Đội 2 - Phòng PC50 Công an TP Hà Nội:

Vào trận là thắng

Thứ Năm, 25/12/2014, 00:01
Đội 2 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội như tôi biết, hội tụ những tố chất để giành phần thắng trong những trận đánh phức tạp nhất với tội phạm. Bởi từ chỉ huy đến chiến sỹ, có nhiều người vốn là Cảnh sát hình sự xuất thân từ ngôi nhà số 7 Thiền Quang "uy chấn giang hồ". Trong "bảng tổng sắp" thành tích của đơn vị PC50 sau hơn 1 năm thành lập, có những cống hiến quan trọng của họ. Gặp lại anh em khi vừa kết thúc chuyên án bóc gỡ ổ nhóm đối tượng giả danh Cảnh sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nụ cười vẫn rạng ngời trên khóe mắt sau bao ngày đêm truy xét theo dấu thủ phạm.

­1. Khác với điều tra tội phạm truyền thống, để lần tìm ra thủ phạm giấu mặt trên xa lộ thông tin số, những người lính chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cần có những phẩm chất đặc thù. Đó là phải thành thục những "ngón nghề" thâm sâu trong lĩnh vực điều tra hình sự, đồng thời không thể thiếu những am hiểu tường tận về khoa học kỹ thuật và công nghệ. Tức là phải "thạo cả hai tay". Trên thực tế, tìm được người thỏa mãn những yêu cầu đó quả không dễ.

Bài toán nhân sự luôn là "nan đề" khó giải cho các đơn vị. Thế nhưng, tại Phòng Cảnh sát, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, việc đó đã được sắp xếp "êm thấm". Những năm qua, chủ trương tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin vào làm việc trong các đơn vị được đẩy mạnh, đã bổ sung đủ lượng nhân sự có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Số cán bộ này được cử đi đào tạo các khóa ngắn hạn, tại chức, bồi dưỡng nghiệp vụ… nên từng bước làm quen với công tác Công an. Tại các đơn vị chiến đấu, Ban chỉ huy gồm những người trưởng thành từ "lính trận", được đào tạo bài bản trong các nhà trường Công an, có bề dày kinh nghiệm thực tiễn công tác, nên họ chính là những người thầy dạy nghề cho số lính trẻ đang học việc. Ngược lại, các "cậu em" ngành ngoài mới vào dạy lại họ về công nghệ. Một sự tương hỗ, bổ sung tuyệt vời cho nhau, tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi thách thức trong cuộc chiến với tội phạm. Đội 2 - Phòng PC50 Công an TP Hà Nội là một tập thể như thế.

Cán bộ, chiến sỹ Đội 2 - Phòng PC50 Công an TP Hà Nội bắt giữ tội phạm.

Thiếu tá Phạm Đức Hà - (Đội trưởng) vốn là một điều tra viên kỳ cựu của Đội điều tra trọng án 1. Vốn thông minh, lại chịu khó học hỏi, nên Hà rất thông thạo về công nghệ thông tin, dù anh không qua trường nào về "môn" này. Sau chuyên án điều tra vụ "Nhật ký Vàng Anh" vào tháng 10/2007, tư duy đánh án công nghệ cao đã đưa Hà lọt vào "mắt xanh" của lãnh đạo.

Tháng 4/2009, lực lượng Công an Việt Nam thành lập thí điểm Đội nghiệp vụ phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đầu tiên (Đội 14), đặt tại Phòng PC45 Công an TP Hà Nội, Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Đội phó. Đây là quãng thời gian giúp những tố chất thiên tư của anh được dịp phát huy. Cùng đồng đội, anh đã lập nhiều chiến công xuất sắc, triệt phá nhiều băng ổ nhóm tội phạm trong nước và quốc tế sử dụng công nghệ cao gây án tại Việt Nam. Trước khi rời ngôi nhà số 7 sang làm Đội trưởng tại Phòng PC50, anh chính là điều tra viên thụ lý vụ án đặc biệt phức tạp xảy ra tại Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) gây chấn động dư luận cả nước.

5 đối tượng trong ổ nhóm lừa đảo bị Đội 2- Phòng PC50 Công an TP Hà Nội bị bắt giữ.

