Về nơi những đứa trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi

Thứ Năm, 02/05/2013, 11:19

Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, bị chính những người thân yêu nhất ruồng bỏ, luôn ao ước có một ngày được gia đình đến đón về hay chí ít là một lần đến thăm nuôi nhưng vô vọng… Đó chính là bi kịch của hầu hết những em nhỏ trong Trung tâm bảo trợ xã hội số 2 (Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội).

Trong số những đứa trẻ bị nhiễm H ở đây thì Bàn Thị Thanh Trúc có vẻ “nổi tiếng” hơn cả. Vào năm 2008, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã nói nhiều đến trường hợp của cô bé này. Một đứa trẻ suýt mất mạng vì sự thiếu hiểu biết, vô cảm đến lạnh lùng của gia đình người bác ruột. Cả bố và mẹ Trúc đều bị nhiễm H. Mẹ mất khi em mới chưa đầy bốn tuổi. Bố vì quá hoang mang trước bệnh tật và trước sự kỳ thị của những người xung quanh nên đã dùng mìn tự chế để kết liễu đời mình.

Mất cả cha lẫn mẹ, Trúc trở thành đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Trước sự ra đi của người em trai và người em dâu, bác của Trúc đành mang Trúc về nuôi. Đây là một sự “cực chẳng đã” mới phải làm thế, thành ra họ đối xử với Trúc như một con hủi.

Người bác của Trúc đã đóng cho em một cái cũi bằng gỗ của những cây bạch đàn ghép lại. Chiếc cũi ấy chính là giang sơn của em. Trong đó chứa nào chăn màn, quần áo. Phía dưới chân cũi để sẵn một túi đường để khi nào Trúc thấy đói thì tự bốc mà ăn.

Đến bữa, các thành viên khác trong gia đình được ngồi quây quần bên mâm cơm, thì em lui hui một góc. Cơm người bác cho em ăn cũng chỉ có rau và muối trắng. Từ khi bố mẹ mất, Trúc lủi thủi một mình. Hình như cô bé ấy cũng biết thân biết phận nên chả dám đến gần ai.

Bốn tuổi, em phải tự mình ra suối tắm gội, rồi tự mình giặt giũ quần áo. Những ngày bệnh phát ngứa ngáy, lở loét em chả dám kêu ai. Mỗi lần như thế em chỉ biết đằm mình dưới dòng nước mát lành của suốt để làm dịu cơn đau.

Đã có mấy lần người bác ruột của em mang em vào rừng sâu, để em trong hang đá rồi quay gót ra về. Người bác ấy đã từng mong em mãi mãi ở lại trong rừng sâu âm u ấy. Vậy mà chẳng hiểu sao em vẫn tìm được đường về nhà. Rồi có lần, vợ chồng bác em bàn với nhau mang em đi vứt ở cổng bệnh viện mãi ở Hải Dương. Trước khi ra về, bác của em đã viết lại vài chữ và nhét vào túi áo của em, đại ý: “Cảm ơn các bác sĩ. Đứa trẻ này bố mẹ nó chết rồi. Nó chắc cũng không sống được bao lâu nữa. Nhờ các bác sĩ chăm sóc hộ”.

Ấy thế mà chỉ hơn một tuần sau các bác sĩ của bệnh viện Hải Dương đã đưa Trúc về tận nhà. Hỏi các bác sĩ sao lại biết địa chỉ thì họ bảo Trúc khai vanh vách quê quán, rồi chỉ đường không sai một ly. Sau này, nghe người ta mách ở Yên Bài, Ba Vì có trung tâm nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ nhiễm H, bác của Trúc đã mang em xuống đây. Và từ đó chưa một lần ghé vào thăm cháu.

Trúc giờ đã lớn hơn nhiều, không còn gầy gò, đen nhẻm giống một cậu con trai như hồi người ta mới biết về em. Nhưng ánh mắt buồn buồn thì vẫn như xưa. Hỏi Trúc sao các bác không xuống thăm em thì không ngờ em bao biện: “Chắc tại bác của con nghèo nên không có tiền đi lại”. Câu trả lời ấy khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Không thể ngờ rằng một đứa trẻ mới 8 tuổi đã biết cách chở che, bao bọc cho người thân của mình. Vậy mà chính những người thân ấy đã ruồng bỏ em một cách không thương tiếc.

