Vì sao xăng dầu không giảm giá?

Thứ Ba, 22/11/2011, 11:15

Ngày 25/10, Bộ Tài chính đã ra một thông cáo về việc tại sao xăng dầu thế giới giảm mà trong nước thì không? Ngoài điểm mới là Bộ lần đầu tiên ra thông cáo cho biết lý do vì sao chưa giảm giá, thì câu hỏi này vốn rất quen thuộc, và câu trả lời cũng quen thuộc không kém.

Thực tế này khiến nhiều người hiểu rằng: cuộc cách mạng trong việc điều hành xăng dầu, bước một bước dài từ "nhá nhem" sang hẳn vùng ánh sáng minh bạch, mà họ tưởng là đã, hóa ra vẫn chưa chính thức diễn ra.

Nghiêm, nhưng chưa nghiêm cho... trót?!

Tại thông cáo này, Bộ Tài chính cho biết dù hiện nay có một số thông tin cho rằng giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm; vì vậy cần xem xét điều chỉnh giảm giá trong nước, tuy nhiên căn cứ theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ, thì hiện chưa thể giảm giá. Theo tính toán, khi chưa cắt 1 đồng lãi nào cho doanh nghiệp (DN), xăng vẫn lỗ 287 đồng, dầu diesel lãi 318 đồng, dầu hỏa lãi 244 đồng và dầu mazut lãi 81 đồng.

Nếu cắt đủ lợi nhuận định mức là 300 đồng cho DN, thì mặt hàng nào cũng lỗ, chỉ trừ diesel còn lãi được 18 đồng. Bởi vậy, Bộ Tài chính cho biết không thể giảm giá xăng dầu, và "thông tin giảm giá trong tình hình hiện nay đã không phản ánh đúng, đầy đủ bản chất của sự việc, gây hiểu lầm đối với bạn đọc và người dân".

Dù vậy, không phải vô cớ mà dư luận bỗng dưng sinh ra. Nó có nguyên nhân từ việc cả giá dầu thô trên thị trường thế giới và giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore trong nửa đầu tháng 10 đều có tín hiệu giảm. Nếu nói về tính thời điểm, trong tháng có những ngày dầu thô chỉ còn 75,67 USD/thùng  - mức thấp nhất kể từ tháng 10/2010 đến nay (ngày 4/10), và giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore là 113,85 USD/thùng, giảm trên 8 USD so với ngày 26/8 (thời điểm Bộ Tài chính quyết định giảm 500 đồng/lít đối với xăng và 300 đồng/lít đối với dầu diesel).

Theo tính toán giá cơ sở ngay tại thời điểm đó, DN đang lãi khoảng 960 đồng/lít xăng. Nếu xét dài hơi hơn, thì bản tin thị trường của chính Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: Bình quân nửa đầu tháng 10, giá xăng RON 92 là 118,85 USD/thùng, giảm 4,54%; dầu hỏa là 119,46 USD/thùng, giảm 4,6%; dầu DO là 119,11 USD/thùng, giảm 5,68%... Người dân kêu không phải không có lý. Vậy tại sao không giảm giá được?

Câu trả lời vẫn muôn thuở là do tính bình quân 30 ngày DN vẫn đang lỗ. Sau cuộc hội nghị lớn nhất, gay gắt nhất, nhiều hành động nhất từ trước đến nay về xăng dầu diễn ra vào ngày 20/9, ai đó kỳ vọng vào cái gì mới mẻ hẳn sẽ thấy buồn, vì hóa ra cách tính giá cơ sở vẫn cũ, cách giải thích cũng cũ và tất nhiên kết quả chẳng thể mới.

Nhìn từ sự kiện này, bỗng dưng hành động được ca ngợi của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, ngòi nổ cho cuộc tranh cãi gay gắt sau đó - quyết định giảm giá xăng dầu vào ngày 26/8 trở nên... khó hiểu. Bởi nếu căn cứ vào giá cơ sở, thì thời điểm đó cũng chẳng đủ cơ sở để mà giảm giá. Cụ thể, Petrolimex cho biết lúc đó họ chỉ lãi 122 đồng/lít xăng, dầu diesel lãi cao hơn là 441 đồng/lít, trong khi Bộ Tài chính lại quyết định giảm giá xăng đến 500 đồng, còn dầu lại chỉ giảm có 300 đồng?!

Nếu không căn cứ vào giá này, như ngày 20/9, chính Bộ trưởng Vương Đình Huệ đã "bóc trần" DN bằng cách cho biết, tính toán theo số liệu cập nhật của Hải quan, DN đang lãi đến 1.080 đồng/lít xăng, cao gấp 8,85 lần con số mà họ công bố, khiến Bộ có căn cứ vững vàng mà quyết định giảm giá; thì không hiểu tại sao hiện cách tính đó lại không được áp dụng? Không lẽ, Hải quan sai hay Bộ trưởng đôi khi cũng... chưa đúng?

