Về nơi những đứa trẻ treo tuổi thơ bằng dây xích

Thứ Bảy, 29/06/2013, 10:57

Làng chài Thái Hòa thuộc khu phố Thái Hòa (phường Long Bình Tân, Tp Biên Hòa, Nồng Nai) từ lâu đã được biết đến như một con thuyền khổng lồ "chết máy" án ngự từ đời này qua đời khác trên khúc sông Đồng Nai.

Những mái bè quây tôn bốn bề mà hễ trời nắng thì đổ từng giọt xuống mái đầu con trẻ, còn trời mưa, sóng gió dập dềnh đẩy đưa con bè trồi lên như người ta đánh võng. Ấy thế mà, ngót nửa thế kỷ qua, cư dân vạn chài xem chiếc bè như mảnh áo rách gá vai áo gần như là trọn kiếp người. Điều đặc biệt là những đứa trẻ đã và đang từng ngày đánh đu với "thủy thần".

Những ngày hè này, tuổi thơ của chúng là khoảng trời thênh thang sông nước, chúng cười hồn nhiên trên chót vót mũi xuồng. Dây bảo hộ duy nhất là chiếc xích chó buộc ngang người hoặc cái thùng nhựa trắng phêu khỏa lấp chiếc lưng bò lồm cồm để giành sự sống với "hà bá" dưới sông.

Những cái chết đã được báo trước

Tôi đứng bên đất liền cách độ dăm bảy thước mặt nước là qua được một cái bè, nước đục lờ lờ, mắt thường tôi chỉ có thể quan sát và nhìn thấy nào là bọc, bịch, bao nilon, túm rác… trôi bồng bềnh, ngổn ngang xung quanh. Nó bị ứ đọng lại vì mắc phải cái bè của thân chủ.

Chốc chốc, từ bên trái, bên phải tôi lại nghe tiếng xoạc, rào trút bất kỳ thứ nước thải nào của người dân trên bờ tuồn xuống. Khách quan mà nói, môi trường ô nhiễm, cá chết hàng loạt thì tác nhân trực tiếp góp sức phá hoại dòng sông chính là con người sống xung quanh nó.

Cứ đà này, rồi một ngày kia, dòng sông sẽ chết tức tưởi mà chưa cần đến nạn chất thải của các công ty công nghiệp hay vấn nạn cát tặc.

Tôi loay hoay mãi mà chưa biết làm thế nào ra giữa dòng đến hai dãy bè chạy đua tít tắp với sông kia. May quá có bác đứng tuổi đang bơi mái ra được một khúc, tôi đứng trên bờ hú bác quay trở lại.

Người đàn bà mặc bà ba đen niềm nở đón tôi. Thú thật là tôi cũng chả biết đi đâu, tìm nhà ai lúc này. Tôi hỏi nhà ông "chủ xị" của xóm chài này. Bà lái thuyền nhanh nhảu chỉ tay về phía ngôi nhà mới xây nằm ngay mé sông nói hồ hởi: "Nhà ông Quyết, ông ấy là Tổ trưởng của tổ 11, gồm tất cả mấy chục hộ bè nổi đây". Tôi mừng quá, phi thẳng lên bờ cù lao và không quên cảm ơn bà cô tốt bụng.

Nhìn tổng thể ngôi nhà trên vòm dừa này, tôi đoán gia chủ cũng thuộc hàng khấm khá nhất nhì trong xóm. Ông Quyết chào tôi, ông cười để phô ra hai hàm răng trắng đều càng tôn thêm phần da ngăm đen của người từng trải đời với sông nước.

Những đứa trẻ luôn phải giành giật với "thủy thần" từng ngày bên mép thuyền.

Ông dẫn tôi đi thăm xóm chài, ngồi trên chiếc ghe cũ mục, nước rỉ rả chấp chênh trên sóng nước êm đềm, trong lòng tôi có một niềm tin mãnh liệt vào sự an toàn khi đi cùng ông. Tôi đưa ý nghĩ ấy ra, ông cười khà khà: "Sai lầm rồi đấy, tôi bơi giỏi lặn sâu nhưng chưa chắc tôi cứu được cô. Còn phải xem cái duyên có hợp không nữa".

