Vị Đại tá già sâu đậm với "Tình Đất Đỏ"

Thứ Năm, 16/04/2015, 07:00
85 tuổi đời và 65 năm tuổi Đảng, Đại tá Lê Văn Thiện (nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM) có thời gian hoạt động đầy hiệu quả với những chiến công xuất sắc của lực lượng An ninh T4 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông cũng từng là một cựu tù Côn Đảo. Chính khoảng thời gian bị giam cầm, tra tấn như biết bao chiến sĩ yêu nước ở đây, đã giúp ông viết nên tác phẩm "Tình Đất Đỏ" với những mẩu chuyện đặc sắc về giây phút hy sinh anh dũng cùng những huyền thoại quanh cuộc đời ngắn ngủi mà oanh liệt của Anh hùng - Liệt sĩ Võ Thị Sáu…

Ký ức kinh hoàng nơi "Địa ngục trần gian"

Sinh ra và lớn lên tại ấp Mũi Lớn, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, mới 15 tuổi, ông Thiện (tên thật là Lê Văn Giản, sinh ngày 30/4/1930) đã tham gia vào đội du kích. Hai năm sau ông đã là xã đội phó, rồi xã đội trưởng của xã. Sau khi Hiệp định Geneve năm 1954 được ký kết, ông quyết định ở lại miền Nam hoạt động bí mật, là Bí thư Đảng bộ xã. Năm 1956, Tỉnh ủy Gia Định thành lập đoàn cán bộ chỉ đạo riêng của Tỉnh ủy, ông được phân công làm Phó Đoàn kiêm Trưởng ban xây dựng căn cứ bí mật cho Tỉnh ủy.

Đến đầu năm 1959 ông được chỉ định làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định. Tháng 6/1959 do bị chỉ điểm, ông bị địch bắt. Tòa án quân sự chế độ Việt Nam Cộng hòa kết án ông 7 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo, khi hết án chúng tiếp tục câu lưu ông thêm hơn 1 năm nữa vì tội hoạt động chính trị trong tù. Được tự do ông lại về An ninh T4 làm việc và được phân công làm Trưởng Ban 1 kiêm Trưởng Ban 3, Ban 5 An ninh Phân khu 1.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh tổng tiến công và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30-4-1975 ông vinh dự tham gia vào cánh quân tiến vào Sài Gòn chiếm giữ Tổng nha Cảnh sát… Sau giải phóng, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng Phòng Cảnh sát Trị an (gồm lực lượng Cảnh sát hình sự và Cảnh sát quản lý hành chính). Sau đó, ông chuyển về làm Trưởng Công an quận Gò Vấp rồi được đề bạt làm Phó Giám đốc Công an TP HCM… Đến năm 1998, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Ông bảo, nghe kể sơ lược cuộc đời và công tác của ông chỉ đơn giản thế thôi, nhưng qua mỗi giai đoạn, mỗi dấu mốc lịch sử, sự kiện trong đời đều có những điều đáng nhớ, đáng trân trọng.

Đặc biệt thời gian ông bị đày ra nhà tù Côn Đảo - nơi được ví như "địa ngục trần gian" là dấu mốc ông không thể nào quên được trong đời, giúp sau này ông viết nên cuốn sách "Tình Đất Đỏ" (NXB Công an nhân dân, 2014).

Đồng chí Lê Văn Thiện - Nguyên Phó giám đốc Công an TP HCM.

Thời gian đầu mới bị đày ra Côn Đảo, ông đã nhanh chóng bắt liên lạc với các đồng chí đảng viên hoạt động trong nhà tù và sau đó ông tham gia trong Đảng bộ nhà tù, sinh hoạt tại chi bộ khu vực Nhà Đèn. Tuy nhiên, khu vực này sau đó bị lộ và ông đã bị đưa vào hầm Chuồng Cọp - nơi giam cầm và tra tấn tù nhân dã man và tàn bạo nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo.

"Khi đó, tôi bị giam ở hầm 16 Chuồng Cọp trại 3, chịu đủ các cực hình tra tấn ghê rợn nhất như các anh em khác bị đưa vào đây. Với người mới bị đưa vào Chuồng Cọp, đám cai ngục sẽ bắt phải lột hết quần áo treo phía ngoài cửa. Đầu tóc thì bị chúng lấy tông đơ cạo trọc lóc. 

Do mái Chuồng Cọp được thiết kế có hai nóc nên gió lùa vào rất lạnh, nhất là vào mùa gió chướng thổi vào, tù nhân sẽ bị lạnh khủng khiếp, ai có bệnh phổi rất dễ chết. Hàng ngày, tù nhân bị còng hai chân bằng cùm chữ U, xỏ vào cây sắt rồi khóa lại. Trong khi đó, hai tay bị khóa bằng còng số 8 (tréo hai tay về phía sau lưng).

