu hỏi: "Phải chăng một số chính quyền địa phương đang buông lỏng quản lý, không thực sự quan tâm đến quyền và lợi ích của trẻ?".

Sân chơi công cộng bị chiếm dụng, biến tướng mục đích sử dụng khiến trẻ thiếu hụt chỗ chơi đã và đang xuất hiện ở nhiều khu tập thể trên địa bàn thành phố. Việc lập lại trật tự đô thị ở các khu sân chơi, nâng cao ý thức người dân, tránh tình trạng sau mỗi cuộc ra quân xử lý, vi phạm lại hoàn vi phạm là yêu cầu cấp bách đối với cấp ủy, chính quyền địa phương - nơi xảy ra vi phạm kéo dài. Và không thể có chuyện, cảnh lấn chiếm sân chơi để kinh doanh diễn ra từ ngày này qua ngày khác mà UBND phường sở tại lại không nắm được.

Trần Huy
.
.
.