Nói đoạn ông chép miệng lắc đầu, chợt ông đổi hẳn sắc thái khi nhớ về cái chết thương tâm của đứa em gái ruột. Ngày đó, nước sông sâu và chảy xiết lắm, nhiều vùng xoáy tử thần không thể biết trước được. Gia đình ông Quyết thuộc hàng cây đa cây đề ở xóm chài này, đâu từ năm 1975 gì đó.

Đứa em gái bé bỏng của ông đang nô đùa mạn thuyền thì trượt chân té ùm xuống. Ngay lập tức, ông lao theo nhưng không kịp. Dòng xoáy cuốn băng thi thể bé gái ra xa. Nửa ngày sau đó, đàn ông trai tráng được huy động tìm thấy xác bé gái nhưng đã muộn.

Ông Quyết luôn lấy đó làm bài học xương máu với chính cuộc đời mình và những đứa con sau này của ông. 5 đứa con, hai vợ chồng ông canh chừng 24/24h, thậm chí, đi vệ sinh còn cho con theo. Cha nào, nghiệp đó, con cái ông Quyết lớn lên đều theo nghề chài lưới của cha. Mấy năm trở lại đây, sông cạn nhiều, tôm cá bỏ đi hết nên một vài đứa lên bờ làm công nhân.

Dẫn chứng ngay đứa cháu nội của ông Quyết, cách đây đúng một năm, bé Ti đang ở nhà với bà ngoại ở trên thuyền. Khi bà vừa bước chân ra để mua mớ rau thì phía sau cháu lao theo. Đứa bé lọt vào giữa khe của hai mũi thuyền, bà ngoại hoảng quá lao theo nhưng bắt không kịp.

Ông Hoàng Văn Quyết, thuyền trưởng" ở xóm chài.

Một số đàn ông con trai ở gần đó cũng chạy tới, họ đều thuộc hàng lặn giỏi mà không mò được bé Ti. 15 phút trôi qua, có một ông chạy đò ngang qua thấy thế bèn nhảy xuống. Ông ta lặn đúng một hơi thì vớt được bé. Đứa trẻ trong tình trạng nhợt nhạt, cứng đờ, nhịp tim còn thoi thóp. Sau khi hô hấp nhân tạo, bé được đưa tới bệnh viện và rất may, bé đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

"Từ khi chết hụt, bé đã trở lại bình thường nhưng dư chấn ngày đó không hề làm bé sợ hãi, nếu cha mẹ sơ sẩy một tích tắc, chúng sẵn sàng lao xuống sông mà người lớn không thể trở tay". Anh Hoàng Văn Sơn cha bé Ti cho biết.

Tình trạng đuối nước ở trẻ em đặc biệt vào dịp các em nghỉ hè xảy ra khá phổ biến ở nhiều vùng sông nước. Riêng các em ở làng chài Thái Hòa, do cuộc sống cha mẹ còn nhiều khó khăn, họ chủ yếu bỏ con chơi tại ghe, xuồng của mình để đi kiếm ăn. Hỏi nhà trẻ, nhiều phụ huynh lắc đầu ngao ngán: "Con tôm con cá chỉ đắp đổi qua ngày chứ tiền đâu gửi con nhà trẻ".

Buổi trưa không gió chỉ có nắng, chiếc ghe tròng trành đưa chúng tôi đến gia đình ông Mai Văn Tài. Cuộc sống lặng im như sông lặng cá, vợ chồng ông Tài ngồi co ro trên chiếc bè gỗ chỗ sứt, chỗ lủng. Trên mình vẫn đang đeo ống dây chạy thận, ông Tài nói từng tiếng trong hơi thở khó nhọc.

Nhìn xung quanh chiếc bè nổi của gia đình ông, tôi cố gắng đảo mắt xem còn tấm hình nào của đứa cháu nội đích tôn đã mất vì đuối nước cách đấy hai năm. Giọng như mếu, ông Tài cho biết: "Thằng nhỏ múp máp lắm, hai vợ chồng nó mới được đứa đầu tiên thôi. Hôm ấy, nó ở nhà với mẹ. Mẹ nó vừa đứng lên ra ngoài thì phía sau nó cũng đi theo mà không biết, vừa ra tới thì trượt chân rớt xuống. Mẹ nó túm lại không được. Hô hào anh em, bà con cô bác nhưng khi vớt lên được thì cháu mất.

