Vì sự an toàn cho từng bữa ăn

Thứ Ba, 09/08/2016, 14:58
Kể lại chuyên án triệt phá cơ sở bơm nước bẩn vào thịt gia súc sau giết mổ tại xã Thượng Lâm, Đô Lương, Nghệ An, Trung tá Nguyễn Viết Nhi nói không khi anh nào quên cái cảm giác bị vây hãm giữa đám đông thợ mổ lăm lăm dao phóng trên tay, tìm cách "đánh tháo" tang vật.


"Đoạn trường" ai tỏ

Không nhiều người biết rằng, dù vắng tiếng súng và những cuộc đánh bắt, rượt đuổi gay cấn như ở các đơn vị điều tra hình sự hoặc bài trừ ma túy, nhưng hành trình lần tìm ra những cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng đầy kịch tính, gian truân, thậm chí hiểm nguy không kém. Bởi để xử lý được hành vi này, cần phải có đầy đủ nhân chứng, vật chứng.

Nghĩa là phải bắt quả tang ngay tại trận hành vi sử dụng chất cấm, chất độc hại… trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Tấn công bất ngờ vào các cơ sở sản xuất, lúc hành vi phạm tội đang diễn ra, người lính đứng trước nguy cơ bị chống trả quyết liệt của chủ nhà, để "phi tang" vật chứng, cản trở việc làm rõ sự thật.

Kể lại chuyên án triệt phá cơ sở bơm nước bẩn vào thịt gia súc sau giết mổ tại xã Thượng Lâm, Đô Lương, Nghệ An, Trung tá Nguyễn Viết Nhi nói không khi anh nào quên cái cảm giác bị vây hãm giữa đám đông thợ mổ lăm lăm dao phóng trên tay, tìm cách "đánh tháo" tang vật.

Anh kể: "Qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát Phòng PC49- Công an tỉnh Nghệ An nắm được thông tin về việc cơ sở giết mổ bò này thường xuyên bơm nước bẩn vào thịt để tăng trọng lượng.

Cách làm của chúng thật khó hình dung nổi: sau khi đập chết con bò, thợ mổ cắt tiết, hút máu, sau đó dùng máy bơm gí vòi xuống ao hút nước để bơm đẩy vào động mạch và phủ tạng con vật. Bằng cách này, trọng lượng mỗi con tăng thêm từ 10 - 30kg.

Bí mật xác minh, lấy mẫu nước xét nghiệm, kết quả cho thấy nguồn nước ao này có kim loại nặng và có dư lượng chất bảo vệ thực vật. Đây là tác nhân gây ra nhiều chứng bệnh nan y. Xét thấy cần thiết phải kịp thời ngăn chặn hành vi nguy hiểm này, Phòng PC49 đã lập án đấu tranh.

Để thu thập bằng chứng, hàng chục trinh sát của đơn vị phải "ém" cả ngày trời ở cánh đồng gần khu lò mổ, hay giấu mình trên mái tôn ở những ngôi nhà cao tầng gần đó để quay camera, ghi hình hoạt động của chúng. Qua khảo sát thấy đám "đồ điếu" ở lò mổ này khá đông và hung tợn, nên chúng tôi chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện khi phá án.

Rạng sáng hôm đó, "căn" đúng thời gian các đối tượng đang bơm nước bẩn vào con bò vừa giết mổ, các trinh sát đồng loạt ập vào lò mổ này. Phát hiện bị Công an tập kích, đám thợ mổ hung hãn cầm dao xô đến ngăn cản việc tiếp cận hiện trường, tổ công tác đã cương quyết vô hiệu hóa mọi sự kháng cự của chúng.

Kết quả đã thu giữ tại chỗ toàn bộ công cụ phương tiện vi phạm cùng xác con vật vừa bị ngả thịt đã bị bơm nước bẩn. Sự việc đã được lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật"

Quyết chiến với thực phẩm bẩn

Có lẽ, ít có lực lượng nào mà ý nghĩa xã hội của những chiến công lớn như Cảnh sát môi trường, vì đối tượng đấu tranh của họ là những kẻ đang ngấm ngầm đầu độc xã hội, tàn phá từng ngày sức khỏe của người dân.

