Về miền phụ nữ coi thuốc lào như cuộc sống

Chủ Nhật, 04/11/2012, 08:48
Thay bằng miếng trầu, thuốc lào ở đây bấy lâu đã trở thành "đầu câu chuyện". Những người phụ nữ ở Ân Nghĩa (Lạc Sơn, Hòa Bình) coi việc hút thuốc lào như ăn, uống hàng ngày. Những "môn đồ" của ống điếu chắc hẳn đã từng có lần "chôn điếu xuống, đào điếu lên" thì hầu hết những phụ nữ này chưa ai có ý định đó. Có phụ nữ sinh 10 người con thì cả 10 lần xách điếu đến tận phòng đẻ, hay mang theo cả nghìn kilomet để "thỏa chí tang bồng".

Thuốc lào là đầu câu chuyện

Chúng tôi đến chợ Re (Lạc Sơn, Hòa Bình) khi mặt trời lên quá ngọn sào. Chợ lúc này cũng đã vãn người mua bán, đồ đạc vẫn còn ngổn ngang, tanh bành. Chắc vì các mế, các chị còn bận vắt vẻo với Ông điếu nên việc dọn đồ tạm thời được gác lại. Bắn xong một bi, họ ngẩng mặt lên trời nhả những làn khói trắng như sương, người thì cười khanh khách khen thuốc ngon, người thì gật gù ôm cột đờ như cây chuối hột - mức phê đó được người Ân Nghĩa gọi là "vàng mắt - nhìn thấy ông bà ông vải". Chính cái phê "vàng mắt" đó lại là cảm giác các mế, chị không thể dứt ra được. 

Đã thành thông lệ, cứ vào phiên chợ Re (thứ 2, 5,7 hàng tuần), phụ nữ Mường lại hoan hỉ kéo nhau xuống chợ. Đặt chân tới chợ, việc đầu tiên là họ lân la tới các cửa hàng bán thuốc lào rồi mau mắn chọn cho mình một loại thuốc lào ngon nhất, "nồng độ phê" hợp với mình nhất. Chẳng phải chuyện chồng con, cũng không phải mua sắm gì cho gia đình. Những câu chuyện về các "hãng" thuốc lào mới là xôm nhất. Chị Bùi Thị Mến oang oang nói giữa chợ: "Hôm qua có đi thăm con cháu ở Thanh Hóa. Có thử loại thuốc nhỏ tăn như lông mèo. Ai ngờ phê há hốc cả mồm, cứ nhế là nước dãi chảy ra như suối. Nghĩ mà sợ!". Cả phiên chợ lại được thể cười phá lên.

Nếu như ở những vùng quê Bắc Bộ khác, "miếng trầu là đầu câu chuyện" thì ở Ân Nghĩa, Hòa Bình, thuốc lào là khởi nguồn cho mọi sự. Gặp nhau, quý nhau mời bi thuốc lào sau đó muốn nói chuyện gì thì nói. Có đến Ân Nghĩa mới thấy, thuốc lào thực sự là một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Đàn ông hút thuốc lào thì là chuyện không có gì đáng nói. Nhưng phụ nữ xứ này, đi đâu làm gì cũng phải kè kè cái điếu. Không có nó thì cuộc đời trở nên vô vị và nhạt nhẽo biết bao.

Đi đẻ cũng mang điếu cày

Quả thực trên dải đất hình chữ S của chúng ta có những thói quen không tốt nhưng tồn tại lâu đời đều được người ta ngộ nhận là văn hóa. Và ở miền đất xứ Mường này thuốc lào nghiễm nhiên được người ta coi là nét văn hóa truyền thống. Và nét văn hóa truyền thống đó được người ta duy trì, bảo vệ đến mức xách cả điếu cày đi đẻ thì quả là hiếm có. Đơn cử trường hợp của bà Bùi Thị Ron, 9 lần vượt cạn của bà thì từng đó lần bà xách điếu theo . '

Da đồi mồi, nhăn nhúm, răng chỉ còn vài cái gọi là có, bà Ron giờ đã chả thể làm được nhiều việc như xưa nữa. Cùng lắm chỉ ở nhà trông cháu cho các con mà thôi. Viện lý do thèm thuốc, chúng tôi ghé qua nhà bà xin vài ba bi. Như bắt được vàng, bà Ron mừng ra mặt vì có "đồng đội" ăn thuốc cùng. Vê 1 bi thật nặng, bà cụ chậm rãi châm đóm rồi gân cổ lên kéo. Nhả khỏi lên trời ngất ngây, rồi ho sù sụ, tiếng thở đều "khe khe" phát ra từ phổi mới thấy bà "yêu" cái điếu của mình đến mức nào.

Cụ Ron đang chìm đắm với khói thuốc cho dù đã bước qua cái tuổi thất thập.