Những ngày đó, nhìn Hà "lọt thỏm" giữa "một núi" tài liệu, với hàng trăm nghìn bị hại, gần nghìn tỷ đồng của dân bị các đối tượng tại 52 chi nhánh ở 32 tỉnh chiếm đoạt, anh em đã rất lo không rõ Hà sẽ kết thúc "mớ bòng bong" đó như thế nào. Vậy mà sau gần 2 năm "ăn án, ngủ án", anh cùng tổ điều tra đã "phân kim", làm rõ vai trò từng tên trong đồng phạm phức tạp này, làm rõ số tiền chúng chiếm đoạt từ việc bán gian hàng ảo theo mô hình cây đa cấp. Án làm xong, anh đã chứng tỏ một năng lực phân tích và tổng hợp khác thường, cùng trình độ hoạch định kế hoạch điều tra sắc sảo.

Hiện nay, giúp việc cho Hà còn có Trung tá Đặng Hồng Minh - (Đội phó). Anh cũng vốn là một trinh sát hình sự thiện chiến của PC45, Công an TP Hà Nội. Trong nhiều cuộc bắt giữ các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, luôn có mặt anh trong mũi tấn công. Bởi ngoài sở trường nghiệp vụ trinh sát, quan hệ xã hội sâu rộng, anh còn là huấn luyện viên môn bắn súng và võ thuật. Chứng kiến những cú vẩy súng "bách phát bách trúng" của anh, lính trẻ nhà số 7 thường gọi đùa anh là Minh "Chính ủy". Từ ngày "đầu quân" cho PC50, anh luôn xông pha dẫn đầu truy bắt các đối tượng trong các chuyên án do đội xác lập.

 "Quân cán" Đội 2 cũng có nhiều người trưởng thành từ các đội nghiệp vụ khác nhau của PC45, cùng số kỹ sư ngành ngoài mới tuyển dụng vào làm việc. Hơn một năm qua là quá trình họ vừa làm, vừa học, vừa dạy lại nhau kiến thức, kinh nghiệm để từng bước làm chủ công việc.

Thượng tá Ngô Minh An - (Phó trưởng phòng) chia sẻ: "Những đội nghiệp vụ của đơn vị chúng tôi đang dần lớn mạnh cùng với thời gian. Đội 2 có chức năng tổ chức hoạt động nghiệp vụ trinh sát đấu tranh chống tội phạm mạng máy tính, mạng viễn thông. Thời gian qua, CBCS Đội 2 đã làm được nhiều việc, khám phá được nhiều chuyên án, ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao vào hoạt động phạm tội. Gần đây nhất là chuyên án triệt phá ổ nhóm đối tượng trong nước câu kết với tội phạm quốc tế gây án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh cơ quan điều tra".

2. Kể với tôi về "độ khó" của chuyên án vừa khám phá, Thiếu tá Phạm Đức Hà cho biết: "Thủ đoạn giả danh tổng đài viễn thông và cơ quan điều tra gọi điện đến cho các chủ thuê bao để lừa đảo chiếm đoạt tiền đã xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Việc điều tra gặp nhiều khó khăn, vì các đối tượng sử dụng rất nhiều chiêu trò quái dị, vận dụng tối đa những thành tựu công nghệ, viễn thông vào hoạt động lừa đảo. Chúng lại có sự câu kết với nhiều băng nhóm tội phạm khác, kể cả tội phạm quốc tế, đồng thời có sự phân chia vai trò theo từng công đoạn trong quá trình gây án…nên rất khó để đánh giá quy mô và xác định số đối tượng tham gia. Mọi giao dịch của chúng đều diễn ra trên môi trường mạng Internet, mạng viễn thông, ngân hàng… nên việc truy tìm những chứng cứ điện tử phục vụ công tác điều tra gặp nhiều khó khăn và mất thời gian".

Tang vật của vụ án.