Một hình thức tra tấn khác khiến tù nhân rất kinh sợ là khớp miệng - đơn giản chỉ bằng thanh tre mỏng, dài chừng hai tấc, hai đầu khắc sâu chừng 2 ly để tiện cột dây căng cây khớp vào miệng, dây buộc vòng ra sau ót. Nếu tù nhân bị khớp miệng chừng 10 ngày thì cứng hàm không nhai cơm được…

Vào ban đêm, cứ 2-3 tiếng cai ngục lại cho người giội nước xuống từng hầm Chuồng Cọp khiến cho tù nhân trong tình trạng không mặc quần áo đều bị lạnh cóng, ai bệnh phổi thì vô cùng nguy hiểm…

Những hình thức tra tấn dã man cùng chế độ ăn uống vô cùng hà khắc tại khu vực Chuồng Cọp đã khiến cho đa số tù nhân đều bị táo bón, kiết lỵ mà không có thuốc, trong khi lại phải uống nước lã nên rất nhiều người đã không qua khỏi…", ông Thiện nhớ lại những ký ức kinh hoàng một thời đã qua.

Một cuốn sách với nhiều tiết lộ mới về Anh hùng - Liệt sĩ Võ Thị Sáu

Cầm cuốn sách "Tình Đất Đỏ" - bên cạnh những chi tiết về thời gian ông Thiện bị đày ải ở khu hầm Chuồng Cọp là những mẩu chuyện đặc sắc do ông ghi nhớ lại từ sự chứng kiến của người tận tay chôn cất, bảo quản mộ phần nữ Anh hùng Võ Thị Sáu. Một cách rất nâng niu, ông bảo rằng tuy cuốn sách khá mỏng, "khiêm tốn" nhưng đây là tác phẩm mà ông vô cùng tâm đắc và trân trọng.

Theo lời ông kể lại, trong thời gian bị giam cầm ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo, ông bị giam chung phòng với một tù nhân tên là Tám Vàng (là tù thường án, tù nhân cao tuổi nhất - 70 tuổi)… Nhìn cung cách, lối sống của bạn tù, ông Tám Vàng đoán chắc đó là một người "Cộng sản" nên tin tưởng đem các sự kiện xảy ra trong ngày nữ Anh hùng Võ Thị Sáu bị xử bắn (23/1/1952) cùng những dư âm tác động sau đó mà ông này đã trực tiếp chứng kiến nhưng chưa dám tiết lộ với ai kể cho ông nghe.

Dù gọi là tù thường án, nhưng ông Tám Vàng vốn là một tay lưu manh, anh chị có tiếng, bị thực dân Pháp kết án chung thân khổ sai, lưu đày biệt xứ và đã ở tù hơn 40 năm ở Côn Đảo. Ông này được cai ngục tin tưởng giao cho việc chôn cất thi thể tù chính trị ở Nghĩa trang Hàng Dương. Được các ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng giác ngộ nên ông Tám Vàng từng bước thay đổi nhận thức, chọn cách sống có ý nghĩa.

Do đặc thù công việc nên ông Tám Vàng tận mắt chứng kiến nhiều cuộc xử bắn và tận tay chôn cất nhiều tù chính trị, trong đó có chị Võ Thị Sáu. Nhiều năm trôi qua nhưng quang cảnh pháp trường, thái độ hoảng sợ của bọn lính lê dương trước khí phách hiên ngang, anh hùng của chị Võ Thị Sáu cứ ám ảnh, thôi thúc ông Tám Vàng phải tiết lộ với ai đó về phút giây lịch sử trên. Và cũng vì nể phục chị Võ Thị Sáu nên thay vì lấp đất chôn xác, ông Tám Vàng đã bí mật tìm mọi cách để có 4 tấm ván làm hòm dã chiến, chọn nơi an nghỉ cuối cùng và lập bia mộ bằng cột xi măng cho người nữ anh hùng trẻ tuổi.

