Việc nhỏ, lẽ nào lại botay.com?

Chủ Nhật, 26/06/2016, 21:39
Ai đã từng đặt chân tới Hà Nội dù chỉ một lần, tôi tin chắc có một nơi họ sẽ tìm đến, đó là Hồ Tây. Hồ Tây đẹp mơ màng và huyền ảo, là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ. Hồ Tây luôn quyến rũ và hấp dẫn vào các mùa, các thời điểm trong ngày.

Đơn giản, đứng trước Hồ Tây, không chỉ là mây trời sóng nước mà người ta luôn thấy lòng mình dịu lại, nó gợi nhớ về một Hà Nội xưa cũ khi thành phố còn vắng hoe, tới những bóng nhỏ gò lưng đạp xe leo dốc Thanh Niên…

Minh họa của Lê Tâm

Hồ Tây nằm ở vị trí phía Tây Bắc trung tâm Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 550ha và chu vi là 18km. Ngày trước khi chưa cạp, hồ rộng lắm. Đứng ở đường Thanh Niên chỉ thấy mênh mông trời nước, không thể nhìn về phía đường Lạc Long Quân. Giờ cảm giác hồ như hẹp lại, rất nhiều công trình hiện đại đã được xây dựng ven hồ.

Hồ Tây không chỉ đẹp mà quanh hồ còn nhiều làng cổ truyền thống, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian. Làng Nghi Tàm, quê hương Bà Huyện Thanh Quan; làng Nhật Tân với nghề trồng hoa đào nổi tiếng; làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng oai hùng; làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh; làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền... Và đặc biệt là đền Quán Thánh ở góc đường Thanh Niên nổi tiếng trong và ngoài nước.

Sau khi được cạp lại, hồ mang một diện mạo mới, khang trang, hiện đại, văn minh. Nhưng có một thực tế đáng buồn là việc kinh doanh ăn uống trên các nhà nổi, du thuyền của hơn chục doanh nghiệp tồn tại nhiều năm nay đã gây ô nhiễm nặng tới mặt nước Hồ Tây.

Điển hình là khu vực đầu phố Thụy Khuê, khá nhiều nhà hàng kinh doanh tại đây nhưng nước thải không qua xử lý mà đổ thẳng xuống hồ. Vào mùa hè, mặt nước Hồ Tây đen đặc, bốc mùi nồng nặc, rác thải đọng kết thành mảng dạt vào gần bờ trông rất phản cảm.

Tình trạng trên đã khiến cho những người dân sống quanh đây vô cùng bức xúc vì đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hằng ngày của họ. Đơn từ khiếu nại được gửi tới các cấp, các ngành, đề nghị di dời số nhà nổi, du thuyền này tới một địa điểm khác.

Hơn chục năm qua, nhiều lần lắm, khó mà nhớ hết được chính quyền thành phố cùng các ngành hữu quan đã họp bàn, đưa ra bao nhiêu quyết định di dời những nhà hàng di động này. Song, tất cả chỉ mang tính hình thức bởi sau một thời gian án binh bất động, các nhà hàng lại quay về chốn cũ và hoạt động có phần đông vui, tấp nập hơn.

Gần đây nhất, thành phố lại ra quyết định yêu cầu các nhà nổi, du thuyền hạn cuối cùng là ngày 20-6 phải di dời tới địa điểm mới là khu vực Đầm Bảy (nằm trên phường Nhật Tân), nhưng không hiểu sao, chỉ có một vài nhà hàng đóng cửa, còn phần lớn các nhà hàng khác vẫn nhộn nhịp khách, nhất là vào buổi tối.

Nhiều chủ nhà hàng cho rằng, khu vực Đầm Bẩy vốn nằm khá xa và hẻo lánh. Mặt khác, các chủ kinh doanh cho biết do chưa được cung cấp vị trí xây cầu tàu nên họ gặp nhiều khó khăn trong việc di dời, đưa thuyền cập bến. Các lối đi bắc ngang Đầm Bẩy còn rất sơ sài, không có hàng rào bảo vệ và tuyệt nhiên không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc xây dựng cầu tàu...

Tóm lại là lại vướng mắc, lại trục trặc, quyết định đưa ra cho có mà không hề có kế hoạch cụ thể, đảm bảo lợi ích cho các chủ kinh doanh khi bến mới đi vào hoạt động và chắc chắn, người dân sống ở đây còn phải chịu khổ trong những ngày tiếp theo.

Tại nhiều nước phát triển, việc kinh doanh nhà hàng trên các du thuyền phục vụ khách du lịch cũng như người dân bản địa là rất phổ biến. Nó mang lại cho người ta một sự trải nghiệm thú vị khi vừa thưởng thức ẩm thực, vừa được dập dềnh trên sóng nước và tận hưởng những làn gió mát lành. Song, những nhà hàng này phải tuân thủ rất nhiều quy định mà quy định nghiêm ngặt nhất chính là không được làm ô nhiễm môi trường.

Còn chuyện nhà nổi, du thuyền trên hồ Tây của ta, so với rất nhiều việc lớn khác của T­hủ đô thì nó quá nhỏ. Chẳng lẽ việc nhỏ này tồn tại đã bao nhiêu năm và đến tận bây giờ vẫn trong tình trạng bó tay chấm com?

Tuấn Nguyễn
.
.
.