Được biết, "đầu vào" của chuyên án Đội 2 vừa khám phá thành công bắt đầu từ đơn kêu cứu của người dân. Bà P (ở quận Tây Hồ, Hà Nội),  trình báo việc bà bị một đối tượng gọi điện thoại tự xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo bà đang nợ gần 9 triệu đồng tiền cước điện thoại. Sau khi gặng hỏi lấy được số giấy CMND của bà, có đối tượng khác tự xưng là "Đại tá" Công an gọi điện đến thông báo bà đang có liên quan vào vụ tiêu cực với tổng số tiền 16 tỷ đồng. Qua trao đổi, chúng từng bước moi được thông tin bà P. đang có khoản tiền tiết kiệm hơn 2,3 tỷ đồng gửi tại ngân hàng. Tên xưng danh là Công an lập tức yêu cầu bà phải chuyển toàn bộ số tiền đó vào 8 tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, với lý do để phục vụ hoạt động điều tra. Hoảng sợ, bà P. đã răm rắp làm theo yêu cầu, rồi mới vỡ lẽ rằng mình đã bị lừa.

Trung tá Đặng Hồng Minh kể: "Đối tượng thường nhằm vào người già. Chúng chọn thời điểm mà con cái họ đã đi làm vắng để gọi điện đến máy cố định của các gia đình. Lấy lý do giữ bí mật điều tra, chúng cấm họ kể lại sự việc cho bất kỳ ai, kể cả với con cháu. Các số điện thoại gọi đến nhà nạn nhân, đều là số "Fake" - (giả mạo). Chúng sử dụng phần mềm chuyên dụng để biến dãy số của mình giống y chang số máy của Tổng đài viễn thông và các cơ quan Công an, nên giả sử nạn nhân có kiểm tra cũng không thể phát hiện ra sự giả mạo. Tinh vi hơn, khi đàm thoại với nạn nhân, chúng còn tạo ra một môi trường âm thanh như tại trụ sở cơ quan Công an, khiến họ rơi vào "ma trận" lúc nào chẳng hay".

Vì những thủ đoạn phạm tội hết sức tinh vi nên khó nói cho hết những vất vả, nhọc nhằn trong hành trình theo vết nhóm tội phạm này. Lần theo hướng "chảy" của dòng tiền vào các tài khoản, Đội 2 đã có những "phác họa" cơ bản về ổ nhóm này sau nhiều ngày đêm "vào trận". Chúng gồm một nhóm đối tượng Việt Nam câu kết với tội phạm tại Đài Loan. Nhóm trong nước gồm 5 tên, do Vũ Văn Đại (ở Thanh Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang) cầm đầu. Nhiệm vụ của chúng là mua gom số giấy CMND tại các hiệu cầm đồ, trung tâm môi giới việc làm để đăng ký mở tài khoản thẻ Visa, Mastercard tại các ngân hàng Việt Nam. Sau đó, chúng gửi chuyển phát nhanh cùng sim điện thoại Việt Nam sang Đài Loan cho các đồng bọn. Tại đây, có một nhóm khác chuyên việc "Fake" số điện thoại và giả danh Công an để gọi điện lừa đảo. Dòng tiền của nạn nhân được chuyển ra nước ngoài qua Internet Banking. Từ tháng 10-2014, như "ngửi" thấy "mùi" nguy hiểm, do một số tài khoản đột ngột bị "trục trặc", cả nhóm đối tượng Việt Nam dừng hoạt động, tẩu tán tang vật và mỗi tên "té" một nơi.

Không để chúng kịp trốn sâu, tối 8/11/2014, CBCS Đội 2 quyết định "cất vó". Cả 5 đối tượng bị "bốc" đồng loạt về PC50 Công an TP Hà Nội với đầy đủ tang vật, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội.

 Kết quả điều tra xác định, đến nay Đại cùng đồng bọn đã mở được 146 tài khoản thẻ, thu lợi bất chính khoảng 500.000.000 đồng. Tổng số tiền các nạn nhân đã bị lừa gửi vào số tài khoản do nhóm Đại mở khoảng 6,6 tỷ đồng. Đấu tranh khai thác mở rộng chuyên án, Đội 2 xác định, nhóm này còn liên quan đến 9 vụ án khác, chiếm đoạt số tiền 4,24 tỷ đồng.

Đào Trung Hiều
.
.
.