"Tám Bính" ở Trại giam Phú Sơn 4:

Vào tù mới phát hiện ra mình rất chăm chỉ

Thứ Hai, 25/03/2013, 17:19

Hiếu còn "hơn" Tám Bính ở chỗ, cô nghiện heroin ngót 20 năm, nghĩa là Hiếu bắt đầu biết phê pha từ năm... 14 tuổi. Một con người tưởng là chỉ biết lay lắt tìm niềm vui trong ảo giác, động đến việc gì cũng ngại, không ngờ đã tìm lại được chính mình trong những ngày cải tạo lao động ở Trại giam Phú Sơn 4. Một cách rất tự nhiên, như bản năng gốc rễ...

Khi còn ngoài xã hội, nghề duy nhất của Trần Thị Hiếu là đi "ăn hàng" trên phố. Ngày nào mà chỉ kiếm được 5-6 triệu, nghĩa là hôm sau sẽ đói. Gặp đúng ngày mưa gió bão bùng, không "đi chợ" được, thì cả hôm ấy, Hiếu và gã nhân tình ngồi nhìn nhau ngáp vặt. Bất cứ ai sơ hở tài sản mà có thể chôm chỉa được, Hiếu lập tức ra tay. Tôi gọi Hiếu là Tám Bính. Nhưng Hiếu còn "hơn" Tám Bính ở chỗ, cô nghiện heroin ngót 20 năm, nghĩa là Hiếu bắt đầu biết phê pha từ năm... 14 tuổi.

Một con người tưởng là chỉ biết lay lắt tìm niềm vui trong ảo giác, động đến việc gì cũng ngại, không ngờ đã tìm lại được chính mình trong những ngày cải tạo lao động ở Trại giam Phú Sơn 4. Một cách rất tự nhiên, như bản năng gốc rễ...

Dòng đời xô đẩy

"Em nghiện từ năm 14 tuổi. Đất quê em là đất ma túy, đang tuổi mới lớn nên em tò mò thử phát xem thế nào, ai ngờ nghiện" - Trần Thị Hiếu, SN 1980, quê ở xã Đầm Hồng, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, bắt đầu câu chuyện bằng một giọng nói rất nhỏ nhẹ, ngượng ngập. Nó thật khác với hình dáng khuỳnh khoàng, mái tóc tém giống đàn ông hơn đàn bà của cô. Nhà có ba anh em, Hiếu là con thứ hai, cũng là con cán bộ nhưng Hiếu chỉ học hết lớp 8 đã bỏ. Thì làm sao mà học được nữa khi cơn vã thuốc đến thường trực, nó khiến cô chảy nước mắt nước mũi, ngáp ngắn ngáp dài suốt ngày. Phát hiện ra sự việc, bố cô mang cả xích, xích con gái vào chân giường để không cho Hiếu đi tìm ả phù dung nữa. Đến khi bất lực, ông đưa con gái về nhà người em ở Hà Nội với mong muốn Hiếu sẽ rời xa ma túy, ai dè, được xuống Hà Nội, đứa con gái 14 tuổi ấy như một con chim sổ lồng, Hiếu chỉ ở nhà bà cô được một thời gian ngắn là tìm cách... té.

"Em mò ra Thanh Nhàn, khi đó đang là thiên đường của ma túy, thuê nhà ở". "Làm gì để sinh sống giữa một nơi đắt đỏ như Hà Nội" - tôi hỏi. "Em đi chợ" - Hiếu tủm tỉm. "Bán gì?". "Đi chợ là đi ăn hàng ấy chị ạ". "Kiểu như Tám Bính ngày xưa ấy hả?". "Vâng, đại loại thế. Em cũng có muốn đâu nhưng dòng đời xô đẩy".

Trần Thị Hiếu trong giờ lao động.

