Vì sao Trung Quốc đứng ngoài hiệp định TPP?

Thứ Sáu, 25/11/2011, 15:50

Triển vọng với hơn 800 triệu dân, chiếm đến 35% GDP toàn cầu, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) đang trở thành một thể chế hợp tác tầm cỡ thế giới. Vậy mà, cho đến Hội nghị Thượng đỉnh APEC vừa qua tại Hawaii, Mỹ, Trung Quốc vẫn chưa có một bước tiến cụ thể nào để gia nhập TPP. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa chính thức công khai bày tỏ ủng hộ Trung Quốc.

TPP quan trọng như thế nào?

Theo Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam, Hiệp định TPP hiện nay được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các Hiệp định thế kỷ 21. Phạm vi của Hiệp định sẽ bao gồm hầu hết các lĩnh vực có liên quan tới thương mại, trong đó có nhiều lĩnh vực mới như môi trường, lao động, các vấn đề xuyên suốt liên quan đến thương mại như chuỗi cung ứng, doanh nghiệp vừa và nhỏ v.v… Cho tới nay, Hiệp định TPP đã trải qua 7 vòng đàm phán với nhiều nội dung gay cấn.

9 nước thành viên của TPP cho đến thời điểm hiện tại bao gồm Mỹ, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. TPP có một ý nghĩa mang tầm vóc thế giới. Ngày 12/11 vừa qua tại Hawaii, dường như muốn tìm giải pháp cho nền kinh tế lình xình hơn 2 thập kỷ qua, Nhật Bản đã chính thức bày tỏ muốn tham gia TPP. Và nếu Nhật Bản tham gia trong tương lai gần, 10 nước thành viên Hiệp định TPP sẽ chiếm tới 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới, lớn hơn rất nhiều so với Liên minh Châu Âu, hiện là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất, nhưng chỉ chiếm có 26% GDP thế giới.

Mỹ, Trung bất đồng

Tại các cuộc họp vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị Trung Quốc cần phải tôn trọng các quy định hiện hành về quyền bảo hộ trí tuệ, nâng giá đồng nhân dân tệ so với đô la. Ông tuyên bố: "Điều tôi muốn nói ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức, đó là chúng tôi muốn Bắc Kinh tôn trọng các quy định. Và hồ sơ tỷ giá có thể là một ví dụ tốt".

Một cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ tiết lộ với báo chí là trong cuộc hội đàm song phương bên lề APEC, Tổng thống Obama đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào là công luận Mỹ ngày càng có tâm trạng khó chịu, không thoải mái về những chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và tỷ giá. Theo trang tin trên mạng Trung Quốc chinanews.com, thì lãnh đạo Trung Quốc đáp lại rằng "Thâm hụt cán cân thương mại và các vấn đề thất nghiệp không phải là hậu quả của tỷ giá đồng Nhân dân tệ và ngay cả việc đồng Nhân dân tệ được nâng giá cao thì cũng không giải quyết được những vấn đề của Mỹ".

Cuộc tranh cãi về khuôn khổ tổ chức thương mại trong khu vực cho thấy rõ sự bất đồng Mỹ - Trung. Chính quyền Washington muốn làm việc này thông qua TPP với các mục tiêu thương mại cụ thể hơn vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Trung Quốc tẩy chay TPP?

Mặc dù không tham gia vào các cuộc thảo luận về TPP, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phát biểu tại Honolulu rằng ông ủng hộ một mục tiêu dài hạn đàm phán về một khu vực tự do thương mại trong khu vực, mà có thể trong tương lai bao gồm tất cả các thành viên APEC. Ông cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ tập trung vào đổi mới và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Liệu hai nhà lãnh đạo có tìm được tiếng nói chung?

Trong bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào muốn trấn an các lãnh đạo khác về việc Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế và tiếp tục cải cách. Mặt khác, ông Hồ Cẩm Đào cũng nhấn mạnh là Trung Quốc sẽ gia tăng vai trò, tác động đến các xu thế phát triển của kinh tế thế giới. Dường như để phản công chống lại dự án Hiệp định TPP, lãnh đạo Trung Quốc cho rằng các cuộc thảo luận về tự do trao đổi mậu dịch cần phải được tiến hành trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới. Thậm chí có thời điểm trước Hội nghị APEC, Trung Quốc còn được cho là chỉ trích TPP như một hình thức của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới?!

Thạch Hà
.
.
.