Vị thế mới – cơ hội mới

Thứ Hai, 20/01/2020, 13:00
Lần đầu tiên Việt Nam vừa là Chủ tịch hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vừa là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Đây được xem là một "cơ hội kép" để nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên bình diện quốc tế và khu vực.


Gắn kết và chủ động thích ứng

Chiếc búa quyền lực của Chủ tịch ASEAN đã được Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-Ocha trân trọng trao cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35. Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN bắt đầu từ ngày 1-1-2020.

Đối với ASEAN, 2020 là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015-2025. Và Việt Nam đã nhanh chóng công bố chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng" cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, trên cương vị là tân Chủ tịch của Hiệp hội. 

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, chủ đề được đưa ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, sự gia tăng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. (Ảnh TTXVN)

Vì vậy, với chủ đề này, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm. 

Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…; nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Những ưu tiên chính sẽ được Việt Nam thúc đẩy trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm: Tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN. Những ưu tiên này được xây dựng trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây cũng như những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Dự kiến, Việt Nam sẽ chủ trì 300 hội nghị của ASEAN trong năm 2020, trong đó có 2 hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4 và tháng 11. Đồng thời Việt Nam cũng bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Cơ hội để lên tiếng và được lắng nghe

Đây là lần thứ hai Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Trước đó, nước ta từng ngồi ở vị trí này trong nhiệm kỳ 2 năm 2008-2009, với số phiếu bầu 183/190. Trong lần bỏ phiếu hồi tháng 6, Việt Nam giành được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của các nước, với tỷ lệ 192/193 phiếu. Theo giới chuyên gia, tỷ lệ này cho thấy Việt Nam đã có vị thế tốt hơn trong mắt bạn bè quốc tế.

Ngày 12-12, phái đoàn Việt Nam tại LHQ đã công bố 7 ưu tiên của nước ta trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, bao gồm: Ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo Điều 6 Hiến chương LHQ; cải tiến cách thức làm việc của HĐBA, tăng cường hợp tác giữa HĐBA và các tổ chức khu vực theo Điều 8 Hiến chương LHQ; vấn đề nhân đạo, bảo vệ thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống người dân tại các nơi xung đột; phụ nữ, hòa bình và an ninh, và trẻ em trong xung đột vũ trang; khắc phục hậu quả xung đột, bao gồm hiểm họa bom mìn còn sót lại sau xung đột; hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; tác động của biến đổi khí hậu tới hòa bình và an ninh. 

Ngoài ra, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại LHQ, cho biết các vấn đề quốc tế nổi bật khác như tiến trình tái thiết Syria, tình hình nhân quyền ở một số nước cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo của LHQ đều có trong mối quan tâm của Việt Nam.

Dù vậy, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức do cục diện thế giới đã thay đổi quá nhanh. Có những quan điểm đang làm suy yếu chủ nghĩa đa phương, thậm chí suy giảm những cam kết với LHQ. Do đó, khi tham gia HĐBA, Việt Nam phải tính toán kỹ để cùng các nước khác đề cao các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, đề cao luật pháp quốc tế và các giá trị lâu nay được LHQ gìn giữ.

Chiếc ghế ủy viên không thường trực tại HĐBA LHQ trong 2 năm được nhiều nhà quan sát tin rằng sẽ là cơ hội tốt cho Việt Nam lên tiếng bảo vệ quyền lợi của đất nước và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tháng 11, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung xác nhận Việt Nam đang xem xét sử dụng các cơ chế trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).

Trong năm nay Việt Nam sẽ vừa đảm đương chức vụ Chủ tịch ASEAN, vừa là thành viên không thường trực của HĐBA LHQ. Đây là cơ hội kép không dễ có được. Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn và được lắng nghe nhiều hơn khi vừa nắm giữ chiếc ghế Chủ tịch luân phiên của ASEAN, vừa là Ủy viên không thường trực của HĐBA LHQ. Đặc biệt, Việt Nam chính là Chủ tịch HĐBA LHQ trong tháng đầu tiên của năm mới.

Quang Long
.
.
.