Vào nghề Tám Bính, có lúc Hiếu cũng chột dạ vì thấy sao đôi bàn tay của mình... khéo thế. "Bạn bè em nó bảo em có đôi bàn tay vàng. Chị đeo dây chuyền thế này, em chỉ vỗ nhẹ vào lưng là mất tích" - Hiếu cười nhe nhởn, lộ ra bộ răng ám khói thuốc đen xì như đàn ông. Chị Lương - quản giáo trực tiếp của Hiếu kể, lúc mới vào, cô gái này đã dám "dọa" cả quản giáo, cô ta bảo, "cháu chỉ cần lướt qua Ban nửa giây là Ban đã mất ngay đôi hoa tai mà không biết gì luôn".

Ở Thanh Nhàn vài năm, sống khỏe với nghề chôm chỉa, bấm dây chuyền, móc ví, cướp giật, nói chung là "trình" đá đồ của Hiếu được giới đồng nghiệp cũng phải kính nể. Nghiện lòi tù và, ấy thế mà cũng cưa kéo được một anh cùng quê Tuyên Quang rồi theo chàng về dinh năm 18 tuổi, đẻ với nhau được một mặt con. Anh chồng cũng biết vợ nghiện trước khi cưới nhưng cứ nghĩ cưới về rồi cai được, chẳng dè về vùng đất cũ, Hiếu quẫy mạnh hơn. Nản quá, anh chồng chạy mất dép, còn Hiếu thì lại quay về Hà Nội, hai vợ chồng sống ly thân từ đấy, đứa con giao cho ông bà nội nuôi.

Ngày nào cũng "đi chợ"

Hiếu dùng từ "đi chợ" để chỉ công việc chôm chỉa của mình. Quay lại bãi Thanh Nhàn, Hà Nội - cái rốn ma túy đầu những năm 2000, Hiếu cặp với một gã giang hồ thuộc loại già và cũng nghiện lòi như mình, tên là Phạm Hồng Phong, SN 1967, thuê nhà ở Thanh Nhàn cho tiện... mua thuốc.  Phong từng có 4 tiền án về các tội trộm cắp tài sản, lừa đảo và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Hỗ trợ đắc lực cho "vợ chồng" Hiếu là một gã giang hồ bạn của Phong có tên Trần Lực. Lực cũng có 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Phong và Lực quen nhau trong thời gian cùng ở tù.

Trong giờ lao động.

Từ khi chung sống như vợ chồng với Phong, Hiếu như hổ mọc thêm cánh, hai đứa ngày nào cũng rủ nhau "đi chợ", nếu hôm nào có mánh to, thì rủ thêm đồng bọn. "Mỗi ngày bọn em chơi hết 5,2 triệu tiền thuốc, trung bình là mua 2 chỉ về chơi, đều đều là như thế. Vì vậy, nếu hôm nào mà chỉ kiếm được 5-6 triệu thì coi như là hôm sau lại phải "đi chợ" tiếp" - Hiếu kể. "Giả sử mưa gió bão bùng thì làm thế nào?" - tôi hỏi. "Thì ở nhà nhìn nhau ngáp vặt" - Hiếu lại cười tủm tỉm. "Xem ra cũng vất nhỉ!". "Vất lắm chị ạ. Người bình thường một ngày mà kiếm được 5-6 triệu thì giàu to, nhưng bọn em trót nghiện ngập nên chả thấm tháp vào đâu. Đầu óc không nghĩ được cái gì hay ho, suốt ngày chỉ quay quắt, làm thế nào để xoáy được tiền. Và, Hà Nội càng nhiều lễ hội, "vợ chồng" Hiếu càng thích.

Càng đông càng vui, càng chen chúc nhau càng khoái. Đứa đi trước tăm tia, đứa đi sau cản đường, vì có biệt danh "bàn tay vàng" nên trong các phi vụ dùng kìm thửa bấm dây chuyền, rút ví, điện thoại... thường thì Hiếu ra tay. Êm như ru, nạn nhân dường như không có cảm giác khác lạ, đa số họ chỉ phát hiện khi đã về nhà. Hôm nào kiếm được nhiều thì hôm sau được "nghỉ chợ" và ngược lại. Tiền kiếm được bao nhiêu cũng dốc hết vào ma túy, ngoài heroin thì tất cả các thể loại ma túy khác, Hiếu cũng từng thử hết.

