Về Troh Bư nghe tiếng “cựa mình” của lan

Thứ Sáu, 21/07/2017, 10:24
Đêm nằm ở Troh Bư, nghe tiếng "cựa mình" sinh sôi của lan, lữ khách không thể không… nao lòng. Lan xuất thân từ núi đồi vẫn khác lan nhân tạo, đượm tình hoang dã, hương thơm phảng phất sương nắng, thuần khiết nguyên khai mà vẫn thoáng nét giai nhân...


Đi giữa rừng lan

Theo chân chủ nhân đi xuyên khu rừng tái sinh trên 20 năm tuổi, chúng tôi như lạc vào thế giới của các loài lan rừng. Hàng trăm nhánh lan nhỏ bé, khẳng khiu đang vươn mình sinh trưởng mạnh mẽ trước sự hà khắc của thời tiết.

Những bộ rễ của chúng ăn sâu vào thân cây, len lỏi như mạch máu khổng lồ nuôi lớn cánh rừng Troh Bư. Anh Đỗ Tuấn Hưng cho biết, lan nở rộ nhất vào mùa xuân. Khi ấy, cả cánh rừng tỏa ra một mùi hương lan ngợp trời.

Hoa lan rực rỡ trong khu bảo tồn.

Bước chân dưới rừng lan, bất cứ ai cũng có cảm giác như mình đang ở trong một vương quốc của muôn hoa. Nếu có dịp nằm lại Troh Bư, đêm nghe tiếng "cựa mình" sinh sôi của lan mới thấy xao xuyến nhường nào.

Tốt nghiệp ngành Kinh tế nông lâm, Đỗ Tuấn Hưng theo nghề lâm nghiệp. Đó là một nghề có nhiều cơ hội đi rừng. Càng đi thì lại càng yêu, rừng xanh đã "mê hoặc" người đàn ông này lúc nào không biết. Đắm đuối với lan rừng, để rồi hơn nửa đời người, anh dấn thân và đi theo sự mách bảo với tình yêu loài hoa được mệnh danh "nữ hoàng rừng xanh".

Anh tâm sự: "Mình yêu tất cả những gì thuộc về rừng. Hễ có điều kiện là mình xách ba lô đi. Vào đến rừng, thấy lan là mê tít, chỉ muốn ôm trọn vào lòng". Đó là lý do, tất cả công sức, tiền bạc, thời gian quý giá của mình, Đỗ Tuấn Hưng dành hết cho lan. Và cũng vì trăn trở, đau đáu với những cuộc tàn sát rừng, hủy hoại hoa lá, cây xanh, mà anh quyết tâm phải làm một điều gì đó để bảo vệ rừng.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều khu rừng ở Đắk Lắk vô cùng giàu có về các thảm thực vật nhưng cũng bắt đầu hứng chịu làn sóng phá rừng nhanh, mạnh và khủng khiếp nhất. Cảm nhận rõ rệt mối nguy cơ tận diệt, Tuấn Hưng có ý tưởng đưa loài lan rừng về gần hơn với con người để bảo vệ, duy trì và phát triển.

Năm 1995, anh đi cùng một người bạn đến thung lũng Troh Bư (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), một vùng đất huyền thoại của đồng bào Ê Đê. Anh thẫn thờ khi thấy những quả đồi trọc lóc, hoang hoác cỏ dại, trên nền rừng vẫn nham nhở vệt cháy, nhiều cây cổ thụ bị chặt tận gốc, nhựa ứa ra ngoài như vệt máu oan nghiệt hờn trách con người.

Bằng con mắt nghề nghiệp, Tuấn Hưng nhận ra nơi đây có một vị thế tuyệt đẹp cho một khu rừng tái sinh. Anh quyết định mua lại toàn bộ mảnh đất bao gồm khu đồi trọc và thung lũng chỉ toàn đá và cỏ hoang. Bạn bè biết chuyện anh mang tiền đi đầu tư vào "sỏi đá", họ lắc đầu, nghĩ anh khùng.

Anh mặc kệ, một mình bắt tay vào làm việc. Phần đất mềm, có nhiều dinh dưỡng anh dành trồng cà phê, cây ăn trái. Phần còn lại khô cằn sỏi đá, anh trồng cây gây rừng. Khi những vòm cây phát triển xanh tốt, rễ đóng chặt xuống lòng đất, anh bắt đầu đưa lan rừng về cấy ghép.

Chỉ cho chúng tôi thấy những rễ lan khẳng khiu đang vươn dài hàng mét bám chặt vào thân cây, Tuấn Hưng thốt lên: "Chúng đã thích nghi, có thể ăn đời ở kiếp với nơi này. Chỉ có lan rừng mới có thể phủ rễ dài đến vậy".

Đảm bảo cho lan có đời sống thoải mái nhất để tự nhiên sinh sản, anh quyết định chặt cà phê, trồng thêm cây rừng, nới rộng khu vườn thành một cánh rừng rộng rãi, xanh mát. Quần tụ lan về "ngôi nhà" chung, để chúng có không gian hòa hợp với môi trường sống.

Đi mải miết, mỏi gối nhức chân vẫn chưa ngắm hết "thế giới" lan rừng ở Troh Bư. Có một điều dễ thấy nhất là chúng đang được thỏa sức vùng vẫy trong không gian mênh mông của cánh rừng tái sinh. Từ những giỏ lan đầu tiên, giờ đây chúng đã phát triển, sinh sôi thành một quần thể đa dạng, phong phú.

