Về miền Đất Tổ

Thứ Tư, 25/04/2018, 09:29
“Các anh chị đang chuẩn bị vào khu vực từng là kinh đô cổ xưa nhất của Việt Nam!”. Tiếng thông báo của nữ hướng dẫn viên trẻ trên chuyến xe tốc hành sớm Hà Nội – Phú Thọ, đưa đón đoàn du khách đến miền đất Tổ khiến những người còn ngủ gà gật choàng tỉnh. 

Phóng tầm mắt ra ngoài ô cửa kính, nhìn những cánh đồng đang thì con gái rập rờn trong nắng sớm, những vạt hoa trắng dại ven đường mang cái tên khá mỹ miều – hoa xuyến chi, đang lùi dần về phía sau, nhường chỗ cho những ngôi nhà bê tông san sát, đôi khi khá bề thế, không ít gương mặt bắt đầu… ngơ ngác.

Những thắc mắc, hoài nghi chỉ dần giải tỏa khi chuyến xe dời khu trung tâm thành phố Việt Trì, tiến sâu vào Khu di tích Đền Hùng. Con đường phủ rợp cây xanh, đã láng bóng nhưng vẫn thanh vắng, hun hút. Nữ Giám đốc của Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ Phùng Thị Hoa Lê lý giải: Du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh đang được Phú Thọ quan tâm phát triển. 

Hát Xoan phục vụ khách du lịch góp phần phổ biến di sản rộng rãi nhưng dễ khiến du khách hiểu sai về di sản nếu họ chưa có điều kiện tìm hiểu ngọn ngành.

Cơ sở hạ tầng cũng đang được tỉnh tập trung ưu ái trong đầu tư, kêu gọi đầu tư để kịp thời đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, hầu hết cơ sở này chỉ mới chỉ tập trung ở khu trung tâm. Tỉnh cũng không chỉ mong muốn phát triển riêng du lịch tâm linh mà còn cả du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng, mong muốn này mới chỉ nhen nhóm và không hẳn hấp dẫn. 

Lý do Phú Thọ chỉ nằm cách Hà Nội 80km nên phần lớn du khách lựa chọn đi về trong ngày. Du khách cũng không đến Phú Thọ quanh năm mà hầu hết là họ lựa chọn đi vào dịp cuối năm và 3 tháng lễ hội đầu năm. Trong đó, cao điểm nhất là dịp Giỗ Tổ.  

Thông thường, phải đến chính hội 10-3 âm lịch (25-4), người dân mới dồn về. Ngoài lý do đây là ngày lễ giỗ chính thì còn vì đúng dịp lễ hội, du khách đến Phú Thọ mới có nhiều cơ hội để khám phá các văn hóa, sản vật đặc sắc của địa phương. Tất cả 13 trại văn hóa đều mang các sản vật của họ đến trung tâm lễ hội để trưng bày. Du khách muốn tìm đặc sản gì, tìm hiểu văn hóa bản địa nào cũng dễ hơn.

Tự hào giới thiệu quê hương là nơi phát tích Nhà nước Văn Lang – Nhà nước của các Vua Hùng, nơi mà mỗi tấc đất du khách bước lên đều đậm đặc dấu ấn thời kỳ Hùng Vương, nữ hướng dẫn viên Thu Nhàn chia sẻ rằng, với những người dân gốc Phú Thọ thì dù tỉnh nhà có thay đổi như thế nào thì bóng dáng tiền nhân, dấu tích của khai sơn lập địa vẫn luôn in dấu trên từng con đường, từng di tích. 

Người Phú Thọ, hiếm ai không thuộc làu những địa danh như Lâu Thượng, Lâu Hạ, Tiên Cát – các làng cổ tương truyền là nơi Vua Hùng làm việc, đặt cung thất, kén rể cho con gái út... Chưa kể, lượng di tích của Phú Thọ cũng rất… dày. 

Hơn 1.370 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là khu di tích Đền Hùng. Ngoài ra, 73 di tích lịch sử cấp quốc gia và hơn 210 di tích lịch sử cấp tỉnh, hàng trăm lễ hội văn hóa truyền thống khác luôn được bao phủ bởi những sắc màu huyền hoặc trong từng tích truyện càng khiến vùng đất Tổ thêm nhiều kỳ bí. 