Đã "bắt bệnh", cần "trị bệnh"

Về điều này, nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra rằng chu kỳ 30 ngày là bất hợp lý, khiến giá xăng dầu trong nước bị lỗi thời và lệch pha với giá thế giới. Minh chứng là lần điều chỉnh giảm giá trong nước gần đây nhất vào ngày 10-10 đối với dầu diesel và dầu hỏa lại trớ trêu trùng vào thời giá dầu thô thế giới tăng cao. 1 tuần trước đó giá thế giới xuống thấp thì trong nước lại chưa đủ điều kiện giảm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cùng một số chuyên gia khác đều cho rằng nên quay lại tinh thần của Nghị định 84, điều chỉnh giá theo chu kỳ 10 ngày.

Sau cuộc hội thảo ngày 20/9, những "căn bệnh" của thị trường xăng dầu vốn được biết đến từ trước, và thậm chí những gì chưa được biết cũng hé lộ phần nào. Đó là vấn đề độc quyền, đó là sự thiếu minh bạch thông tin. Và đáng buồn hơn, đó là cơ chế và những văn bản điều hành thiếu rõ ràng. Trong mắt người dân, DN hiện lên trong một hình hài không đẹp về sự nhập nhèm lỗ - lãi. Tuy nhiên, sẽ là quá lãng mạn nếu đặt kỳ vọng DN sẽ ngày nào đó phản bội lại bản chất tìm kiếm lợi nhuận của mình. Bởi vậy mới cần đến Nhà nước, với những "vòng kim cô" kiềm tỏa.

Để DN chơi trong cuộc chơi mình đặt ra luật, mình làm giám sát trận đấu, mình làm trọng tài mà cuối cùng thủng lưới, lại phải nọc DN ra hỏi "chú lừa anh cách nào", thì lỗi thuộc về ai? Nhà nước có Hải quan, Kiểm toán, Quản lý thị trường... để giám sát hoạt động của DN, nhưng các cuộc thanh, kiểm tra chưa từng công bố được 1 vi phạm cụ thể nào. Đến như năm ngoái, Bộ Tài chính kết luận rằng Petrolimex sử dụng sai 1.200 tỷ đồng quĩ bình ổn xăng dầu, nhưng DN kiên quyết không nhận và Bộ cũng đành thôi. Kết quả kiểm toán quĩ bình ổn xăng dầu năm 2009 - 2010 cũng cho thấy, DN có ông trích thừa, ông trích thiếu quĩ bình ổn nhặng xị, nhưng chả xử lý được vì hóa ra lỗi lại thuộc về cái ông ra văn bản.

Cụ thể, năm 2009, 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trích thừa gần 36 tỷ  đồng, trong đó Petrolimex trích thiếu 108 triệu đồng, Saigon Petro trích thừa 8,050 tỷ đồng, Petro Mekong trích thừa 52,393 tỷ đồng, PMT trích thiếu 10,085 tỷ đồng, Petec trích thiếu 14,277 tỷ đồng.

Sang năm 2010, các DN lại trích thiếu mất hơn  22 tỷ đồng, trong đó Petrolimex trích thiếu hơn 27 tỷ đồng, PV oil trích thiếu 3,83 tỷ đồng, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội trích thiếu 3,301 tỷ đồng, Petec trích thừa 10,320 tỷ đồng, PMT trích thừa 1,886 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không trích thiếu 83 triệu đồng. Kiểm toán kết luận, các DN đã làm theo các Thông tư và Công văn hướng dẫn, tuy nhiên một số văn bản hướng dẫn của Tổ Giám sát liên Bộ không rõ ràng, cụ thể, làm cho một số DN không hiểu đúng tinh thần của văn bản, nên đã trích sai so với qui định.

Tìm thuốc vá lỗ thủng điều hành xăng dầu

Cách tính giá cơ sở là Bộ Tài chính đề ra để làm cơ sở điều hành giá, nhưng chính Bộ Tài chính lại không điều hành theo giá này. Rồi sau đó lại còn phát sinh "giá thực" của DN, thế hóa ra giá cơ sở là giá "giả"? Nói ra những điều này để thấy rằng, cốt lõi của vấn đề chính là cách điều hành. Sửa đổi nó làm sao cho đúng, cho trúng là vấn đề của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã từng đanh thép tuyên bố rằng: Nếu cần công bố sai phạm, ông sẽ công bố. Ông cũng đã hành động quyết liệt bằng cách lập tức cử 3 đoàn công tác kiểm tra các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối và sẽ công khai kết quả.