Giờ giải lao giữa buổi học, trong lúc các bạn mải mê chơi đùa thì cậu bé Nguyễn Văn Rơi vẫn đang cặm cụi ngồi tập viết. Cô giáo nói: “Rơi chịu khó lắm. Hầu như giờ ra chơi nào cũng thế đấy”. Sự tích của cái tên ngồ ngộ ấy là cả một câu chuyện buồn. Vào một tối mùa đông rét mướt, khi người bảo vệ của Trung tâm đi tuần thì phát hiện một đứa trẻ còn đỏ hỏn được quấn trong nhiều lớp tã đang nằm thở thoi thóp trước cổng trung tâm. Không một dòng nhắn gửi của người thân nên em giống một kẻ vô danh. Không ai biết quê em ở đâu, bố mẹ là ai. Thế nên mọi người trong Trung tâm đã quyết định đặt tên cho em là Rơi.

Đã bảy năm trôi qua, Rơi lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương của các cán bộ ở Trung tâm bảo trợ này. Chưa một lần được nhìn mặt người thân. Chưa một lần có cái may mắn được cất lời gọi một tiếng “Mẹ ơi!”. Mỗi năm, cứ đến độ xuân về, bé Rơi lại buồn lắm. Đã nhiều lần Rơi thắc mắc với cô Thủy (cô giáo của Rơi) là: “Cô ơi, sao nhiều bạn được về quê ăn tết mà chẳng có ai đến đón con về. Chắc con chẳng bao giờ được về đâu cô nhỉ. Vì con không có người thân mà”.

Cũng giống như Rơi, Chu Phương Anh, 13 tuổi không hề biết mình quê quán ở đâu. Bởi em cũng bị bỏ rơi trước cổng Trung tâm giống người bạn nhỏ của mình. Hồi bị bỏ rơi, Phương Anh 8 tuổi nhưng cân nặng chỉ có 5 kilôgam. Các cô trong trung tâm vẫn đùa rằng, trông Phương Anh khi đó giống như một con khỉ con, chỉ có da bọc xương. Lúc đó, trong người Phương Anh chứa vô số bệnh: vừa viêm phổi nặng, lại tiêu chảy, miệng bị nấm.

Suốt những tháng đầu sau khi bị bỏ rơi, hộ khẩu thường trú của em luôn là bệnh viện nhi Trung ương. Có lẽ, nếu không có bản năng sinh tồn mạnh mẽ, em đã không thể chống chọi được với từng ấy bệnh tật. Phương Anh giờ phổng phao như một thiếu nữ, em là một trong số không nhiều những bé bị nhiễm H ở đây hợp với thuốc ARV (thuốc kháng HIV) một cách kỳ lạ.

Dù có bị bỏ rơi nhưng so với nhiều bạn khác trong Trung tâm, Phương Anh vẫn là người may mắn hơn. Vùng ký ức của em không trắng trơn, em vẫn có cái để mà hoài niệm. Đó là hình ảnh về một người mẹ với quán nước chè ven đường. Em nhớ là, nếu quán đông thì mẹ ngồi đó tươi cười bán nước cho khách. Nhưng mỗi lần đến quán chỉ có một người đàn ông nào đó thì mẹ lại đóng cửa quán và đi mất. Mỗi lần như thế Phương Anh lại bị nhốt trong cái quán bé tí ấy.

Có hôm mẹ đi từ sáng đến tối mới về, em đã lả đi vì đói. Hôm nào may mắn thì được mẹ vứt cho nắm xôi nhai nhí nhách. Phương Anh nhớ, có những đợt cả hai mẹ con cùng phát bệnh, mẹ đau đớn và mất sức nên không thể mở quán bán nước, không có tiền hai mẹ con nằm co rúm trên giường nhịn đói. Nhiều lần mẹ đã ôm Phương Anh vào lòng rồi khóc.

Bây giờ Phương Anh vào đây, được các cô các chú chăm sóc, lại được uống thuốc đều đặn nên khỏe mạnh. “Con thương mẹ con lắm. Ở ngoài đó không có thuốc không biết mẹ con có còn sống không cô nhỉ?” – Phương Anh buồn so khi hỏi tôi điều đó. Nỗi buồn của em lan sang tôi khiến buổi chiều mùa đông như lạnh hơn.