Trong đó, truyền thuyết Cha Rồng – Mẹ Tiên sẽ là “đặc sản” mà bất kỳ du khách nào ghé thăm Phú Thọ cũng đều được… trao tặng. Bởi lẽ, nếu không có truyền thuyết này, ắt hẳn không có cả quần thể di tích Đền Hùng trải dài khắp một vùng trùng điệp, thu hút hàng chục triệu du khách mỗi năm.

Mùa lễ hội năm 2018 đã giúp du lịch Phú Thọ khởi sắc. Thống kê ban đầu cho thấy, từ tháng 3 dương lịch, lượng khách về địa phương đã tăng từ 13% đến 15%. Ước tính phục vụ từ 7,5 triệu khách đến 8 triệu khách trong dịp này nên từ nhiều ngày trước Lễ Giỗ chính, từ các làng Xoan cổ cho đến khu lễ hội trung tâm đã rùng rùng chuyển động. 

Nửa tháng trước Lễ Giỗ, mỗi tối, người già vùng Chu Hóa đã tập hợp về Đồi Sim, nơi tọa lạc Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân để bàn bạc và tập dượt chuẩn bị các nghi thức. Cách Đền khoảng 1km, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thủ từ Đền Thượng - ông Cao Đức Trọng - cũng khẳng định chắc nịch: Tất cả đã sẵn sàng, chỉ đợi đến ngày tổ chức.

Khu đền thờ các Vua Hùng, từ chân núi lên đỉnh Nghĩa Lĩnh có 6 đền, chùa chính: Đền Hạ - nơi tương truyền Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc 100 trứng, Chùa Thiên Quang (Viễn Sơn Cổ Tự hay còn gọi là Thiên Quang Cổ Tự), Đền Trung (Hùng Vương miếu tổ) – tương truyền là nơi Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng bàn việc nước và nơi truyền ngôi cho Lang Liêu, người sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày, Đền Thượng (Kính thiên lĩnh điện) – tương truyền là nơi Vua Hùng tiến hành nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, Lăng Hùng Vương tương truyền là mộ Vua Hùng đời thứ 6 và Đền Giếng – tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung, Ngọc Hoa ngồi soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý. Ở đó, mỗi năm, người làm thủ từ đều phải trải qua 1 cuộc thi tuyển khắt khe. 

Ngoài tiêu chí là người địa phương, mỗi người phải vượt qua 4 bước sát hạch. Đầu tiên, họ phải là người có uy tín, được Mặt trận Tổ quốc của khu dân cư đang sinh sống họp, bình xét, có biên bản họp, đưa biên bản và hồ sơ vào UBND xã. 

Sau đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã gồm Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Nông dân cùng Đảng ủy, Ủy ban xã lại họp bình xét tiếp, thẩm tra lý lịch. Các thủ từ tương lai vượt qua vòng thẩm định sẽ được đưa về khu di tích học 1 tháng về các văn bản pháp quy của Nhà nước, của tỉnh Phú Thọ, của khu di tích.

Họ phải “thuộc nằm lòng” kiến thức lịch sử kiến trúc đền đài này từ xưa đến nay, năm nào trùng tu, năm nào sửa, năm nào xây cái gì và phải học, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho đến thực hành làm các bài cúng một cách thuần thục. Người cao điểm nhất được giữ trọng trách trông coi Đền Thượng, thấp điểm hơn nữa thì được giao trông giữ Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng… 

Khách đến khu di tích, muốn tìm hiểu ngọn ngành từ hốc đá đến gốc cây, kể cả hạng mục công trình này được tu sửa nhưng từng gây tranh cãi ra sao thì cứ tìm thủ từ là sẽ được giúp đỡ - ông Cao Đức Trọng cho biết.

Mặc dù được tổ chức thường niên nhưng mỗi mùa lễ hội, với Phú Thọ, công tác tổ chức Lễ Giỗ Tổ vẫn luôn là một áp lực lớn, đặc biệt là về giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường. Năm 2018, lễ hội tiếp tục diễn ra trên rất nhiều không gian của Phú Thọ, trong đó, tập trung nhất là ở thành phố Việt Trì và trung tâm chính là Khu di tích Đền Hùng. 

Chia sẻ áp lực với Phú Thọ trong năm nay còn có các tỉnh Quảng Nam, Thái Nguyên, Bình Dương và Kiên Giang. Từ hàng tháng trước đó, các tỉnh đã phối hợp, họp bàn, thống nhất kế hoạch tổ chức. Dự án tu bổ Đền Hùng còn một số hạng mục dở dang, dự kiến đến năm 2020 mới hoàn tất cũng được yêu cầu tạm dừng lại. 