Ông cũng đã khẳng định thiếu và nhiễu loạn thông tin sẽ "giết chết" các quyết định quản lý, nên sẽ yêu cầu Tổng cục Hải quan cung cấp giá nhập thực tế của từng đầu mối xăng dầu từ đầu năm đến nay. Hải quan sẽ phải 10 ngày cập nhật giá 1 lần, 30 ngày thì báo cáo trực tiếp cho Bộ trưởng. Bằng việc chủ trì hội thảo ngày 20-9 ông cũng cho thấy quyết tâm tìm "thuốc" vá những lỗ hổng điều hành xăng dầu - mặt hàng "nóng" nhất nhì hiện nay. Vấn đề người dân chờ đợi là kết quả hi vọng sẽ có trong thời gian gần, để không phải suốt ngày đặt đi đặt lại những câu hỏi cũ.  

Vài vấn đề bất hợp lý của văn bản điều hành theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước:

- Công văn 156/CQLG-TLSX ngày 14/7/2009 "Về việc điều hành các giải pháp tài chính và giá xăng, dầu hiện nay" của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính tại điểm 2 có ghi: "Thực hiện trích Quỹ BOG đối với những chủng loại xăng, dầu khi có điều kiện (có lãi) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi giá thế giới tăng trở lại". Một số DN căn cứ vào công văn này để triển khai thực hiện trích lập quĩ khi có lãi và không trích lập khi kinh doanh lỗ. Sau đó, tổ giám sát lại có tiếp 2 công văn khác vào ngày 15/12/2009 và 10/11/2010 chỉ đạo các DN trích lập theo thông tư 234, tức là lỗ cũng trích, làm DN lúng túng.

- Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính tại điều 2 qui định: Thông tư này không áp dụng đối với: Thương nhân được phép nhập khẩu, sản xuất và pha chế các loại xăng dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không bán ra thị trường theo qui định của pháp luật...", thực chất hướng dẫn này chỉ không cho phép trích và sử dụng quĩ bình ổn đối với lượng xăng dầu là nguyên liệu đầu vào để sản xuất xăng dầu thành phẩm. Còn đối với lượng xăng dầu thành phẩm bán cho các hoạt động khác của một DN vẫn được trích và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu.

Công thức tính giá cơ sở hiện nay: Thuế nhập khẩu xăng, mazút 0%; dầu hoả, diedel 5%; thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT 10%; trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít; chi phí lưu thông bán lẻ đối với xăng, diesel, dầu hoả là 600 đồng/lít; chi phí lưu thông bán buôn đối với mazút là 400 đồng/kg; lợi nhuận định mức tối đa là 300 đồng/lít/kg; phí xăng dầu theo quy định hiện hành (1.000 đồng/lít).

TS Nguyễn Minh Phong, PGS. TS Ngô Trí Long, TSKH Nguyễn Thị Hiền.

TS Nguyễn Minh Phong: Cần xác lập lại giá cơ sở. Cách tính hiện giờ rất rối rắm, mâu thuẫn và không tường minh. Giá cơ sở phải là giá tối thiểu, chi phí khách quan hoàn toàn, không nên bao gồm cả lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Cần chia làm 3 loại: giá gốc, phần thu của DN, phần của Nhà nước rất rõ ràng để ai cũng có thể nhìn thấy và hiểu được.

PGS. TS Ngô Trí Long: Cần nghiên cứu lại nguồn hình thành và cơ chế quản lý quĩ bình ổn xăng dầu. Như hiện tại là không công bằng cho lắm. Tại sao chỉ có người dân góp, mà DN không góp 1 phần? Thêm nữa "tiền trong nhà phải để chửa, ra ngoài cửa phải để đẻ", lợi nhuận từ hàng nghìn tỷ mà DN trích quĩ hiện ở đâu?

TSKH Nguyễn Thị Hiền: Kiểm toán có phải lúc nào cũng làm được đâu. Muốn kiểm toán, Chính phủ phải bỏ tiền, phải có chuyên gia. Vậy nên đưa ra cơ chế để đỡ phải tốn công kiểm tra, kiểm soát. Chính phủ cứ phải có một bộ phận đi kè kè để dắt tay chỉ lối là không nên.

Kết luận của Kiểm toán Nhà nước: Quỹ bình ổn vẫn còn tồn tại một số nhược điểm như dễ phát sinh rủi ro, không tách được số lãi do số dư Quỹ BOG khi chưa sử dụng mang lại. Bên cạnh đó, việc để quỹ tại doanh nghiệp có những hạn chế về tính minh bạch, dễ bị doanh nghiệp lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác, rủi ro đối với quỹ cao mà không có biện pháp phòng ngừa.

Vũ Hân
.
.
.