Về thăm "thị trấn tỷ phú"

Thứ Ba, 19/01/2016, 13:33
Chỉ vài năm trước, nhiều người dân của thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vẫn còn khá nghèo. Vậy mà giờ đây cũng tại thị trấn nhỏ này, người ta đếm không hết những "tỷ phú nông dân". Sở dĩ có sự thay đổi chóng mặt ấy cũng nhờ vào cây cam. Thương hiệu cam Cao Phong giờ đã nổi tiếng khắp cả nước.

Sức bật từ một nghị quyết

Mười năm trước, người dân Cao Phong đã nghĩ đến cái kết nghiệt ngã cho giống cam thơm ngon nức tiếng của mình. Nhiều người đã phải phá bỏ cam trồng mía, trồng sắn. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, những giống cam quý như Xã Đoài, Sông Con, Navel, Valencia đã di thực về Cao Phong.

Với kiểu khí hậu đặc thù ở vùng đất có độ cao 250m so với mực nước biển, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi, nhiệt độ thấp hơn các vùng khác khoảng 3 đến 4 độ c đã tạo ra những trái cam mọng nước, ngọt thanh và mùi thơm khó có nơi nào sánh được.

Nhiều người còn nhớ như in thời hoàng kim, đó là thời kỳ kinh tế quốc doanh, Cao Phong là địa chỉ vàng sản xuất cam xuất khẩu sang Liên Xô cũ. Sau thời kỳ đo,á cam Cao Phong đi vào lụi tàn. Cái lúc mà "cha chung không ai khóc" ấy, cam Cao Phong gần như bị tuyệt diệt. Sâu bệnh hoành hành, năng suất, sản lượng tụt lùi chóng mặt. Các vườn cam bị đẵn bỏ vì thoái hóa rất thê thảm. Mãi sau này khi thực hiện cơ chế mới, khoán cho từng hộ nông dân, cam Cao Phong mới có dấu hiệu hồi sinh.

Chàng trai 9x với thu nhập hàng tỷ đồng từ vườn cam.

Ông Bùi Văn Toàn (65 tuổi) nhớ lại: "Dù có phục hồi nhưng lại xuất hiện cam Vinh, cam Văn Giang… rồi cam Trung Quốc tràn vào thị trường, nên cam Cao Phong nhanh chóng chìm nghỉm". Ngày đó 1kg cam chỉ bán được 3 đến 4 nghìn đồng, chủ vườn xót xa cũng phải bán để gỡ gạc giống và phân bón bỏ ra.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương bắt đầu "đứng ngồi không yên". Một nghị quyết đã được ra đời với tham vọng xây dựng một vùng nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Huyện ủy Cao Phong đã ban hành Nghị quyết 04 (năm 2006) về phát triển cây ăn quả và cây công nghiệp giai đoạn 2006 - 2016, định hướng đến năm 2015 - 2020. Trong đó ưu tiên cho 2 loại cây chính đó là cây mía và cây có múi (cam, bưởi). Khắp các xã, thị trấn trong huyện được vận động đẩy mạnh diện tích trồng cam trên cơ sở quy hoạch vùng trồng cam của nông trường Cao Phong.

Liên tiếp có những hoạt động chuyển giao kỹ thuật: tổ chức các lớp tập huấn, tổ chức các buổi tham quan thực địa. Chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ 30 triệu/ha với những hộ đủ điều kiện. Hằng năm, Trạm bảo vệ thực vật huyện được cấp kinh phí 20 triệu đồng cho các công tác dự báo; hướng dẫn bà con phòng, trị sâu bệnh. Hệ thống thủy lợi cũng được sửa chữa, hoàn thiện, nâng cấp.

Giá cam vài năm gần đây tương đối ổn định.

Sau những nỗ lực không  mệt mỏi của chính quyền địa phương và nhân dân, dấu hiệu phục hồi của cam Cao Phong đã xuất hiện. Năm 2010, diện tích cam, quýt toàn huyện đã đạt 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn, đến năm 2015, diện tích đã đạt trên 12.000 ha. Theo tính toán, mỗi ha cam cho thu nhập trung bình khoảng 600 triệu đồng.

Năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý "Cao Phong" cho 4 sản phẩm cam gồm: cam Xã Đoài cao, cam Xã Đoài lùn, Cam Canh, cam CSI trồng tại thị trấn Cao Phong và 5 xã Tân Phong, Tây Phong, Bắc Phong, Thu Phong, Dũng Phong. Để có thương hiệu cam Cao Phong như hiện nay, và có được cái tên "thị trấn tỷ phú" là nhờ "cú hích" mạnh mẽ từ một nghị quyết.

