Về nơi 20 năm trước, trận "đại hồng thủy" càn qua

Thứ Tư, 20/11/2019, 19:46
Trong đêm khuya mưa gió bão bùng, tiếng khóc thảm thiết, tiếng cầu cứu vang lên khắp xóm làng khi cơn lũ dữ bất ngờ càn qua. Người bị chết trong lũ phải 2 ngày sau mới tìm được thi thể và người thân phải chèo ghe vượt lũ đưa đi chôn cất.

Cả làng sau đó buộc phải di dời đến nơi ở mới khi gần 1/2 diện tích đất của làng bị cuốn trôi xuống dòng Vu Gia, bị bồi cát. Đó là những ký ức kinh hoàng của người dân làng Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam về cơn “đại hồng thủy” năm 1999. Vượt qua đau thương, nay làng Phương Trung đang hồi sinh mạnh mẽ, dần trở thành một làng du lịch sinh thái.

Ký ức kinh hoàng

Những ngày đầu tháng 11 này, khi các tỉnh miền Trung oằn mình chống chọi với sự bất thường của bão lũ thì ký ức về cơn “đại hồng thủy” diễn ra đúng thời điểm này năm 1999 lại ùa về, ám ảnh người dân làng Phương Trung, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc. Tròn 20 năm trôi qua kể từ ngày trận lũ lịch sử năm 1999 quét qua làng Phương Trung, song ký ức kinh hoàng về cơn “đại hồng thủy” năm nào vẫn còn ám ảnh biết bao người dân trong làng. 

Chúng tôi đến làng cũ Phương Trung, chứng kiến nhiều căn nhà bị bỏ hoang, đổ nát. Bên cạnh đó là một màu xanh của nhiều loại cây trái đã cho quả ngọt. Đang chăm đàn gà bên căn nhà bỏ hoang của gia đình sau trận lũ lịch sử năm 1999, trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai Lợi (75 tuổi) kể rằng những ngày đầu tháng 11-1999, khi đó trời nắng to, bất ngờ ngay hôm sau, trời chuyển mưa. Mưa xối xả liên tiếp 2 ngày. 

Ngay trong đêm, nước lũ ùa về khiến người dân làng Phương Trung đang ngủ say bỗng bật dậy. Nước lớn rất nhanh, nhấn chìm mọi thứ trong làng. Tiếng kêu cứu thất thanh vang vọng từ đầu làng đến cuối làng. Nước dâng cao, mưa tiếp tục đổ xuống xối xả, có nhà nước ngập tới gác buộc người dân phải phá bỏ mái tôn để cả gia đình trèo lên nóc nhà chạy lũ.

 “Lúc bấy giờ tôi ngồi trên gác cùng với mấy đứa con cháu. Thấy nước lũ lên nhanh quá, sắp ngập đến gác rồi nên mấy đứa con cũng tính đến việc phá dỡ mái tôn để trèo lên nóc”, bà Lợi chia sẻ.

Bà Lý chăm sóc vườn dừa của gia đình tại làng cũ Phương Trung để đón đầu cơ hội làm du lịch sinh thái.

Bà Nguyễn Thị Lý (57 tuổi) cho biết nước lũ năm đó rất kinh hoàng. Nước chảy xiết, kéo theo cây cối từ thượng nguồn và cát đổ về nhấn chìm mọi thứ trong làng. “Tôi nhớ chị Nguyễn Thị Thúy, hàng xóm của tôi đã chết trong trận lũ đó. Chuyện là khi nước lũ lên ngập gác, chị Thúy cùng chồng phá mái tôn đưa 3 người con lên nóc nhà. 

Khi chồng con đã lên nóc, chị Thúy đứng dưới gác thì căn nhà bằng tre bất ngờ nghiêng xuống đè lên chị Thúy khiến chị bị rơi xuống nước, bị cát vùi lấp. Mặc dù biết vợ rơi xuống nước, song vì lo cho 3 đứa con đang trên mái nhà và trong đêm tối không thấy gì cả nên người chồng đành bất lực. Phải 2 ngày sau, thi thể của chị Thúy mới được phát hiện thấy dưới lớp cát dày hơn nửa mét” - bà Lý nghẹn ngào kể. 

May mắn cho chồng và 3 người con của chị Thúy, sau khi nghe tiếng kêu cứu, ông Phạm Văn Trung, Công an viên làng Phương Trung, xã Đại Quang, lúc bấy giờ đã chèo ghe đến ứng cứu kịp thời. Sau đó, ông Trung tiếp tục chèo ghe đến ứng cứu hàng chục người khác cũng trong tình trạng bị nước lũ đe dọa tính mạng.

