Vì sao các dự án chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất vẫn… tắc?

Thứ Tư, 05/06/2019, 10:42
Theo lãnh đạo UBND quận Tân Bình (TP HCM), ngoài các dự án thoát nước chậm tiến độ kể trên, việc quản lý hệ thống thoát nước bên trong sân bay  Tân Sơn Nhất cũng gặp nhiều khó khăn do trong sân bay đang có 10 đơn vị khai thác.

Các dự án cải tạo kênh mương đều ì ạch

Chiều 27-5, chúng tôi đã khảo sát thực tế tại tuyến kênh A41 trải dọc các tuyến đường Đồ Sơn, Phan Thúc Duyện… của phường 4, quận Tân Bình. Là con kênh có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, nhưng tuyến kênh này đang bị nhà dân hai bên bờ kênh lấn chiếm khá nhiều. Nhiều đoạn mặt kênh bị thắt hẹp lại như “nút cổ chai”, nhiều đoạn thì ngập rác…

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh,  đặc biệt là những kênh thoát  nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương đầu tư cải tạo các tuyến kênh mương: Kênh A41, kênh Tân Trụ, kênh Hy Vọng và mương Nhật Bản (nhánh 2), đây là các tuyến kênh mương quyết định chuyện thoát nước cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi vào mùa mưa.

Tuy nhiên, các dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn và thủ tục đầu tư. Cụ thể, dự án kênh A41 và mương Nhật Bản nhánh 2 vẫn đang triển khai công tác bồi thường, dự kiến đến quý IV-2019 mới xong.

Với dự án kênh Hy Vọng, từ năm 2013, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt phương án cải tạo là kênh hở toàn tuyến kết hợp làm đường giao thông với tổng số vốn là 427 tỷ đồng. 

Đến năm 2016, dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP Hồ Chí Minh được phê duyệt, trong đó có hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng. Dự án này được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn. Thế nhưng, đến tháng 6-2017, nguồn vốn bị cắt do Ngân hàng Thế giới kết thúc tài trợ. 

Sau đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước tìm nguồn vốn khác để thực hiện dự án… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao chính thức ranh giới thực hiện dự án và UBND quận Tân Bình vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Còn tại dự án kênh Tân Trụ đến nay vẫn chưa thể thi công. Theo ông Hứa Quốc Hưng,  Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước đang trình Sở Giao thông Vận tải ranh giới thu hồi đất, sau khi được phê duyệt thì UBND quận Tân Bình sẽ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đối với kênh A41 là một trong ba hướng thoát nước chính của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Tân Bình làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 139 tỷ đồng. Dự kiến dự án hoàn thành năm 2019. Và tháng 4 vừa qua, UBND quận Tân Bình đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường đơn giá đất tính bồi thường, hỗ trợ.

Ngoài ra, dự án cải tạo mương Nhật Bản nhánh 2 hiện cũng đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định đơn giá T1. Do đó, đến nay vẫn chưa có cơ sở niêm yết đơn giá bồi thường và chính sách bồi thường, hỗ trợ lấy ý kiến người dân theo quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh trao đổi với các đơn vị tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án kênh A41.

Cần sớm khai thông chính sách

Theo lãnh đạo UBND quận Tân Bình, ngoài các dự án thoát nước chậm tiến độ kể trên, việc quản lý hệ thống thoát nước bên trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cũng gặp nhiều khó khăn do trong sân bay đang có 10 đơn vị khai thác, mỗi đơn vị lại xây dựng một hệ thống thoát nước riêng, không kết nối với nhau nên hệ thống thoát nước bên trong sân bay không đồng bộ.

Ngoài ra, khi cải tạo hệ thống thoát nước thì các đơn vị này không phối hợp với địa phương, cán bộ UBND quận Tân Bình cũng không thể vào bên trong kiểm tra nên cao độ hệ thống thoát nước giữa bên trong và bên ngoài sân bay bị chênh lệch. Theo đó, chính vì hệ thống cống trong sân bay thấp trong khi địa hình sân bay lại cao hơn bên ngoài khiến nước chảy ngược từ bên ngoài vào gây ngập mỗi khi có mưa lớn.

Dù vậy, để đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo các tuyến kênh mương, UBND quận Tân Bình đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 24 quận, huyện làm cơ sở triển khai các dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu ban hành quyết định giao vốn đầu tư công năm 2019 làm cơ sở triển khai các dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thẩm định đơn giá để tổ chức lấy ý kiến người dân theo quy định.

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, việc chống ngập cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là vấn đề an ninh, an toàn hàng không, là dự án trọng điểm của thành phố, việc cải tạo các tuyến kênh mương trên địa bàn đóng vai trò quan trọng trong việc thoát nước, giảm ngập cho sân bay này. 

Do đó, UBND quận Tân Bình cần nắm chung các dự án về chống ngập nước trên địa bàn; kiểm tra chặt chẽ tình hình pháp lý của từng dự án để tránh xảy ra tình trạng khiếu nại của người dân khi triển khai; đồng thời chuẩn bị nhà đất phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án…

Lữ Phạm
.
.
.