Những nông dân tỷ phú

Khoảng 5 năm trở lại đây, Cam Cao Phong vừa được mùa lại được cả giá. Riêng năm 2015 có tới hơn 200 hộ thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trở lên nhờ bán cam, quýt. Về Cao Phong những ngày giáp Tết mới thấy không khí buôn bán, sản xuất ở đây chẳng khác nào một khu chợ đầu mối sầm uất, kẻ mua người bán qua lại tấp nập.

Dọc hai bên đường nhà cao tầng mọc lên như nấm, xe hơi của những lão nông đếm không xuể. Ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch UBND thị trấn Cao Phong tự hào: "Năm nay chúng tôi thống kê được gần 100 hộ thu nhập trên 1 tỷ đồng; có tới chục hộ thu nhập từ 3 đến 8 tỷ. Nếu hỏi ngay tức khắc có bao nhiêu nông dân tỷ phú chắc tôi không đếm được".

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Đức Thủy (Khu 3, thị trấn Cao Phong) người vừa đoạt giải Quán quân trong Lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất. Anh Thủy chia sẻ: "Hiện gia đình tôi có 4 ha, 2 ha đã cho thu hoạch. Trừ chi phí tất cả, mỗi ha cũng cho lãi trên 600 triệu/năm". Cam không chỉ cho người nông dân thu nhập bạc tỷ mà còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động phổ thông.

Cam được bày bán rất nhiều dọc quốc lộ 6.

Mỗi ha đến vụ chăm sóc, thu hoạch cần đến hàng chục người làm công, trung bình mỗi người khoảng 130 nghìn/ngày. Anh Thủy nói: "Nói chung những người nông dân không phải chủ vườn cam thì vẫn có công ăn việc làm ổn định. Họ không chỉ làm thuê cho các vườn mà còn trở thành những thương lái cam".

Trước đây những người nông dân căng mình phát nương trồng mía, rồi rớt nước mắt bán tống bán tháo vì không được giá. Thì nay ở Cao Phong nhiều người nông dân đang trở thành những ông chủ cỡ bự. Chuyện người nông dân đi "xế" sang thăm đồng, mua smartphone đời mới chẳng còn xa lạ. Trong số những tỷ phú ấy phải kể đến ông Nguyễn Văn Tiến (Khu 3, thị trấn Cao Phong) có tới 32 ha cam đang cho thu hoạch. Năm ngoái ông thu được hơn 2 tỷ/ha cam. Cách đây 2 năm, ông Tiến đã sắm chiếc xe hơi Fortunner để phục vụ việc di chuyển cho cả gia đình.

Về Cao Phong, nói đến tỷ phú trẻ và thành đạt, người ta luôn nhắc đến anh Bùi Việt Bách. Anh Bách sinh năm 1979 nhưng đang sở hữu khối tải sản mà nhiều người mơ ước. "Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên vườn cam của mình dự tính sẽ thu hoạch được khoảng 300 tấn cam. Chia làm 3 loại cam, đầu tiên là cam lòng vàng, sau sẽ đến cam xã Đoài và khi giáp Tết sẽ là cam V2" - anh Bách tự hào khoe.

Anh Thuỷ chủ nhân của vườn cam đạt giải nhất trong lễ hội cam Cao Phong lần thứ nhất.

Với khoảng gần 20 ha diện tích đất trồng cam, anh Bách còn phân vườn theo từng lứa cam khác nhau để liên tiếp có cam thu hoạch. Dù chỉ có khoảng 10 ha cho thu hoạch nhưng mỗi năm vườn cam của anh Bách cũng có thu hoạch trung bình từ 4 tỷ đến 5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho vài chục lao động của địa phương. Anh cho biết: "Trong những năm tới, thu nhập từ vườn cam nhà mình sẽ tiếp tục tăng lên nhờ những lứa cam mới chuẩn bị đến tuổi thu hoạch".

Thắng lợi từ việc trồng cam đã khiến nhiều người dân Cao Phong đổi đời. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trên địa bàn thị trấn có tới hơn 30 chiếc xe hơi loại sang, trị giá từ 1 tỉ đồng trở lên. Những dòng xe tầm tiền từ 500 triệu đồng trở xuống cũng có tới hàng trăm chiếc. Có hộ gia đình không sắm xe sang nhưng lại sẵn sàng bỏ ra vài tỷ để dựng nhà sàn.

Anh Nguyễn Đức Thủy nói vui: "Phất lên nhờ trồng cam nên nhiều người đã trở thành chỗ dựa không chỉ của gia đình mà cả dòng họ. Nào là đứng ra xây dựng từ đường, nào là tài trợ quỹ khuyến học...".

Song Anh
.
.
.