Tiết lộ "động trời" của một người từng can án:

Vì đâu hàng "mông má" lọt vào bệnh viện?

Chủ Nhật, 17/08/2014, 10:30

Hành trình "lắt léo" khiến một cái máy đã "mông má" có thể thắng thầu và lọt được vào bệnh viện, đã được một người từng là bị can trong vụ án làm giả chứng chỉ xuất xưởng (CO, CQ) của thiết bị y tế, "bật mí" riêng với PV CSTC.

Điều gì sẽ xảy ra nếu máy xét nghiệm, thiết bị khám chữa bệnh không đảm bảo chất lượng? Câu trả lời đó chính là sự đe dọa đối với tính mạng, sức khỏe của người bệnh. Bởi khi máy báo thông số sai, khởi đầu cho một chuỗi những sai lầm "chết người" từ chẩn đoán đến xây dựng phác đồ cấp cứu, điều trị. Vậy nên càng quan tâm cho sức khỏe bao nhiêu, xã hội lại càng bàng hoàng lo lắng bấy nhiêu, khi biết có những thiết bị y tế "lởm" vẫn đang hiện hữu trong các bệnh viện, hằng ngày vẫn cho ra các thông số làm nên những liệu trình điều trị.

Câu chuyện mà Sở Y tế TP Hà Nội công bố tại cuộc họp báo chiều 29/7/2014, chính là "cái nhọt bọc" đầu tiên bị vỡ, từng bước làm lộ ra "mầm bệnh" đang âm ỉ trong hoạt động nhập khẩu và mua bán thiết bị y tế tại các bệnh viện. Điều mà lâu nay công luận không có cơ hội để tiếp cận, biết đến.

Hành trình "lắt léo" khiến một cái máy đã "mông má" có thể thắng thầu và lọt được vào bệnh viện, đã được một người từng là bị can trong vụ án làm giả chứng chỉ xuất xưởng (CO, CQ) của thiết bị y tế, "bật mí" riêng với PV CSTC.

Chuyện "lõi Tàu, vỏ Đức"

Thông tin về những vụ Hải quan phát hiện những lô hàng thiết bị y tế "hết đát" tại các Cảng hàng không, nối tiếp với nó là chuyện về những chiếc máy xét nghiệm sinh hóa trong gói thầu số 4 của Sở Y tế Hà Nội (trang bị cho các bệnh viện tuyến huyện) không đảm bảo chất lượng, rồi tin Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thường Tín dùng máy xét nghiệm không rõ nguồn gốc, những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận. Người dân quan tâm lo lắng, bởi sức khỏe luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người, là vấn đề dân sinh nhạy cảm nhất.

Sự việc "nóng" lên từ cuộc kiểm tra của Đoàn công tác liên ngành Hà Nội tại BVĐK Thường Tín. Kết quả đã phát hiện bệnh viện này đặt tại Khoa Xét nghiệm máy xét nghiệm sinh hóa nhãn hiệu Hitachi 717, series 6312-19. Chiếc máy này không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuộc dòng thiết bị cũ đã dừng sản xuất và có dấu hiệu được nhập lậu vào Việt Nam. Lãnh đạo bệnh viện giải thích, vì máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 do Sở Y tế Hà Nội trang cấp đang bị hỏng, nên bệnh viện đã mượn chiếc máy này của Công ty TNHH Phú Cường An (ở 91/50 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) để phục vụ khám chữa bệnh. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tịch thu, tiêu hủy chiếc máy Hitachi 717 và phạt BVĐK Thường Tín số tiền 30 triệu đồng.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp báo chiều 29/7/2014.

Trước tin số máy xét nghiệm sinh hóa được trang bị theo gói thầu số 4 của Sở Y tế Hà Nội năm 2009 (cung cấp cho bệnh viện tuyến huyện) kém chất lượng, từ chiều 28/7 đến sáng 29/7/2014, một tổ công tác do ông Nguyễn Văn Dung - (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) dẫn đầu đã đến kiểm tra tại các BVĐK Thường Tín và BVĐK Hoài Đức. Đây là 2 trong số 6 bệnh viện huyện của Hà Nội được thụ hưởng gói thầu số 4, gồm 14 mặt hàng, trong đó có máy xét nghiệm sinh hóa tự động nhãn hiệu "Greiner GA240".

