Vì sao dự án Thảo Cầm Viên mới sau 14 năm vẫn là khu đất hoang?

Thứ Tư, 26/06/2019, 16:43
14 năm qua, dự án Thảo Cầm Viên mới Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi, TP HCM) với quy mô được phê duyệt là 845ha, với 705 hộ dân có nhà, đất bị ảnh hưởng, thu hồi… gần như bỏ hoang. Đây chính nguyên nhân chính cộng với việc áp giá đền bù đất có nhiều bất cập dẫn đến chuyện bức xúc của một số người dân có đất bị thu hồi.


Thanh tra Chính phủ vừa công bố Kết luận thanh tra đã cho thấy trách nhiệm và không ít sai phạm của các sở, ban, ngành TP HCM liên quan đến quá trình thực hiện dự án này…

Dù công bố Kết luận thanh tra nhưng người dân vẫn bức xúc

Ngày 21-6, Thanh tra Chính phủ đã ra Thông báo Kết luận thanh tra số 1007/TB-TTCP về thanh tra toàn diện dự án Thảo Cầm Viên mới (Công viên Sài Gòn Safari) tại huyện Củ Chi, TP HCM. Kết luận thanh tra đã chỉ ra trách nhiệm của các sở, ban, ngành thành phố liên quan đến quá trình thực hiện dự án này. Đồng thời, những kiến nghị xử lý sai phạm tại dự án này của Thanh tra Chính phủ đã được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý, yêu cầu UBND TP HCM tổ chức thực hiện.

Đặc biệt trong phần kiến nghị của Thanh tra, có nội dung quan trọng là thành phố phải tập trung rà soát, đối thoại để giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân có liên quan đến dự án.

Ngày 22-6-2019, chúng tôi có mặt tại khu vực quy hoạch làm Công viên Sài Gòn Safari ở điểm giáp ranh giữa hai xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây để ghi nhận thực tế tình hình tại đây. Có thể thấy khá rõ, dù đã được cắm mốc lộ giới và đã giăng hàng rào kẽm gai nhưng đa số là đất để không, cỏ mọc um tùm hoặc có những phần đất được trồng hoa màu ngắn ngày, trồng cỏ của người dân tranh thủ tận dụng canh tác thêm.

Ngoài ra, nơi đây cũng trở thành khu nuôi nhốt trâu, bò của nhiều hộ dân trong khu vực… Một vài căn nhà tồn tại trong tình trạng bị phá dở dang vì đã giải tỏa…

Vừa chỉ vào phần đất bằng phẳng và đang được đầu tư trồng hoa màu khá bài bản của mình với các luống đất được phủ nylon và có cọc để cây có dây leo lên, ông Đoàn Văn Xuân, người dân xã An Nhơn Tây, cho biết đây là phần đất của gia đình ông (tổng cộng khoảng 1,5ha) vốn nằm trong giới hạn dự án và đã có quyết định thu hồi, đền bù nhưng đến nay sau 14 năm gia đình ông vẫn chưa đồng ý nhận tiền đền bù vì cho rằng không hợp lý.

“Dù đã có quyết định thu hồi nhưng tôi xin được tiếp tục canh tác trồng cây ngắn ngày chứ để hoang thì quá lãng phí. Trong khi gia đình tôi lại không còn bao nhiêu đất sau khi bị thu hồi cho dự án này”, ông Đoàn Văn Xuân giãi bày.

Tại buổi công bố Kết luận thanh tra, hàng trăm hộ dân khiếu nại tham dự và nêu nhiều ý kiến.

Lý giải về nguyên nhân đến giờ vẫn không nhận tiền đền bù, ông Đoàn Văn Xuân cho hay phần đất hiện tại ông tận dụng để trồng hoa màu chỉ được đền bù với giá 75 ngàn đồng/m², trong khi các miếng đất xung quanh hầu hết đều được đền bù với giá 150 ngàn đồng/m². Lý do là vì đất của ông được cho là đất ngoài khu dân cư, đất không có nhà.