Cá tôm một ngày nào đó sẽ hết, rồi đây những con người trên làng chài này sẽ đi đâu về đâu?

Khuôn mặt nhăn nhúm, quay vội hốc mắt sâu hoắm trực trào lệ, ông Tài ngẩng mặt lên trời thơ thẩn. Cũng may, ngay sau đó thì vợ anh con trai ông Tài có thai. Chị sinh hạ một đứa con trai đáng yêu. Đến nay, thằng cháu nội của ông cũng được hai tuổi nhưng kể đến đây, ông Tài cau có, giận dữ hẳn lên: "Vợ chồng nó đâu biết sợ là gì, lần trước chưa đau đớn hay sao mà giờ nó bỏ con lơi lỏng. Vẫn cho con xuống ghe, vẫn chơi bời buông lỏng. Tôi nói hết lời rồi, không nghe rồi sẽ biết".

Tuổi thơ trong sợi dây xích

Bao nhiêu vụ đuối nước thương tâm xảy ra ở làng chài này, một thực tế đã được cảnh báo trước nhưng vì cuộc sống lo miếng cơm, tấm áo mặc hằng ngày và lo cho những miệng ăn đang tuổi lớn mà các bậc cha mẹ phải "liều mình" thử con với thủy thần.

Những đứa cháu của ông Quyết đều ở độ tuổi  từ 3-5 tuổi nên chưa có khả năng bơi. Ở làng chài này, những nhà nào có con em trong đổ đuổi 5-7 đều phải tập bơi cho chúng. Và đó là phương pháp hữu hiệu nhất để khi xảy đuối nước trẻ có thể phản xạ tích cực, đúng phương pháp.

Bé Lan, 6 tuổi, năm nay bước vào lớp một nhưng đã trở thành một tay bơi "cừ khôi" ít ai sánh bằng. Anh Hoàng Minh Sơn cho biết: "Chúng tôi tập bơi cho con rất đơn giản, không có áo phao, bảo hộ gì hết. Tôi cứ đưa con ra mặt nước, cho nó tập vùng vẫy rồi khi nào thấy cháu nó đuối thì đưa vào. Tất nhiên là mình phải theo dõi sát sao từng hoạt động của con".

 Huấn luyện thành công đứa con gái đầu, giờ còn hai đứa nữa, anh Hoàng sẽ tiếp tục, mục đích của mình là tạo cho con một nền tảng vững chắc trong cuộc sống sông nước.

Ngoài những đứa con biết bơi, những đứa nhỏ hễ đi đâu làm gì kể cả giặt quần áo, vợ chồng anh Hoàng cũng phải buộc dây xích hoặc can nước vào người. "Vậy cũng chỉ một phần nào thôi, năm ngoái anh Tân ở xóm bè cũng buộc con bằng dây rồi sang bè khác có chút việc, khi trở về thì đứa con bị lọt xuống dưới. Người đi ngang tưởng nhà anh Tân câu được con cá to, gọi anh Tân chạy về. Thì ra "con cá" to đó chính là con trai duy nhất của anh Tân.

Ở xóm chài này, ngoài việc cuộc sống nổi trôi theo con nước, theo đàn cá tôm còn muôn vàn câu chuyện đau thương từ những số phận trẻ em đuối nước. Chúng sinh ra, lớn lên sống tuổi thơ gắn với mạn thuyền, con đường học hành cũng lắm chông gai và hơn thế nữa, sự chăm sóc, bảo vệ và chung tay của cả cộng đồng là rất cần thiết

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân (Tp Biên Hòa, Đồng Nai)

Cuộc sống của bà con ở làng chài Thái Hòa đa phần là đánh bắt tôm cá nên không ổn định. Về kinh tế, bà con làng chài còn khó khăn hơn nhân dân trên bờ. Chúng tôi đã kêu gọi vận động Hội Khuyến học và một số ban ngành địa phương để chung tay giúp cho các em đến trường.

Địa phương cũng tổ chức định kỳ các buổi tuyên truyền về biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ, thậm chí phát cả lên loa truyền thanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất cấp trên hỗ trợ áo phao cho những em thuộc diện hộ nghèo ở. Các em đến độ tuổi đi học đều được hỗ trợ miễn giảm kể cả các em gửi nhà trẻ, chúng tôi cũng có chính sách hỗ trợ.

Ngọc Thiện
.
.
.