Khi kiểm tra những chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 đã bị hỏng, nằm "đắp chiếu" gần một năm tại các bệnh viện này, tổ công tác đã phát hiện ra những dấu hiệu "bất thường". Đó là bên ngoài vỏ máy có tem nhãn ghi sản xuất tháng 5-2010, hãng sản xuất: "Greiner Diagnostic GmbH", xuất xứ từ Đức. Nhưng "bổ máy" ra thì thấy "lõi" toàn là đồ "hợp chủng quốc". Cụ thể gồm 3 quạt gió, 5 motor do Trung Quốc sản xuất và 1 quạt gió ghi xuất xứ Việt Nam.

Điều "khó hiểu" nữa, đó là khi 2 chiếc máy này bị hỏng thì cả 2 bệnh viện đều không thông báo cho đơn vị cung cấp máy đến sửa, mà đi mượn máy nhập lậu bên ngoài để dùng (như BVĐK Thường Tín). Nhưng chỉ sau 3 ngày sửa chữa là máy hoạt động trở lại. Ông Nguyễn Văn Dung khẳng định việc bảo trì, bảo dưỡng máy móc như vậy là không đúng quy định.

Lời "bật mí" kinh hoàng

Lý giải về việc chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 tại BVĐK Thường Tín mang "hồn Trương Ba, da hàng thịt", ông Nguyễn Quốc Hưng - (Trưởng phòng XNK 4, Công ty XNK Khoáng sản - đơn vị cung cấp máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 cho Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Việc máy của Đức nhưng linh kiện bên trong do Trung Quốc sản xuất là điều bình thường, trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, không quốc gia nào tự sản xuất một mặt hàng "từ A đến Z", mà có thể đặt sản xuất linh kiện ở một nước thứ 3.

Kiểm tra máy xét nghiệm Greiner GA 240 tại BVĐK Hoài Đức.

Về chuyện này, Hà Mạnh H. nguyên Giám đốc Công ty T.C ở Thanh Trì, Hà Nội lại có cách giải thích khác, đúng hơn đó là một tiết lộ "động trời". Từng bị Đội 14- Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội bắt năm 2010 về hành vi làm giả chứng chỉ CO, CQ trong hồ sơ chào thầu bán thiết bị y tế cho Bệnh viện GTVT, H. kể vanh vách với tôi về "nghề" nhập hàng thiết bị y tế "lởm" để bán cho các bệnh viện trong nước.

Theo H., trong nước có một số doanh nghiệp chuyên móc nối với người nước ngoài để thu gom máy móc, thiết bị y tế đã "hết đát" bị quẳng ra các bãi rác công nghiệp. Số "hàng" này được chuyển về một số trung tâm đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Sau quá trình "tút tát, mông má", hàng "long lanh" trở lại và được dập "hú họa" một dãy số seri bất kỳ. Tiếp theo các công ty này nhập hàng về Việt Nam với giá chỉ bằng 1/5 đến 1/10 giá trị của sản phẩm cùng loại đang lưu hành trên thị trường.

Vì máy móc thiết bị y tế nhập khẩu phải luôn đi kèm theo bộ chứng chỉ xuất xưởng và chứng chỉ chất lượng (gọi tắt là CO, CQ), cùng các tài liệu như giấy phép nhập khẩu, chứng từ hải quan… nên bắt buộc phải làm giả các tài liệu này. Năm 2010 chính H. đã bị bắt khi đang chỉ đạo nhân viên "sản xuất" tài liệu để đưa vào hồ sơ dự thầu.

"Nếu nhập về nước trót lọt, hàng sẽ được "chạy lòng vòng" qua một vài công ty để xóa dấu vết, rồi được đưa tham gia chào thầu trong các dự án mua thiết bị y tế của các Sở Y tế, bệnh viện. Dù là hàng "đểu" nhưng tính "thanh khoản" lại cao, vì có giá rất cạnh tranh, không đâu có thể rẻ hơn. Đương nhiên, để "vào" được các dự án, việc "chung chi" các bên phải "tốt", nhưng giá ghi trên hợp đồng vẫn bình thường" - H. kể rồi cười ranh mãnh.

