Vì một tương lai tốt đẹp cho các em

Chủ Nhật, 12/08/2018, 17:17
Sự có mặt của một đứa trẻ trong gia đình bao giờ cũng là điều kỳ diệu nhất. Trong ngôi nhà đó, vật chất có thể thiếu thốn, nhưng tình thương yêu dành cho đứa bé luôn đầy ắp.


Những mối quan hệ của các thành viên cũng được rút ngắn khoảng cách bởi họ luôn đặt quyền lợi của đứa trẻ lên trên hết. Và thiên thần bé nhỏ đó chính là động lực để mọi người vươn lên, sống tốt hơn vì họ muốn đứa bé sẽ có một tương lai tươi sáng.

Tất nhiên, mỗi con người một số phận. Đứa trẻ may mắn là được sinh ra trong những gia đình có điều kiện, bố mẹ hạnh phúc và luôn dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Còn những đứa trẻ không may mắn, thiệt thòi khi sinh ra ở những vùng sâu, vùng xa, điều kiện sống khó khăn; cha mẹ bất hòa, ly hôn hoặc vướng vào vòng lao lý…, không chỉ khó khăn về vật chất, chúng còn thiếu vòng tay ấm áp của những người thân. Để sống và vươn lên, chúng phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác.

Những năm gần đây, xã hội có những diễn biến phức tạp. Bên cạnh mảng sáng, người ta còn thấy một hiện thực đau lòng, đó là những đứa trẻ bị bóc lột lao động, bị lạm dụng hoặc xâm hại. Đó là nỗi đau chung, không chỉ với những người thân mà còn của tất cả chúng ta.

Minh họa của Lê Tâm.

Cách đây không lâu, tôi được dự một phiên tòa xử vụ án hiếp dâm trẻ em, nạn nhân là cô bé 10 tuổi và bị cáo là sinh viên năm cuối một trường đại học. Thật trớ trêu, nạn nhân và thủ phạm sống cạnh nhà nhau tại một huyện ngoại thành Hà Nội. 

Trước khi vụ án xảy ra, bị cáo còn có thời gian thân thiết, gắn bó với bố mẹ nạn nhân. Thế rồi trong một lần đi nhậu   về, khi thấy bố mẹ cô bé vắng nhà, dục vọng trỗi dậy và bị cáo đã không thể kiềm chế được bản năng…

Vào giờ nghị án, bố nạn nhân, một người đàn ông chưa đến 40 tuổi nhưng dáng người tiều tụy, đôi mắt trũng sâu với ánh nhìn vô hồn, mệt mỏi. Anh kể: đó là những ngày đen tối nhất của gia đình tôi. Con gái chỉ khóc, muốn một mình trong phòng, thỉnh thoảng lại lảm nhảm những câu vô nghĩa. Nhìn con mà vợ chồng tôi chỉ biết khóc theo. Hiểu theo một nghĩa khác, những kẻ hiếp dâm trẻ em có hành vi nghiêm trọng như giết người, bởi chúng đã giết chết sự ngây thơ, trong sáng và tâm hồn một đứa trẻ.

Phải mấy tháng sau, con gái tôi mới trở lại bình thường. Dù gia đình rất khó khăn nhưng cũng phải bán nhà và chuyển đến một nơi thật xa. Chúng tôi muốn “xóa” mọi ký ức buồn của cháu với hy vọng, môi trường mới sẽ mang đến cho cháu sự bình an.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%... 

Đó là những con số đau lòng, rất đáng báo động vừa được gióng lên tại Hội nghị toàn quốc về Công tác bảo vệ trẻ em do Thủ tướng Chính phủ chủ trì.

Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra một số thực trạng đáng buồn hiện nay. Đó là trong bối cảnh toàn cầu hóa, giá trị truyền thống bị thay đổi, mai một. Cha, mẹ, thành viên gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ con em mình. 

Hình ảnh đoàn tụ trong mỗi bữa cơm gia đình còn ít; “bữa cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng suốt, không ai nói một lời”… Những thông tin thiếu sàng lọc trên Internet, mạng xã hội và những điều phức tạp khác tác động rất lớn đến nhân cách, tâm hồn trẻ em.

Vì một tương lai tốt đẹp cho trẻ nhỏ, những người lớn chúng ta hãy dành thời gian nhiều hơn cho các em. Đó cũng là thông điệp mà Thủ tướng nhấn mạnh trong hội nghị: chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống tốt, lành mạnh cho các em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững, lâu dài. 

Đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, của mỗi cộng đồng dân cư và mỗi gia đình. Trong đó, bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội.

Khi tất cả hành động vì mục đích tốt đẹp, tôi tin chúng ta sẽ có được những kết quả khả quan. Đó là nền tảng để chúng ta xây dựng một xã hội ngày càng văn minh hơn.

Tuấn Nguyễn
.
.
.