Khu vực Trung tâm lễ hội vẫn đang trong quá trình tu sửa nhưng theo yêu cầu ban tổ chức, trước lễ hội 2 ngày, đơn vị thi công phải trả lại mặt bằng phong quang, sạch sẽ. Để giải tỏa áp lực về giao thông, trên nhiều tuyến đường đổ về Phú Thọ, các phương tiện không về tham gia Lễ Giỗ Tổ sẽ được hướng dẫn đi hướng khác để tránh ùn tắc. 

Các bãi giữ xe cũng được điều tiết sắp xếp lại. Lực lượng làm vệ sinh hàng ngày được yêu cầu phải thu gom rác thải và hoàn tất xử lý sau mỗi ngày.  Các cấp, các ngành đều được yêu cầu thông tin tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp nâng giá dịch vụ theo kiểu “chặt chém”. Nếu buộc phải tăng giá lưu trú thì không được tăng quá 30% giá ngày thường. Trường hợp bị xử lý sẽ đưa lên truyền thông thông qua cổng thông tin điện tử của thành phố.

Riêng về phần hội, dấu ấn thời đại các Vua Hùng hiện diện với mức độ đậm đặc. Ngoài các lễ hội dân gian đường phố, chương trình nghệ thuật du lịch về với cội nguồn dân tộc, thi đua chải mở rộng trên hồ Văn Lang, thi gói bánh chưng, bánh dày, hội trại và nhiều hoạt động khác có các tỉnh khác tham gia thì hát Xoan là “đặc sản” được quan tâm đầu tư giới thiệu nhiều nhất. 

Hát Xoan hiện diện tại rất nhiều không gian trình diễn, từ lễ hội chính cho đến các di tích. Đây cũng là lần đầu tiên sau 6 năm xây dựng, thử nghiệm, Hát Xoan làng cổ chính thức được triển khai rộng khắp, phục vụ thường xuyên. 

Gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nên việc tổ chức Hát Xoan ngay tại miếu Lãi Lèn, đền Hùng Lô - nơi phát tích ra nghệ thuật diễn xướng văn hóa dân gian đậm chất vùng Đất Tổ, nơi Vua Hùng đã dạy cho nhân dân làn điệu Hát Xoan được kỳ vọng sẽ giúp nhân dân được trải nghiệm và hiểu hơn văn hóa đặc sắc của Phú Thọ. 

Trải nghiệm gói bánh chưng ngay tại các làng Xoan cổ được chuẩn bị dành cho du khách đến Phú Thọ mùa lễ hội 2018.

Bởi, nói như cách chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San thì hiện nay, Hát Xoan có thể trình diễn ở các không gian khác nhau nhưng người dân chỉ có thể hiểu đầy đủ ý nghĩa, giá trị của nó tại nơi sản sinh ra di sản, nơi có đầy đủ không gian văn hóa để diễn xướng, thực hành tín ngưỡng. 

Với 68 nghệ nhân kế cận có khả năng truyền dạy, 34 câu lạc bộ hát Xoan, 1.500 nghệ nhân trên khắp các địa phương, trong đó, rất nhiều nghệ nhân đã có khả năng trình diễn đầy đủ 31 bài hát Xoan, Phú Thọ đã sẵn sàng trình diễn di sản văn hóa độc đáo này để phục vụ theo yêu cầu của nhiều đối tượng du khách. Như thế, ước mơ đưa di sản đến với công chúng đã bước đầu được thực hiện. 

Hát Xoan cũng vừa được UNESCO công nhận đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở lại là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhưng, cũng chính việc trình diễn Hát Xoan ở nhiều không gian khác nhau để phục vụ khách du lịch đang khiến không ít người đã, đang tâm huyết với nghệ thuật truyền thống đặc sắc này lo lắng.

Nói theo cách của ông Hà Kế San là “gắn Hát Xoan với du lịch sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích cho những người đang bảo tồn và phát huy di sản, song nếu làm không cẩn thận, không tuyên truyền kỹ, đồng bào đến xem mà chưa hiểu về di sản sẽ chỉ thấy ngoáy chân, ngoáy tay. 

Nếu các địa phương, người làm văn hóa, người làm quản lý cho đến các đơn vị lữ hành không tính toán chi tiết, làm ào ạt, vui vẻ là chính, du khách đến xem về rồi tuyên truyền với người khác đừng lên Phú Thọ nữa, đừng xem Hát Xoan nữa vì rất chán thì nguy cho di sản…”! 

Ngọc Nguyễn
.
.
.