Kỳ tích hồi sinh

Ông Đoàn Tám, Chủ tịch UBND xã Đại Quang, cho biết trận “đại hồng thủy” năm 1999 đã làm sập hàng chục căn nhà của người dân làng Phương Trung, khoảng 1/2 diện tích đất của làng bị bồi cát, xói lở, 1 người chết và hàng chục người bị thương. 

Sau khi tiếp nhận thông tin về trận “đại hồng thủy” xảy ra tại làng Phương Trung, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc bấy giờ đã về thăm hỏi, động viên người dân và chỉ đạo chính quyền địa phương lên phương án dời làng. Đồng thời, Tổng Bí thư  đã huy động xây dựng 100 căn nhà cho người dân vùng sạt lở, vào ổn định chỗ ở trên làng Phương Trung mới, cách làng cũ chừng 1km.

Bà Lợi bên căn nhà của gia đình bỏ hoang sau trận "đại hồng thủy" năm 1999.

Giờ đây, trên mảnh đất từng chịu nhiều đau thương do trận lũ lịch sử năm 1999 gây ra, người dân làng Phương Trung đã nỗ lực canh tác để trồng trọt nhiều loại cây ăn trái như dừa, mít, xoài,… biến làng cũ Phương Trung thành một làng sinh thái, đầy sức sống. Làng Phương Trung giờ có 190 hộ với 730 nhân khẩu, trong đó chỉ còn có 3 hộ nghèo. 

Ông Đoàn Tám cho biết, xã Đại Quang đã thành lập đề án Khu du lịch nông nghiệp Phương Trung. Mục tiêu là hình thành nên vùng cây ăn trái kết hợp thực hiện du lịch sinh thái tại làng cũ Phương Trung nhằm nâng cao thu nhập của người dân. Toàn bộ diện tích làng cũ Phương Trung khoảng 30ha được phân thành 6 phân khu cơ bản với các loại cây trồng khác nhau. 

“Đất ở làng cũ Phương Trung rất phì nhiêu, được tích tụ qua nhiều năm, phù hợp để canh tác cây ăn quả cho sản lượng cao. Nơi đây cũng đã được quy hoạch theo kiểu bàn cờ, với bình độ cao dần từ đông sang tây nên có khả năng rút nước nhanh sau lũ ngắn ngày. Khi đề án này được triển khai thành công, chắc chắn bộ mặt nông thôn ở làng cũ Phương Trung sẽ thay da đổi thịt và đời sống người dân sẽ được nâng lên rõ rệt”, ông Tám chia sẻ.

Sẵn sàng giúp dân

Quảng Nam là địa phương dễ bị tổn thương do thiên tai bão lũ. Vì vậy, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, trong đó có lực lượng Công an luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người dân mỗi khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Chỉ tính riêng trong mùa mưa lũ năm 2018, Công an các đơn vị, địa phương tại Quảng Nam đã phân công hơn 1.900 lượt, 670 cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động, hỗ trợ di dời hơn 1.900 hộ với hơn 3.700 khẩu và nhiều tài sản của nhân dân ra khỏi khu vực ngập lụt đến nơi an toàn. 

Bên cạnh đó còn phân công 300 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia giúp dân, kịp thời đưa các trường hợp ốm đau, bị thương khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt đi cấp cứu. Để phòng tránh nguy cơ sạt lở núi đe dọa đến tài sản, tính mạng người dân, từ năm 2017-2019, huyện Nam Trà My đã tổ chức sắp xếp cho 1.668 hộ tại 37 khu dân cư từ ngân sách tỉnh và hỗ trợ 457 hộ ở lại từ nguồn ngân sách huyện, với tổng kinh phí thực hiện hơn 80 tỷ đồng. 

Trong số đó đã di dời, sắp xếp cho 356 hộ dân, tại 6 khu dân cư ở vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn như Khu dân cư Khe Chữ (thôn 2, xã Trà Vân); Khu dân cư Tak Buôn (thôn 3, xã Trà Vân); Khu dân cư Măng Klâng (thôn 3, xã Trà Cang);… 

Việc bố trí, sắp xếp lại dân cư đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của nhân dân trong mùa mưa bão, từ đây người dân yên tâm sinh sống, không còn cảnh nơm nớp lo sợ như trước đây.

Lực lượng CSGT Quảng Nam tham gia dọn dẹp cây cối đổ trên đường sau đợt mưa bão cuối tháng 10-2019.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình hình mưa lũ trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công an tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến của mưa, bão. 

Công an các đơn vị, địa phương quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức lực lượng hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông tại các tuyến, địa bàn xảy ra ngập lụt, sạt lở đất; kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển qua những khu vực nguy hiểm. 

Trận lũ lụt lịch sử năm 1999 gây ngập sâu tại các tỉnh, thành miền Trung, nặng nhất là Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam khiến hơn 500 người chết; gần 42.000 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và bị cuốn trôi. Thiệt hại về tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Ngọc Thi
.
.
.