Nguy hiểm nhất và cũng... thích nhất, cô bảo, đó là "ke". Mỗi lần chơi ke, phải thuê người "trông" và đặc biệt trong phòng không được để "đồ", bởi khi ảo, con nghiện rất dễ gây án, nhất là với những cái đầu nóng, nghĩ đến chuyện gì là phải thực hiện bằng được.

"Sao chị không cai nghiện? Còn biết bao việc phải làm nữa chứ" - tôi nói với Hiếu. "Em cai nhiều chứ chị, giờ em cũng không nhớ được em đã đi cai bao nhiêu lần, nhưng tỉ lệ tái nghiện là 100%. Chỉ khi vào đến Trại giam Phú Sơn này thì em mới thực sự cai được". "Gây ra vụ gì mà phải vào đây?". "Chẹp! Chuyện lằng nhằng dây điện lắm chị ạ, em cũng chẳng muốn kể, vì nó không hay ho gì". "Thì cứ kể đi, kể một lần cho xong. Có khi lại thấy nhẹ lòng hơn ý chứ. Với lại, biết đâu câu chuyện của chị lại thức tỉnh được nhiều người".

Phạm nhân chuẩn  bị công việc đón Tết

Tôi không biết khi nghiện ngập, khi vùi tuổi xuân trong những cơn phê pha bay tới thiên đường hoặc đau đớn vì vật thuốc hoặc khi "đi chợ", Trần Thị Hiếu lưu manh, nguy hiểm tới cỡ nào, nhưng giờ đây, trước mắt tôi là một người phụ nữ nhỏ nhẹ, thậm chí rất... dịu dàng, tưởng là đã muốn giấu câu chuyện của mình tới cùng, nhưng khi đã trút là cũng rất thật thà, thật tới từng chân tơ kẽ tóc. Có lẽ, đó mới là bản chất thật sự trong con người Hiếu.

Trung tá Nguyễn Thị  Lương - cán bộ quản giáo của Hiếu cho biết, chị rất tin tưởng nên mới đề xuất cho Hiếu là phạm nhân tự giác, dù công việc được ra lô trồng rau, nhưng chưa bao giờ cô có ý định bỏ trốn cũng như quậy phá. Và chợt tiếc, giá như gia đình Hiếu quyết liệt hơn nữa, đừng buông con mình khi nó mới là đứa trẻ 14 tuổi thì có lẽ, cuộc đời cô đã khác rất nhiều. Hiếu kể lại nguyên cớ vì sao mình lại bị đi cải tạo ở trại giam này.

Không phải mỹ nhân vẫn dùng "mỹ nhân kế"

Ngày 21/4/2011, Hiếu cùng người tình Phạm Hồng Phong và một đồng nghiệp nữa là Trần Lực, SN 1970, trú tại phố Bùi Ngọc Dương, phường Bạch Mai đi tăm tia trên đường vành đai 3 thuộc xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Thấy một người đàn ông đi một mình, ví tiền đằng sau căng phồng, sắp rơi ra cả yên xe, Hiếu phi xe vượt lên rồi bất chợt quay lại cười cợt, lúng liếng và cố tình đi chậm lại. Ít có người đàn ông nào lại dễ dàng bỏ qua cử chỉ "xã giao" rất... tình này, ngay lập tức, anh chàng hám của lạ tăng ga lao lên song song với xe của Hiếu rồi bắt đầu câu chuyện làm quen.

Không thấy cô gái đồng hành xinh đẹp, nhưng bù lại cô ta có nước da trắng trẻo và dáng người cao ráo, hơn nữa cô nàng lại ăn mặc rất sành điệu, ra vẻ chịu chơi. Và từ cái đá lông nheo ngoài đường đã có màn kết thúc tại một nhà nghỉ ở ngay thôn Thượng, xã Thanh Liệt.