Tháng 4-2016, tôi về Nghệ An khi kết quả đấu tranh chuyên án với 2 cơ sở sản xuất chế biến măng tươi tại phường Đội Cung, TP Vinh của Phòng PC49 vừa được công bố.

Trong những ngày đó, thành Vinh như "nóng" hơn vì sự giận dữ, lo lắng của người dân khi chợt nhận ra lâu nay đã "nạp" vào người những chất độc hại chết người ẩn mình dưới vẻ vàng tươi óng ả của những sợi măng tươi bán tại các chợ.

Phòng PC49 Công an tỉnh Nghệ An triệt phá cơ sở sản xuất măng tươi độc hại.

Không sợ sao được, khi chứng kiến hàng chục tấn măng đã thiu thối đen ngòm, giòi bọ được những kẻ bất lương ngâm trong những thùng phuy hóa chất Trung Quốc chuyên dùng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, gỗ, sơn tường... để thành màu vàng bắt mắt.

Không sợ sao được khi chủ cơ sở khai chúng đã hoạt động từ 5 đến 15 năm nay, mỗi ngày bình quân 2 cơ sở này tuồn ra thị trường khoảng 2 tạ măng tươi được ngâm tẩm hóa chất.

Ước tính có hàng nghìn tấn măng độc hại đã "vào bụng" người dân trong những bữa ăn hàng ngày. Ngay khi thông tin được công bố, món măng lập tức biến mất trong thực đơn của các gia đình ở thành Vinh.

Được biết, đây là phần kết của một chuyên án dày công của CBCS Phòng PC49 Công an tỉnh Nghệ An.

Để phát hiện ra việc làm táng tận lương tâm này của các chủ cơ sở sản xuất, "lính môi trường" đã phải mất nhiều ngày tháng điều nghiên, triển khai hàng loạt biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu để nắm tình hình, thủ đoạn làm ăn gian lận của chúng, đảm bảo cho việc đã vào trận là phải bắt được quả tang ngay tại trận người cùng tang vật.

Từ lời khai của các đối tượng, trinh sát tiếp tục đột kích vào "bản doanh" chuyên cung cấp ra thị trường loại hóa chất "chết người" đó ở phường Lê Mao, TP Vinh.

Chỉ 2 ngày sau đó, Phòng PC49 Công an Nghệ An tiếp tục khám phá cơ sở sản xuất nước giấm ăn từ… a xít.

Ngày 7-4-2016, đơn vị chặn bắt xe tải mang BKS 37C-007.50 do tài xế Lê Văn Thanh (trú tại khối 11, phường Hà Huy Tập, TP Vinh) điều khiển, khi đang vận chuyển đi tiêu thụ 30 thùng carton, mỗi thùng chứa 24 chai nước dán nhãn mác giấm gạo Kim Quỳnh. Từ lời khai đối tượng, Phòng PC49 đã tổ chức "đánh bật tường", kiểm tra cơ sở sản xuất dấm ăn của bà Nguyễn Thị Kim (ở phường Vinh Tân, TP Vinh).

Tại đây đã phát hiện 146 thùng dán mác giấm gạo Kim Quỳnh đang cất trong kho; 3 chiếc can loại 20 lít có ghi nhãn acetic acid, trong đó 2 can đã sử dụng hết; hàng trăm chai nhựa loại 500ml và 1,5 lít; 2.700 tem nhãn giấm gạo Kim Quỳnh chưa sử dụng.  

Trung tá Nguyễn Viết Nhi chia sẻ: "Chỉ tính riêng quý 1/2016, đơn vị chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 29 vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề hết sức nóng bỏng hiện nay.

Nếu tình hình sản xuất, chế biến thực phẩm mất vệ sinh, an toàn không được kiểm soát kịp thời, hậu quả tác hại đối với xã hội là vô cùng lớn, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.

Trách nhiệm đấu tranh ngăn chặn những hành vi bất lương trong sản xuất kinh doanh mặt hàng thực phẩm đang đặt ra hết sức cấp bách. Chúng tôi mong muốn có sự đồng hành của toàn xã hội bên cạnh những người "lính môi trường", vì sự an toàn của từng bữa ăn trong mỗi gia đình Việt Nam".

Đào Trung Hiếu
.
.
.