Bà bảo bà nghiện thuốc từ thuở mười ba. Hồi đó đi chăn trâu cắt cỏ với bạn bè, thấy chúng nó "chơi" thuốc thế là bà cũng tập tọe chơi theo. Chơi nhiều đến lúc nghiện khi nào không hay. Tuy vậy cũng chỉ dám hút lén lút không để bố mẹ biết. Nhưng đến lúc vật quá rồi thì mua hẳn một cái điếu để ở nhà và công khai luôn.

Cách đây chừng hơn một tháng, bà vừa phải nhập viện. "Bác sĩ bảo tôi bị nhiều bệnh lắm, bệnh tim, bệnh gan, phổi. Bệnh nào cũng nặng hết". "Thế sao bà không bỏ thuốc đi?". "Bỏ thế nào được. Nghiện quá rồi, đợt vừa rồi đi viện cũng phải mang điếu theo, nhưng nhọc quá chả kéo được. Thèm lắm. Biết là bỏ được thì bệnh sẽ nhẹ đi, không bị ho nữa, béo lên nhưng chịu, không bỏ được đâu. Nghiện lâu thế cơ mà. Bỏ chồng thì được nhưng bỏ thuốc lào khó lắm" - bà Ron cười tếu táo.

Hành trang cho 9 bận đi vượt cạn của bà Ron không bao giờ thiếu được cái điếu cày. Có bận, đang đau đẻ phải bò lê kéo càng ở trạm xá nhưng bà vẫn nhờ người nhà châm cho một bi thuốc để giải cơn vật. Và theo bà thì cũng là để giảm cơn đau.

Vượt cạn xong, về nhà, chiếc điếu cày vẫn phải để ở đuôi giường của bà để giải nghiện. Chính thời gian được "nằm ổ" hiếm hoi bà Ron lại bắn thuốc lào nhiều hơn bao giờ hết. Mỗi ngày trong giai đoạn đó, bà phải chơi đến gần một trăm bi. "Có hôm tôi nhọc quá không kéo nổi thuốc, đến tối cố làm một điếu mà say cảm giác mù cả mắt. Cứ hút liên tục thì không sao nhưng nếu bị gì mà từ sáng đến tối mới hút được một điếu thì say khủng khiếp lắm" - bà Ron giải thích.

Chồng bà, ông Bùi Văn Ương cũng là một người nghiện thuốc lào rất nặng nhưng sau một trận ốm thập tử nhất sinh ông đã cai được. Hỏi ông sao không rủ vợ cùng cai thì ông cười bảo: "Tôi rủ bà ấy bao nhiêu lần rồi nhưng bà ấy không cai được. Bà ấy bảo thuốc lào nó ngấm vào máu rồi nên không bỏ được đâu".

Bà Ron có hai người con gái thì cả hai cũng đều nghiện thuốc như mẹ. Các con dâu của bà cũng vậy.

Nam tiến cùng chiếc điếu cày

Gần nhà bà Ron là nhà của bà Bùi Thị Pách. Bà Pách cũng có thâm niên nghiện thuốc lào chả kém là mấy so với người hàng xóm của mình. Bập vào thuốc lào từ năm hơn mười tuổi, giờ tuổi cũng xấp xỉ thất thập cổ lai hy, nghĩa là bà đã đèo bòng cái món này được hơn một nửa thế kỷ. Hỏi bà Pách có khi nào có ý định bỏ thuốc không thì bà cũng lắc đầu. "Bỏ sao được. Tôi hút thuốc lào vào hay ho lắm. Nhưng mà ho nhiều quá lại mua thuốc về uống, đỡ đỡ một chút lại mang điếu ra kéo. Thèm lắm. Thèm không chịu nổi đâu".

Hai mẹ con bà Pách thể hiện tình cảm qua ống điếu.

Ngồi kế bên bà Pách ông chồng cười sảng khoái: "Ở đây con gái không hút thuốc lào là ế chồng. Con dâu có hiếu với mẹ chồng không phải là cơm bưng nước rót mà phải biết châm thuốc cho mẹ, cùng ăn thuốc với mẹ chồng đấy". Cái sự thèm của bà Pách thì không còn nghi ngờ gì nữa. Bởi cái lần vào Sài Gòn trông đứa cháu nội cho thằng con trai mà bà cũng phải ôm theo cái điếu to tướng. Lúc đầu cô con dâu nhìn thấy thế tỏ ra khó chịu lắm, nhưng rồi nhìn mãi cũng thành quen, hay nói đúng hơn là không chống được lũ thì đành sống chung với lũ.

Con gái của bà Pách là chị Bùi Thị Hạnh, năm nay 38 tuổi nhưng cũng có thâm niên kề miệng điếu tới hơn hai mươi năm. Trò chuyện một lúc chị Hạnh lại châm thuốc cho mẹ hút, rồi điếu từ tay bà Pách lại được chuyển qua cho chị Hạnh. Cứ thế họ trao đi đổi lại có tới mấy lần trong một đợt thuốc. Vừa đẩy chiếc điếu cày về phía con gái, bà Pách ho rũ rượi. Ho tới mức mặt đỏ tía tai. Thế mà bà vẫn hài hước nói với chúng tôi rằng: "Ở đây phụ nữ mà không biết hút thuốc thì coi như ế chồng".