Vào mùa khô, gió mạnh sẽ thổi những nhụy hoa bay khắp khu rừng rồi bám vào một nơi nào đó trú ngụ. Đợi đến mùa mưa, chúng sẽ bung mình nảy nở. Đó là điều vô cùng hạnh phúc với chủ nhân khu rừng, vì loài lan rừng rất khó nhân giống.

Khi những nhánh lan đầu tiên trổ hoa, là lúc phường săn trộm ngó nghiêng thừa cơ ra tay. Canh giữ đầu rừng thì chúng trộm cuối rừng. Mà cái giống săn trộm thì cứ như ma quái, thoắt ẩn thoắt hiện. Có nhìn thấy tận mắt nhưng cũng đành chịu, vì chỉ tích tắc là "bóng ma" vọt ra bờ rào mất hút.

Mỗi lần đi thăm rừng, nhìn những nhánh lan bị vạc thấu rễ, vài cánh hoa mỏng manh, nhàu nát nằm tang thương dưới mặt đất, anh Tuấn Hưng không khỏi đau đớn, xót xa. Trông chờ vào chút lương tri của kẻ trộm, thỉnh thoảng anh cho cắm một chiếc bảng gỗ với dòng chữ "xin đừng hái lan rừng".

Nhìn một dải hoa lan trắng tinh trên thân cây khiến anh Hưng thảng thốt: "Thấy hoa thích thú cực kỳ, nhưng đó cũng chính là nỗi sợ hãi vô cùng với tôi. Bởi hoa nở, thì lan hiện ra, dấu hiệu dễ phát hiện nhất cho cánh săn trộm "đánh hơi" mò tới vặt trụi những nhánh lan tuyệt đẹp của rừng xanh".

"Mắc nợ" lan rừng

Những ngày nghỉ làm, Đỗ Tuấn Hưng xách đồ nghề vào sâu trong các khu rừng già ở Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk tìm lan về cấy thêm. Đi rừng bây giờ xa xôi vất vả hơn mấy năm về trước, vào đến rừng rồi chưa chắc đã kiếm được lan, vì người đi hái lan về bán đông như trẩy hội.

Anh phải lội suối, leo dốc vào mãi bên trong lõi rừng may ra có được vài nhánh. Nếu không nhanh sẽ bị đội săn chuyên nghiệp "hớt tay trên". Đôi chân người đàn ông này đã bước qua không biết bao nhiêu cánh rừng, lội bao nhiêu dòng suối, đồi dốc trong hành trình bảo tồn lan rừng.

Giờ đây, đôi chân ấy đã "rục xuống". Không thể đi rừng được nữa, lúc rảnh rỗi, anh thường lang thang ra mấy con đường bán lan ở TP Buôn Ma Thuột lục tìm một vài loại lan lạ, độc mua về bổ sung vào bộ sưu tập.

Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên lan anh mang về rủ nhau chết rũ. Anh buồn lắm, cứ thẫn thờ như người mất hồn. "Nhìn lan chết, giống như mình đang mất đi một thứ gì đó quý giá của cơ thể", Tuấn Hưng tâm sự. Anh mò mẫm lên mạng học về cách chữa bệnh cho lan, rồi gặp mấy người bạn chơi lan chuyên nghiệp "tầm sư học đạo".

Họ nhiệt tình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chăm lan. Anh lại cần mẫn học rồi đem về rừng lan thực hành. Qua nhiều năm chữa bệnh cho "đứa con" tinh thần, thấm nhiều thất bại, đến nay Đỗ Tuấn Hưng đã trở thành "bác sĩ" của phong lan.

Anh bảo rằng, vì yêu quá mà thường xuyên gần gũi, ngắm nhìn nên phát hiện ra những biểu hiện lạ của lan. Giờ thì chỉ cần "ngửi mùi" thôi là biết cây nào bị bệnh và bệnh gì mà cho "uống thuốc" phù hợp.

Chủ nhân rừng lan tại Tây Nguyên.

Rừng lan ở Troh Bư hiện nay đã có hơn hai trăm loài với trên mười ngàn gốc. Nhiều loại quý hiếm như: nghinh xuân, thủy tiên trắng, bạch câu… Nổi bật hơn cả là loài Nhạn sóc Lào (Quế lan hương), loài hoa đặc trưng của vùng đất Buôn Đôn nắng gió. Troh Bư đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập là khu vườn bảo tồn lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam.

Bây giờ đang là mùa mưa, đất khô bắt đầu thấm nước của trời nuôi dưỡng mầm cây. Đi giữa rừng lan, nếu chịu khó ngước nhìn lên cao chót vót không khó để bắt gặp những "dải lụa" hoa lan tím, vàng, trắng vắt ngang lưng chừng.

Những nhánh lan rừng khiêm tốn tĩnh yên trong khu rừng Troh Bư nhưng tuyệt đối không chịu tàn úa trước sự khắt khe của thiên nhiên. Vòng đời nở hoa của lan có đủ thời gian để hòa quyện với hồn người. Không rực rỡ, không thiếu hụt, không rũ rượi mà mặn mà thanh sắc thủy chung.

Ngọc Thiện
.
.
.