“Tôi bức xúc vì cùng một khu vực, mà các hộ được nhận tiền đền bù khác nhau. Nhất là việc áp giá đất gò tự nhiên trong khu dân cư và ngoài khu dân cư, nhưng đáng nói là thời điểm công bố quy hoạch - 2014, ở huyện Củ Chi - hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng chưa hề có công bố quy hoạch, khu nào là khu dân cư, khu nào là ngoài khu dân cư, nhưng khi đền bù họ vẫn dùng khái niệm trong dân cư và ngoài dân cư để trả tiền đền bù. Tôi thấy quá vô lý nên từ thời điểm năm 2005, tôi đã không nhận tiền đền bù và khiếu nại từ đó đến nay”, ông Đoàn Văn Xuân cho biết.

Ông Xuân cho biết, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra, nhiều người dân đã bày tỏ mong muốn được đối thoại, làm rõ thêm nội dung khiếu nại, tố cáo từ nhiều năm qua. 

Ông Đoàn Văn Xuân thẳng thắn nêu ý kiến nhiều người dân chưa đồng tình với nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, đề nghị thanh tra lại, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Ngoài ra, người dân mong mỏi được đối thoại với Chủ tịch UBND TP HCM để tìm sự đồng thuận chứ không phải là lãnh đạo UBND huyện Củ Chi hiện nay, vì vụ việc trải qua nhiều nhiệm kỳ trước.

“Kết luận thanh tra đó, tôi cho là chưa toàn diện vì tôi thấy họ không đến xác minh thực tế đất như thế nào, và họ cũng không tới gặp những người dân đang khiếu nại để nghe ý kiến của những người đó. Đến giờ chúng tôi vẫn không biết đất của chúng tôi có phải nằm tất cả trong phạm vi dự án hay không vì chúng tôi chưa được xem bản đồ quy hoạch tổng thể của dự án này. 

Nhất là hôm công bố Kết luận thanh tra (14-6), sau khi đọc kết luận đến phần ý kiến người dân thì những người có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo huyện Củ Chi đều đứng dậy bỏ đi mà không hề nghe ý kiến nào của người dân cả…”, ông Đoàn Văn Xuân phản ánh.

Cùng ý kiến, anh Mai Tấn Luật, ngụ xã Phú Mỹ Hưng, cho biết gia đình mình có 3.425m² đất bị thu hồi và được áp giá đền bù 75 ngàn đồng/m². “Đất nhà tôi là đất gò vườn nhưng họ lại áp giá với đất ruộng, đã gây thiệt hại lớn cho gia đình tôi”, anh Mai Tấn Luật nói.

Trong khi đó, bà Trần Thị Dung, nhà ở ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ Hưng, có diện tích đất bị thu hồi 1,1ha cũng được đền bù với giá 75 ngàn đồng/m². “Thật vô lý vì khu đất chung một bằng khoán, chung một ranh đất gò tự nhiên mà đền bù nhà tôi với giá đó đã gây thiệt hại một nửa tiền”, bà Trần Thị Dung bức xúc. 

Bà cũng cho biết thêm là trước đó sau khi chồng bà bị bệnh tai biến, bà phải bán đi 2.000m² đất ruộng. Nhưng cũng chính miếng đất đó, người mua đã được đền bù với giá 150 ngàn đồng/m² trong khi miếng đất còn lại của bà ngay bên cạnh lại chỉ được trả 75 ngàn đồng/m²…

Ngoài những ý kiến kể trên, thực tế vẫn còn không ít người dân đến giờ vẫn đang khiếu nại xung quanh việc đền bù trong dự án này.

Nhiều khu đất để hoang của dự án Thảo Cầm Viên mới.

14 năm chưa xong  giải phóng mặt bằng

Kết luận thanh tra nêu rõ dự án Sài Gòn Safaricó diện tích hơn 485ha, trong đó diện tích phải thu hồi rất rộng (456,85ha). Dự án được cấp phép từ năm 2004, là dự án trong lĩnh vực văn hóa du lịch nhưng UBND TP HCM chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định. 

