Vì xe công là cái xe con…?

Thứ Tư, 12/04/2017, 07:44
Cái chuyện xe công cũng giống như chuyện nhà cửa, điện thoại, các “phí” khác, rốt cuộc cũng quy về mối gốc là theo “tiêu chuẩn, chế độ”. Có tiêu chuẩn chế độ rồi, cứ mặc sức xài, thua chị kém em lại tủi. Cách nghĩ vẫn như thời CCCP (các cụ cứ phá), có CCCP (Liên Xô) lo, bao bọc hết rồi.


Cái tiêu chuẩn, chế độ này ăn sâu, từ thời bao cấp vẫn còn sót lại. Chủ nhiệm HTX là có đài xách tay chạy pin, đeo mình đi đâu cũng phát ông ổng, oai hơn người. Nhìn cán bộ ưỡn ngực oai hùng là biết hạng nào. Vì “cán bộ to xách cà tạp đỏ, cán bộ nhỏ xách cà tạp đen, cán bộ lèm nhèm đeo xà cột vải”.

Tiêu chuẩn chế độ vẫn đeo bám sang thời chuyển đổi: thứ trưởng đi Lada, bộ trưởng mới được Volga đen. Chuyện vẫn tiếu lâm: nhìn qua cửa kính ôtô, cán bộ ngâm nga hỏi: Bầm ơi có rét không bầm, Volga con cưỡi nhà lầu con ngơi…

Tiến sang cơ chế thị trường, các tiêu chuẩn chế độ vẫn làm cái khung phân biệt. Cỡ nào được xe mấy chấm, loại gì, cỡ nào chỉ lèng phèng đung đưa.

“Phân cấp” được triển khai vào cuộc sống, thể hiện bằng hiện vật trước mắt thiên hạ. Chỉ cần nhìn xe đã biết quan cỡ nào. Xe công tới, xe to, lố nhố ngýời, hẳn là cán bộ lèm nhèm. Xe công mà xe con mới là quan.

Cách nghĩ quen thời nay xe công chỉ cái xe con, chứ loại to ai thèm. Vì cái tiêu chuẩn xe công này (và nhiều tiêu chuẩn hơn người khác) nên cũng có cách lách, sinh ra những hạng quan không có trong danh mục, như “hàm” vụ trưởng, “hàm” thứ trưởng, “hàm” bộ trưởng, “tương đương” lãnh đạo bộ… nghe cứ tưởng tượng “hàm cá mập”. Có “hàm” là có hưởng “tiêu chuẩn hàm”, chỉ kém “quan không hàm” chút đỉnh…

Có chế độ là có bàn tán, về tiêu chuẩn, chỉ tiêu, định mức thực hiện, ai được, ai không, được gì, thế nào… Văn bản hướng dẫn thi hành đủ hết, rõ ràng, cán bộ lương “mấy phết” trở lên được dùng loại nào, lãnh đạo doanh nghiệp trực thuộc, lương dưới “mấy phết” chỉ được mua loại nào…

Hiện có tới 30 cơ quan bộ, ngang bộ, tức 30 vị bộ trưởng.Mỗi cơ quan này, có tới 5-8 thứ trưởng, hàm thứ trưởng. 64 tỉnh thành, chủ tịch tỉnh có tiêu chuẩn ngang bộ trưởng. Mỗi tỉnh, trung bình 3-4 phó chủ tịch, hàm thứ trưởng. Xe mỗi người một chiếc là tiêu chuẩn, tùy nghi sử dụng.

Nhưng đến hết năm 2016, theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước có 34.211 ô tô công. Trong đó, có 864 ô tô phục vụ chức danh; 17.047 xe phục vụ chung; 16.883 xe chuyên dùng. Chi phí ngân sách "nuôi" xe hàng năm vào khoảng 320 triệu đồng/xe, gồm chi phí khấu hao, lương lái xe, xăng xe, bảo dưỡng, sửa chữa...

Cũng năm 2016, cả nước mua mới thêm khoảng 820 ô tô công, trong đó khoảng 600 xe chuyên dùng. Tổng số xe ô tô công cả nước hiện nay có nguyên giá trên 22.000 tỷ đồng, giá trị còn lại khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng.

Thấy con số thôi, cũng thấy to to. Một siêu dự án trọng điểm: Hồ Núi Cốc tại Thái Nguyên có giá 15.000 tỷ...

Xe công làm việc công nói làm gì, chỉ théc méc khi xe công đi việc riêng, đám cưới, đám giỗ, về quê, đưa con đón cháu… Giờ bắt đầu áp dụng khoán xe công, và nhiều chuyện còn tranh cãi. Nào mức 6,5 hay 9 triệu đồng một tháng, người bảo đủ, kẻ bảo thiếu. Nào khoán đưa đón từ nhà đến cơ quan, tính định mức… Nếu “khoán một cục” như nhau, vị bảo thiệt vì nhà xa, vị hưởng lợi hơn do nhà gần. Một ông thứ trưởng đi đầu trả xe công, nhận khoán đi taxi, được đưa tin như một sự kiện…

Nhân viên đi về, tự đi gì thì đi là chuyện thường và không phải ở đâu cũng có điều kiện cho khoản “xăng xe”. Vì tư duy đương nhiên: Làm việc là tính từ lúc có mặt trụ sở, cả về thời gian lẫn phương tiện.

Vậy sao lãnh đạo không tính như vậy, tức bỏ cái khoản đưa đón đi làm, xe công chỉ dành đi công tác?

Mỗi lần cán bộ thường đi công tác thì đi xe công to, phải làm giấy xin xe, có phê duyệt. Xe đi được ghi địa điểm đến, tính cây số, ghi rõ vào giấy giới thiệu và lái xe phải xin dấu nơi đến mới được thanh toán tiền xăng với cơ quan.

Còn sếp đi xe công con thì chẳng cần thủ tục. Vì tiêu chuẩn chế độ hơn thủ tục.

Ngày 1-3 vừa qua, 8 đơn vị đầu tiên của Hà Nội chính thức thí điểm khoán xe công với các chức danh lãnh đạo. Nhiều tỉnh khác cũng rục rịch làm theo, hy vọng các sếp sẽ ra sức thi đua, lập thành tích thành phong trào…

Thủ tướng chỉ đạo từ năm 2020, các bộ, địa phương giảm 30 - 50% số xe công. Và không chỉ xe công, sắp tới khoán cả điện thoại, nhà công vụ.

Dân chúng bàn tán thấy có nhiều cái lợi của việc khoán xe. Nhưng cái băn khoăn là quan chức không dùng xe công nữa, tài xế, xe sẽ làm gì?

Một giải pháp được đưa ra là lập các trung tâm xe công chung cho các cơ quan, làm việc theo cơ chế thị trường, cho thuê xe.

Cơ chế thị trường vẫn chưa đi vào hết ngõ ngách, cụ thể vẫn còn các tiêu chuẩn, chế độ riêng như thời bao cấp.Vào thời điểm chuyển đổi cơ chế, nhiều ý tưởng được đưa ra như bù tất cả các tiêu chuẩn này vào lương.

Thí dụ, cấp thứ trưởng, hàm thứ trưởng trở lên, trong lương đã bao gồm tiêu chuẩn xe rồi, cứ việc tự xử sao cho tiện. Thích taxi thì taxi, thuận xe ôm thì xe ôm, miễn sao được việc…

Nay có lẽ chỉ cần thêm, để bảo đảm an toàn, an ninh, có trung tâm taxi, xe ôm riêng, cần thì gọi, với giá rõ ràng và đúng tiêu chuẩn…

Hồng Nhiên Trà
.
.
.