Vì sao 3 năm vẫn chưa xử xong vụ tàng trữ rùa biển "khủng" ở Nha Trang?

Chủ Nhật, 24/12/2017, 08:27
Phiên tòa sơ thẩm hình sự lần thứ hai ngày 18-12-2017 của TAND TP Nha Trang (Khánh Hòa) xét xử vụ án "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ" đã phải tạm hoãn vì một hội thẩm nhân dân bận việc đột xuất.


Đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, vì theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), số lượng xác rùa biển thu giữ lớn nhất thế giới, nhưng sau 3 năm kể từ khi phát hiện, vụ án vẫn chưa khép lại...

Cuộc đột kích kho rùa biển “khủng”

Giữa năm 2014, trinh sát của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an, phát hiện kho hàng rùa biển lớn ở thôn Phước Trung, xã Phước Đồng, TP Nha Trang. Bên ngoài kho hàng là xưởng chế biển gỗ Hoàng Cường tọa lạc trên khu đất hoang sơ, cây cối um tùm được bảo vệ bởi tường xây vững chắc để che chắn khu giết mổ rùa biển và những bể chứa hóa chất xử lý mô mềm động vật bên trong. Cách đó không xa là kho đông lạnh và khu chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ rùa biển ở hai thôn Phước Lợi và Phước Hạ, xã Phước Đồng.

Hàng ngàn xác rùa biển bị phát hiện, thu giữ từ kho rùa biển "khủng".

Cùng thời điểm này, các chuyên viên của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) tại Hà Nội cũng đã cất công truy bám hành trình những người đánh bắt, mua bán rùa biển tại nhiều địa phương và đã phát hiện những dấu hiệu bất thường tại các cơ sở nêu trên. Chủ nhân các cơ sở này là Hoàng Tuấn Hải (45 tuổi) đăng ký thường trú tại thôn Phước Lợi, xã Phước Đồng nhưng tạm trú ở 15A Phùng Hưng, phường Phước Long, TP Nha Trang.

Ngày 19-11-2014, một tổ công tác phối hợp giữa các trinh sát Cục C49 và Phòng PC49 Công an tỉnh Khánh Hòa bất ngờ ập vào các cơ sở xử lý hóa chất và chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ rùa biển do Hoàng Tuấn Hải điều hành, đã thu giữ 5.056kg cá thể rùa biển khô.

Đến giữa tháng 12-2014, sau khi nhận được thông tin từ ENV về những nghi vấn tàng trữ số lượng lớn rùa biển, từ ngày 19 đến 25-12-2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ 4.379 cá thể rùa biển do Hoàng Tuấn Hải cất giấu nhiều nơi trong khu chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà Vũ Thị Hải Thanh (41 tuổi) trú ở thôn Phước Hạ, xã Phước Đồng, trong đó có số lượng lớn rùa biển đang ngâm trong những bể chứa dung dịch phoóc môn. Mở rộng hiện trường kiểm tra, cơ quan Công an còn phát hiện, thu giữ 3.855 vỏ sò cùng nhiều hóa chất, công cụ, thiết bị chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ rùa biển.

Văn bản giám định ngày 15-1-2015 của Viện Hải dương học Nha Trang kết luận, trong số 4.379 cá thể xác rùa biển có 5 cá thể thuộc loài Quảng Đồng - thường gọi là Đú, có tên khoa học là Caretta caretta, nằm trong nhóm danh mục các loại có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn; 6 cá thể thuộc loại rùa xanh - thường gọi là Đồi mồi dứa, có tên khoa học là Chelonia mydas, nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn.

Cả hai loại rùa biển Quảng Đông và rùa xanh đều được ghi danh trong phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 4.368 cá thể xác rùa biển còn lại thuộc loại Đồi mồi, có tên khoa học là Eretmochelysimbricata, nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN- Endangered). 3.855 vỏ sò thuộc loại trai tai tượng khổng lồ, có tên khoa học là Tridacnagigas, nằm trong nhóm danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Trước thời điểm phát hiện vụ việc, người dân địa phương cho biết chủ nhân kho hàng rùa biển "khủng" là Hoàng Mạnh Cường, biệt danh "Cường Đồi mồi", từng bị xử lý hành chính 10 triệu đồng về hành vi nuôi nhốt 849 cá thể rùa biển.

Đến khi Cục C49 và Phòng PC49 Công an tỉnh Khánh Hòa khám phá, thì Hoàng Tuấn Hải khai nhận mình là chủ nhân cơ sở chế tác mỹ nghệ từ Rùa biển sau khi nhận chuyển nhượng của em trai là Hoàng Mạnh Cường từ năm 2007.