Người đàn ông còn đang rất bay với cảm giác "bỗng dưng có quà" thì đột nhiên có tiếng đập cửa rầm rầm, Hiếu biết Phong và Lực đã ở ngoài nên vội vàng lao ra mở cửa. Hai gã đàn ông xăm trổ trông dữ tợn với dáng vẻ hung hăng, khuôn mặt hằm hằm xông tới đánh túi bụi kẻ dám "chim chuột"  vợ mình. Hoảng sợ, anh D (người khách qua đường) van xin thì bị Lực, bạn của  "người chồng bị cắm sừng" lục soát túi xách lấy đi 6,5 triệu đồng và hai chiếc điện thoại.

"Vì bọn em sợ nó gọi cho 113 nên mới lấy tất cả 2 cái điện thoại, chứ có khi để lại cho nó một cái thì nó không kêu cứu ầm lên đâu" - Hiếu nói. Lấy tiền của anh D xong, Hiếu đi ra khỏi phòng, Lực lấy điện thoại còn Phong bắt anh D xuống tầng 1. Tiếc của, anh D ôm chầm lấy Phong giữ chặt khi nhìn thấy các nhân viên nhà nghỉ. Những nhân viên này cũng xông vào hỗ trợ anh D bắt giữ Phong. Lực và Hiếu đang ở ngoài cửa thấy thế vội vàng chuồn mất. Ngay sau đó, Lực và Hiếu bị Công an huyện Thanh Trì bắt giữ.

"Người ta cứ bảo em dùng mỹ nhân kế, nhưng em có xinh đẹp gì đâu, chẳng qua là đàn ông họ hám của lạ nên mới mắc bẫy" - Hiếu phân trần. "Từ khi vào trại, em mới cai được nghiện, chứ giờ này còn ở ngoài thì vẫn lang thang chôm chỉa thế thôi". "Cả một thời thanh xuân nghiện ngập như thế, có khi nào chị cảm thấy mệt mỏi không?". "Nhiều lúc nản rã rời ý chứ, nhưng còn ở ngoài xã hội thì không bao giờ cai được, nên có khi được đi tù lại là may mắn đối với em".

Khi mới vào trại, đọc lý lịch của Hiếu, chị Lương cũng như các cán bộ khác e ngại khi gặp phải phạm nhân cứng đầu, nhưng những tháng ngày nơi đây, được lao động, được học tập, Hiếu đã trở lại với đúng bản chất của một cô gái con nhà lao động, chăm chỉ trồng cấy, xốc vác như đàn ông. Ngày đầu, nước da của Hiếu trắng xanh, mai mái đặc trưng của một con nghiện, nhưng giờ đây, da cô đã nâu bóng khỏe mạnh, nhìn cô vác những bó củi lớn trên vai, thoạt đầu tôi cứ ngỡ đó là một người đàn ông vì vóc dáng cao khuỳnh khoàng bên trong bộ quần áo lao động rộng thùng thình. Tưởng là gan lỳ cóc tía, không còn biết sợ gì trên đời, nhưng phải gọi mãi Hiếu mới chịu ra trò chuyện với chúng tôi. Vì ngại!

"Sau này được ra khỏi đây, em sẽ về quê ở với bố mẹ và đón con về nuôi. Bao nhiêu năm nay, em bỏ rơi nó, đôi lúc chột dạ nghĩ lại cũng thấy ân hận nhưng vì nghiện ngập nên chẳng nghĩ được cái gì hay ho ngoài chuyện quay quắt kiếm tiền. Giao thừa năm nay, chắc chắn em sẽ chắp tay cầu nguyện cuộc đời mình từ nay về sau sẽ phẳng lặng, rời xa được ma túy". Bình yên hay bão tố, đều do chính mình tạo nên - tôi nói với Hiếu như thế và cũng hy vọng, niềm tin hướng thiện đã quay trở lại tìm cô, để đi hết quãng đường khó khăn trước mặt, bước đến đích của ánh sáng cuộc đời

Đinh Hiền - Thu Thủy
.
.
.