Về đề án Phố sách ở chợ Âm phủ được thông qua: Cân nhắc vẫn hơn

Thứ Hai, 05/09/2016, 10:31
Không chỉ TP Hồ Chí Minh mới có đường sách. Theo kế hoạch, ngày 19-12 năm nay Hà Nội cũng sẽ có đường sách của riêng mình ở chợ Âm phủ (tên gọi của phố 19-12).

Tuy nhiên, đường sách chưa được bắt đầu xây dựng thì đã nổi lên những luồng ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện có cần thiết phải “phấn đấu” cho bằng TP Hồ Chí Minh hay không và sao lại chọn khu vực chợ Âm phủ thay vì khu phố Nguyễn Xí – Đinh Lễ?

Lâu nay, trong đời sống văn hóa của người Hà Nội, Nguyễn Xí – Đinh Lễ là khu phố của sách. Cũng chẳng biết từ bao giờ, nói đến Hà Nội, người ta hay nhắc đến Hồ Gươm, đến phố cổ, đến kem Tràng Tiền và đến khu phố Nguyễn Xí - Đinh Lễ.

Phố sách được kì vọng là địa chỉ đẩy văn hóa đọc của người dân Thủ đô.

Nói vậy để thấy, trong thói quen và tình cảm của người dân Thủ đô, khu phố này có một vị trí khá rõ ràng. Tuy nhiên, theo đề án xây dựng phố sách của Hà Nội, địa điểm được lựa chọn lại là phố 19-12, hay còn gọi là chợ Âm phủ trước đây, cạnh Tòa án nhân dân Hà Nội, nằm giữa đường Hai Bà Trưng và Lý Thường Kiệt, dài chưa đến 200m.

Nội dung này được UBND TP Hà Nội thông qua tại cuộc họp nghe báo cáo triển khai Hội sách Hà Nội 2016 và đề án Phố sách vào tháng 8 vừa qua. Những nội dung cơ bản trong đề án Phố sách của Sở Thông tin – Truyền thông gửi trình về cơ bản cũng được thống nhất.

Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở này chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Sở Quy hoạch – Kiến trúc hoàn thiện đề án, có bổ sung một số nội dung. Về thiết kế không gian Phố sách, đề xuất các phương án tổ chức gian hàng phù hợp với tuyến phố 19/12, trong đó có phương án kiến trúc theo không gian phố cổ.

Kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, không gian chung và tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính trị tại Phố sách do ngân sách TP đảm bảo. Theo đó, Phố sách sẽ khai trương hoạt động vào ngày 19-12, nhân dịp kỷ niệm 70 năm toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 -19-12-2016).

Ngay sau khi phương án này được công bố, đã có nhiều ý kiến, thậm chí có những ý kiến ngược chiều nhau. Người thì cho rằng, sao không tận dụng “lợi thế” của phố sách tự phát Nguyễn Xí – Đinh Lễ để tổ chức lại thành một Phố sách chuyên nghiệp ở đó?

Sao phương án kiến trúc phố sách Hà Nội lại phải làm theo không gian phố cổ ở 19-12 mà không tận dụng luôn khu Nguyễn Xí – Đinh Lễ, chính là phố cổ? Ý kiến khác nhìn từ góc độ Hà Nội đang thiếu những không gian công cộng trầm trọng, cho rằng thêm một vài phố sách, có gì đâu mà tranh luận?

Người khác lại bày tỏ sự quan ngại khi Phố sách Hà Nội được xây trên nền khu mộ tập thể liệt sỹ và nhân dân đã hi sinh trong ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946)? Mỗi người có một quan điểm. Xì xèo hết cả.

Hẳn nhiều người còn nhớ, con đường chưa đầy 200m này vào năm 2008 cũng trở thành “điểm nóng” của dư luận khi TP Hà Nội có chủ trương xây dựng tổ hợp công trình thương mại 19-12 với 2 khối nhà cao tầng cùng con đường nhỏ chạy xuyên từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Hai Bà Trưng và 2 năm sau đó, “cây bồ đề 19-12” bị chặt hạ khiến dư luận lên án và phẫn nộ.

Một góc phố Đinh Lễ (Ảnh: Xóm Nhiếp Ảnh).

Hiện tại, những hộ dân buôn bán ở chợ Âm phủ xưa phần lớn đã dời đi chỗ khác để kinh doanh, sót lại vài ba nhà còn bám trụ. Đoạn đường dài chưa đầy 200m trở thành bãi gửi xe.

Thiết nghĩ, khu vực có ý nghĩa lịch sử - văn hóa đặc biệt này lại bị “bỏ quên” như thế thì có lẽ cũng chưa xứng tầm ý nghĩa lịch sử - văn hóa đặc biệt của nó.

Tuy nhiên, khi trở thành phố sách, việc phải làm gì để đường sách, phố sách 19-12 không trở thành một chợ sách thông thường, những người cầm trịch chắc còn rất nhiều điều cần cân nhắc.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển Đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội:

Một bước tiến đẩy văn hóa đọc của người Hà Nội đi lên

Nên hoan nghênh. Vì Hà Nội có truyền thống về văn hóa, trong đó có văn hóa đọc. Hà Nội rất chú trọng đến những công trình trung tâm như Thư viện Hà Nội… Hà Nội cũng từng xây dựng hệ thống các mạng lưới cửa hàng sách ở khu trung tâm, chứng tỏ sự quan tâm rất lớn.