Có lẽ vì sự anh hùng, gan dạ, không khuất phục trước kẻ thù nên sau khi hy sinh, chị Võ Thị Sáu được nhiều người cho là "thần thánh" linh thiêng. Chính điều này đã khiến tất cả công chức, giám thị, binh lính của chế độ cũ - kể cả gia đình vợ con họ khi bị phân công ra đảo nhận nhiệm vụ hoặc sinh sống đều đến mộ thắp nhang cho "Cô Sáu". Trong đó có cả việc Thiếu tá Tỉnh trưởng Côn Sơn (Côn Đảo) là ông Tăng Tư đã cho vợ về Chợ Lớn (Sài Gòn) đặt tấm bia đá cẩm thạch có khắc chữ "Liệt nữ Võ Thị Sáu" đưa ra đảo dựng trước mộ người nữ anh hùng thay cho lời thành kính, nhưng rồi đã bị mất chức ngay sau đó ra sao.

Hay chuyện một y tá khi cứu sống được vợ giám thị nhà tù Côn Sơn đã thừa nhận mình không hề tài giỏi gì mà tất cả đều do nhờ "Cô Sáu" hiển linh phù hộ. Chuyện hiển linh của "Cô Sáu" sau đó lan truyền trong binh lính, người dân đảo Côn Sơn rồi trở thành huyền thoại nối dài theo năm tháng.

Những bí mật ông Tám Vàng tiết lộ đã được ông Thiện viết lại thành sách. Điều đáng nói là ông Thiện không đơn thuần kể lại chuyện đã nghe mà có kiểm chứng thực tế bằng việc gặp gỡ những nhân vật đã được ông Tám Vàng nhắc tới. Có thể nói, đây là những chuyện khá mới và chi tiết về giây phút hy sinh anh dũng cùng những huyền thoại quanh cuộc đời ngắn ngủi mà anh hùng của nữ chiến sĩ trinh sát Đội Công an xung phong Đất Đỏ - Võ Thị Sáu.

"Tình Đất Đỏ" - cuốn sách với nhiều chi tiết mới về Anh hùng Võ Thị Sáu.

Như trên đã đề cập, sau khi được tự do, ông Thiện đã quay về An ninh T4 làm việc (trong đó có thời gian ông làm Trưởng phòng Phòng B3 Điệp báo kiêm chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang) và hoạt động trong suốt phần còn lại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông bảo rằng mình không thể nào quên những ký ức trong ngày 30-4-1975 lịch sử khi ông vinh dự cùng ông Thái Doãn Mẫn (Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh) chỉ huy cánh quân từ xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) tiến vào Sài Gòn lúc trưa cùng ngày chiếm giữ Tổng nha Cảnh sát - cơ quan đầu não khét tiếng của ngành cảnh sát chế độ Việt Nam Cộng hòa…

"Có thể nói, việc chiếm Tổng nha Cảnh sát - một trong những cơ quan, mục tiêu vô cùng quan trọng của địch không tốn một viên đạn, nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi đã tiếp quản và giữ gìn được nguyên vẹn kho tài liệu hồ sơ tối mật đồ sộ của địch - gồm chủ yếu là danh sách, hồ sơ của toàn bộ lực lượng cảnh sát đặc biệt và mạng lưới cơ sở của địch... để phục vụ cho những công việc sau này của ngành Công an".

Nói về gia đình mình, ông Thiện vui vẻ chia sẻ, ông là con thứ 6 trong tất cả 7 anh em. Giống như ông, các anh em của ông cũng sớm tham gia hoạt động cách mạng. Nhưng hai người em trai của ông đã hy sinh anh dũng khi chiến đấu ở chiến trường miền Nam (mẹ ông đã được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Năm 23 tuổi, ông lập gia đình với một phụ nữ ở chung ấp và vợ chồng ông có tất cả 5 người con (4 trai, 1 gái).

"Dù nhiều năm cơ cực, gian khổ chiến đấu rồi bị đày ải ở “địa ngục trần gian” nhưng nhiều năm nay tôi gần như chưa phải đến bệnh viện. Tôi may mắn có một sức khỏe tốt và trí óc minh mẫn. Các con cháu tôi cũng đều đã trưởng thành, gia đình hạnh phúc, đầm ấm - đó là những điều tôi cảm thấy rất mãn nguyện. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục viết sách về những câu chuyện trong những ngày tháng lịch sử, hào hùng của đất nước", ông Thiện hào hứng cho biết.

Trong suốt cuộc trò chuyện gần hết một buổi sáng, vị Đại tá - một nhân chứng sống của một thời kỳ, một giai đoạn đấu tranh hào hùng nhưng cũng đầy thăng trầm của đất nước - say sưa kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình một cách đầy hãnh diện. Những câu chuyện ông kể khiến chúng tôi - thế hệ sinh sau khi đất nước hòa bình - càng thấm thía, trân trọng những gì mà thế hệ cha ông đi trước phải đổ bao công sức, máu xương đấu tranh giành được độc lập toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước.

Phú Lữ
.
.
.