UBND TP HCM giao cho Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án trong khi đơn vị này không đủ năng lực triển khai thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến dự án chưa triển khai được, kéo dài nhiều năm. Kết luận thanh tra xác định trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM giai đoạn từ 2001 - 2006.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kéo dài của dự án này thì Thanh tra Chính phủ xác định có nguyên nhân chủ quan là do các cơ quan chức năng của TP HCM chưa cố gắng tìm giải pháp phù hợp để báo cáo xin chỉ đạo của Thủ tướng.

Đặc biệt, về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, Thanh tra Chính phủ xác định, phương án giá đưa ra có một số nội dung không phù hợp quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm đó, cũng như việc áp giá đền bù chưa phù hợp làm phát sinh chi phí đền bù tăng 104,7 tỷ đồng.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra 705 hồ sơ đền bù thì có đến 578 hồ sơ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất trồng cây hàng năm (màu, lúa màu) hoặc đất trồng cây lâu năm (màu, vườn, thổ vườn). Tuy nhiên, huyện đã áp giá “đất vườn gò trong khu dân cư”, với đơn giá 150 ngàn đồng/m², cao gấp đôi đất trồng cây hàng năm. Việc này khiến số tiền phải chi tăng thêm hơn 104,7 tỷ đồng.

Đáng nói là số tiền này đã được chi trả đủ cho 689/705 hộ dân, diện tích hơn 419 ha, tương đương 98,8%. Đến nay còn 16 hộ chưa nhận bồi thường, chưa giao đất, còn khiếu nại, diện tích 9,65ha chưa thu hồi được, tương đương 2,2%.

Qua thanh tra về số tiền đền bù này dù chưa phát hiện có dấu hiệu vụ lợi, nhưng Thanh tra Chính phủ cho rằng cần phải kiểm điểm một cách nghiêm khắc. Tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đại diện các bộ ngành trung ương đều thống nhất không thu hồi lại từ người dân, nhưng UBND TP HCM phải cân đối nguồn vốn từ ngân sách để chi trả, hỗ trợ.

Ông Đoàn Văn Xuân và khu đất đang tận dụng trồng hoa màu của mình.

Chính vì sự bất hợp lý này đã khiến người dân có nhiều ý kiến tại buổi công bố Kết luận thanh tra. Theo đó, một số hộ dân cho rằng trong 705 hộ dân bị thu hồi đất mà có tới gần 600 hộ được chi sai. Đây là con số quá lớn, cần xem xét lại vì dù gì số tiền đó cũng là tiền thuế của dân, phải được sử dụng đúng và công bằng.

Trong những năm qua, nhiều hộ dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án đã liên tục khiếu nại, kiến nghị. Thanh tra Chính phủ xác định nguyên nhân cơ bản dẫn đến khiếu kiện hiện nay là do kể từ khi thu hồi đất đến nay đã gần 14 năm, nhưng dự án chưa triển khai xây dựng và có sự so bì về tiền đền bù giữa các hộ dân có đất bị thu hồi như nêu trên.

Một vấn đề quan trọng liên quan đến dự án này là việc phải khẩn trương xây dựng khu tái định cư để bố trí nơi ở cho những hộ dân đã đăng ký tái định cư. Nội dung này là một trong những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ để Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP HCM thực hiện. Hiện nay, dù đã có mặt bằng và nguồn vốn nhưng khu tái định cư vẫn chưa được xây dựng. Thực tế, dự án này có hơn 300 hộ dân thuộc diện tái định cư. 

Các hộ dân tự thu xếp nơi tạm cư thì được hỗ trợ mức 120 ngàn đồng/người/tháng hoặc 500 ngàn đồng/tháng với hộ có 5 nhân khẩu trở lên. Theo quy định, khu tái định cư phải được thực hiện đồng thời với giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Xuân và một số hộ dân khác, nhiều năm qua người dân không được sắp xếp tạm cư hoặc chi một đồng nào tiền tạm cư.

Theo Kết luận thanh tra, trong thời gian chưa xây dựng xong khu tái định cư thì UBND TP HCM cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ này, đồng thời chỉ đạo UBND huyện Củ Chi và Công ty Thảo Cầm Viên Sài Gòn có phương án, biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.

Phú Lữ
.
.
.