Chính người dân Hà Nội ngày xưa đã là một trong những yếu tố hình thành nên phố sách rất tự phát là khu phố Nguyễn Xí - Đinh Lễ hiện nay, gắn kết trung tâm của Hà Nội.

Việc có thêm một phố sách, tôi nghĩ, đây là bước tiến mới, đẩy văn hóa đọc của Hà Nội đi lên, hạn chế tác động của kỹ thuật số. Nó đóng góp thật sự vào đời sống vật chất, giáo dục thế hệ trẻ về văn hóa đọc. Đây là việc nên làm. Tôi hoàn toàn tán thành.

Có vài ba phương án đề xuất được đưa ra nhưng có phương án làm phố sách ở phố 19-12 tôi thấy hợp lý nhất vì nó gắn kết yếu tố lịch sử của cái địa danh ấy cộng với yếu tố mới (PV - văn hóa đọc) tạo nên không gian công cộng tĩnh lặng, rất văn hóa và hợp với Hà Nội hiện nay.

PGS.TS Phạm Hùng Cường, Giảng viên trường Đại Học Xây dựng Hà Nội: 1 phố sách không đủ, 2 phố sách vẫn không đủ

Hà Nội đang rất thiếu không gian công cộng. Những không gian dành riêng cho các hoạt động cộng đồng mà không có xe cơ giới xâm lấn thì đếm trên đầu ngón tay. Nếu tôi không nhầm, phố 19-12 nằm giữa 2 con đường - mà hiện tại gần như là một bãi gửi xe.

Nếu biến không gian đó thành không gian công cộng, phố sách, tôi thấy đó là một điều đáng quý.  Phải trân trọng. Thậm chí 1 phố sách không đủ. 2 phố sách vẫn không đủ. Nhiều hơn nữa càng tốt. Đừng bao giờ nghĩ những không gian như thế là nhiều quá.

TS Trần Xuân Hiếu, Giảng viên Trường Đại Học Xây dựng Hà Nội: Nên cân nhắc nếu không muốn có thêm một... chợ sách!

Chợ Âm phủ, bản thân từ khi mới hình thành đã gắn với cộng đồng, khu vực xung quanh và có một ý nghĩa cụ thể về mặt nơi chốn và tinh thần đối với cư dân của khu vực đó. Khi nói đến chợ Âm phủ, họ đã có một sự rung động, tình cảm nhất định. Câu chuyện ở đây là, bây giờ chuyển đổi chức năng sử dụng nhằm phù hợp hơn với đời sống hiện đại hơn.

Phố sách sẽ khai trương hoạt động tại phố 19-12.

Tôi băn khoăn rằng không biết nếu mình đặt vào đó một cái phố sách thì sách trong đó có còn bảo lưu tinh thần, hồn cốt của khu phố này như người dân sở tại vẫn hình dung hay không? Hay nó biến mất, thành một chợ sách như những chợ sách khác?

Đối với nhà quản lí, họ có thể thấy rằng, đưa vào đấy một cái phố sách là hay. Hay ở đây được nhìn trên góc độ vĩ mô. Nhưng người dân có đời sống gắn bó với nơi đó sẽ như thế nào? Việc bây giờ đưa vào đây một cái chợ sách có đáp ứng, có mang lại lợi ích thực sự cho cư dân cộng đồng tại khu vực đó hay không cũng là một điều cần xem xét lại.

Cá nhân tôi cho rằng, khi dời một  không gian nhỏ mà nó có ý nghĩa về mặt lịch sử, tinh thần đối với một nơi chốn, phải quan tâm tới bản thân lợi ích của cộng đồng sở tại.

Nếu được lựa chọn khu phố Nguyễn Xí - Đinh Lễ hay phố Âm phủ để làm phố sách, tôi vẫn nghiêng về phương án Nguyễn Xí - Đinh Lễ nhiều hơn. Văn hóa đọc đang thay đổi rất nhiều. Nếu mục đích mở ra phố sách để đáp ứng nhu cầu đọc của dân Thủ đô, chưa chắc đã là một phương pháp hay.

Nhưng khi nó muốn thông qua một không gian phố sách để giữ lại một nét văn hóa lại là một chuyện khác. Tôi nghĩ, sách ở đó cũng phải chọn lọc. Không thể bán bất cứ thứ gì trong đó được.

Việc quy hoạch phố sách trong câu chuyện này, theo tôi, nó mang tính tuyên truyền nhiều hơn. Chứ thực chất, có thể nó chưa chắc hiệu quả bằng một quán café sách hoặc các tủ sách nhỏ tại gia đình, cộng đồng.

Và nó nằm trong một bức tranh phát triển tổng thể về mặt văn hóa. Các cấp hi vọng rằng phố sách dần dần sẽ trở thành một sản phẩm du lịch cho khách tham quan có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa Việt. Chúng ta nên cân nhắc, không cẩn thận sẽ thành chợ sách khác nữa.

Còn chuyện thiết kế không gian phố sách, có phương án kiến trúc theo không gian phố cổ, tôi nghĩ thế này: Ở mình đang có chuyện đi đến đâu cũng khai thác phố cổ một cách thái quá. Thực ra phản tác dụng. Tự nhiên làm giảm giá trị của phố cổ. Đừng ai hi vọng vài ba kệ sách…, vài ba mô hình mô phỏng phố cổ sẽ làm cho người ta có cảm giác đó là phố cổ.  Bởi, hồn cốt của phố cổ là không khí, là xe cộ, người qua lại, tiếng rao….

Đậu Dung
.
.
.