Trưa cũng như tối, hễ cơm nước xong xuôi là mấy bà, mấy chị hàng xóm của bà Pách lại tụ tập bên nhà bà để cùng nhau chơi thuốc. Một phần vì điếu nhà bà Pách hút ngon, một phần cũng bởi quan niệm "hút đông nó mới vui, mới phê". Mỗi người làm xong một bi, họ lại quay ra bàn tán rôm rả về chuyện làng, chuyện xóm, chuyện cơm áo gạo tiền. Với một "con nghiện" lâu năm như bà Pách thì mỗi ngày ít cũng không dưới 50 bi, nhiều có khi lên tới 7, 8 chục lần kéo. Chỉ tính riêng thời gian bà Pách hút thuốc và nhân nha thuốc cũng đã mất quá nhiều thời gian. Hầu hết ai ai ở Ân Nghĩa cũng đều biết, hút thuốc lào có hại cho sức khỏe và tốn nhiều thời gian nhưng họ không thể trì hoãn cái sự sung sướng ấy lại được.

Thuốc lào bi hài ký

Vì một thói quen lâu ngày khó bỏ, nên chị em Ân Nghĩa không mấy ai quan tâm nhiều tới vấn đề thuốc lào ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe. Nhưng chưa cần bàn đến vấn đề to tát ấy mà trước tiên hãy nói về thẩm mỹ. Có lẽ, để tìm được một bộ răng trắng của chị em ở vùng đất này còn khó hơn việc hái sao trên trời.

Chợ phiên ở Ân Nghĩa là nơi các mế, các chị mua và thưởng thuốc lào.

Liên quan đến cái sự mê đắm thuốc lào bà con nơi đây vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về một cô gái quê xứ Mường lấy chồng đi nơi khác. Vì nghiện thuốc từ khi còn rất nhỏ nên cứ thản nhiên nghĩ rằng ở đâu cũng giống quê mình. Thế nên khi đặt chân về nhà chồng, điều mà cô gái này thấy ngỡ ngàng nhất là cả nhà chồng không ai sử dụng loại thuốc gây nghiện này.

Thế mới có chuyện khi cô con dâu thiên hạ về mang theo một chiếc điếu cày to vật vã, cả gia đình nhà chú rể đã kịch liệt phản đối. Họ nói với cô dâu rằng, nếu muốn sống với con trai họ thì ngay lập tức phải từ bỏ thuốc. Đó là một điều không tưởng đối với cô. Chưa bao giờ kể từ khi bập vào nó cô lại dám nghĩ tới một ngày sẽ rời xa nó. Thế nên, chả có tuần trăng mật ngọt ngào nào hết mà thay vào đó là những ngày cô dâu vật thuốc. Nín nhịn đến đêm, đợi mọi người ngủ say, cô lôi chiếc điếu đã giấu kỹ ở một nơi ít người biết ra để giải nghiện.

Ai ngờ, trong đêm khuya thanh vắng tiếng rít thuốc lào vang lên òng ọc khiến cả nhà chồng chợt tỉnh giấc nồng. Và thế là họ đuổi cô ra khỏi nhà vì không chấp nhận một người con dâu không giống ai. Cô khóc lóc van xin vật vã, họ mới thương tình mà ra điều kiện, nếu cô đồng ý đi trại cai nghiện thuốc lào thì mới chấp nhận cô làm dâu trở lại. Cuối cùng, vì hạnh phúc cả đời cô đành ưng thuận gói ghém hành trang vào trung tâm cai nghiện.

Một câu chuyện khác cũng hài hước không kém. Một hôm vợ chồng bà Bùi Thị Liền đi làm nương về hoảng hồn nhìn thấy đứa con gái 8 tuổi Bùi Thị Mỷ của mình nằm rên ư ử. Lay gọi thế nào đứa trẻ cũng không nhúc nhích. Vội vàng gia đình đưa cháu đến Trạm y tế. Tại đây, bác sĩ đã kết luận cháu Mỷ không có bệnh gì mà chỉ tại say thuốc lào. Thì ra, nhân lúc bố mẹ đi làm vắng, Mỷ đã mang điếu ra rít thử một liều. Ai dè thuốc quá nặng và cũng là lần đầu tiên hút nên Mỷ đã say đến ngã ngửa ra nhà và không còn biết trời đất là gì nữa.

Ông Bùi Văn Nô (Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình):

Trong những năm qua, nhờ sự tuyên truyền của địa phương nên hiện nay trong số con gái mới lớn thì rất ít người hút thuốc lào. Độ tuổi nghiện thuốc lào bây giờ là tầm từ 35, 40 tuổi trở lên. Chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy tuyên truyền hơn nữa để các bà, các chị hiểu được hút thuốc lào không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến cả vấn đề kinh tế.

Ngọc Anh - Quang Anh
.
.
.