Tại thời điểm kiểm tra, khám xét, Hoàng Tuấn Hải khai nhận trong số 3.855 vỏ sò thuộc loại trai tai tượng khổng lồ có 789 vỏ cất giấu trong kho hàng là của người khác gửi giữ, 3.066 vỏ rải rác trên hai thửa đất trống là… vô chủ.

Kho rùa biển cực "khủng" do Hải lần lượt thu mua của những người đánh bắt ngoài biển từ năm 2010 rồi đưa về xử lý bằng cách ngâm trong bể dung dịch phoóc môn trước khi chuyển sang chế tác sản phẩm mỹ nghệ để tung ra thị trường.

Hai lần hoãn xử

Theo ENV, rùa biển là động vật không chỉ được pháp luật Việt Nam bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ mà còn được ghi nhận tại Công ước CITES, nằm trong danh mục nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Mọi hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hay sản phẩm loài vật này đều phải bị xử lý theo pháp luật.

Vụ tàng trữ số lượng rùa biển "khủng" tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang là chiến công lớn, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 20-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát  bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Sau một thời gian xác minh, thu thập chứng cứ và trưng cầu giám định tang vật, ngày 10-6-2015, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ".

Tuy nhiên, sau 4 tháng tập trung điều tra, ngày 11-10-2015, cơ quan CSĐT Công an Khánh Hòa đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì vấp phải khó khăn về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh.

Theo lý giải của một số điều tra viên, điều 190 BLHS quy định tội danh ghép, nhưng quá trình điều tra không có căn cứ xác định đối tượng thực hiện hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt, buôn bán rùa biển; trong khi đó hành vi tàng trữ rùa biển không phải là tội phạm quy định tại điều luật này.

Mãi đến cuối tháng 8-2016, Viện KSND tối cao có văn bản gửi cơ quan CSĐT Bộ Công an thống nhất nội dung cuộc họp liên ngành với nội dung có đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với Hoàng Tuấn Hải theo khoản 1 điều 190 BLHS. Viện KSND tối cao đề nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ đạo cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khẩn trương giải quyết vụ án theo quy định pháp luật.

Theo đó, ngày 10-10-2016, cơ quan CSĐT tỉnh Khánh Hòa quyết định phục hồi điều tra vụ án, 7 ngày sau tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Tuấn Hải theo quy định tại khoản 1 điều 190 BLHS năm 1999, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ngày 8-12-2016, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa kết luận điều tra vụ án, đề nghị truy tố Hoàng Tuấn Hải theo khoản 1 điều 190 BLHS và chuyển hồ sơ cho Viện KSND TP Nha Trang thụ lý theo thẩm quyền. Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án và cáo trạng ngày 1-3-2017 của Viện KSND TP Nha Trang hơn 1 tháng, TAND TP Nha Trang trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung một số vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng và nội dung vụ án.

Tuy nhiên, cơ quan CSĐT Công an Khánh Hòa và Viện KSND TP Nha Trang giữ nguyên quan điểm truy tố Hoàng Tuấn Hải theo khoản 1 điều 190 BLHS có khung hình phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hoàng Tuấn Hải - chủ kho hàng rùa biển "khủng".

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, ENV có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng ở Khánh Hòa khẳng định vụ tàng trữ xác rùa biển nêu trên có số lượng lớn nhất thế giới từ trước đến nay, đồng thời kiến nghị truy tố, xét xử Hoàng Tuấn Hải theo khoản 2 điều 190 BLHS có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Trong những văn bản gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP Nha Trang, ENV luôn khẳng định số lượng đối tượng bị tác động cực kỳ lớn với hơn 7.000 cá thể rùa biển, hành vi của Hoàng Tuấn Hải gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với môi trường tự nhiên, cần phải xử lý nghiêm khắc.

Phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất ngày 29-11-2017 tạm hoãn do vắng mặt nhân chứng, người có quyền nghĩa vụ liên quan. Phiên tòa lần thứ hai ngày 18-12-2017 tiếp tục tạm hoãn do một hội thẩm nhân dân bận việc đột xuất.

Những người quan tâm đến vụ án này cho rằng, từ nhiều năm qua, tại những làng biển trong nước đã có không ít hình ảnh đẹp khi ngư dân, bộ đội biên phòng và các tổ chức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đã nỗ lực giải cứu, thả về đại dương những con rùa biển bị mắc lưới đánh cá, mắc cạn và chuẩn bị giết mổ để làm mồi nhậu.

Hành động đó đã góp phần tích cực bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; trong khi đó suốt một thời gian dài Hoàng Tuấn Hải đã thu mua hàng ngàn con rùa biển đưa về tàng trữ để ngâm phoóc môn trước khi đưa ra chế tác sản phẩm mỹ nghệ là một hành vi phạm pháp cần phải bị xử lý nghiêm.

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.