Một vụ bắt giữ lô hàng thiết bị y tế "hết đát" tại Hải quan sân bay.

Để biết đâu là hàng thật chính hãng, đâu là hàng "lởm", hàng "mông", theo H."cực" đơn giản. Đó là chỉ cần truy cập vào các trang web chính thức của các hãng sản xuất thiết bị, gõ dãy số seri ghi trên máy cần kiểm tra vào mục tra cứu sản phẩm. Tại mục này, nhà sản xuất luôn niêm yết cụ thể ngày sản xuất, hạn sử dụng, ngày thanh loại của từng mã sản phẩm. "Nếu đối chiếu mà không thấy có thông tin tương ứng với máy cần kiểm tra, khẳng định luôn 100% đó là hàng "mông má" từ "của bỏ đi" vì đã "hết đát". Cái chính là không ai làm việc này, chỉ cần đủ tài liệu hồ sơ hợp lệ là ô kê trúng thầu" - H. cho biết.

Điều H. tiết lộ có vẻ giống với hành trình "lắt léo" của chiếc máy Greiner GA 240 tại BVĐK Thường Tín và Hoài Đức. Trước khi "chui" được vào gói thầu số 4 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức năm 2009, chiếc máy này thuộc sở hữu của Công ty CP XNK Khoáng sản. Nhưng trước đó, nó thuộc về Công ty TNHH Thương mại Tâm Long. Và, trước khi là tài sản của Công ty Tâm Long, chủ của nó lại là Công ty TNHH Bình Mai ở quận Đống Đa (Hà Nội). Như vậy, chiếc máy đã "chạy lòng vòng" dạo qua 3 công ty trước khi "về đích" là các bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội. Được biết, Công ty CP XNK Khoáng sản đã trúng gói thầu này với giá 26,78 tỷ đồng, năm 2012 đã được quyết toán đầy đủ.

Ngày 31/7/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho biết thêm một chi tiết rất quan trọng. Đó là lô máy Greiner GA240 có hai tờ giấy phép nhập khẩu, có cùng một số 5087 nhưng thời gian ký khác nhau, vào tháng 6/2010 và tháng 8/2010. Người ký giấy phép đều chính là bà Tiến khi còn ở cương vị Thứ trưởng.

Như vậy, rất có thể đã xảy ra vụ án làm giả con dấu, tài liệu và gian lận thương mại trong việc nhập khẩu lô máy xét nghiệm nói trên, hoàn toàn trùng hợp với những gì H. đã nói với chúng tôi. Do đó, rất cần thiết phải có một cuộc điều tra toàn diện và kỹ lưỡng về hoạt động mua sắm thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Muộn còn hơn không

Trước bức xúc của công luận, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã chính thức vào cuộc để tiến hành điều tra về những vấn đề liên quan đến vụ việc này.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - (Vụ trưởng Vụ Công trình, trang thiết bị y tế  - Bộ Y tế) cho biết: "Hồ sơ doanh nghiệp nộp lên, chúng tôi đối chiếu theo quy định thấy đầy đủ giấy tờ thì cấp phép cho nhập khẩu với yêu cầu kiên quyết là mới 100%. Khi hàng chuyển về Việt Nam, đơn vị kiểm tra lô hàng có đúng như cấp phép của Bộ Y tế không lại là cơ quan Hải quan". Để khắc phục bất cập này, theo ông Tuấn cần sự phối hợp của các cơ quan. Theo đó, ngành Hải quan cần đưa trang thiết bị y tế vào "luồng đỏ", kiểm tra thực tế sản phẩm, thay vì đưa vào "luồng xanh" - chỉ kiểm tra thanh toán thuế. Ngoài ra, cần đưa thêm tiêu chí năm sản xuất vào làm yếu tố quyết định cấp giấy phép nhập khẩu. Chỉ cho phép  nhập khẩu thiết bị y tế sản xuất từ các năm 2013, 2014, trừ một số sản phẩm mang tính đặc thù. Mặt khác, cần thay hình thức cấp giấy phép nhập như hiện nay, bằng việc cấp số đăng ký. Đơn vị nhập khẩu phải đăng ký chất lượng sản phẩm và cam kết bảo hành, bảo trì sản phẩm đến cùng. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị rút số đăng ký

Đào Trung Hiếu
.
.
.