Đôi mắt bị lồi hẳn ra ngoài và mờ hẳn là điều dễ nhận thấy nhất ở cậu bé Vũ Văn Tú. Tú sinh năm 2001, quê ở Thái Bình. Khi được người nhà đưa đến Trung tâm Tú đã trong tình trạng “còn nước còn tát”: người oặt oẹo, da cóc, viêm phổi nặng. Việc Tú sống được và vẫn đang khỏe mạnh đúng là một điều kỳ diệu.

Bố mẹ Tú đều đã mất vì cùng bị nhiễm H. Riêng Tú, mãi đến năm đang học lớp 4, sức khỏe cứ yếu dần, ốm quặt ốm quẹo, mắt càng ngày càng mờ khiến em không thể theo học. Lúc đó ông bà mới đưa em đến bệnh viện để chữa trị. Và chính tại thời điểm đó, các bác sĩ phát hiện em dương tính với HIV. Tin này như sét đánh ngang tai với ông bà nội Tú. Cả con trai và con dâu đều đã qua đời, giờ lại đến đứa cháu đích tôn cũng chấp chới nhận án tử. Tú kể: “Bà nội biết tin con bị H nên khóc nhiều lắm. Bà cứ bảo bà có ăn ở thất đức với ai đâu mà ông trời lại đày đọa con cháu bà thế”.

Mắt gần như không còn nhìn thấy gì nữa nhưng bù lại Tú thông minh và viết chữ rất đẹp. Hồi còn học ở trường ngoài, Tú đã từng đi thi học sinh giỏi cấp huyện. Vào đây, Tú vẫn là người dẫn đầu lớp. “Con muốn học giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mình và cho các bạn của con”.

Gặp bé Lê Thùy Linh (9 tuổi) ở TP Bắc Giang đã khiến chúng tôi bị ám ảnh rất nhiều. Theo những gì Linh kể với chúng tôi thì Linh bị chính bố và bà nội mang đến cổng Trung tâm vứt bỏ. Mẹ của Linh đã chết vì nhiễm H, bị lây nhiễm bệnh từ mẹ nên Linh bị chính những người thân kỳ thị. 6 năm qua chưa một lần được gặp lại người thân, nhưng Linh bảo vẫn nhớ tên bố và các cô, chú trong gia đình.

Ở trung tâm được chăm sóc đầy đủ, được các mẹ và các anh chị em dành cho nhiều tình yêu thương nhưng Linh vẫn mong mỏi tha thiết một lần được về gặp bố và bà nội. Chúng tôi đã hứa, sẽ giúp Linh toại nguyện. Lần theo những dòng địa chỉ do Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 cung cấp, chúng tôi tìm về thành phố Bắc Giang và đã gặp được những người thân của Linh.

Khi xem những tấm ảnh chúng tôi chụp được, bà nội của cháu đã òa lên nức nở: "Hóa ra con bé vẫn còn sống, khỏe mạnh và phổng phao đến nhường này...”. Nhìn con qua ảnh, bố của Linh cũng đỏ hoe mắt và cho biết, thật may mắn vì anh đã không bị lây nhiễm HIV/ AIDS từ người vợ đã chết. Giờ anh đã xây dựng gia đình mới. Tuy rất thương con, nhưng vợ chồng anh không có ý định đón Linh trở về.

Bà nội của Linh thì phân trần: “Nhìn thấy cháu khỏe mạnh như vậy chúng tôi rất mừng, cảm ơn Trung tâm đã nuôi dạy cháu. Nhưng thực sự gia đình không thể đón cháu về sống hòa nhập cộng đồng được, vì cái tiếng nhà có người mắc bệnh SIDA khiến xóm làng miệt thị lắm...”.

Chúng tôi dù ra sức vận động nhưng gia đình Linh vẫn nhất mực “nhượng” quyền nuôi dạy Linh cho Trung tâm. Dù đã làm hết sức có thể nhưng cuối cùng thì chúng tôi vẫn nợ bé Linh một lời hứa…

Phong Anh
.
.
.